Tình trạng ô nhiễm rác thải tại các khu vực nông thôn, miền núi ngày càng báo động. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Trong thành phần chất thải sinh hoạt có khoảng 55 - 69% là chất hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp, rau, hoa quả…; 7-16% là chất thải có thể tái chế như nilon, giấy, nhựa, sắt vụn… được những người thu nhặt đồng nát thu gom; chất trơ khó phân hủy chiếm khoảng 12 - 36% chủ yếu là xỉ than, gạch vỡ…
Qua khảo sát thực tế của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 63/63 tỉnh, thành phố cho thấy, ở nhiều tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh.
Theo thống kê, khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản, song tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%.
Việc quá tải và yếu kém trong xử lý rác thải tại khu vực nông thôn, miền núi thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống. Đặc biệt, các chất thải nhựa khó phân hủy là mối nguy hại lớn tới môi trường. Đồng thời, nước thải từ các bãi rác lộ thiên ngày càng ứ đọng, ngấm sâu vào đất, nước ngầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe… gây bức xúc trong nhân dân.