Vạn nẻo lừa tình
Thủ đoạn người nước ngoài lừa tình, lừa tiền của những phụ nữ nhẹ dạ cả tin qua mạng xã hội không phải là mới. Kịch bản chung là các đối tượng sẽ giả danh là doanh nhân, quân nhân người nước ngoài, làm quen với phụ nữ Việt Nam. Sau đó dụ dỗ muốn tặng quà, tiền vàng, lôi kéo đầu tư hoặc nhờ giữ tiền giúp nhưng đề nghị những cô gái này phải đóng phí để nhận hàng. Phương thức mới hơn là nạn nhân tự chuyển tiền vào các sàn điện tử giả nhưng thực chất là chuyển vào ví của những đối tượng lừa đảo.
Qua các mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện như Facebook, Instagram, Skype, Tinder… các đối tượng người nước ngoài sẽ kết bạn, làm quen, tán tỉnh các phụ nữ theo cách rất am hiểu tâm lý phụ nữ. Đằng sau những mối quan hệ tưởng như là mối tình xuyên biên giới là chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.
Trường hợp một phụ nữ ở Hà Nội quen một người đàn ông qua Skype, tự xưng là lính Mỹ tại Syria. Sau một thời gian nhắn tin qua lại, hai bên nảy sinh tình cảm yêu đương. Người đàn ông nói rằng muốn xây dựng cuộc sống mới ở Việt Nam và gửi tiền, vàng cho bạn gái ở Việt Nam cất giữ. Sau đó có công ty vận chuyển gửi gmail thông báo có 1 bưu kiện cho người phụ nữ kia. Một tuần sau lại gửi lại email thông báo trong kiện hàng có vàng và tiền, và yêu cầu người nhận chuyển hơn 3000 USD để lấy được kiện hàng. Cũng may, cuối cùng người phụ nữ đã đủ tỉnh táo để biết được tiền và vàng là những hàng hóa đặc biệt không được phép gửi bằng các bưu kiện qua việc vận chuyển thông thường.
Một cô gái trẻ là mẹ đơn thân xin được giấu tên đã kể câu chuyện của chính mình: "Bạn trai quen qua mạng tự xưng là người Pháp, đang sống ở Trung Quốc, làm giám đốc một nhà máy điện năng lượng mặt trời. Trong suốt thời gian dài, 2 người chỉ trao đổi những câu chuyện thường về đời sống, công việc. Khi đã trở nên thân thiết, có tình cảm thì rủ tôi cùng đầu tư tăng thu nhập lo cho các con. Bạn trai đã hướng dẫn về các ứng dụng mua bán tiền ảo, rất nổi tiếng hiện nay của Bilance. Những lần đầu tư ban đầu số lượng tiền thấp thì sẽ chẳng vấn đề gì. Đến lúc phát hiện ra thì không thể rút tiền ra được. Khi đó tôi đã dốc sạch ví để đầu tư". Được biết 1 nhóm hơn 40 người bị hại đã kết nối với nhau để trình đơn lên cơ quan công an và tổng cộng số tiền bị lừa lên đến hàng chục tỷ đồng.
Các đối tượng đã lên kế hoạch hoàn hảo và kiên trì khiến những người phụ nữ nảy sinh tình cảm, tin tưởng. Tiền mất, tình tan rồi nhưng đáng buồn hơn là nhiều phụ nữ còn bị các đối tượng quay ngược lại để đe dọa, tống tiền. Những phụ nữ này còn bị đe dọa tống tiền bởi các đối tượng biết khả năng kinh tế và hoàn cảnh sống của nạn nhân. Nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân còn bị bạn trai qua mạng dùng chính hình ảnh nhạy cảm mà mình đã gửi để tống tiền. Dựa vào điểm yếu của phụ nữ, nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó lường đã được các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tài sản.
Tự bảo vệ bản thân khỏi nạn lừa đảo
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh: "Trước đây việc xử lý tội lừa đảo hay tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản trong các cái loại hình giao dịch này là khó. Bây giờ cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam đã có bước chuyển biến rất rõ rệt khi sử dụng cái tội sử dụng mạng công nghệ máy tính để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Và tội này hoàn toàn đầy đủ phù hợp với các hành vi chúng ta vừa nói. Và nó phù hợp cấu thành tội phạm mà khoa học pháp lý đã đề đặt ra".
Xác định đây là loại tội phạm mới gây nguy hiểm cho xã hội, Bộ Công an và các bộ ngành có liên quan đã xây dựng kế hoạch từ hoạt động tuyên truyền phòng ngừa đến công tác điều tra tội phạm.
Các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã thường xuyên trao đổi phối hợp thông tin và tổ chức công tác nắm tình hình, tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm và tổ chức điều tra. Tuy nhiên qua thực tế điều tra thấy một số khó khăn bất cập. Các đối tượng chủ mưu và đối tượng hưởng số tiền chiếm đoạt được luân chuyển cho các đối tượng nước ngoài, do đó vừa khó khăn trong công tác điều tra bắt giữ đối tượng, vừa khó khăn trong việc thu hồi tài sản đã bị thiệt hại.
Việc lên tiếng của mỗi nạn nhân nhằm mong muốn những người có tội sẽ phải bị xử lý đúng người đúng tội, chứ không hy vọng sẽ lấy lại được số tiền bị mất. Chính vì vậy, mỗi người cần phải chủ động bảo vệ bản thân khi giao tiếp với người lạ qua mạng. Các giấy tờ chứng minh, thậm chí là cuộc gọi video đều có thể làm giả, đặc biệt liên quan đến việc chuyển tiền hay đầu tư thì đều có thể là dấu hiệu của việc lừa đảo.
Theo một chuyên gia an ninh mạng thì người sử dụng mạng xã hội cần có được các kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trên môi trường ảo. Với người lạ trên mạng, không bao giờ được cung cấp các thông tin cá nhân, các thông tin nhạy cảm ví dụ mật khẩu hoặc các hình ảnh liên quan đến chứng minh thư, hộ chiếu, địa chỉ.
Luôn luôn cảnh giác với những người gửi đường link để kích vào và sau đó dụ dỗ đăng nhập vào những tài khoản liên quan đến ngân hàng, hay các trang đăng nhập vào mạng xã hội vì đó có thể là những website lừa đảo. Thậm chí khi người lạ gửi cho những file để mở ra thì không nên mở những file lạ đó bởi hoàn toàn có thể có những mã độc, sau khi được kích hoạt nó sẽ kiểm soát máy tính và điện thoại của người bị hại.