Truyền thông

Báo Hà Tĩnh: kinh nghiệm bước đầu về chuyển đổi số

Trường Thanh 07:46 13/12/2023

Báo Hà Tĩnh có sự “khởi động”, bắt nhịp khá sớm theo xu thế báo chí hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng; chú trọng ứng dụng CNTT, công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và lan tỏa thông tin.

Xây dựng và áp dụng quy trình xuất bản theo mô hình Tòa soạn hội tụ

Bắt nhịp với guồng quay của báo chí hiện đại, những năm gần đây, các cơ quan báo chí chủ lực tại Hà Tĩnh đã chủ động chuyển đổi mô hình, phương thức, đổi mới cách tiếp cận công chúng, bạn đọc theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng.

Báo Hà Tĩnh là một trong những cơ quan báo chí thuộc hệ thống báo Đảng địa phương có sự “khởi động”, bắt nhịp khá sớm theo xu thế báo chí hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng; chú trọng ứng dụng CNTT, công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và lan tỏa thông tin.

Từ năm 2018, Báo Hà Tĩnh đã đã xây dựng và áp dụng quy trình xuất bản theo mô hình Tòa soạn hội tụ nhằm tối ưu hóa quy trình, tận dụng tối đa nhân lực và trí tuệ tập thể; linh hoạt, chủ động trong việc tác nghiệp, xử lý thông tin.

Về hình thức thể hiện, Tòa soạn tập trung đổi mới cách trình bày báo in; đầu tư nâng cấp hệ thống, đổi mới giao diện báo điện tử kết hợp bổ sung các tính năng, tiện ích, dạng thức nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đọc - xem - nghe của công chúng, bạn đọc,... Theo đó, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Báo Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới, gia tăng các sản phẩm đa phương tiện như: e-Magazine, longform, infographics, lens, story, truyền hình điện tử, livestream, “báo nói” điện tử...

Về quy trình, bám sát tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chính trị và các sự kiện, vấn đề thời sự trong tỉnh, trong nước, Tòa soạn chủ động xây dựng kế hoạch xuất bản hàng tháng, hàng tuần và cụ thể hóa bằng những “thực đơn” cho từng ngày, từng khung giờ.

Tất cả các ngày trong tuần, Tòa soạn đều triển khai quy trình: Phóng viên đăng ký sản phẩm; phòng chuyên môn tổng hợp, báo cáo; Trung tâm hội tụ tổ chức giao ban, thảo luận, chốt “thực đơn” và điều phối xuất bản sản phẩm theo tính chất nội dung, theo từng khung giờ nhằm tối ưu hóa nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin của từng nhóm độ tuổi, đối tượng bạn đọc.

Về truyền thông mạng xã hội (MXH), từ năm 2014, khi hệ thống báo Đảng cả nước nhìn chung còn hết sức “dè dặt” với việc chia sẻ thông tin trên Facebook và các MXH khác, Báo Hà Tĩnh đã nhận thấy vai trò, xu thế của loại hình truyền thông này và đã khởi tạo trang Fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử.

Từ năm 2018, Báo tập trung phát triển trang Fanpage và xem đây như là một ấn phẩm chính thống của Tòa soạn. Hằng ngày, trên cơ sở các sản phẩm đăng tải trên báo điện tử, Tòa soạn phân công bộ phận biên tập, kỹ thuật lựa chọn những sản phẩm phù hợp để xử lý, chia sẻ trên Fanpage chính thức và các trang MXH do Tòa soạn quản trị nhằm lan tỏa thông tin, tăng lượng bạn đọc tiếp cận, tương tác.

Nhà báo Nguyễn Công Thành, Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh cho biết: Đến nay, Fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử đã có gần 465.000 người theo dõi. Ngoài ra, Báo Hà Tĩnh còn thiết lập và quản trị nhiều trang Fanpage “vệ tinh” và các kênh trên MXH YouTube, Zalo, Tiktok follow, tương tác khá cao...

“Đây thực sự là những “cánh tay nối dài” để Tòa soạn chuyển tải, lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi và đa dạng đến với người đọc, người xem; đồng thời cũng là kênh quan trọng để Báo Hà Tĩnh định hướng kế hoạch phát triển kinh tế số báo chí trong tương lai”, nhà báo Nguyễn Công Thành chia sẻ.

toa-soan-hoi-tu-bao-ht.jpg
Tòa soạn hội tụ Báo Hà Tĩnh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).

Luôn duy trì vị trí tốp đầu về lượng truy cập trong hệ thống báo Đảng toàn quốc

Theo nhà báo Nguyễn Công Thành, cách đây khoảng 10 năm trở về trước, khi thói quen tiếp cận thông tin của bạn đọc bắt đầu có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ báo chí truyền thống (đọc báo in) sang báo mạng, “lướt web”, Báo Hà Tĩnh đã xác định phải đầu tư thỏa đáng cho báo điện tử bằng việc cải tiến nội dung, dạng thức sản phẩm, đổi mới giao diện, tăng các tính năng, tiện ích… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Nhận thức rõ điều này, Báo Hà Tĩnh xác định phải đổi mới, thể hiện sự đồng thuận, quyết tâm ngay từ những tập thể, cá nhân người đứng đầu. Để tạo được “hành lang pháp lý”, tăng hiệu lực, hiệu quả công tác quản trị, điều hành thực hiện chiến lược, mục tiêu đề ra, Tòa soạn đã triển khai xây dựng “Đề án phát triển Báo Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Sau khi Đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, “đường hướng” phát triển của Báo Hà Tĩnh được xác định khá rõ với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; trong đó duy trì ổn định báo in theo hướng báo chí dữ liệu, đồng thời đẩy mạnh đổi mới, tối ưu hóa các tính năng, tiện ích, sức lan tỏa trên báo điện tử theo xu hướng hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng.

Với sự vào cuộc quyết liệt và những những giải pháp đồng bộ, đến thời điểm hiện tại, Báo Hà Tĩnh đã có sự trưởng thành khá tốt ở cả 5 trụ cột theo Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số (CĐS) báo chí do Bộ TT&TT ban hành tại Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2023.

Riêng đối với nhóm chỉ số về “Độc giả, khán giả, thính giả”, nhiều năm gần đây, Báo Hà Tĩnh luôn duy trì vị trí tốp đầu về lượng truy cập trong hệ thống báo Đảng toàn quốc (theo xếp hạng của trang Similar web, Báo Hà Tĩnh hiện đứng thứ hai sau Báo Sài Gòn Giải Phóng)”, Tổng Biên tập Nguyễn Công Thành khẳng định.

bao-ht.jpg
Báo Hà Tĩnh livestream sự kiện Giải Bóng chuyền nam thanh niên Hà Tĩnh 2023. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).

Một số bài học kinh nghiệm và những đề xuất

Nhà báo Nguyễn Công Thành chia sẻ, từ thực tiễn hoạt động và những kết quả đạt được, Báo Hà Tĩnh rút ra một số kinh nghiệm trong tiến trình phát triển theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, từng bước bắt nhịp xu thế CĐS và phát triển thông tin trên MXH. Theo đó, cẩn phải đổi mới tư duy, xác định chiến lược từ cá nhân đến lãnh đạo và tập thể; Phải tạo niềm tin, sự đồng thuận, quyết tâm trong từng bộ phận chuyên môn và cán bộ phóng viên.

“Sự thống nhất về ý chí, hành động trong bộ máy lãnh đạo là yếu tố tiên quyết; song sự đồng thuận, quyết tâm của cả tập thể mới là sức mạnh quyết định sự thành bại”.

Đồng thời, quan tâm đúng mức đến yếu tố con người, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại, đa năng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; thu hút, bổ sung các vị trí nhân sự kỹ thuật, công nghệ. Trong kỷ nguyên báo chí công nghệ, báo chí số hiện nay, bên cạnh đổi mới cách thể hiện nội dung, sản phẩm báo chí còn phải tích hợp được các thông số, hình ảnh, hiệu ứng…

Cùng với đó, chú trọng phát triển các trang/kênh MXH, xem đây là những “ấn phẩm” chính thống của Tòa soạn. Báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí số không thể tách rời với MXH.

Nhà báo Nguyễn Công Thành cũng cho biết, mặc dù đã tạo được những dấu ấn nhất định, song phải thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả nêu trên của Báo Hà Tĩnh còn hết sức khiêm tốn và mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình bắt nhịp với xu thế báo chí hiện đại, CĐS báo chí.

Từ những kết quả, kinh nghiệm và vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoạt động của Báo Hà Tĩnh thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu như Chiến lược CĐS báo chí quốc gia đã đề ra, nhà báo Nguyễn Công Thành đề xuất:

Thứ nhất, các cơ quan báo chí cần nhận thức rõ CĐS là xu thế tất yếu, từ đó xác định quyết tâm, định hướng chiến lược, xây dựng lộ trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp về CĐS cho từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn đối với đơn vị mình.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành cần quan tâm và có cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn nhân lực cho các cơ quan báo Đảng địa phương.

Thứ ba, cần nghiên cứu, cân nhắc phương thức, lộ trình, mức độ áp dụng cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp là cơ quan báo của Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ tư, quan tâm hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng số cho cơ quan báo Đảng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo Hà Tĩnh: kinh nghiệm bước đầu về chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO