Báo Nhân Dân thực hiện nhiều đổi mới trong xu thế chuyển đổi số

Hoàng Linh| 28/12/2021 11:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là khẳng định của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Bộ TT&TT mới đây.

Hiện diện trên nhiều nền tảng số

Thông tin về những đổi mới của Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh đã nhấn mạnh: "Báo Nhân Dân đã thực hiện rất nhiều đổi mới và có những sự đổi mới nằm trong xu thế chuyển đổi số (CĐS) chung".

Các thay đổi đầu tiên, theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, là báo đã thay đổi trình bày về phiên âm, phông chữ lớn lên, thêm nhiều ảnh để bạn đọc dễ tiếp thu hơn. Báo cũng sử dụng QR Code để người dùng truy cập thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ trên điện tử và thay đổi một chút ở măng-séc… Các ấn bản hàng ngày, cuối tuần, cuối tháng của báo đã có những thay đổi về mặt nội dung, hình thức khi đi sâu vào chuyên đề, cách thức thiết kế hấp dẫn hơn.

Báo Nhân Dân cũng đã phát chương trình Nhân Dân trên podcast. Khi chương trình podcast xong, báo cũng ra bản tin thời sự với 2 bản tin/ngày lúc 7h30 sáng và 17h30 chiều đã được độc giả quan tâm, đón nhận.

"Niềm vui là sau khi Báo Nhân Dân làm podcast thì rất nhiều tờ báo địa phương cũng học theo cách này và cũng làm podcast rất nhanh chóng", Tổng Biên tập Lê Quốc Minh chia sẻ.

Cũng theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, báo rất quan tâm đến nền tảng mạng xã hội. Trước đây, fanpage của Báo Nhân Dân chỉ có 24 - 25.000 người theo dõi và lượng tiếp cận cũng khá là khiêm tốn nhưng sau khi thay đổi với cách làm chuyên nghiệp hơn thì chỉ trong vòng 1 tháng, lượng tiếp cận Báo Nhân Dân trên fanpage mỗi tuần tăng thêm khoảng 5000%.

Không chỉ trên fanpage Facebook, YouTube, báo còn hiện diện trên TikTok - một nền tảng dành cho giới trẻ thế hệ Z, đến thời điểm này đã đạt 1,1 triệu "like" và nhiều thông tin đưa trên TikTok có thể tiếp cận được khoảng 2 triệu lượt xem, trong khi trên các nền tảng truyền thống số lượng rất ít.

Áp dụng làm báo hiện đại

Cũng theo chia sẻ của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, báo đã áp dụng cách thức làm báo hiện đại, đặc biệt đầu tư báo chí dữ liệu mạnh mẽ. "Những dữ liệu về COVID và các dữ liệu khác khi được chuyển thành báo chí dữ liệu sẽ hấp dẫn, tạo sự tương tác với bạn đọc thay vì bài viết dài".

Báo Nhân Dân cũng mạnh dạn đầu tư công cụ để làm các bài longform, e-magazine, đây là bước nhảy vọt của báo trong thời gian qua. Thay vì chỉ 1 tuần sản xuất 1 bài, báo Nhân Dân đầu tư công cụ để mỗi ngày có thể sản xuất 1 bài hoặc nhiều hơn và trong một khoảng thời gian rất ngắn. Hiện nay báo đã sản xuất được gần 200 bài, trong đó có những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng. Chỉ trong vòng 30 phút, những bài báo này đã được xuất bản với cách thức trình bày hấp dẫn.

Báo Nhân dân thực hiện nhiều đổi mới trong xu thế chuyển đổi số - Ảnh 1.

Trang thông tin lý luận, thực tiễn và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam tại địa chỉ https://cnxh.nhandan.vn

Ngoài ra, báo cũng dành chuyên trang riêng để thể hiện nhiều chuyên đề đi sâu, kể cả những vấn đề chính trị với cách thức truyền tải dễ hiểu, ngắn gọn, được thể hiện bằng cả audio và có tác phẩm đã lọt vào Chung khảo Giải Búa liềm vàng năm nay.

Phát triển theo mô hình cơ quan báo chí công nghệ

Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cũng chia sẻ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những người động viên Báo Nhân Dân về việc phải gắn kết công nghệ với nội dung.

Nội dung vẫn là "vua" nhưng công nghệ là vô cùng quan trọng và trên một con đường phát triển, đổi mới, CĐS và công nghệ, Báo Nhân Dân xác định các trụ cột trong thời gian tới gồm: đổi mới, phát triển theo mô hình cơ quan báo chí công nghệ. Báo chí giờ đây không thể đứng độc lập nữa mà phải kết hợp công nghệ và phải đầu tư vào công nghệ rất mạnh.

Trên thế giới đang có xu hướng là những công ty, tập đoàn công nghệ thì sản xuất nội dung rất mạnh thì trở thành techmedia, còn các tập đoàn báo chí lớn thì phải đầu tư công nghệ mạnh để trở thành mediatech và Báo Nhân Dân cũng không nằm ngoài xu thế này.

Tiếp theo là sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện. Đa nền tảng là nơi nào có độc giả thì nơi đó báo phải hiện diện. Nếu có một nền tảng mới thì báo chí phải hiện diện trên đó.

Theo Tổng Biên tập Lê Quốc Minh, báo chí cũng phải tận dụng tối đa công cụ đo lường, phân tích vì đơn giản chúng ta không thể nói cái này hấp dẫn, cái này hiệu quả mà phải đo lường.

Về công nghệ, Báo Nhân Dân cũng chủ trương đầu tư công nghệ hiện đại cũng như tuyển kỹ sư công nghệ giỏi. "Điều này là bắt buộc vì làm báo hiện nay trong xu thế của thế giới là cứ 6-8 nhà báo thì có một nhân viên công nghệ ngồi tại tòa soạn và điều này chưa được nhiều cơ quan báo chí Việt Nam quan tâm".

Hiện nay, cách thức làm của Báo Nhân Dân là thuê ngoài (outsource) và phối hợp với đối tác công nghệ số để xây dựng đội ngũ công nghệ hiện đại ngồi ngay tại tòa soạn, tăng cường nghiên cứu và phát triển.

Điểm này, theo phân tích của Tổng Biên tập Lê Quốc Minh, các cơ quan báo chí của Việt Nam hiện nay còn khá yếu. Hầu như các báo không có bộ phận nghiên cứu phát triển.

"Báo chí bây giờ không chỉ là ứng dụng AR, VR nữa mà còn là MR (mixed reality), XR (extended reality) là những thứ mà các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ trong 3-5 năm tới sẽ hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, chẳng hạn như metaverse đang được nói đến nhiều. Khi đó trải nghiệm của người dùng hoàn toàn khác, chúng ta không thể đưa những tờ báo, đoạn video, audio bây giờ vào thực tế ảo. Theo đó, các báo phải nghiên cứu và chuẩn bị từ bây giờ và phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy sản phẩm (product thinking) được xem là "cứu rỗi" báo chí, cạnh tranh với các tập đoàn sản xuất nội dung".

Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cũng đề cập việc ứng dụng AI và báo chí tự động. Các hệ thống AI mở có thể giúp viết bài báo không khác gì con người hay những hệ thống báo chí robot đã được áp dụng đã rất nhiều. Năm 2015, mới có Mỹ áp dụng, còn giờ đây rất nhiều cơ quan báo chí sử dụng robot viết các tin, bài thể thao doanh nghiệp vì tiết kiệm sức lực cho phóng viên có thể làm những việc quan trọng hơn.

Báo Nhân Dân cũng tiến hành thu thập dữ liệu độc giả. "Chúng ta hãy quay trở lại cái thời hoang sơ của báo chí thì tiếp cận độc giả và biết độc giả là ai, nhà ở đâu, thu nhập như thế nào, có bao nhiêu người, chính là yếu tố để báo chí nắm bắt độc giả để sản xuất nội dung phù hợp".

Theo Tổng Biên tập Lê Quốc Minh, trong suốt thời gian qua, trong mô hình nội dung phân phối (distributed content) chúng ta dựa quá nhiều vào các nền tảng như Google, Facebook và chúng ta đã chứng minh rằng báo chí tuy đạt được rất nhiều lượng truy cập từ các nền tảng này nhưng lượng truy cập là có nhưng không có độc giả và chúng ta không biết độc giả của chúng ta là ai.

"Xu hướng của báo chí thế giới hiện nay là phải nắm được những thông tin trực tiếp của độc giả bằng những cách như yêu cầu họ đăng ký (signup/signin) hay là gửi bản tin (newsletter) hay bằng kiểu tin tức khác để biết rõ độc giả của mình là ai để cung cấp nội dung phù hợp. Báo Nhân Dân cũng sẽ hợp tác phát hành báo trên nhiều nền tảng phi báo như qua ứng dụng của ngân hàng".

Trọng tâm cuối cùng, theo Tổng Biên tập Lê Quốc Minh chia sẻ là xây dựng Báo Nhân Dân thành một trung tâm kết nối cho toàn bộ hệ thống báo Đảng để định hướng thông tin cũng như trao đổi các vấn đề nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc về tất cả các vấn đề chính sách và thậm chí giúp đỡ nhau để cùng hướng tới một tương lai.

"Báo Nhân Dân là cơ quan là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân và báo Nhân Dân không chỉ dành cho chi bộ, không chỉ dành cho đảng viên, mà nơi nào có nhân dân thì nơi đó chắc chắn có Báo Nhân Dân", Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo Nhân Dân thực hiện nhiều đổi mới trong xu thế chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO