Bảo vệ dữ liệu trước lỗi cấu hình đám mây
Lỗi cấu hình đám mây luôn là mối đe doạ an ninh mạng thường trực, gây ra những rò rỉ dữ liệu và là bước đệm cho việc những hoạt động phi pháp.
Lỗi cấu hình đám mây được định nghĩa là một lỗ hổng nghiêm trọng xảy ra trong quá trình lưu trữ tài liệu trên nền tảng đám mây, tạo cơ hội cho tội phạm mạng sử dụng mã độc tấn công xâm nhập đánh cắp dữ liệu. Ngoài ra, lỗi cấu hình đám mây thường rất khó được phát hiện vì môi trường điện toán đám mây về bản chất rất phức tạp.
Điển hình, dữ liệu của gần 2,15 triệu khách hàng Toyota trong khoảng 10 năm bị rò rỉ và công khai trên Internet. Tuy nhiên, phải đến tháng 5/2023, sự cố này mới được phát hiện. Nguyên nhân xảy ra sự việc được phía đại diện của tập đoàn cho biết là do lỗi cấu hình đám mây khiến cho dữ liệu khách hàng bị đánh cắp.
Hiện nay vẫn chưa có nhiều giải thích cho lý do xảy ra lỗi cấu hình đám mây. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan đến từ các bên cung cấp dịch vụ đám mây và từ người sử dụng.
Dạng thức thường gặp
Lỗi cấu hình đám mây có rất nhiều dạng thức, tuy nhiên, có 4 dạng thường gặp nhất: lỗi điều khoản quản lý truy cập và nhận dạng; lỗi cấu hình lưu trữ đám mây; lỗi kiểm soát truy cập mạng và lỗi cấu hình xử lý.
1- Lỗi điều khoản quản lý truy cập và nhận dạng
Điều khoản quản lý truy cập và nhận dạng (IAM policy) được thiết lập nhằm kiểm soát quyền truy cập của người dùng khi vào trang web. Việc này giúp đảm bảo an toàn cho trang web tránh những cuộc xâm nhập. Tuy nhiên, khi lớp bảo vệ này gặp phải lỗi cấu hình, chức năng nhận dạng không hoạt động, quyền truy cập vào trang web được cấp dễ dàng. Do đó, những kẻ tấn công có thể có cơ hội đánh cắp các dữ liệu quan trọng.
2- Lỗi kiểm soát truy cập mạng
Kiểm soát truy cập mạng (NAC) được sử dụng trong hệ thống mạng tổ chức nhằm hạn chế các thiết bị và quyền truy cập của người dùng vào tài nguyên bên trong mạng máy tính. Không những thế, NAC còn có thể cung cấp các phần mềm như: tường lửa, diệt virus để bổ trợ cho việc bảo vệ hệ thống.
Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay thường sử dụng NAC để bảo vệ các dữ liệu quan trọng. Mặc dù vậy, trong trường hợp bị lỗi cấu hình, chức năng của NAC không hoạt động gây ra tình trạng không nhận diện và chọn lọc được những truy cập bên ngoài vào trong hệ thống. Vì thế, không thể ngăn chặn được sự xâm nhập và tạo nguy cơ đánh cắp dữ liệu.
Vụ rò rỉ dữ liệu của ngân hàng Capital One vào năm 2019 là một ví dụ điển hình. Dữ liệu cá nhân của hơn 100 triệu khách hàng đã bị hacker đánh cắp sau khi lợi dụng lỗi cấu hình tường lửa trên hệ thống mạng của ngân hàng.
3- Lỗi cấu hình lưu trữ đám mây
Hiện nay, khi thời đại công nghệ số ngày một phát triển mạnh, các doanh nghiệp luôn ưu tiên lưu trữ dữ liệu thông qua các nền tảng dịch vụ đám mây. Bên cạnh sự tiện lợi, phương thức này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin, đặc biệt là khi xảy ra lỗi cấu hình. Lỗi cấu hình lưu trữ đám mây khiến cho các nút bảo mật bị vô hiệu, từ đó, những dữ liệu của các doanh nghiệp bị lộ ra ngoài, tạo điều kiện cho tội phạm mạng đánh cắp nhằm sử dụng cho mục đích phi pháp.
4- Lỗi cấu hình xử lý
Lỗi cấu hình xử lý xảy ra làm rò rỉ các dữ liệu trong quá trình các doanh nghiệp tải lên lên dịch vụ đám mây. Việc này khiến cho các doanh nghiệp đó khó có thể phát hiện và vô tình đánh mất dữ liệu vào tay những kẻ xâm nhập.
Trong một số trường hợp, những phần mềm trong máy tính khi không được cập nhật hoặc vá lỗi có thể ra nguyên nhân gây ra lỗi cấu hình, làm cho những lỗ hổng bảo mật xuất hiện. Thêm vào đó, lỗi cấu hình này có thể xuất hiện trong trường hợp các nhà cung cấp dịch vụ đám mây vô tình làm lộ giao diện lập trình ứng dụng (API) thông qua các nền tảng điều phối. Các harker có thể can thiệp vào quá trình xử lý khi tiếp nhận dữ liệu từ người tải lên và đánh cắp các dữ liệu đó.
Bảo vệ dữ liệu, phòng tránh lỗi cấu hình đám mây
Lỗi cấu hình đám mây có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế, mỗi người dùng Internet cần có những biện pháp phòng tránh, hạn chế tối đa việc bị mất cắp dữ liệu do lỗi cấu hình đám mây gây nên.
1- Liên tục kiểm tra hệ thống để kịp thời phòng tránh
Các doanh nghiệp cần liên tục kiểm tra hệ thống mạng máy tính nhằm phát hiện kịp thời những lỗ hổng về bảo mật, đặc biệt là lỗi cấu hình đám mây do lỗi này không dễ để phát hiện nhanh chóng. Từ đó đưa ra những phương án xử lý để đảm bảo dữ liệu không bị lộ lọt. Không những thế, các doanh nghiệp cũng cần tích cực phối hợp với bên cung cấp dịch vụ đám mây để nhanh chóng khắc phục trong trường hợp xảy ra sự cố. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị trong việc bảo mật thông tin để giảm thiểu tối đa những sự cố do lỗi cấu hình đám mây gây ra.
2- Theo dõi thường xuyên những phần mềm, tính năng bảo mật trong hệ thống
Những phần mềm trong một số trường hợp có thể gây ra lỗi cấu hình đám mây. Do đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, cập nhật phần mềm khi cần thiết, nhất là những phần mềm bổ trợ cho việc bảo mật thông tin. Việc này một phần nào đó giúp tránh được lỗi cấu hình đám mây, ngăn chặn được những sự cố làm rò rỉ dữ liệu. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng rà soát tính năng bảo mật của hệ thống mạng máy tính như NAC, điều khoản quản lý truy cập và nhận dạng,… nhằm vá lỗi khi có lỗ hổng và để đảm bảo dữ liệu không bị xâm nhập và đánh cắp.
3- Tạo thêm lớp bảo mật khi lưu trữ dữ liệu
Mỗi người dùng internet, đặc biệt là khi sử dụng dịch vụ đám mây để lưu trữ dữ liệu cần tự tạo một lớp bảo mật cho dữ liệu của mình. Mặc dù hiện nay, hầu hết những nền tảng lưu trữ đám mây đều có trang bị bảo mật riêng, tuy nhiên, trong một vài trường hợp, những dữ liệu này rất có thể bị tội phạm mạng đánh cắp, nhất là khi xảy ra lỗi cấu hình đám mây. Vì vậy, người sử dụng nên cài thêm mật khẩu cho những tài liệu quan trọng. Ngoài ra, có thể sử dụng tính năng bảo mật cao trên nền tảng lưu trữ đám mây để cất giữ những tài liệu có chứa thông tin cá nhân như Personal Vault của OneDrive.
Lỗi cấu hình đám mây là mối nguy tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn thông tin, đặc biệt lại rất khó để phát hiện do tính chất vốn có và môi trường phức tạp của điện toán đám mây. Do đó, để hạn chế đến mức tối đa việc rò rỉ dữ liệu, cần có những cách phòng tránh hữu hiệu. Các doanh nghiệp cần thực hiện việc kiểm tra hệ thống máy tính thường xuyên cùng với đó rà soát những phần mềm, tính năng bảo mật. Thêm vào đó, chính những người sử dụng lưu trữ đám mây cũng cần trang bị cho dữ liệu của mình thêm lớp bảo vệ./.
Tài liệu tham khảo:
https://securityintelligence.com/articles/why-cloud-misconfigurations-major-issue/
https://www.securityweek.com/these-are-the-top-five-cloud-security-risks-qualys-says/