Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển

TH| 10/10/2022 14:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển.

Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông, có đường bờ biển dài trên 3.260 km với các hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ có giá trị to lớn về bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật biển và nguồn giống hải sản tự nhiên. Đó là yếu tố ổn định đối với một số ngành kinh tế biển và một số ngành nghề biển mới dựa vào tài nguyên thiên nhiên như: ngành thủy sản, du lịch, bảo tồn thiên nhiên, nghề cá giải trí, du lịch lặn... Bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên là một vấn đề vô cùng quan trọng trong phát triển bền vững biển.

Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái biển phong phú

Hệ sinh thái biển Việt Nam khá đa dạng và có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa. Vùng biển Việt Nam có khoảng 20 hệ sinh thái điển hình, phân bố trên 1 triệu km2 diện tích ở Biển Đông, với 155.000 ha rừng ngập mặn, khoảng 1.300 km2 rạn san hô, gần 500 km2 đầm phá và khoảng 16.000 ha cỏ biển, nhiều khu vực bãi triều và cửa sông, với chừng 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có xấp xỉ 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá (có hơn 100 loài cá kinh tế); 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước... Theo ước tính, mỗi năm, khoản lợi nhuận thu được từ các hệ sinh thái biển và ven biển của Việt Nam từ 60 - 80 triệu USD, tức là khoảng 56 - 100 USD/năm/gia đình cư dân sống ở các huyện ven biển.

Rạn san hô là một trong những hệ sinh thái đặc sắc của biển Việt Nam. Ở đây, có sự đa dạng sinh học rất cao, cảnh quan kỳ thú, phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam trên diện tích 1.222 km2. Sự đa dạng và phong phú của san hô Việt Nam thể hiện ở 350 loài tạo rạn kèm theo khoảng 3.000 sinh vật khác có đời sống gắn bó liên quan tới vùng rạn san hô, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, bào ngư, trai ngọc, hải sâm…

Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng, tổng giá trị các sản phẩm dịch vụ của hệ sinh thái rạn san hô ở nước ta ước tính vào khoảng 100 triệu USD/năm, trong đó 1 km2 rạn san hô có thể cung cấp lượng hải sản đánh bắt lên tới 10.000 USD. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, 1 km2 rừng ngập mặn có thể cung cấp lượng đánh bắt 450 kg hải sản/năm. Mỗi năm, hệ sinh thái cỏ biển cung cấp lượng thủy sản và các dịch vụ có giá trị trên 20 triệu USD và giá trị mà đầm phá mang lại ước tính lên đến trên 2.000 USD/ha.

Theo Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng, riêng hệ sinh thái san hô có giá trị tổng thể ước tính vào khoảng 100 triệu USD, trong đó cứ 1 km2 rạn san hô có thể cung cấp số lượng hải sản đánh bắt có giá trị khoảng 10.000 USD.

Ngoài các giá trị về kinh tế, du lịch, các rạn san hô tập trung ở một số nơi còn có giá trị điều tiết, là công cụ hữu hiệu bảo vệ đường bờ biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển và quản lý nghề cá.

Mỗi m2 cỏ biển có thể tạo ra 10 lít ôxi hòa tan, góp phần cân bằng ôxi và cacbonic trong nước, làm giảm hiệu ứng nhà kính khi hấp thụ cacbonic vào nước. Trong thời gian một năm, 0,44 ha cỏ biển có thể tạo ra 10 tấn lá làm nguồn thức ăn, sinh cảnh và nơi sinh sản của nhiều loài động vật không xương sống, có xương sống cả ở giai đoạn con non và trưởng thành. Các loài cỏ biển cũng đóng góp vào mạng lưới thức ăn, hoặc trực tiếp thông qua các động vật ăn cỏ biển hay gián tiếp sau khi các loài thực vật cỏ biển chết đi và trở thành thức ăn mùn bã.

Nhìn chung, các hệ sinh thái biển ở nước ta có nhiều tiềm năng về kinh tế, văn hóa, du lịch và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, các hệ sinh thái này đang bị suy giảm nhanh chóng do sự khai thác quá mức của con người, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển - Ảnh 1.

Việt Nam có nguồn tài nguyên biển vô cùng phong phú

Tăng cường bảo vệ nguồn sinh kế biển

Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018) đã nêu, việc ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và phục hồi hệ sinh thái biển để bảo vệ nguồn sinh kế cho người dân đã được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.

Theo đó, cần kiểm soát hiệu quả bảo tồn các hệ sinh thái biển trước tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường bằng biện pháp áp dụng các công cụ kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác…

Cần có sự liên kết phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ, hiệu quả trong việc kiểm soát các hoạt động khai thác và làm suy kiệt hệ sinh thái biển, kiểm soát các nguồn trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ, đặc biệt là nguồn thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ… dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tìm và lựa chọn các phương thức làm ăn đa dạng cho ngư dân, như chú trọng phát triển du lịch hoặc các dịch vụ thay thế khác, giúp các thế hệ tương lai của ngư dân có đa dạng phương thức kiếm sống, thay vì chỉ khai thác hải sản như hiện nay. Nguồn sinh kế của các địa phương ven biển chủ yếu là canh tác, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản, do đó các biện pháp thích ứng cũng được xác định và tiếp cận theo từng lĩnh vực.

Cụ thể, trong nông nghiệp, để thích ứng đòi hỏi phải thay đổi trong quản lý và các kỹ thuật canh tác để tránh rủi ro mất mùa; bổ sung các giống mới có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong đánh bắt cá và nuôi trông thủy sản, cần chú ý các quy định xử lý nước thải nhằm tránh tình trạng phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại lớn. Hướng dẫn các hộ dân cách tiếp cận tín dụng, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính một cách hiệu quả, thiết lập mô hình liên kết giữa các xã, các vùng chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu để trao đổi thông tin và các bài học kinh nghiệm.

Việc áp dụng mô hình, phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ để giải quyết các vấn đề yếu kém, tồn tại trong quản lý; khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ tại các địa phương, từ đó từng bước nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai. Giải pháp này phải đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất bởi nó có hiệu quả ngay cả khi biến đổi khí hậu và nước biển dâng không xảy ra, góp phần vào việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, dịch vụ của các hệ sinh thái biển, giúp từng bước tiếp cận nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường../

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO