Vì mục tiêu an toàn, bảo vệ trẻ em, hôm nay 16/12 tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Tổ chức phi chính phủ hoạt động trên không gian mạng (CyberKid) Việt Nam cùng phối hợp tổ chức Hội nghị đào tạo tập huấn kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các trường cùng đông đảo các em học sinh.
Cần lan tỏa phong trào trong toàn ngành giáo dục
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Cục ATTT, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, sự kiện là hoạt động mang nội dung quan trọng trong kế hoạch công tác năm 2020 của Cục ATTT. Vì là nội quan trọng, thời gian qua Cục ATTT đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án "Bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gia mạng giai đoạn 2020 – 2025".
"Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - đơn vị ngọn cờ đầu trong hệ thống giáo dục quốc gia, Bộ TT&TT, Cục ATTT luôn tin tưởng, kỳ vọng thầy, cô, trò nhà trường đẩy mạnh, phát triển hơn nữa phong trào rèn luyện kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet cho học sinh, đồng thời lan tỏa phong trào này trong hệ thống giáo dục toàn ngành", bà Hương nhấn mạnh.
Ghi nhận sự tin tưởng, kỳ vọng đó, bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhấn mạnh thêm, thế giới mạng rộng lớn luôn tiềm ẩn những nguy cơ xấu như khả năng bị xâm hại thông tin cá nhân, bị định hướng lệch lạc trong nhận thức bởi những thông tin sai lệch… Do đó, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng luôn cần thiết, phải làm thường xuyên.
Cũng theo Hiệu trưởng Dương, để vừa phát huy những lợi ích của Internet, vừa đảm bảo an toàn cho trẻ em trong quá trình tương tác trên môi trường mạng, điều quan trọng nhất phải hình thành và phát triển ở các em những kiến thức, kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet.
"Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam bên cạnh luôn nỗ lực ứng dụng CNTT để tạo những bước tiến trong giáo dục còn phấn đấu để hình thành cho học sinh trường ý thức và kỹ năng sử dụng Internet như một công cụ an toàn, hiệu quả", bà Dương nhấn mạnh.
Trên quan điểm quản lý nhà nước về giáo dục, ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT cho rằng, để bảo vệ, đảm bảo an toàn trên không gian mạng cho các em học sinh, ngoài những kỹ năng trang bị về mặt kỹ thuật, các em cần nâng cao tinh thần thực hiện tốt khẩu hiệu, khẩu lệnh "hãy cẩn thận trước khi kích chuột".
"Làm tốt điều này, nhất thiết các môn học về thực nghiệm, thực hành hay giáo dục công dân cần lồng ghép nội dung tuyên truyền ý thức mạng cho học sinh, để các em luôn tự giác, nhớ, chấp hành", ông Quế nhấn mạnh.
Tốc độ giáo dục an toàn mạng không bắt kịp tốc độ phát triển của Internet
Tại Hội nghị, chia sẻ về thực trạng vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chủ tịch CyberKid Việt Nam cho biết: Theo khảo sát xã hội học, tại Việt Nam hiện nay có 24.776.733 trẻ em (chiếm 25,75% dân số quốc gia) thường xuyên sử dụng Internet (chiếm 71%), trong đó có các em sử dụng mạng 188 phút mỗi ngày và có 7 trẻ em bị xâm hại/1 ngày.
Theo khảo sát, có đến 69,05% trẻ em khi gặp các vấn đề, sự cố trên không gian mạng thường dấu kín, không chi sẻ cho người lớn, thầy, cô. Đối với hệ thống giáo dục nhà trường có đến 73,1% không có các quy định liên quan đến việc sử dụng Internet của học sinh.
Những con số trên đã cho thấy việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng là cần thiết, bởi lẽ tốc độ giáo dục an toàn mạng không bắt kịp được với tốc độ phát triển của Internet.
"Do đó, giờ đây, để bảo vệ các em trên môi trường không gian mạng, cần thiết phải có các cơ chế liên tịch, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, dự án xã hội về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng", Chủ tịch CyberKid nhấn mạnh.