Base đề xuất giải pháp CĐS cho SME Hậu Giang

NK| 18/07/2022 14:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một trong những đơn vị được ban lãnh đạo Hậu Giang tin tưởng và lựa chọn, mới đây nền tảng Make in Viet Nam Base.vn đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS), cam kết đồng hành cùng cộng đồng SME trên địa bàn tỉnh trong kỷ nguyên số.

Hậu Giang hiện có 2.793 doanh nghiệp (DN), trong đó 97% là DN nhỏ và vừa (SME). Tuy nhiên, trong khi các DN có quy mô lớn đã sẵn sàng cho CĐS thì các SME thậm chí vẫn chưa hiểu được vai trò của công cuộc này trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Nguyễn Chí Tâm, Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Hậu Giang, chia sẻ tại Hội thảo "Xúc tiến đầu tư và kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin": "Phần lớn các SME trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chỉ chú trọng đến các yếu tố như sản phẩm, thị trường, tài chính, chiến lược kinh doanh… chứ chưa chú trọng đến yếu tố công nghệ - chìa khóa quyết định sự thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị,.

Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển DN công nghệ số, từ đó góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại Hậu Giang, địa phương này đã tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong gần 3000 DN trên địa bàn tỉnh. Với sự chủ động và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, nhiều đơn vị cung cấp nền tảng, dịch vụ CĐS đã có cơ hội được tiếp cận và hiểu hơn về cộng đồng SME Hậu Giang.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng bộ phận Tư vấn CĐS khu vực phía Nam của Base.vn, cho biết: "Đã và đang được đồng hành cùng nhiều DN Hậu Giang trên hành trình CĐS, Base tự tin có thể giúp các DN khác trên địa bàn tỉnh tiếp cận và áp dụng công nghệ một cách nhanh chóng với lộ trình được thiết kế phù hợp với đặc thù riêng của DN Hậu Giang - một trong những địa phương trước giờ thường tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp của cả nước".

Hiện trạng của DN và lời giải của Base.vn

"Trong quá trình CĐS, dữ liệu sẽ trở thành tài sản quý giá và lớn nhất của DN, bởi dữ liệu là tiền đề của quá trình phân tích số liệu. Nếu không CĐS, DN sẽ bị thụt lùi so với các DN cùng ngành, giảm sức cạnh tranh và không thể đuổi kịp đối thủ, thị trường. DN dù lớn, dù nhỏ đều không thể nói ‘không’ với CĐS", ông Nguyễn Chí Tâm khẳng định.

Đồng tình với quan điểm CĐS là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số, ông Trần Tuấn Anh, với kinh nghiệm tư vấn và đồng hành cùng hàng nghìn DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đã đưa ra giải pháp cho DN trước câu hỏi: "CĐS bắt đầu từ đâu?", đồng thời khẳng định vai trò của 3 yếu tố quyết định sự thành bại, đó là: con người, quy trình và công nghệ.

"Phần lớn các DN mới chỉ dừng lại ở giai đoạn số hóa, dữ liệu hóa, chứ chưa được gọi là đã CĐS thành công. CĐS là một hành trình kéo dài 4-5 năm, tại đây DN sẽ bắt đầu với việc lựa chọn và tiến hành xử lý, số hóa một số quy trình nghiệp vụ. Sau đó, khi đội ngũ đã làm quen và vận hành trơn tru trên hệ thống phần mềm, Base sẽ cùng DN đi sâu hơn vào từng hoạt động cụ thể, giảm tải, tinh gọn những quy trình dư thừa, cấu trúc và số hóa toàn bộ dữ liệu, dần dần mới tiến đến thực hiện CĐS toàn diện về cả công việc - thông tin - nhân sự", ông Tuấn Anh nói.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, giải pháp xây dựng đội ngũ khi tiến hành triển khai CĐS cho SME được đại diện Base đưa ra là Mô hình RACI - Phương pháp dựa trên lý thuyết về Ma trận RACI (Ma trận gán trách nhiệm) thường được sử dụng để minh họa kết nối giữa các gói công việc hoặc các hoạt động và các hành viên trong một dự án.

Nền tảng Make in Viet Nam Base.vn đưa giải pháp chuyển đổi số đến với Hậu Giang - Ảnh 1.

Mô hình RACI trong việc triển khai Base cho SME

Về phương pháp thực thi, đại diện Base đề xuất áp dụng phương pháp triển khai 3 giai đoạn: Khảo sát vận hành thực tế của DN, chuẩn bị dữ liệu và lộ trình; Nghiên cứu, đề xuất và hướng dẫn thiết lập hệ thống; Đào tạo và chính thức đưa hệ thống vào quy trình quản trị và vận hành DN.

Ngoài ra, Base sẽ hỗ trợ DN với hệ thống các loại bảng biểu, quy trình đã có sẵn được đúc kết từ kinh nghiệm triển khai cho hơn 7000 DN khách hàng, từ đó giúp DN Hậu Giang tăng tốc quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, đội ngũ Base cũng áp dụng Mô hình Đào tạo không gián đoạn 3Cs: Course - Khóa học online, Check - Thi online và chấm điểm tự động, và Certification - Cấp chứng nhận sử dụng thành thạo nền tảng Base, nhằm thúc đẩy sự làm chủ công nghệ của nhân viên và tăng tính khả thi của toàn bộ quá trình CĐS trong DN.

Nền tảng Make in Viet Nam cam kết làm tốt vai trò "cung"

Nhận định chung về thực trạng CĐS tại các địa phương trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, cho biết: "Có thể nói, các đơn vị cung cấp giải pháp CĐS đã làm tương đối tốt vai trò đáp ứng các dịch vụ, phần mềm giúp DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, ở chiều còn lại, nhu cầu của các DN trong quá trình CĐS lại chưa thực sự rõ ràng, khiến nhiều nền tảng công nghệ tốt, uy tín vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận DN và lan tỏa sản phẩm".

Nền tảng Make in Viet Nam Base.vn đưa giải pháp chuyển đổi số đến với Hậu Giang - Ảnh 2.

Base.vn cam kết đồng hành cùng Hậu Giang xây dựng kế hoạch CĐS cho DN, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương

Trân trọng sự hỗ trợ và kết nối của Bộ TT&TT và ban lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, ông Trần Văn Viển, Giám đốc khu vực phía Nam của Base.vn, đã ký Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ CĐS tại Hậu Giang, cam kết đồng hành cùng địa phương này xây dựng các văn bản, chương trình hành động, kế hoạch CĐS cho cộng đồng DN, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của tỉnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Base đề xuất giải pháp CĐS cho SME Hậu Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO