Chuyển đổi số

Xây dựng Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số hoàn thành trong tháng 8/2025

AD 10:20 24/07/2025

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số, trong đó bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, liên thông giữa các khối cơ quan (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội), phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hoàn thành trong tháng 8/2025.

69775949_a0a0_4a00_8371_ce7944d-1668166121900.jpeg
(Ảnh minh họa: Internet)

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 214/NQ-CP ngày 23/7/2025 kế hoạch hành động của Chính phủ về thúc đẩy tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số (CĐS) toàn diện.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xây dựng và triển khai đồng bộ kiến trúc hệ thống, nền tảng dùng chung trong toàn bộ hệ thống chính trị, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất toàn hệ thống chính trị, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia (CSDLQG), CSDL chuyên ngành được rà soát, đánh giá, tiếp tục xây dựng, bổ sung và chuẩn hóa toàn diện theo tiêu chuẩn chung, bảo đảm bao quát tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước, khả năng liên thông, kết nối, chia sẻ, tích hợp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) dựa trên dữ liệu, đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp (DN). Đồng thời, tập trung xây dựng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các Trung tâm điều hành thông minh phục vụ chỉ đạo điều hành các cấp.

Kế hoạch nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về CĐS, dữ liệu trong năm 2025

Về hoàn thiện thể chế, Kế hoạch giao Bộ Công an chủ trì tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về Kiến trúc dữ liệu quốc gia tổng thể, Khung quản trị, quản lý dữ liệu và Từ điển dữ liệu dùng chung phù hợp với yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu bắt buộc giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị theo trình tự, thủ tục rút gọn, áp dụng quy định khoản 2 Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý về CĐS, dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân và định danh điện tử thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, ngành, hoàn thành trong năm 2025. Khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để kết nối, chia sẻ các dữ liệu theo lĩnh vực quản lý; hoàn thiện các quy định về quản trị dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào, cơ chế chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu thuộc phạm vi quản lý với Trung tâm dữ liệu quốc gia (TTDLQG) theo hướng dẫn của Bộ Công an, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật chuyên ngành để công nhận đầy đủ giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, hồ sơ điện tử và kết quả giải quyết TTHC điện tử để thay thế yêu cầu nộp bản giấy trong quá trình thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 9/2025.

Về dữ liệu, Kế hoạch giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ) rà soát toàn diện, đánh giá hiện trạng việc triển khai, xây dựng, khai thác, sử dụng các CSDLQG, CSDL chuyên ngành.

Các bộ, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các tập đoàn, DN đồng hành xây dựng và ban hành Chiến lược dữ liệu, Chiến lược CĐS của bộ, ngành, địa phương hoàn thành trong tháng 9/2025. Trên cơ sở đó, xây dựng, cập nhật, hoàn thiện, chuẩn hóa hệ thống CSDLQG, CSDL chuyên ngành trong phạm vi quản lý, bảo đảm tuân thủ Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số, Kiến trúc dữ liệu quốc gia tổng thể, Khung quản trị, quản lý dữ liệu quốc gia, Từ điển dữ liệu dùng chung, hoàn thành trong năm 2025.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai số hóa theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ đối với các CSDLQG, chuyên ngành, chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu về TTDLQG theo lộ trình xây dựng các CSDL. Trong đó, ưu tiên triển khai hoàn thiện 11 CSDLQG và chuyên ngành trọng yếu, trực tiếp phục vụ cải cách TTHC, quyền lợi, nghĩa vụ thiết thực của người dân và DN, bảo đảm tập trung nguồn lực triển khai, hoàn thành trong năm 2025 (gồm: CSDLQG về đất đai, CSDLQG về tài chính, CSDL ngành Giáo dục và đào tạo, CSDL Hộ tịch, CSDL ngành Y tế, CSDL Hàng hóa, CSDLQG về hoạt động xây dựng, CSDLQG về Kiểm soát tài sản, thu nhập, CSDLQG về Xử lý vi phạm hành chính, CSDL ngành Nông nghiệp, CSDLQG về An sinh xã hội).

Các địa phương rà soát, hoàn thiện, chuẩn hóa CSDL của địa phương trên các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung, thống nhất của Trung ương theo hướng dẫn; ưu tiên số hóa, hoàn thiện các bộ dữ liệu phục vụ trực tiếp công tác cải cách TTHC, chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, phù hợp với kiến trúc dữ liệu của các bộ, ngành, hoàn thành theo lộ trình xây dựng, triển khai của từng CSDL.

Xây dựng Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số hoàn thành trong tháng 8/2025

Về nền tảng và hạ tầng, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số, trong đó bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, liên thông giữa các khối cơ quan (Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội), phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Đồng thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cấp, mở rộng Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước theo định hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mô hình quản lý tập trung, thống nhất toàn quốc, bảo đảm kết nối trực tiếp, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu về bảo mật, an toàn thông tin, liên thông và đồng bộ, hoàn thành trong tháng 8/2025.

Các bộ, ngành chủ trì xây dựng và cung cấp các nền tảng số quốc gia dùng chung, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, bảo đảm phù hợp với Khung kiến trúc tổng thế quốc gia số. Các nền tảng này được triển khai thống nhất trong phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ hiệu quả công tác CĐS quốc gia; đồng thời, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu với các nền tảng số quốc gia dùng chung, hệ thống thông tin quy mô quốc gia khác, hoàn thành trong năm 2025.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, sử dụng thống nhất các nền tảng số quốc gia dùng chung, hệ thống thông tin quy mô quốc gia do các bộ, ngành cung cấp; hoàn thành tạo lập, cập nhật, chuẩn hóa, làm giàu và kết nối chia sẻ, đồng bộ dữ liệu vào các nền tảng số quốc gia dùng chung, hệ thống thông tin quy mô quốc gia trong tháng 12/2025.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin, CSDL, nền tảng số dùng chung bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phục vụ công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành, hoàn thành trong năm 2025.

Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về dữ liệu

Chính phủ thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về dữ liệu do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban; Phó trưởng ban là: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Công an (Phó Trưởng ban Thường trực); Thứ trưởng Bộ Công an.

Ban Chỉ đạo quốc gia về dữ liệu là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách về dữ liệu, hoạt động xây dựng, phát triển CSDLQG, CSDL chuyên ngành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu tại CSDL tổng hợp quốc gia tại TTDLQG.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Trưởng Ban chỉ đạo về dữ liệu tại địa phương.

Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo về các nội dung: Xây dựng chiến lược về dữ liệu, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách về dữ liệu, hoạt động xây dựng, khai thác, phát triển, bảo vệ CSDLQG, CSDL chuyên ngành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu trong CSDL tổng hợp quốc gia tại TTDLQG; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật về dữ liệu; hợp tác, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng tài nguyên dữ liệu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng Cục Thông tin, Thống kê trở thành đơn vị tư vấn chính sách, tham mưu chiến lược
    Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Cục Thông tin, Thống kê phải trở thành trung tâm tư vấn chính sách và điều phối dữ liệu khoa học công nghệ quốc gia, đơn vị chủ lực tham mưu chiến lược về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
  • Fintech xanh: Làn sóng đổi mới định hình tương lai tài chính Đông Nam Á
    Đông Nam Á đang bước vào một giai đoạn then chốt trong hành trình phát triển công nghệ tài chính - nơi đổi mới không còn chỉ tập trung vào khả năng tiếp cận hay sự tiện lợi, mà hướng đến thúc đẩy phát triển bền vững trên quy mô lớn. Sự chuyển dịch này đang mở đường cho fintech xanh - một lĩnh vực nơi công nghệ tài chính đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường.
  • Nhiệm vụ, giải pháp chính về phát triển KHCN, chuyển đổi số 6 tháng cuối năm 2025
    Sáng 20/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06 (Ban Chỉ đạo), chủ trì Phiên họp thứ Ba của Ban Chỉ đạo để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
  • Khoa học công nghệ, chuyển đổi số có bước phát triển mạnh mẽ
    Sáng 20/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06 (Ban Chỉ đạo), chủ trì Phiên họp thứ Ba của Ban Chỉ đạo để sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
  • Cuốn sách hữu ích cho giáo dục và tâm lý học hiện đại
    Cuốn sách “Lev Vygotsky: Tương tác xã hội - văn hóa trong giáo dục” nằm trong Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm của Nhà xuất bản Tri thức không chỉ là bản phê bình ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp của Vygotsky trong bối cảnh chính trị và biến động xã hội thời bấy giờ, mà còn phân tích hướng nghiên cứu xuyên văn hóa và ứng dụng những ý tưởng của ông vào giáo dục hiện đại.
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số hoàn thành trong tháng 8/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO