An toàn thông tin

Bắt đầu sử dụng Internet, trẻ em đã trở thành những công dân số

Anh Minh 05/11/2024 07:33

Là các công dân sinh ra trong thời đại Internet, trẻ em có vai trò và trách nhiệm với môi trường sống nói chung và với môi trường mạng Internet nói riêng. Viện MSD đã có những hoạt động nhằm hướng dẫn và hỗ trợ các em trở thành “công dân số chuẩn S_NET”.

Trẻ em cần trang bị các kỹ năng số để làm chủ công nghệ

Khác với môi trường thật, ở độ tuổi trưởng thành nhất định, các em mới được công nhận là công dân, có căn cước công dân và chịu các trách nhiệm của một công dân, nhưng ở môi trường mạng, một khi đã vào mạng, các em đã trở thành các công dân số. Chính vì thế, để trở thành các “công dân số chuẩn”, trẻ em cần được trang bị các kỹ năng số để làm chủ công nghệ.

“Sinh ra trong thời đại Internet, trẻ em chính là các công dân số”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD), cho biết. Chính vì vậy, trẻ em có vai trò và trách nhiệm với môi trường của mình đang sống cũng như môi trường mạng Internet.

Theo đó, người đứng đầu Viện MSD cho rằng, là những công dân số, các em cũng đồng thời phải là những người sử dụng Internet thông minh để phát huy các lợi ích, giảm thiểu các rủi ro của môi trường này. Giống như môi trường thật, môi trường mạng có an toàn, lành mạnh, các trải nghiệm của các em có hữu ích hay không phụ thuộc rất lớn vào chính trẻ em.

z5978969340129_2dd9b9b734fcaa5d2936ef0a8e44aa1b.jpg
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững. (Ảnh: NVCC)

“Chúng ta vẫn hay có câu nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” với ước vọng “trẻ em hôm nay” được chăm lo, nuôi dưỡng, dạy dỗ và bảo vệ trong vòng tay của người lớn và sau đó thực sự ra đời trở thành các công dân đóng góp cho đất nước, tạo nên những sự thay đổi. Tuy nhiên, thời đại công nghệ số đã thay đổi phần nào quan niệm đó. Trong thế giới công nghệ, với môi trường internet, kể từ khi bắt đầu sử dụng internet, trẻ em đã trở thành một công dân số, tham gia vào một môi trường xã hội không hề “ảo” và có đầy đủ các tính chất lợi ích và rủi ro như xã hội thật của “người lớn”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

Internet chứa đựng cả lợi ích và các rủi ro. Là các công dân sinh ra trong thời đại Internet, trẻ em có vai trò và trách nhiệm với môi trường của mình đang sống, cũng như môi trường mạng Internet, là những người sử dụng Internet thông minh để phát huy các lợi ích, giảm thiểu các rủi ro của môi trường này. Chính vì thế, để trở thành các công dân số chuẩn, trẻ em cần trang bị các kỹ năng số để làm chủ công nghệ.

Mô hình công dân số chuẩn S_NET

Hiện nay, Viện MSD đã xây dựng mô hình Công dân số chuẩn S_NET, bao gồm những đặc điểm bao sau:

S – Safe – An toàn: Công dân số có kiến thức phân tích các đặc tính của Internet để sử dụng Internet an toàn, bảo vệ bản thân như bảo mật thông tin, cài đặt riêng tư, đăng nhập an toàn, kết nối chọn lọc, v.v.

S – Smart – Thông minh: Công dân số có các kỹ năng, tư duy logic và tư duy phản biện để biết nhận biết và phòng tránh nội dung độc hại, phân biệt đúng sai, biết nên hay không nên chia sẻ các thông tin cá nhân và của người khác, quyết định tham gia hay không tham gia, ngăn chặn các rủi ro trên mạng Internet, biết sử dụng Internet cho các việc hữu ích phục vụ cho bản thân; và phản hồi, tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.

S - SUPER - Siêu nhân: Giống như siêu nhân là người đi giúp mọi người, công dân số chuẩn “siêu nhân” biết ứng phó tìm kiếm các giải pháp, sống thật là mình và biết là hình mẫu, tấm gương để truyền cảm hứng cho các bạn thanh thiếu niên khác hay bảo vệ, hỗ trợ những người xung quanh mình và đóng góp xây dựng môi trường mạnh lành mạnh, văn minh và có trách nhiệm.

SUPERB NET: Công dân số biết liên kết để có các mạng lưới cùng hỗ trợ nhau có các trải nghiệm tuyệt vời trên Internet.

Trong bối cảnh của thời đại kỹ năng số như vậy, các công dân số chuẩn ngoài IQ (trí thông minh logic), EQ (trí thông minh cảm xúc) còn cần thêm DQ (trí thông minh kỹ thuật số).

Triển khai nhiều hoạt động để hướng dẫn các em trở thành công dân số

Định vị là một tổ chức cam kết với việc hỗ trợ thế hệ công dân số chuẩn S_NET tại Việt Nam, giúp mọi trẻ em tối ưu hóa tiềm năng của mình và được bảo vệ an toàn trong thời đại công nghệ số, Viện MSD đã tập trung vào các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho trẻ em, nhà trường và gia đình, thông qua việc nghiên cứu xây dựng các tài liệu tập huấn, cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng dành cho cha mẹ, thầy cô và trẻ em.

Ngoài ra, Viện MSD cũng tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

1.png
Hình ảnh trong Sổ tay hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em: Công dân số chuẩn, sử dụng internet thông minh và an toàn. Đây là tài liệu tập huấn gồm 15 bài học về sử dụng Internet thông minh và an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên

“Trong thời gian qua, Viện MSD đã xây dựng các chương trình, hoạt động truyền thông về Công dân số chuẩn qua nhiều hình thức khác nhau, thân thiện với trẻ em như chiến dịch truyền thông, thử thách TikTok “Online chuẩn, mùa hè vui"; chiến dịch “Vaccine số"; “Suy nghĩ trước khi chia sẻ", và xây dựng các bộ phim hoạt hình, ứng dụng trò chơi, câu lạc bộ trẻ em…”, bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ.

Viện MSD cũng kết nối, tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp và các bên liên quan phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo bà Linh, hoạt động “Vaccine số” do MSD cùng TikTok thực hiện với sự phối hợp và bảo trợ của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các tổ chức đối tác hàng năm đều dành được sự quan tâm và tham gia đông đảo của trẻ em, gia đình và nhà trường.

“Vaccine số" hướng dẫn và giáo dục tinh thần SNET - công dân số chuẩn cho trẻ em để các em làm chủ công nghệ, “giống như được tiêm vaccine, có sức đề kháng để tự bảo vệ bản thân và có sức khoẻ để lan tỏa được những điều tốt đẹp đến với cộng đồng”.

Ngoài ra, "Sổ tay hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) trẻ em: công dân số chuẩn, sử dụng Internet thông minh và an toàn" đã được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới quốc tế tại Việt Nam (World Vision Việt Nam) phối hợp với Viện MSD thực hiện, trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng”.

Đây là tài liệu tập huấn gồm 15 bài học về sử dụng Internet thông minh và an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên của các CLB trẻ em tại các trường Trung học cơ sở, Phổ thông trung học theo các chương trình của World Vision Việt Nam và Viện MSD để vận dụng vào ứng phó với các tình huống gặp phải trên môi trường internet, và trở thành những công dân số, có kiến thức có trách nhiệm, làm chủ công nghệ, có khả năng bảo vệ bản thân và bạn bè an toàn trên mạng internet.

15 bài học xoay quanh các chủ đề về an toàn Internet cho trẻ em, liên quan đến các kiến thức căn bản về Internet và các cách thức phòng ngừa rủi ro và nguy hại trên Internet như phòng tránh lừa đảo, bắt nạt trên mạng và phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em…

Bộ tài liệu còn đi kèm với bộ tranh lật để minh hoạ các nội dung, thông điệp chính. Các chủ đề được biên soạn đa dạng các phương pháp trò chơi, động não, thảo luận theo cặp, thảo luận nhóm, sắm vai xử lý tình huống, và vẽ tranh./.

Bài liên quan
  • Thúc đẩy vai trò của trẻ em trong việc tự bảo vệ trên môi trường mạng
    Bản thân trẻ em có thể tham gia truyền thông trong các câu lạc bộ trẻ em, thực hiện những sáng kiến do chính các em khởi xướng tại trường học và trong cộng đồng, và thậm chí đưa ra những đề xuất cho nhà trường cũng như lãnh đạo địa phương nhằm thúc đẩy bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu sử dụng Internet, trẻ em đã trở thành những công dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO