Bắt kịp xu hướng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Hà Linh| 13/07/2022 09:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mới hình thành nhiều cơ chế, chính sách chưa theo kịp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội đổi mới sáng tạo, xây dựng được chiến lược phát triển bền vững. Nhờ đó, thị trường đã có một số sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo không thể là hành trình "tự thân" của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ để tìm ra cơ hội và đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo.

Tìm "đại dương xanh" cho sản phẩm mới

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nói, đó chính là cách tìm "đại dương xanh" cho các sản phẩm mới của công ty. Trước bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, và sự cạnh tranh khốc liệt từ 5.770 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị chiếu sáng, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chọn chiến lược phát triển bền vững là tăng hàm lượng khoa học cho các sản phẩm. Sau ba năm tập trung đầu tư khoa học, công nghệ, công ty đã định vị được chỗ đứng trên thị trường, với các sản phẩm chiếu sáng thông minh, được sản xuất trên các dây chuyền tự nghiên cứu, chế tạo; các phần mềm cho phép tích hợp nhiều sản phẩm chiếu sáng của công ty trên nền tảng công nghệ của các tập đoàn công nghệ như FPT, Viettel, VNPT, phục vụ cho nhu cầu xây dựng đô thị thông minh hiện nay. Dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19, hai năm qua, công ty vẫn tăng trưởng hơn 16%, năng suất lao động của người lao động năm 2019 đạt 2 tỷ đồng/người/năm; phấn đấu năm 2022 đạt 3 tỷ đồng/người/năm và năm 2025 đạt 7 tỷ đồng/người/năm.

Được biết, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã áp dụng nhiều bộ công cụ quản lý tăng năng suất, chất lượng, bộ tiêu chuẩn đổi mới quy trình, đầu tư công nghệ đổi mới sản phẩm và cách thức tiếp cận, phát triển thị trường. Nhưng có thể nói, "linh hồn" của đổi mới sáng tạo là đầu tư tới ngưỡng cho bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) để tiếp thu các tri thức bên ngoài, chuyển hóa và tạo ra tri thức mới có giá trị, từ đó tích hợp vào hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của công ty. Ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, bộ phận nghiên cứu và phát triển chia thành ba trung tâm (về công nghệ ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số), với hơn 90 người, thường xuyên hợp tác ở các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, với các chuyên gia nước ngoài để cập nhật tri thức mới, công nghệ mới.

Theo các chuyên gia, sự chú trọng vào hoạt động nghiên cứu và phát triển như Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là xu thế, giúp tăng khả năng hấp thụ công nghệ trong bối cảnh năng lực hấp thụ công nghệ, hấp thụ tri thức của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đồng thời tạo nền tảng cho nghiên cứu công nghệ cao trong tương lai. Thời gian qua, ngân sách nhà nước dành cho hoạt động này đã tăng từ 1.300 tỷ đồng năm 2012 lên 19.300 tỷ đồng vào năm 2018. Đầu tư của các doanh nghiệp cũng tăng từ 6.700 tỷ đồng năm 2016 lên 16.600 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, mức chi cho nghiên cứu và phát triển trên tổng GDP vẫn còn thấp; phần lớn các doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu và phát triển phục vụ mục đích ứng dụng, vận hành công nghệ hơn là đổi mới công nghệ. Do đó, thời gian tới ngân sách nhà nước cần tăng cho hoạt động này, có cơ chế khuyến khích đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, coi đây là lĩnh vực được ưu đãi cao nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xác định, việc phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia tại các viện nghiên cứu, trường đại học luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình đổi mới của mình nhằm liên tục thu nhận các kiến thức mới, tạo ra giá trị mới.

Đổi mới sáng tạo cũng cần phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ cao nhất thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới từ hoạt động sáng chế. Quan điểm này cũng được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ: Việc hiểu theo nghĩa hẹp đổi mới sáng tạo là những kết quả trực tiếp tạo ra từ hoạt động nghiên cứu và phát triển như ở các quốc gia dẫn đầu chưa phù hợp với một nước đang phát triển như Việt Nam. Ở nghĩa rộng hơn, người ta coi tính mới mang tính chất tương đối, có thể không mới ở thế giới nhưng mới ở Việt Nam hoặc mới ở doanh nghiệp, do đó, hoạt động đổi mới sáng tạo không chỉ thuần túy là một quy trình từ nghiên cứu, phát triển ra công nghệ, sáng chế rồi áp dụng vào quá trình quản lý hay sản xuất mà có thể là việc áp dụng những cái đã có ở các quốc gia khác, chưa từng áp dụng ở Việt Nam. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đi theo hướng này, và đã tạo ra nhiều sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn, từ việc tiếp thu công nghệ cao của thế giới, Công ty cổ phần TOMECO An Khang đã trở thành nhà sản xuất đầu tiên tại Việt Nam có thể thiết kế, chế tạo và lắp đặt quạt khí thải của hệ thống lò nung clinker trong nhà máy xi-măng, thay thế cho quạt nhập khẩu. Đây là loại quạt xử lý quan trọng nhất của ngành xi-măng, được ví như lá phổi của mọi nhà máy xi-măng, nhưng thiết bị nhập ngoại thường có hiệu suất sử dụng thấp, gây tốn điện năng cho nhà máy, trong khi đó sản phẩm của Công ty cổ phần TOMECO An Khang tiết kiệm điện năng 15% so với quạt nhập khẩu. Công ty cũng là đơn vị duy nhất có đủ năng lực "kiểm toán" năng lượng cho các doanh nghiệp, chỉ ra cho họ thấy bài toán tiết kiệm năng lượng để lựa chọn phát triển bền vững. Ông Lê Quý Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, các nghiên cứu, giải pháp của đơn vị đều tập trung giải quyết các bài toán thực tế mà doanh nghiệp đang cần từng ngày, từng giờ, do đó rất mong có chính sách khuyến khích các nghiên cứu như vậy.

Bắt kịp xu hướng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp - Ảnh 1.

Vận hành dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Công ty cổ phần TOMECO An Khang, Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Hà Nội. (Ảnh Minh Hà)

Đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo PGS, TS Trần Ngọc Ca, thành viên Hội đồng chính sách và khoa học-công nghệ quốc gia, tuy có một số doanh nghiệp đã định hình rõ nét đổi mới sáng tạo và đem lại những thành công bước đầu, nhưng một khảo sát gần đây cho thấy, có nhiều doanh nghiệp chưa thật sự có động lực để đổi mới sáng tạo, chưa mong muốn đổi mới công nghệ. Vấn đề chưa hẳn là doanh nghiệp thiếu tiền, mà do họ không biết bắt đầu từ đâu, và phải làm gì với đổi mới sáng tạo, cho nên họ rất cần được hỗ trợ về mặt tri thức, kỹ năng. Thời gian qua, đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, có đủ các thành phần như viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức thuộc chính phủ, tổ chức trung gian kết nối, cùng với đó là các công cụ chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cho nên cần vận hành trúng đích hơn. Các tổ chức hỗ trợ đừng chờ doanh nghiệp đến với mình, đừng phó mặc doanh nghiệp thụ hưởng chính sách mà hãy đến với doanh nghiệp, "khám sức khỏe" cho doanh nghiệp về mặt công nghệ, tài chính, xem họ vướng gì trong đổi mới sáng tạo, từ đó, có các chương trình hỗ trợ cụ thể.

Quan điểm "cầm tay chỉ việc" cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam nêu cụ thể: Cần các chuyên gia hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong việc tập hợp đội ngũ, tổ chức lại công việc, giúp doanh nghiệp tìm ra cơ hội đổi mới. Từ hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Tùng Lâm nhận thấy các hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thường tự phát, không mang tính hệ thống, do đó kết quả đạt được chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có điểm yếu là không phát hiện ra cơ hội đổi mới, không có phương pháp, công cụ phân tích để đánh giá tiềm năng đổi mới trong cả quá trình. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách toàn diện, doanh nghiệp cần tiếp cận bộ ISO 56000 là bộ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý đổi mới. Bộ tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp thiết lập được nền tảng để đổi mới, đặc biệt hữu ích cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo vì các doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện đổi mới. Bộ tiêu chuẩn đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh...

Về phía doanh nghiệp, họ mong muốn sớm được tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách để góp phần lành mạnh thị trường, các sản phẩm khoa học khẳng định được giá trị, không bị đánh đồng với các sản phẩm kém chất lượng, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo. Ông Lê Quý Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TOMECO An Khang cho biết, hiện nay, chưa có quy định về hiệu suất các sản phẩm tiêu thụ điện năng, người tiêu dùng chỉ dựa vào công bố của nhà sản xuất, và chịu rủi ro khi sản phẩm công bố tiết kiệm nhưng vận hành tiêu hao điện năng rất lớn. Tương tự, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng, các sản phẩm chiếu sáng cần phải có hàng rào kỹ thuật, có tiêu chuẩn để kiểm soát các sản phẩm có ánh sáng độc hại đối với sức khỏe người tiêu dùng và tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cũng cần tháo gỡ bế tắc lâu nay trong việc trích lập quỹ cho hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp chính là chìa khóa cho khát vọng phát triển, và vì vậy các hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách cần sớm được tháo gỡ để có thêm nhiều doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắt kịp xu hướng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO