Fintech xanh: Làn sóng đổi mới định hình tương lai tài chính Đông Nam Á
Đông Nam Á đang bước vào một giai đoạn then chốt trong hành trình phát triển công nghệ tài chính - nơi đổi mới không còn chỉ tập trung vào khả năng tiếp cận hay sự tiện lợi, mà hướng đến thúc đẩy phát triển bền vững trên quy mô lớn. Sự chuyển dịch này đang mở đường cho fintech xanh - một lĩnh vực nơi công nghệ tài chính đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng hiện hữu, công nghệ tài chính (fintech) xanh không còn là một thị trường ngách, mà đang trở thành một nhu cầu thiết yếu trong khu vực Đông Nam Á. Điển hình cho xu hướng này là dòng vốn đầu tư đáng kể: chỉ trong nửa đầu năm 2025, hệ sinh thái công nghệ của Đông Nam Á đã huy động được tổng cộng 2 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực fintech chiếm khoảng 775 triệu USD - tăng 31% so với cuối năm 2024.
Tuy nhiên, để xu hướng này phát triển một cách bền vững và có trách nhiệm, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn cần được giải đáp: Liệu fintech xanh có thể mở rộng mà không đánh đổi các nguyên tắc cốt lõi? Hệ thống pháp lý và yêu cầu minh bạch có theo kịp tốc độ đổi mới không? Và làm thế nào để các công ty tránh rơi vào cái bẫy "tẩy xanh" (greenwashing)?
"Greenwashing" chỉ động thái đánh bóng hình ảnh, tỏ ra có trách nhiệm với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, nhưng trong thực tế, mọi việc tiến hành hời hợt, thậm chí giả tạo, không đi vào thực chất, chủ yếu để làm hình ảnh hoặc thu hút khách hàng mà không thực sự tạo ra tác động tích cực đến môi trường.
Fintech xanh là gì?
Về bản chất, fintech xanh là việc ứng dụng công nghệ tài chính hỗ trợ thúc đẩy các tác động tích cực cho môi trường. Điều này có thể bao gồm các công cụ số hỗ trợ huy động vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, hoặc các ứng dụng dành cho người tiêu dùng giúp theo dõi và bù đắp lượng khí thải carbon.
Tại Đông Nam Á, fintech xanh đang được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng. Tiêu biểu là các hệ thống tư vấn tài chính tự động theo định hướng ESG (Environment - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị doanh nghiệp), giúp người dùng đầu tư vào các danh mục bền vững; hay các tài khoản tiết kiệm xanh, nơi lãi suất được gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, khu vực còn chứng kiến sự phát triển của các nền tảng cho phép giao dịch tín chỉ carbon (chứng nhận mang tính thương mại, thể hiện quyền sở hữu về lượng khí CO₂ hoặc các loại khí nhà kính khác) minh bạch. Đồng thời, các công cụ phân tích rủi ro khí hậu cũng đang được các ngân hàng và công ty bảo hiểm áp dụng để đánh giá và quản lý rủi ro môi trường.
Theo DigitalDefynd, mục tiêu của fintech xanh không chỉ là cung cấp các lựa chọn tài chính thân thiện với môi trường, mà còn là tích hợp chúng một cách tự nhiên và hiệu quả vào đời sống tài chính hàng ngày của người dân.
Đông Nam Á - khu vực tiềm năng của làn sóng fintech xanh
Fintech xanh đang chứng kiến sự bùng nổ trên toàn cầu, nhưng Đông Nam Á đang nổi lên như một trong những khu vực tiềm năng nhất cho làn sóng phát triển này. Khu vực không chỉ là một trong những thị trường fintech tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mà còn phải đối mặt với những rủi ro khí hậu ngày càng nghiêm trọng - từ nước biển dâng đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chính sự giao thoa giữa nhu cầu kinh tế và áp lực môi trường đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho fintech xanh bứt phá.
Theo báo cáo của PwC, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực công nghệ xanh tại ASEAN đã thu hút tới 169 triệu USD vốn đầu tư, tiếp nối xu hướng tăng trưởng liên tục suốt 5 năm qua.
Tuy nhiên, làn sóng đầu tư này không chỉ bắt nguồn từ những lý do mang tính nhân đạo. Một báo cáo của Bain & Company chỉ ra rằng, nền kinh tế xanh tại Đông Nam Á có thể mở ra cơ hội kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Dưới góc nhìn của giới đầu tư, fintech xanh đang trở thành điểm giao thoa lý tưởng giữa ba yếu tố: hành lang pháp lý dần hoàn thiện, nhu cầu thị trường tăng cao, và tính cấp bách của biến đổi khí hậu.
Vượt ra ngoài tài chính toàn diện: ESG đang tái định hình đổi mới fintech tại ASEAN
Fintech đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tiếp cận tài chính tại Đông Nam Á, đặc biệt đối với những nhóm dân cư chưa từng hoặc khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Các giải pháp tài chính ưu tiên di động đã giúp các cộng đồng chưa có tài khoản ngân hàng dễ dàng hơn trong việc tiết kiệm, vay vốn và đầu tư.
Giờ đây, một làn sóng đổi mới đang hình thành khi fintech không chỉ đơn thuần hướng tới tài chính toàn diện, mà còn đặt trọng tâm vào trách nhiệm môi trường.
Nhiều startup trong khu vực đang phát triển các công cụ giúp người dùng nâng cao nhận thức về lượng khí thải carbon của mình và thực hiện các bước giảm thiểu lượng khí thải carbon cá nhân.
Tại Singapore và Indonesia, một số ngân hàng đã bắt đầu thử nghiệm thẻ ghi nợ liên kết với carbon (carbon-linked debit cards - loại thẻ ghi nợ được thiết kế để theo dõi và đo lường lượng khí thải carbon phát sinh từ các giao dịch mua sắm của người dùng), theo dõi lượng khí thải phát sinh dựa trên thói quen chi tiêu. Hiểu đơn giản, đây là loại thẻ xanh, giúp người dùng nhận biết và đánh giá tác động môi trường từ các hoạt động tiêu dùng của mình.
Trong khi đó, một số tổ chức tài chính cũng đã bắt đầu đưa tiêu chí ESG vào quy trình đánh giá tín dụng - một dấu hiệu cho thấy khái niệm về “sức khỏe tài chính” đang được tái định nghĩa theo hướng bền vững hơn.
Thách thức và tiềm năng phát triển
Không thể phủ nhận fintech xanh đang ngày càng thu hút sự quan tâm tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Để có thể phát triển bền vững và thực sự trở thành một phần của hệ thống tài chính chính thống trong khu vực, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết.
Một trong những vấn đề lớn nhất là tính minh bạch của dữ liệu. Nhiều tuyên bố về môi trường của các sản phẩm fintech dựa trên dữ liệu phát thải chính xác. Tuy nhiên, ở nhiều thị trường mới nổi trong khu vực, vẫn thiếu hụt các thông tin được chuẩn hóa và xác minh độc lập. Khi thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, các doanh nghiệp khó có thể đo lường chính xác tác động môi trường của mình, chứ chưa nói đến việc cung cấp các giải pháp hiệu quả giúp người dùng giảm thiểu hoặc bù đắp lượng phát thải carbon.
Cùng với đó là nguy cơ gia tăng của “greenwashing” - hiện tượng gắn nhãn “xanh” cho sản phẩm hay dịch vụ mà thiếu cam kết và hành động thực chất. Mặc dù một số cơ quan quản lý và tổ chức trong ngành đã bắt đầu hành động, nhưng các quy định và tiêu chuẩn cần thiết để đảm bảo sự trung thực vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đặc biệt đối với lĩnh vực fintech tại Đông Nam Á.
Cuối cùng là vấn đề quy định pháp lý. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã có những bước đi tiên phong để hỗ trợ lĩnh vực này, bao gồm sáng kiến Green FinTech Challenge. Tuy nhiên, trong phạm vi toàn ASEAN, các nỗ lực xây dựng một hệ thống quy định thống nhất xuyên biên giới vẫn đang được triển khai. Nếu thiếu sự đồng bộ giữa các quốc gia, các giải pháp fintech khó có thể mở rộng quy mô hay vận hành trơn tru trên nhiều thị trường khác nhau.
Fintech xanh tại Đông Nam Á sở hữu tiềm năng phát triển to lớn, nhưng việc hiện thực hóa tiềm năng đó sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố then chốt: đổi mới đáng tin cậy, khuôn khổ chính sách hỗ trợ và kỷ luật của nhà đầu tư.
Các công ty fintech cần chứng minh rằng các sản phẩm “xanh” không chỉ dừng lại ở chiến lược tiếp thị, mà thực sự tạo ra giá trị môi trường cụ thể, đo lường được. Đồng thời, các cơ quan quản lý phải đặt ra các quy định để đảm bảo trách nhiệm giải trình và ngăn chặn hành vi “tẩy xanh”.
Nếu được phát triển và quản lý đúng cách, fintech xanh hoàn toàn có thể trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững, vừa trao quyền cho người tiêu dùng, vừa mở rộng kênh tài trợ cho các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trên quy mô toàn khu vực./.