Nuông chiều con thái quá sẽ làm hỏng đứa trẻ và phá hủy tương lai của chúng. Điều này không phải bậc cha mẹ nào cũng nhìn nhận ra và họ chiều chuộng con đến mức có những đứa trẻ ở tuổi thiếu niên mà những thao tác đơn giản nhất cũng không biết làm.
Cậu bé Cường, năm nay 12 tuổi, đã lên cấp 2 và ăn bữa trưa bán trú tại trường. Nhưng chỉ vài ngày sau khi đi học, cô giáo đã gọi điện cho mẹ Cường lên trường để gặp. Cô giáo cho biết, trong bữa ăn, Cường hầu như không ăn gì. Lý do là vì cậu bé không biết cầm đũa.
Nghe cô giáo nói, cô Vương, mẹ của Cường trả lời: "Con tôi không bao giờ dùng đũa. Ở nhà khi con ăn tôi ngồi cạnh, gắp từng món ăn cho con và con tôi dùng thìa xúc. Cô có thể cho con tôi dùng thìa được không? Ở lớp dưới con cũng ăn bằng thìa mà".
Cô giáo nghe phụ huynh nói xong thì vô cùng ngạc nhiên vì cách dạy con của mẹ Cường và góp ý với cô Vương nếu tiếp tục nuôi dạy con như vậy, người mẹ sẽ làm hỏng cả cuộc đời cậu bé.
Thông thường khi trẻ học mẫu giáo, các bé đã phải được dạy những khả năng tự chăm sóc bản thân như tự mặc quần áo, đi vệ sinh, tự xúc ăn, tự ngủ.
Lên tới cấp 1, cấp 2, cha mẹ cần dạy thêm cho trẻ nhiều kỹ năng khác như nấu cơm, dọn nhà, giặt quần áo… để trẻ có ý thức tự lập và lao động hơn.
Với những trường hợp chiều con thái quá như bà mẹ nói trên, đến 12 tuổi vẫn không biết cầm đũa, kỹ năng tối thiểu mà một em bé lớp 1-2 đã biết thì đó là lỗi giáo dục lớn của phụ huynh.
Những đứa trẻ quá phụ thuộc vào cha mẹ sẽ có tương lai như thế nào?
Không biết cách giải quyết vấn đề
Gặp bất cứ trở ngại, khó khăn nào, trẻ cũng có thói quen được cha mẹ giải quyết hộ nên khả năng giải quyết vấn đề của những đứa trẻ này là bằng không.
Cũng vì thế mà trước mọi vấn đề, quyết định của chúng cũng là chờ đợi từ phụ huynh chứ không hề có chính kiến. Lâu dần những đứa trẻ sẽ hình thành thói quen phụ thuộc, không biết làm gì, không biết phải giải quyết như thế nào từ những việc nhỏ nhất.
Khi trưởng thành, phải tự lập, đi làm, những đứa trẻ phụ thuộc này chắc chắn sẽ không thể hòa nhập với xã hội.
Không có khả năng sống độc lập
Như trường hợp của cậu bé Cường nói trên, mẹ của bé đã "tước đoạt" khả năng tự chủ, độc lập của con từ những hành động nhỏ nhất như tự gắp thức ăn.
Để đến khi không có mẹ bên cạnh thì mọi "tật" của Cường đã dần lộ diện và cậu bé không thể tự chăm sóc mình từ những việc nhỏ nhất là ăn. Không có sự đồng hành của mẹ, Cường như mất đi cánh tay, đôi chân, bởi không còn người chăm bẵm từng ly từng tí nữa.
Không có kỹ năng xã hội
Trong xã hội tồn tại những người kiểu "em bé khổng lồ", nghĩa là dù lớn, mang tiếng trưởng thành nhưng họ lại không hề biết tự chăm sóc bản thân, không biết sống tự lập như thế nào.
Những người như thế khi ra ngoài xã hội sẽ không có nhiều bạn bè, không biết cách giao tiếp và kỹ năng xã hội thì vô cùng thấp kém.
Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ không chỉ chăm chăm chú ý tới thành tích học tập mà hãy dạy trẻ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Tối thiểu là việc con tự chăm sóc bản thân, biết cách sống độc lập khi trưởng thành bởi suy cho cùng, không ai có thể sống mãi để chăm sóc các con được.
>> Tham khảo thêm: Nhật Bản đã giáo dục trẻ em khác biệt như thế nào ngay từ khi còn học mẫu giáo?