"Khát" nhân lực số, ngành ngân hàng phải chủ động chuyển đổi
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, nhân lực ngân hàng luôn phải chủ động chuyển đổi, trang bị đa dạng kỹ năng số chuyên sâu về quản trị, an ninh mạng, bảo mật mạng, làm chủ các công nghệ số…
Sáng ngày 16/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với Hội Thông tin KH&CN Việt Nam (VASTI), Tạp chí Một Thế Giới cùng Thời báo Ngân hàng tổ chức Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”.
Cần phải có sự am hiểu về nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh hệ thống ngân hàng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiếp xúc trực tiếp sang quản trị, giám sát theo hướng "số" để phát triển bền vững.
“Tuy nhiên, để thích nghi, phát triển, điều quan trọng là cần phải có nguồn nhân lực số mạnh mẽ được vận hành trong hệ sinh thái số thông minh. Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về an ninh mạng, công nghệ thông tin (CNTT) như hiện nay”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh .
Cụ thể cho quan điểm này, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, hệ sinh thái số thông minh trong ngành ngân hàng không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành, mà còn là một mô hình tích hợp toàn diện giữa ngân hàng và các lĩnh vực doanh nghiệp (DN) vào trung tâm của hệ thống tài chính số hiện đại, cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với đó, các ngân hàng đang mạnh mẽ cơ cấu nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ chuyển đổi số (CĐS). Đặc biệt, các ngân hàng đã áp dụng chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực theo hướng giảm nhân sự ở những lĩnh vực có thể thay thế bằng tự động hóa, gia tăng nhân sự ở các vị trí liên quan công nghệ, ra quyết định và tư vấn.
Và để các ngân hàng phát triển, các nhân viên ngân hàng cần phải có sự am hiểu về nghiệp vụ và công nghệ ngân hàng. Hai kỹ năng này đi cùng nhau để xây dựng quy trình, nghiệp vụ số. Ngân hàng nào không làm được việc này thì không thể tham gia “cuộc chơi” và như thế sẽ hình thành nên một đội ngũ nhân viên ngân hàng mới.
Xu hướng "số" trở nên phổ biến
Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, trong công cuộc CĐS, số hoá mạnh mẽ này, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực tiên phong chuyển đổi, áp dụng các mô hình số mới trong hoạt động quan trị, phục vụ hiệu quả đáp ứng các yêu cầu, trải nghiệm của khách hàng vì mục tiêu phát triển trở thành các ngân hàng số tiên tiến.
Và để làm tốt hơn nữa các mục tiêu này, nhân lực ngân hàng luôn phải chủ động chuyển đổi, trang bị đa dạng kỹ năng số chuyên sâu về quản trị, an ninh mạng, bảo mật mạng, làm chủ các công nghệ số…

Nhấn mạnh các lợi ích số hoá mang lại, Thứ trưởng Bùi Thế Duy dẫn chứng điển hình: Nhà máy sản xuất thép của Nhật Bản đã vận hành toàn bộ nhà máy dựa trên công nghệ mà không phải có các nhân viên, người lao động trực tiếp làm việc tại các kho, xưởng. Điều này được thực hiện hiệu quả nhờ toàn bộ nguồn nhân lực lao động chuyển đổi, sử dụng các phần mềm, lập trình tự động tại phòng điều khiển từ đó kiểm soát toàn bộ hoạt động sản xuất của nhà máy. Nói cách khác, toàn bộ nguồn nhân lực của nhà máy đã dịch ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng chia sẻ một ví dụ khác là một nhà máy sản xuất chuyên về hàn các sản phẩm thép cao cấp cũng không sử dụng công nhân hàn tay sản phẩm mà chỉ đứng sau hệ thống máy tính điều khiển các robot hàn sản phẩm. Việc sử dụng robot thay con người sản xuất trực tiếp chính là sự thay đổi cách thức làm việc nhanh hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn.
Với ví dụ nêu trên, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, các thói quen làm việc truyền thống đang được thay thế theo hướng nhanh, mạnh mẽ bởi các phương thức số mới, cách làm mới và đó là việc ứng dụng, sử dụng các CNTT mạnh mẽ, một xu hướng số dần trở thành phổ biến hiện nay.
“Trong xu thế phát triển công nghệ số hiện nay, đây mới chỉ là sự phát triển khởi đầu và nó còn tiến xa, mạnh mẽ hơn, bởi lẽ các công nghệ số luôn phát triển mạnh mẽ hàng ngày, hàng giờ và công nghệ mới có thể thay thế các công nghệ ra đời trước đó. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) luôn có sức mạnh hiểu suy nghĩ, hành vi, nhu cầu của con người và xu thế, xu hướng sử dụng máy tính lượng tử sẽ xuất hiện, dần trở thành phổ biến”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới
Ở quan điểm khác khi nói về vấn đề nguồn nhân lực, PGS. TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, thời điểm này, nguồn cung về công nghệ thông tin chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin.
Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực số trong ngành ngân hàng luôn ở mức cao, đặt ra thách thức lớn trong việc đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình CĐS.
Do đó, để phát triển nguồn nhân lực số cho ngành ngân hàng cần thiết phải tăng cường hợp tác theo mô hình “ba nhà” bao gồm NHNN Việt Nam, Học viện Ngân hàng và các tập đoàn công nghệ/tổ chức tài chính để phát triển, tổ chức triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu.
“Đặc biệt, các tổ chức tín dụng, DN trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần chủ động trong việc xác định nhu cầu và đặt hàng đào tạo; tham gia vào quá trình xây dựng, cập nhập chương trình; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc trong môi trường thực tế để tích lũy kinh nghiệm; phối hợp các cơ sở đào tạo thiết kế các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng công nghệ cho đội ngũ nhân sự…”, PGS. TS. Phạm Thị Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ở quan điểm khác, khi nói về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ sở giáo dục và đào tạo cần phải đẩy nhanh tốc độ đào tạo AI, chuỗi khối (blockchain)… Các cơ sở giáo dục và đào tạo cần sự tích cực, mạnh mẽ, vì nếu chậm số hoá, AI… chúng ta sẽ mất cơ hội chuyển mình trong kỷ nguyên phát triển số.
Cũng nêu quan điểm phát triển, ông Trần Văn Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch VASTI nhấn mạnh, các ngành ngân hàng cần phải tập trung vào đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng.
"Chúng ta cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số như: chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu, nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình.
“Việc đào tạo cần được đưa vào chương trình của các cơ sở đào tạo như Học viện Ngân hàng, các trường đại học có đào tạo chuyên ngành tài chính, ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần chủ động cử cán bộ đi học, đi bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới”, ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh./.