Biện pháp để chống lại phong trào "tẩy chay" tiêm chủng vắc-xin thời công nghệ

Nguyễn Uyên| 04/05/2021 09:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Các phong trào chống tiêm chủng vắc-xin (anti-vaccine) không phải là mới. Một thế kỷ trước, chúng ta đã từng chứng kiến tình trạng phản đối tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa.

Sự phản đối như vậy vào năm 1920 đã khiến Ủy viên phụ trách y tế công cộng của Seattle (Mỹ) gọi thành phố là “điểm nóng về chống tiêm chủng - Khoa học Cơ đốc giáo (Christian Science), và nhiều giáo phái phản đối y tế khác nhau và dẫn đến việc thực hiện tiêm chủng rất khó khăn”. Việc “tẩy chay”, nghi ngờ và phản đối vắc-xin tiếp tục diễn ra và trở thành vấn đề mà Tổ chức Y tế thế giới phải lên tiếng quan ngại sâu sắc. Bởi việc nhiều người không tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như bệnh sởi, quai bị hoặc rubella sẽ làm suy giảm khả năng miễn dịch của toàn bộ cộng đồng. Gần đây với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, phong trào chống lại vắc-xin lại lan sang “miền đất” vắc-xin COVID-19. Có thể thấy câu chuyện chống lại vắc-xin phòng bệnh nói chung và vắc-xin phòng ngừa COVID-19 nói riêng... trong thời đại bùng nổ truyền thông mạng xã hội là một kịch bản hoàn toàn khác. 

Biện pháp để chống lại phong trào

Bài báo phân tích chi tiết thực trạng phong trào chống tiêm chủng vắc-xin, những nguyên nhân thách thức và chia sẻ những giải pháp công nghệ để đẩy lùi phong trào “tẩy chay” vắc-xin, vì một cộng đồng khỏe mạnh và hạnh phúc.

Phong trào anti-vacccine đang “dậy sóng”

Tiêm chủng được chứng minh là một trong những biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng hiệu quả nhất trên toàn cầu, điều này khiến cho WHO đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng “chần chừ đối với vắc-xin” đáng báo động trên toàn cầu.

Trào lưu này được cho là bắt đầu từ năm 1998, khi một bài báo của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield đăng trên tờ The Lancet. Trong đó, vị bác sĩ này công bố một nghiên cứu cho rằng vắc-xin sởi, quai bị, rubella có thể gây bệnh tự kỷ. Sau này, giới chức y tế thế giới đã tìm ra nhiều bằng chứng bác bỏ kết luận trên, coi thông tin của vị bác sĩ người Anh là vô căn cứ, thiếu trung thực và vô trách nhiệm. Dù vậy, công bố của ông Wakefield đã kịp tạo ra những nghi hoặc trong các bậc phụ huynh trên thế giới. Các nhà khoa học khác đã mất hơn 10 năm nghiên cứu để chứng minh Wakefield đã sai. Năm 2010, bài báo của ông ta bị gỡ xuống và vị bác sĩ đã bị tước giấy phép hành nghề ở Anh vì có dấu hiệu trục lợi từ thông tin thất thiệt. Hậu quả của những bài nghiên cứu như thế chính là việc “chần chừ đối với vắc-xin”. 

Trên thực tế, một báo cáo nghiên cứu về tiến độ loại trừ bệnh sởi đã ước tính rằng 20,3 triệu người đã được cứu sống nhờ tiêm vắc-xin sởi từ năm 2000 đến năm 2015. Mặc dù vậy, tỷ lệ tiêm chủng đang giảm và bệnh sởi đã gây ra ít nhất 140.000 ca tử vong trên toàn thế giới trong năm 2018, với số ca mắc bệnh sởi được báo cáo cho năm 2019 là cao nhất trong một năm kể từ năm 2006. Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc dịch sởi bùng phát mạnh mẽ thời gian gần đây là do phong trào anti-vaccine, và nhiều phụ huynh trên thế giới đã quyết định không cho con của mình tiêm phòng. Việc trẻ em tiếp tục chết trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI vì căn bệnh mà chúng ta đã có vắc xin hiệu quả trong gần 60 năm phản ánh một cuộc khủng hoảng trong cả việc cung cấp các can thiệp y tế công cộng và hiểu biết của công chúng về khoa học.

Gần đây, sự quay lại của dịch sởi đang gây ra nhiều lo lắng cho người dân khắp thế giới. Theo dữ liệu công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2018, trên thế giới có khoảng 229.000 ca bệnh sởi, tăng 30% so con số 170.000 ca năm 2017. Căn bệnh dễ truyền nhiễm này lây lan mạnh tại hàng loạt quốc gia như Hy Lạp, Ukraine, Mỹ, Venezuela, Philippines, Madagascar... Tại Madagascar, trong giai đoạn từ đầu tháng 9/2018 đến đầu tháng 2/2019, đã ghi nhận gần 53.500 trường hợp nhiễm bệnh và 312 người đã tử vong. Tại Philippines, trong tháng 1/2019, đợt bùng phát sởi mới nhất khiến ít nhất 4.302 người mắc bệnh và 70 người tử vong. Bộ Y tế nước này cho biết, trong số những người mắc bệnh có tới 66% chưa từng tiêm phòng vắc-xin sởi. Tình trạng lưỡng lự trong việc tiêm vắc-xin cũng khiến dịch bệnh ngày một nghiêm trọng hơn.

Theo WHO, tại 47 quốc gia châu Âu (với dân số gần 900 triệu người) trong 2018 đã có khoảng 82.600 người được ghi nhận mắc bệnh sởi. Trong số đó, 72 trường hợp đã tử vong. Đây được xem là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý là có đến 56% số bệnh nhân chưa được tiêm chủng, hoặc không rõ có tiêm chủng hay không. Ukraine cũng đang là một “điểm nóng” về bệnh sởi tại khu vực này. Bộ Y tế Ukraine cho biết, chỉ từ cuối tháng 12/2018 đến đầu tháng 2-2019, có hơn 15.000 ca bệnh, và bảy trường hợp tử vong vì sởi đã được báo cáo, và dịch bệnh này đang diễn biến ngày một phức tạp hơn.

WHO cũng cho biết, tại một số quốc gia những căn bệnh gần như đã được xóa sổ lại đang trở thành dịch và bùng phát trở lại. Chẳng hạn như tại Anh, Giám đốc Y tế (CMO) Dame Sally Davies cho biết chỉ có 87% trẻ em ở Anh được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc-xin MMR (sởi, quai bị và rubella), dưới mục tiêu 95% để tạo được miễn dịch cộng đồng.

Ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19, hoạt động chống tiêm chủng vắc-xin cũng không ngoại lệ. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 12/2020 của Kaiser Family Foundation (KFF), 27% người Mỹ nói rằng họ có thể hoặc chắc chắn sẽ không tiêm vắc-xin COVID-19; ngay cả khi vắc-xin được tiêm miễn phí và được các nhà khoa học cho là an toàn. Vì vậy đối với một loại virus mới như virus corona, chắc chắn là sự hoài nghi về vắc-xin càng tăng cao.

Những yếu tố gây ra quan ngại và từ chối vắc-xin

Khi nghiên cứu tìm hiểu về những nguyên nhân, rào cản và thách thức đối với xu hướng một bộ phận cộng động “tẩy chay” tiêm vắc-xin phòng chống bệnh, các chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân: Thứ nhất, có những yếu tố thực tế chẳng hạn như chiến tranh, xung đột, và các bối cảnh bên ngoài khác khiến cho việc từ chối vắc-xin có thể xảy ra; Thứ hai, có những vấn đề cụ thể về vắc-xin, chẳng hạn mối quan tâm của cộng đồng về tác dụng không mong muốn hoặc cũng có thể là do có một nghiên cứu nào đó - đôi khi là nghiên cứu không đúng - chẳng hạn nghiên cứu về vắc-xin sởi, quai bị, rubella (MMR) do Andrew Wakefield thực hiện ở Vương quốc Anh, hoặc là nghiên cứu mà đã bị hiểu sai; Thứ ba, những lý do có liên quan đến hệ thống niềm tin cá nhân hoặc hệ thống niềm tin của cộng đồng. Điều này có thể bao gồm bất cứ thứ gì có liên quan đến quan điểm tôn giáo hoặc lý luận mà từ đó con người từ chối tiếp nhận các vật thể nhân tạo để tăng đáp ứng miễn dịch, hoặc là tin tưởng vào các hình thái khác của y học.

Có thể thấy niềm tin tác động rất lớn. Vì thế không có gì lạ khi xu hướng từ chối vắc-xin là kết quả của chủ nghĩa hoài nghi đang lan truyền như một căn bệnh. Mặc dù thiếu khả năng tiếp cận với tiêm chủng và lý do tôn giáo là những nguyên nhân dẫn đến việc chần chừ trong tiêm chủng, nhưng vấn đề lớn nhất gần đây là sự lan rộng toàn cầu của phong trào anti-vaccine được thúc đẩy bởi nhiều người nổi tiếng, chính trị gia và các nền tảng truyền thông xã hội kiếm lợi từ nội dung lan truyền như vậy. Facebook đã từng cố gắng giải quyết vấn đề anti-vaccine trong nhiều năm, và chỉ gần đây, gã khổng lồ truyền thông xã hội này đã thông báo rằng họ có kế hoạch xóa các bài đăng với những nội dung xác nhận có tiêm chủng sai trên toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, mọi người vẫn có thể duyệt Instagram thoải mái để xem những nội dung gây hại như vậy.

Hiện tượng hoài nghi đối với tiêm chủng hoặc y học nói chung không phải là mới, nhưng nó đang tái diễn với khả năng phục hồi mới. Có vẻ như số lượng các bệnh truyền nhiễm trong cuộc sống con người, chẳng hạn như bệnh sởi, quai bị và rubella, đã bị xóa bỏ phần lớn trong ký ức chung của nhân loại. Đồng thời, lại là sự gia tăng của tin tức giả mạo và các thuyết âm mưu về lòng tham của các công ty sản xuất vắc xin và nỗi sợ hãi về tác hại tiềm tàng mà được cho là do vắc xin sẽ gây ra, đã chiếm không gian đáng kể trong các cuộc thảo luận của công chúng. Một số đang liên kết với các tình trạng y tế trùng hợp ngẫu nhiên, trong đó tuổi tác hoặc sức khỏe giảm sút của bệnh nhân là nguyên nhân thực sự, với vắc xin COVID. Tiến sĩ Peter Hotez, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết: “Họ sẽ giật gân bất cứ điều gì xảy ra sau khi có ai đó đã được tiêm vắc-xin và gán nó với vắc-xin”.

Nhiều người thậm chí còn có cách tiếp cận vật lý hơn để bày tỏ sự không tin tưởng của họ vào vắc-xin. Ví dụ, vào tháng 1/2021, 50 người biểu tình chống vắc-xin ở Los Angeles đã buộc một trong những điểm tiêm chủng lớn nhất của Hoa Kỳ phải đóng cửa trong một giờ. Mặc dù có thể hiểu được sẽ có một mức độ hoài nghi nhất định khi nói đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe của con người, nhưng việc sai lầm trên con đường của kẻ chống tiêm chủng vắc-xin sẽ trở nên nguy hiểm; đặc biệt là khi các cơ quan quản lý độc lập và các nghiên cứu được đánh giá độc lập đều cho rằng vắc-xin được đề cập là an toàn. Nhưng thúc đẩy sự hoài nghi đến mức cực đoan trong thời đại kỹ thuật số chính là bởi các nền tảng truyền thông xã hội - Đây là nơi sinh sôi của các phong trào chống tiêm chủng vắc-xin.

Gần đây xuất hiện nghi ngờ vắc-xin phòng COVID-19 mà nguyên nhân được nhận định là do thiếu dữ liệu rõ ràng và sự nổi lên của các thuyết âm mưu lan tràn trên mạng xã hội. Tất cả những điều này cho thấy một thực tế là khi chúng ta chạy đua để làm chậm sự lây lan của COVID-19 và tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt, thông tin sai lệch đang lan truyền nhanh hơn những nỗ lực đó. Các bài đăng trên mạng hoạt động giống như tuyên truyền chính trị. Điều quan trọng là ở sự lặp lại của các thông điệp như vậy. Nếu bạn nghe một tin nhắn tiêu cực nhiều lần trong thời gian dài hơn, nó sẽ đeo bám bạn và có thể ảnh hưởng đến thái độ của bạn; đó không phải là vấn đề về lý trí.

Một ví dụ là việc các trang mạng xã hội chia sẻ thông điệp chống tiêm chủng vắc-xin đã sử dụng một đoạn video được biên tập có chọn lọc cho thấy vắc-xin COVID-19 không an toàn. Đoạn clip cho thấy một y tá “bất tỉnh” sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Trên thực tế, y tá chỉ đơn giản là ngất xỉu, nhưng những người dùng mạng xã hội đã tiếp tục thúc đẩy âm mưu bằng cách đăng một giấy chứng tử giả và cáo phó. Những bài đăng như vậy đang “bình thường hóa” và làm dấy lên sự hoài nghi về việc tiêm chủng. Theo phát hiện của Hiệp hội Y tế Công cộng Hoàng gia, cứ 5 bậc cha mẹ thì có 2 người tiếp xúc với những thông điệp tiêu cực về vắc-xin trên mạng xã hội, trong khi hơn một phần tư tin tưởng vào thông điệp nghi ngờ rằng “Có thể bản thân đang bị tiêm quá nhiều loại vắc-xin”.

Trong thời đại mà vấn đề không phải là tiếp cận thông tin y tế nữa mà là hầu hết mọi người phải đối mặt với tình trạng ngập trong dữ liệu, việc tìm kiếm phần thông tin chính xác sẽ là thách thức lớn. Thông tin “đúng” sẽ làm cho cộng đồng được đảm bảo sức khỏe, nhưng thông tin giả có thể khiến mỗi chúng ta gặp rắc rối nghiêm trọng về sức khỏe. Do đó, các nền tảng truyền thông xã hội có thể hạn chế phạm vi tiếp cận của các thông điệp, nhóm và hoạt động anti-vaccine, với các thuật toán đề xuất nội dung được thiết kế riêng và các ứng dụng sức khỏe cung cấp thông tin về tiêm chủng. Dưới đây là các biện pháp và công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cuộc chiến chống lại việc từ chối tiêm chủng vắc-xin.

Kêu gọi sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông xã hội

Tỷ lệ tiêm chủng cao là rất quan trọng để bảo vệ mọi người khỏi các bệnh truyền nhiễm, nhưng các rào cản đối với việc tiêm chủng rất phức tạp. Khả năng chi trả và khả năng tiếp cận, sự tự mãn về nguy cơ mắc bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin, niềm tin vào vắc xin và những lo ngại về chính sách đều góp phần làm giảm tỷ lệ tiêm chủng. Trong khi đối với phần lớn trẻ em trên thế giới, tiếp cận với tiêm chủng là vấn đề lớn cần giải quyết, một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến việc tiếp nhận tiêm chủng là thông tin sai lệch hoặc gây hiểu nhầm, dẫn đến niềm tin của công chúng vào vắc xin thấp. Trong thế giới số hiện đại, đây là một thách thức đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu, liên ngành, sử dụng các chiến lược truyền thông dựa trên bằng chứng, nhưng đáng buồn là những chiến lược này thường được các nhà vận động chống tiêm chủng khai thác khéo léo hơn là các sứ giả y tế cộng đồng.

Điều quan trọng là cha mẹ phải đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe của con cái họ, và khả năng tiếp cận thông tin y tế được cải thiện sẽ hỗ trợ những quyết định này. Tuy nhiên, bầu không khí “quyền lực mới chống lại quyền lực cũ” hiện nay thường khuyến khích mọi người thách thức các chuyên gia hơn là tin tưởng vào khoa học và các nền tảng truyền thông xã hội cung cấp một công cụ để các câu chuyện chống tiêm chủng lan truyền nhanh chóng. Những chiến lược lan truyền này đã tạo điều kiện cho do dự với vắc-xin phát triển, và không có giới hạn về địa lý, và đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng trên toàn tụt giảm. Cho đến nay, phản ứng của chúng ta với tư cách là một cộng đồng khoa học quốc tế thường quá yếu ớt, vô tình củng cố các thông điệp tiêu cực và không đáng tin cậy đối với công chúng hoài nghi.

Trong bối cảnh gia tăng thông tin sai lệch, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ gần đây đã cảnh báo rằng những điều này “có thể phá hỏng các nỗ lực” nhằm tạo ra khả năng miễn dịch cho người dân. Cảnh báo này đã được gửi cụ thể đến các CEO của các nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu. Đó là lý do tại sao việc đánh giá thông tin trực tuyến thích hợp và vai trò của những người khổng lồ truyền thông xã hội trong việc hạn chế không gian lan truyền những thông điệp sai lệch đang trở nên quan trọng trong việc ngăn chặn những kẻ chống tiêm chủng. Điều này đòi hỏi phải giáo dục người dùng Internet về cách đánh giá thông tin y tế trực tuyến; Yêu cầu phản hồi có hệ thống từ các công ty như Facebook, YouTube hoặc Amazon.

Các công ty truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và YouTube đã thắt chặt các chính sách của họ nhằm chống lại thông tin sai lệch về virus corona trên nền tảng của họ; với hàng triệu bài đăng bị gỡ xuống và thậm chí được gắn nhãn xác minh tính xác thực. Nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể tìm và loại bỏ tất cả. Tuy nhiên, YouTube, Facebook hoặc Google không nên chỉ làm cho các thông điệp chống tiêm chủng biến mất; mà đồng thời cần phải thúc đẩy khả năng hiển thị tốt hơn của “những người ủng hộ tiêm chủng” hoặc những người có ảnh hưởng với chi phí của các tài khoản phát tán thông tin sai lệch. 

Theo WHO, các nhân viên y tế, đặc biệt là những người tham gia vào cộng đồng mạng xã hội, vẫn là những cố vấn đáng tin cậy nhất và những người có ảnh hưởng đến các quyết định tiêm chủng. Do đó, họ phải được hỗ trợ để cung cấp thông tin đáng xác thực, đáng tin cậy về vắc-xin. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cũng đưa ra một thông điệp tương tự; kêu gọi các công ty truyền thông xã hội “chia sẻ thông tin kịp thời, minh bạch và chính xác về vắc-xin COVID-19 từ các tổ chức y tế công cộng như FDA và CDC dựa trên khoa học và bằng chứng”.

Điều này chỉ có thể xảy ra khi các nền tảng kiến thức như Google, Facebook hoặc YouTube đẩy lùi tuyên truyền chống tiêm chủng trực tuyến bằng các biện pháp hiệu quả - Kỳ vọng rằng họ sẽ đẩy mạnh các hoạt động này hơn nữa trong những tháng tới.

Vì vậy, với tư cách là thành viên của các tổ chức “quyền lực cũ” (bao gồm các nhà khoa học, bác sĩ y khoa, chuyên gia y tế công cộng và các nhà hoạch định chính sách), làm thế nào để có thể sử dụng những nền tảng và công cụ không quen thuộc này để vượt qua sự gia tăng khủng khiếp của các bệnh truyền nhiễm? 

Một hành động quan trọng là cung cấp thông điệp không mệt mỏi về bằng chứng và khoa học đằng sau việc tiêm chủng và tạo ra một môi trường nơi kiến thức về vắc xin và vai trò của chúng đối với sức khỏe được gắn liền với nền văn hóa của mọi người và không cần phải thắc mắc ở đầu mỗi mũi kim. Tạo ra một môi trường thông tin đáng tin cậy với các chiến lược truyền thông sức khỏe dựa trên bằng chứng để cung cấp nội dung kịp thời, đáng tin cậy và dành riêng cho đối tượng là rất quan trọng.

Để hỗ trợ mục tiêu này, cần thực hiện các phương pháp tiếp cận truyền thông rủi ro để phát triển nội dung: trả lời các câu hỏi phổ biến về tiêm chủng và cung cấp thông tin về tác hại và lợi ích để hỗ trợ các quyết định “Rủi ro so với lợi ích”.

Một cách tiếp cận thường được áp dụng trong các chiến dịch chống tiêm chủng hoặc ủng hộ sự lựa chọn là sử dụng các câu chuyện cá nhân và những câu chuyện cá nhân thường thu hút sự quan tâm bởi các nhóm truyền thông hơn các nhà nghiên cứu, củng cố sự chuyển đổi niềm tin của công chúng từ các chuyên gia sang những người đồng nghiệp đáng tin cậy.

Các nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng vẫn là những chuyên gia, và các diễn đàn truyền thông có nghĩa vụ chia sẻ kiến thức với công chúng, để công chúng có thể đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng. Để giải quyết hiệu quả thông tin sai lệch và mối quan tâm của công chúng, chúng ta phải thích ứng với kỷ nguyên mới này và sử dụng các công cụ truyền thông số quen thuộc với xã hội đang phát triển nhanh chóng. Các sáng kiến kiểm tra thực tế cần được các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia ủng hộ và khuyến khích, các bài báo khoa học về an toàn vắc xin nên được tóm tắt ở định dạng dễ tiếp cận như đồ họa thông tin và video, và được chia sẻ trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Một mối quan tâm lớn hơn nữa đối với các nhà khoa học là chính sách biên tập của một số nhà xuất bản, cho phép xuất bản các bản thảo với sự giải thích quá mức về tầm quan trọng của dữ liệu nhằm hỗ trợ mối lo lắng không xác thực về an toàn vắc xin. Những công bố như vậy được cộng đồng chống tiêm chủng chọn làm bằng chứng khoa học, chứ không phải là khoa học xấu mà họ đại diện. Mặc dù có những trường hợp ngoại lệ này, các tạp chí vẫn xuất bản nhiều thông tin khoa học để chống lại thông tin sai lệch, nhưng những dữ liệu này ít được sử dụng để giải quyết tình trạng do dự về vắc xin trừ khi chúng được công bố rộng rãi. “Tin tức giả” hoặc những câu chuyện sai có khả năng được chia sẻ nhiều hơn 70% so với những câu chuyện có thật trên Twitter, vì vậy phải trình bày thông tin dựa trên bằng chứng dưới dạng hấp dẫn, khiêu khích để đạt được sức hút tương đương.

Nếu chúng ta muốn vượt qua tình trạng mất niềm tin vào vắc xin, chúng ta phải thu hút các đối tác thay thế, những người có liên quan, đại diện đáng tin cậy và hợp tác làm việc để tạo ra một môi trường trong xã hội của chúng ta, nơi tiêm chủng được chấp nhận như một quyền cho cộng đồng rộng lớn hơn.

Vai trò của công nghệ

Có khá nhiều cách để đưa công nghệ y tế vào cuộc chiến chống lại những kẻ chống tiêm chủng vắc-xin. Chẳng hạn, các thuật toán phức tạp có thể đóng một vai trò nào đó trong việc giải quyết tình trạng chần chừ về vắc xin. Cũng giống như Amazon và Netflix rất thành thạo trong việc đề xuất các sản phẩm và bộ phim mà “những người như bạn” có thể thích, các hệ thống y tế có thể xây dựng các thông điệp được điều chỉnh riêng có khả năng gây được những ảnh hưởng tích cực đối với các cá nhân. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể giúp xác định tác dụng phụ của vắc-xin từ những người đã tiêm thuốc. 

Đây là những gì công ty AI Genpact đang làm ở Anh. Thuật toán học máy của họ sàng lọc các báo cáo của bệnh nhân để tìm các mẫu có thể cho thấy dấu hiệu của sự cố có thể xảy ra; cho phép các cơ quan y tế điều tra thêm về vụ việc. Điều này cũng có thể giúp xóa bỏ bất kỳ tuyên bố sai lầm nào, đồng thời nâng cao nhận thức về các tác dụng phụ thực tế mà mọi người có thể gặp phải.

Ngoài ra, các giải pháp sáng tạo có thể cung cấp các cơ hội mới để thông báo cho những người có nguy cơ rằng họ nên được chủng ngừa. Ví dụ, thông qua cảnh báo SMS và lời nhắc của các ứng dụng sức khỏe chuyên dụng; có thể kêu gọi cung cấp dữ liệu cộng đồng để xây dựng các nguồn trực tuyến đáng tin cậy để giúp những người đủ điều kiện tìm thấy một trung tâm tiêm chủng.

Những cải tiến khác có thể giảm bớt sự khó chịu mà trẻ em cảm thấy khi tiêm chủng. Trong một nghiên cứu thí điểm với 244 trẻ em, khoảng một nửa được sử dụng tai nghe thực tế ảo để xem các cảnh êm dịu trong khi tiêm phòng cúm. Những đứa trẻ trong nhóm thực tế ảo được báo cáo là ít cảm thấy đau đớn và sợ hãi hơn những đứa trẻ không có tai nghe như vậy. Tương tự, một nghiên cứu khác trên 17 trẻ em sử dụng kính VR như một phương tiện đánh lạc hướng trong khi tiêm vắc-xin, thì có tới 16 trẻ cảm thấy ít sợ hãi và cảm giác đau giảm khi tiêm vắc-xin. Chiến dịch vắc-xin VR của Phòng thí nghiệm Hermes Pardini đã đưa cách tiếp cận như vậy vào thực tế.

Tiêm chủng có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng và giúp hàng ngàn người tránh được thương tật. Lợi ích của tiêm chủng thực sự vô cùng to lớn, vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại. Khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. 

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, vắc-xin đã cứu sống 3 triệu người mỗi năm và giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được chi phí với những con số đáng chú ý: (i) Việc thanh toán bệnh Bại liệt giúp tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng; (ii) Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp; (iii) Cứ 1 USD chi cho vắc-xin Sởi-Quai bị-Rubella thì tiết kiệm được 21 USD (theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ). Rõ ràng lợi ích của việc tiêm chủng là một vấn đề thực tế và không phải là một quan điểm, vì thế với sự tiến bộ của khoa học công nghệ cùng với sự chung tay của cộng đồng có thể đẩy lùi được chủ nghĩa “tẩy chay” vắc-xin.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nhandan.com.vn/baothoinay-hosotulieu/he-luy-tu-viec-chong-su-dung- vaccine-350575

[2] https://medicalfuturist.com/how-to-fight-against-anti-vaccination/

[3] https://www.nature.com/articles/s41563-020-0626-7

[4] https://bbwellness.vn/tin-tuc/nhung-ly-do-anti-vaccine-ra-doi/
[5] Patel, M. et al. Morb. Mort. Weekly Rep. 65, 1228–1233 (2016)

[6] Mahase, E. BMJ 366, l5141 (2019)

[7] http://dautieng.binhduong.gov.vn

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 - tháng 4/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Biện pháp để chống lại phong trào "tẩy chay" tiêm chủng vắc-xin thời công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO