Cài Bluezone để hạn chế phải cách ly hàng nghìn người
Bluezone là ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, đã được Bộ Y tế và Bộ TT&TT cho ra mắt từ ngày 18/4/2020 nhằm góp phần bảo vệ cộng đồng trước đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu mỗi người dân đều cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh (smartphone), việc xác minh tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch sẽ được nhanh chóng và chính xác.
Khi đó, cơ quan y tế sẽ khoanh vùng chính xác, chỉ cách ly những người tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, không phải cách ly cả thôn, cả xã, cả huyện, hàng nghìn người. Những người không có tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 vẫn có thể đi làm, đi học, sản xuất, kinh doanh bình thường.
Để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, mỗi người dân cần tự giác cài đặt ứng dụng Bluezone, đồng thời hướng dẫn người tiếp xúc với mình cùng cài đặt Bluezone. Càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả kiểm soát dịch bệnh càng cao.
Hơn thế, trong xã hội hiện đại có thể phát sinh những loại dịch bệnh lây nhiễm khác và nhiều vấn đề xã hội phức tạp mà chúng ta chưa lường trước được. Vì thế, việc cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone không phải chỉ để phòng chống dịch Covid-19 mà về lâu dài còn có thể được sử dụng để phòng ngừa những loại dịch bệnh lây nhiễm và các vấn đề xã hội phức tạp khác.
Theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, thông qua việc giám sát lịch sử tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nhiễm dịch bệnh bằng ứng dụng Bluezone, không những sẽ giúp xã hội duy trì hoạt động mà từ đó còn hình thành khả năng miễn dịch số cho xã hội, giảm thiểu tình huống phải cách ly cả tòa nhà, trường học, bệnh viện, hay cả một thôn xóm, làng xã, thậm chí là cả tỉnh khi phát hiện trường hợp nhiễm, nghi nhiễm dịch.
Ứng dụng Bluezone đã có gần 30 triệu lượt cài đặt
Trong đợt thứ ba dịch Covid-19 tái bùng phát trong cộng đồng trong thời gian vừa qua, tại các cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, địa phương về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ TT&TT và các địa phương tiếp tục vận động người dân sử dụng ứng dụng Bluezone.
Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp tích cực với các địa phương, nhất là những vùng đang có dịch như Hải Dương để tuyên truyền, vận động người dân cài đặt và sử dụng Bluezone. Nhờ vậy, tỷ lệ cài đặt Bluezone của cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo thống kê, kể từ ngày 27/1/2021 (thời điểm Việt Nam xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh - PV) cho đến nay, số lượt cài đặt ứng dụng Bluezone của cả nước đã liên tục tăng trưởng, từ 24,6 lượt trong ngày 27/1 lên 24,9 triệu lượt vào ngày 28/1, cán mốc 26,1 triệu lượt vào ngày 30/1 và đến chiều ngày 28/2, tổng số lượt tải ứng dụng Bluezone đã đạt trên 29,9 triệu lượt, tăng 6,2 triệu lượt so với thời điểm cuối tháng 12/2020.
Riêng với Hải Dương, địa phương có tình hình diễn biến phức tạp khiến tỉnh này buộc phải thực hiện cách ly xã hội trên toàn tỉnh trong 15 ngày kể từ 0h ngày 16/2/2021, nhờ việc triển khai đồng bộ và quyết liệt hàng loạt giải pháp, số lượt cài đặt ứng dụng Bluezone đã tăng mạnh, đến nay đã đạt hơn 647.140 lượt, đạt tỷ lệ 37,64% dân số, vươn lên xếp thứ hai trong cả nước, chỉ sau Đà Nẵng về tỷ lệ lượt cài Bluezone trên dân số.
Điểm quan trọng hơn, nhờ số lượng trường hợp truy vết được thông qua hệ thống Bluezone tăng, việc khoanh vùng, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm dịch Covid-19 tại Hải Dương đã đạt hiệu quả cao hơn.
Cần có chiến lượt tổng thể về phòng, chống dịch bệnh
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để triệt để giảm thiểu sự bùng phát, lây nhiễm chéo trong cộng đồng, đồng thời đảm bảo người dân vẫn sinh hoạt, kinh doanh sản xuất bình thường, Cục Tin học hóa đề nghị đi đôi với việc khai thác hệ thống truy vết Bluezone và cơ sở dữ liệu khai báo y tế điện tử, địa phương cần có một chiến lược phòng, chống dịch bệnh tổng thể và hiệu quả. Trong đó, có 3 bước mấu chốt quan trọng của chiến dịch phòng chống dịch, trước hết là cần làm chặt việc xét nghiệm Covid-19 với những người có triệu chứng đến các cơ sở y tế, các cơ sở y tế báo cáo hàng ngày, sử dụng hệ thống CNTT để theo dõi, giám sát.
Bước thực hai là giám sát việc ra vào của người dân (bằng quét QR Code bắt buộc) tại các địa điểm công cộng. Và một bước quan trọng nữa chính là truy vết người nhiễm, nghi nhiễm dịch bệnh theo phương pháp kết hợp truyền thống và ứng dụng Bluezone.
Cụ thể, khi phát hiện ra ca nhiễm, dùng cách truyền thống đề khoanh vùng những người gần nhất (gia đình, bạn bè) mà trường hợp F0 có thể nhớ được ngay; sau đó truy vết bằng lịch sử tiếp xúc từ Bluezone của F0 và những người đã bị khoanh vùng. Với cách này, danh sách các trường hợp thuộc diện phải cách ly sẽ ít hơn rất nhiều so với chỉ thực hiện truy vết theo cách truyền thống.
"Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tại Hải Dương để triển khai ngay chiến dịch này. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu khả năng nhân rộng để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch và tăng cường năng lực ứng phó của các địa phương đối với các nguy cơ bùng phát dịch trở lại", đại diện Cục Tin học hóa cho hay.
Bluezone đã có tính năng khai báo y tế
Hiện tại, hơn 30 triệu người dùng Bluezone đã có thể khai báo y tế trực tuyến ngay trên ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone. Sau khi kê khai, thông tin dữ liệu sẽ được hệ thống cập nhật về các trung tâm chống dịch và cơ quan y tế của Việt Nam để được quản lý một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Bên cạnh việc khai báo y tế, Bluezone cũng được bổ sung thêm các tính năng như gửi phản ánh, người dân có thể thông qua đó phản ánh thông tin đến cơ quan chức năng về các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, lịch và nhiều tiện khác. Trong thời gian tới, Bluezone sẽ hoàn thiện tính năng check mã QR để người dân có thể kiểm tra vào/ra (checkin/check out) tại các địa điểm công cộng và giám sát tiêm chủng.