Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và các tỉnh Cần Thơ, Bình Dương, Yên Bái dẫn đầu khảo sát DVCTT lần thứ nhất
Bộ TT&TT vừa công bố kết quả khảo sát, giám sát, đo lường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lần thứ nhất, năm 2023 tại Phiên họp 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) ngày 12/7/2023.
Việc khảo sát, giám sát được thực hiện để đánh giá hiện trạng, phân tích những tồn tại, hạn chế, từ đó xác định các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT trong thời gian tới.
Tham chiếu, cập nhật, đồng bộ với hành lang pháp lý mới nhất, gồm 3 trụ cột
Phạm vi của khảo sát là đánh giá chất lượng cung cấp DVCTT từ góc độ trải nghiệm của người sử dụng đối với Cổng dịch vụ công của 20 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đoàn công tác liên ngành do Bộ TT&TT chủ trì, thành phần tham gia gồm Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện khảo sát trực tiếp tại 3 bộ, ngành và 9 địa phương (Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và 9 địa phương gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước) từ 1/3 - 31/3/2023. Các bộ, ngành được lựa chọn khảo sát là những bộ, ngành có nhiều DVCTT liên quan nhiều, trực tiếp đến người dân (Ví dụ DVC liên quan đến cấp phiếu lý lịch tư pháp, hộ tịch, cấp đổi giấy phép lái xe), khảo sát sâu xuống tận cấp trực tiếp cung cấp DVCTT (các Cục, các Trung tâm...).
Các địa phương được lựa chọn khảo sát đại diện cho cả 03 miền, có miền núi, trung du, đồng bằng, địa phương đông dân, địa phương ít dân, khảo sát cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; khảo sát ý kiến của cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân sử dụng DVCTT.
Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ TT&TT đã kết nối trực tuyến tự động theo thời gian thực tới 100% các Cổng dịch vụ công (DVC) cấp bộ, cấp tỉnh.
Trong khi đó, Bộ tiêu chí đánh giá được xây dựng trên cơ sở tham chiếu, cập nhật, đồng bộ với hành lang pháp lý mới nhất đến thời điểm tháng 06/2023, gồm 3 trụ cột với trọng số cụ thể như sau:
Đánh giá chức năng: Phản ánh mức độ đầy đủ các chức năng của Hệ thống thông tin (HTTT) giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) dưới góc độ trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp (DN), gồm 21 nhóm tiêu chí và 33 tiêu chí thành phần. Tổng điểm tối đa là 50 điểm.
Để đạt điểm tối đa các hệ thống cần đạt các yêu cầu: Chức năng đầy đủ, hoạt động tốt được đánh giá là đáp ứng; Chức năng có nhưng chưa đầy đủ được đánh giá là đáp ứng một phần; Chức năng chưa có hoặc có nhưng không hoạt động, hoạt động lỗi được đánh giá là chưa đáp ứng.
Đánh giá hiệu năng: Phản ánh thời gian đáp ứng khi người sử dụng truy cập vào giao diện trang chủ của Cổng DVC và giao diện điền thông tin hồ sơ (eForm) của một TTHC được lựa chọn ngẫu nhiên tại 2 thời điểm có số lượng người sử dụng cao nhất (9h-11h và 14h-16h), thực hiện đo lặp đi lặp lại vào nhiều thời gian khác nhau từ 15/6/2023 đến 5/7/2023. Nhóm tiêu chí gồm 5 tiêu chí thành phần. Tổng điểm tối đa là 40 điểm.
Mỗi lần đo tối đa 10 điểm (4 lần đo; 5 tiêu chí). Trong đó, tiêu chí đạt ngưỡng tốt được tính 2 điểm; Tiêu chí đạt ngưỡng trung bình được tính 1 điểm; Tiêu chí đạt ngưỡng thấp được tính 0 điểm.
Đánh giá khả năng truy cập thông tin thuận tiện: Theo chuẩn WCAG 2.0 cấp độ A, gồm 4 nhóm tiêu chí, 15 tiêu chí cụ thể. Tổng điểm tối đa là 10 điểm.
Nhóm tiêu chí nguyên tắc “Có thể nhận biết được” (Perceivable) được tính 3 điểm; Nhóm tiêu chí nguyên tắc “Có thể hoạt động được” (Operable) được tính 3 điểm; Nhóm tiêu chí nguyên tắc “Có thể hiểu được” (Understandable) được tính 3 điểm; Nhóm tiêu chí nguyên tắc “Mạnh mẽ, chắc chắn” (Robust) được tính 1 điểm.
Chất lượng cung cấp DVCTT của các HTTT giải quyết TTHC được chia thành 5 mức độ, cụ thể như sau: Mức độ A: Từ 90 điểm đến 100 điểm; Mức độ B: Từ 80 đến 89 điểm; Mức độ C: Từ 65 đến 79 điểm; Mức độ D: Từ 50 - 64 điểm; Mức độ E: Dưới 50 điểm
Kết quả đánh giá đối với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, điểm trung bình đối với khối bộ, ngành là 70 điểm, trong đó: Mức độ A: 02/20 (10%); Mức độ B: 04/20 (20%); Mức độ C: 10/20 (50%); Mức độ D: 0/20 (0%); Mức độ E: 04/20 (20%).
Theo đánh giá này, hai Bộ là GTVT và Quốc phòng đạt mức A xếp hạng 1; các Bộ gồm: Công Thương, Công an, Bộ TT&TT, Giáo dục và Đào tạo đạt mức B xếp hạng 3, 4, 5 và 6; 10 Bộ đạt mức C và 4 Bộ đạt mức E.
Đối với khối địa phương, điểm trung bình là 83 điểm, trong đó, Mức độ A là 09/63 (14%); Mức độ B: 43/63 (68%); Mức độ C là 10/63 (16%); Mức độ D là 01/63 (2%) và Mức độ E: 0/63 (0%).
Theo đó, TP. Cần Thơ, Bình Dương, Yên Bái đạt mức A xếp hạng 1; các tỉnh, thành An Giang, Bến Tre, Bình Định, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng đạt mức A cùng xếp vị trí thứ 4; các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Ninh, Bắc Giang đạt mức B cùng xếp hạng 10; hai tỉnh Trà Vinh, Hà Tĩnh đạt mức B xếp hạng 13; các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hoá, Hưng Yên đạt mức B xếp hạng 15; các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Phú Thọ, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Thái Nguyên đạt mức B xếp hạng 19…
Những điểm đột phá
Qua kết quả đánh giá, theo Bộ TT&TT, có những điểm đột phá so với lần đánh giá thử nghiệm (công bố tại phiên họp chuyên đề về DVCTT của Uỷ ban Quốc gia về CĐS ngày 6/6/2023):
Về chức năng, lần đánh giá thử nghiệm không có đơn vị nào đạt mức độ A. Lần đánh giá chính thức đã có 9 đơn vị đạt mức độ A bao gồm: TP. Cần Thơ, Bình Dương, Yên Bái, An Giang, Bến Tre, Bình Định, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Lần đánh giá thử nghiệm có 7 đơn vị đạt mức độ B. Con số này lên đến 43 đơn vị trong lần đánh giá chính thức.
Lần đánh giá thử nghiệm có 06 đơn vị bị đánh giá mức độ E. Lần đánh giá chính thức không còn đơn vị có mức độ E, số lượng đơn vị thuộc mức độ D chỉ còn 1 tỉnh so với 19 tỉnh của lần đánh giá thử nghiệm.
Về hiệu năng, tốc độ tải trang trên cổng DVC của các tỉnh, thành phố tăng lên vượt bậc với 54/63 tỉnh, thành phố đạt loại tốt (từ 30 điểm trở lên).
Về khả năng truy cập thông tin thuận tiện, lần đánh giá thử nghiệm, không có tỉnh, thành phố nào đạt yêu cầu (đều 0 điểm). Ở lần đánh giá chính thức, đã có 62/63 tỉnh, thành phố cải thiện và có điểm. Đặc biệt, có 9/63 tỉnh, thành phố đáp ứng toàn bộ các yêu cầu về truy cập thông tin thuận tiện cho người dân (đạt 10/10 điểm).
DN cung cấp giải pháp công nghệ
Cũng theo kết quả khảo sát, đánh giá, số lượng DN có giải pháp HTTT giải quyết TTHC là 20, trong đó: 8 DN dẫn đầu chiếm 69% thị phần. Cụ thể là VNPT (46%), Viettel (6%), Tân Dân (6%), FPT (6%), FDS (5%), iNet (5%), DTT (4%), Unitech (4%).
Một liên danh Viettel và FDS chiếm 1% và 11 DN còn lại chiếm 17% thị phần, gồm: Đại học Cần Thơ, EFY, Savis, Cinotec, PSC, Đại Nam, SIMAX, Tecapro, Tín Đức, EDX, ICTVINA.
DN có giải pháp HTTT giải quyết TTHC cho các địa phương có chất lượng cung cấp DVCTT ở mức A là: VNPT, Unitech, Viettel.
DN có giải pháp HTTT giải quyết TTHC cho các địa phương có chất lượng cung cấp DVCTT ở mức E là: DTT, FDS. Trong 9 cổng DVC đạt mức độ A, có 5/9 cổng được địa phương triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ của DN, 4/9 cổng được triển khai dưới hình thức mua sắm giải pháp của DN.
Trong 11 cổng DVC đạt mức độ C và D, có 8/11 cổng được địa phương triển khai dưới hình thức đầu tư mua sắm giải pháp của DN.
Một DN cung cấp giải pháp công nghệ, nhưng chất lượng các HTTT giải quyết TTHC của các địa phương khác nhau, vì các địa phương có mức độ quan tâm khác nhau, có thể thực hiện đầu tư mua sắm các phiên bản khác nhau, chưa được cập nhật lên phiên bản mới nhất. Do đó, để nâng cao chất lượng DVCTT, định hướng chính sách thời gian tới là thúc đẩy cơ quan nhà nước thuê dịch vụ thay vì đầu tư hệ thống.
Để góp phần nhanh chóng nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT, Bộ TT&TT đề nghị các DN cung cấp giải pháp công nghệ chủ động nâng cấp HTTT giải quyết TTHC lên phiên bản mới nhất./.