Chuyển đổi số

Hầu hết TTHC của Đà Nẵng được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình

. 06:38 07/06/2023

Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh đã chia sẻ “Kinh nghiệm, kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại TP. Đà Nẵng” tại phiên họp chuyên đề về “Thay đổi căn bản cung cấp DVCTT để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng” của Uỷ ban Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia ngày 5/6/2023.

Tạp chí TT&TT xin giới thiệu bài chia sẻ kinh nghiệm của Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng:

Tình hình, kết quả triển khai

Từ năm 2019, Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công (DVC) dưới dạng lõi, đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật (thanh toán, ký số, hẹn giờ, định nghĩa eform động …), kết hợp chuyển phát bưu điện công ích… nên dễ dàng cho việc xây dựng DVCTT.

Năm 2022, Thành phố đã triển khai 1.887 DVCTT, trong đó có 1.710 DVCTT toàn trình, chiếm tỷ lệ 90%; đồng thời tiếp tục rà soát tái cấu trúc quy trình, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các bộ thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng DVCTT tương ứng để phục vụ người dân. Tính đến tháng 5/2023, tổng số lượng DVCTT toàn trình của thành phố là 1.797, hầu hết TTHC được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình (chỉ có 4,5% TTHC cung cấp mức độ 2 do vướng các quy định khác nhau); hiện tại đã tích hợp được 1.635 DVCTT lên Cổng DVC quốc gia.

Tính đến cuối năm 2022, Thành phố có 96% DVCTT có phát sinh hồ sơ (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 80%); tỷ lệ hồ sơ DVCTT là 78% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50%). Tính riêng tháng 5/2023, số lượng hồ sơ trực tuyến là 19.989 hồ sơ trên tổng cộng 22.693 hồ sơ, đạt tỷ lệ 80%.

dvctt-da-nang.png
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo Đà Nẵng)

Sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật các giải pháp

Để đạt được kết quả như trên, các cơ quan TP. Đà Nẵng đã sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật các giải pháp để người dân, doanh nghiệp (DN) thuận lợi sử dụng DVCTT, cụ thể như sau:

Một là, Người dân sử dụng tài khoản công dân điện tử, đăng nhập 01 lần và cung cấp thông tin trong 01 lần đầu, các lần sử dụng dịch vụ kế tiếp thì thông tin sẻ được kế thừa lại.

Để thuận tiện cho người dân, Hệ thống cho phép người dân dễ dàng đăng ký tài khoản (tạm thời, ban đầu) qua tin nhắn điện thoại SMS hoặc qua Zalo để đăng nhập hệ thống eGov nộp hồ sơ và sẽ hoàn thiện, bổ sung thông tin đầy đủ 01 lần khi nộp hồ sơ lần đầu.

Năm 2021, Đà Nẵng triển khai Nền tảng công dân số, từ đó nâng Tài khoản công dân điện tử lên Tài khoản công dân số; theo đó mỗi người dân có 01 kho dữ liệu số trên Hệ thống; gắn mới mã QR duy nhất theo quy chuẩn quốc gia.

Tài khoản công dân số cho phép người dân không chỉ kế thừa lại thông tin hành chính của cá nhân mà còn sử dụng lại các giấy tờ, hồ sơ số trong sử dụng DVC thuận tiện hơn. Đến nay, gần 50% dân số trong độ tuổi trưởng thành đã có tài khoản công dân điện tử /tài khoản công dân số.

Hai là, về đưa gần 100% TTHC lên mức 4, toàn trình qua việc triển khai chức năng cho phép người dân ký số giấy tờ, hồ sơ trước khi nộp; số hoá kết hồ sơ TTHC khi cán bộ một cửa nhận hồ sơ; kết hợp với sử dụng tài khoản/kho dữ liệu công dân số; giúp người dân không phải đem hồ sơ giấy lên cơ quan thẩm quyền nộp,… từ đó nâng hầu hết DVCTT lên mức toàn trình.

Từ cuối năm 2022, Sở TT&TT TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm chứng thực quốc gia (NEAC) tích hợp chữ ký số (CKS) công cộng trên Cổng DVC và hiện nay đã triển khai cấp phát CKS miễn phí để người dân sử dụng DVC, và mục tiêu năm 2023 là 20% dân số có CKS miễn phí.

Ba là, triển khai mô hình "Đại lý dịch vụ trực tuyến” (DVTT)

Ngoài các DN, người dân nộp hồ sơ trực tuyến ở nhà, Thành phố còn triển khai thêm các mô hình hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Đó là các bưu cục tại từng xã, phường làm "Đại lý DVTT" để hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức ngày hội DVCTT vào cuối tuần để hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến cho bà con ở khu dân cư; Bố trí Đoàn thanh niên tại Một cửa quận huyện/xã phường để hỗ trợ. Riêng Một cửa cấp Thành phố (một cửa Sở ngành) bố trí 02 viên chức Trung tâm Thông tin DVC để hỗ trợ, hướng dẫn người dân để tạo tài khoản và nộp hồ sơ DVCTT lần đầu.

Bốn là, sử dụng kết quả TTHC số để huỷ/bỏ những TTHC không cần thiết

Từ tháng 7/2022, Đà Nẵng đưa vào sử dụng Kho dữ liệu hồ sơ TTHC số có chức năng tự động nhận kết quả TTHC số phát sinh mới từ Phân hệ Một cửa điện tử; đổng thời cho phép các cơ quan số hoá kết quả TTHC cũ trước đưa lên Kho.

Và từ tháng 4/2022 các cơ quan rà soát, ban hành lại Bộ TTHC số theo hướng sử dụng lại kết quả TTHC số trong Kho, và tiến đến huỷ bỏ 190 TTHC (chiếm 10% tổng TTHC thành phố) về cấp lại. Việc giảm 10% TTHC tiết kiệm chi phí, công sức cho người dân (thực hiện TTHC) và cả CBCC các cơ quan (phải xử lý TTHC). Đặc biệt, việc giảm TTHC hay TTHC mất bớt đi cũng là điểm khác biệt của Chính quyền số so với chính quyền điện tử.

Năm là, sử dụng kết quả TTHC số, kết hợp với gắn mã QR cho phép cung cấp "DVCTT nâng cao"

Đối với các TTHC cần có kiểm tra, giám sát được gắn mã QR và người dân chỉ cần để trên điện thoại để xuất trình thuận tiện (không cần công chứng, giữ và trình bản giấy). Cán bộ công chức kiểm tra chỉ cẩn dùng app trên điện thoại (app Danang Smart city) để quét xác thực, kiểm tra; đồng thời thông tin kiểm ra được lưu vết trên Hệ thống để các Cơ quan giám sát việc thực thi công vụ, đi hiện trường của CBCC mình.

Sáu là, triển khai các chính sách thúc đẩy, tăng số lượng DVCTT

Từ năm 2019, UBND thành phố đã ban hành chính triển khai sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng. Trong đó, giao các cơ quan giảm thời gian xử lý đến 50% đối với DVCTT so với xử lý hồ sơ trực tiếp; buộc các cơ quan nhà nước phải sử dụng DVCTT của cơ quan khác giao chi tiêu DVCTT cho từng cơ quan; chịu chi phí chuyển phát nộp hồ sơ, kết quả cho công dân qua bưu điện.

Hiện nay, Sở TT&TT đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố về chính sách giảm phí, lệ phí đối với việc thực hiện DVCTT trên địa bàn thành phố, trình HĐND thành phố lần 1, trong tháng 06/2023.

Kiến nghị, đề xuất

Để đẩy mạnh cung cấp DVCTT, Sở TT&TT đang phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND về mức thu phí/lệ phí đối với DVCTT; để UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua.

Tuy nhiên, chúng tôi kính đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tài chính ra thông tư về chính sách này để áp dụng toàn quốc; hoặc quy định mức thu sàn/trần nhằm tránh mỗi địa phương đều xây dựng Nghị quyết riêng rất tốn nguồn lực và không nhất quán.

Như vậy, 01 cơ quan Trung ương xây dựng, ban hành chính sách để cho 63 tỉnh thành áp dụng; thay vì 63 tỉnh thành đều tốn công sức xây dựng chính sách, tốn nguồn lực và không thống nhất.

Việc nâng cao hiệu quả DVCTT theo hướng chính quyền số là cực kỳ quan trong, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; chia kinh nghiệm thực tế của từng địa phương; thay mặt Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo một số giải pháp đã và đang thực hiện và rất mong nhận được chia sẻ kinh nghiệm của địa phương khác để tiếp tục áp dụng./.

Bài liên quan
  • Đến lúc thay đổi căn bản cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia đã nhấn mạnh sau hơn 20 năm làm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), bây giờ là lúc thay đổi căn bản cách cung cấp DVCTT, nhận thức, cách tiếp cận và cách làm, để tạo ra sự thay đổi căn bản DVCTT Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hầu hết TTHC của Đà Nẵng được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO