Diễn đàn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chậm nhất đến tháng 6/2025, bao phủ tất cả những vùng lõm sóng di động

Hoàng Linh 12/11/2024 14:31

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chậm nhất đến tháng 6/2025 phải phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng.

Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TT&TT).

chat-van-12112024.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.

Nâng cao chất lượng hạ tầng số tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, TT&TT là một ngành đa lĩnh vực, vừa hạ tầng, vừa kỹ thuật - công nghệ, vừa kinh tế, vừa chính trị, nhưng đều liên quan đến kỹ thuật số, bao gồm: Hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh - truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, xuất bản, in và phát hành, và chủ yếu trên môi trường số, hạ tầng truyền thông số. Bởi vậy, nhiều người gọi Bộ TT&TT là "Bộ Hạ tầng số", "Bộ Chuyển đổi số".

Theo Bộ trưởng, ngành TT&TT hiện nay có doanh thu hằng năm 150 tỷ USD, bằng 1/3 GDP của đất nước và tăng trưởng luôn cao hơn 2 lần tăng trưởng GDP. Đây là một ngành với nhiều công nghệ chiến lược như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tính toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo và an toàn thông tin mạng.

Đây là những công nghệ chiến lược mới trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển rất nhanh, tạo ra lực lượng sản xuất cơ bản, góp phần tạo ra một không gian số mới, tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu số, nền tảng về hạ tầng số, công nghệ số và công nghiệp số để chuyển đổi số (CĐS) các ngành truyền thống rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn: (1) Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội (MXH) hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); (2) Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; (3) Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

bt-3.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Cụ thể, Bộ trưởng cho biết báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược CĐS báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án CĐS với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Cũng theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, Bộ T&TT đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí trên môi trường mạng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng MXH lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, YouTube… và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hạ tầng số là hạ tầng chiến lược phải được đầu tư đi trước để phục vụ CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã đề xuất ban hành chiến lược, kế hoạch, xác định rõ các nội hàm cũng như các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia, đặc biệt lưu ý đến nội dung phổ cập nâng cao chất lượng hạ tầng số tại khu vực, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng chậm nhất vào tháng 6/2025

Về câu hỏi của đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn về vấn đề phủ sóng ở vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, cả nước mới phát hiện khá nhiều vùng lõm sóng do làm việc trực tuyến, họp trực tuyến. Gần đây, khi môi trường số phát triển, cả nước có thêm 761 vùng lõm sóng mới.

Trong giai đoạn vừa qua, bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, cả nước đã phủ sóng được 2.500 thôn bản lõm sóng. Với hơn 700 vùng lõm sóng mới phải thực hiện theo quy định mới của Luật Viễn thông, nhưng đến nay, Nghị định chưa được ban hành. Có nhiều nguyên nhân của vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm thuộc về mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT đang nỗ lực để đến tháng 12/2024 có thể hoàn thiện và ban hành Nghị định, để có cơ chế thông thoáng phục vụ xây dựng các trạm phát sóng ở vùng sâu, vùng xa.

Với những trạm phát sóng chưa có điện, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để giải quyết và đề xuất giải pháp mới là sử dụng vệ tinh.

Bộ TT&TT cũng đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất hoặc không hiệu quả, khó triển khai.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, trong tổng số các thôn chưa có sóng di động, có đến 637 thôn có điện, nhưng vẫn chưa có sóng. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Bộ TT&TT đã đôn đốc các nhà mạng tích cực phủ sóng, mục tiêu đặt ra là phủ sóng trong năm 2024. Với những trạm không có điện, khó khăn trong triển khai điện thì sẽ dùng giải pháp vệ tinh.

Đối với các trạm thuộc trách nhiệm của Quỹ viễn thông công ích, phải thực hiện theo luật mới, Nghị định mới. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã yêu cầu đến tháng 6/2025 phải phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng.

toan-canh-sang-12112024.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương 2G

Trả lời ý kiến đại biểu về việc tắt sóng 2G tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, nhà mạng phải dùng máy công nghệ mới để bù cho bà con đang sử dụng máy cũ khi tắt sóng 2G. Ở các nước, việc tắt sóng một công nghệ cũ được thực hiện khi chỉ còn dưới 2% số lượng người sử dụng. Ở Việt Nam, khi tắt sóng 2G, chỉ còn 0,2% người dùng, nên các nhà mạng có thể dễ dàng trong việc bù máy cho bà con.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, về vùng phủ sóng, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với 2G.

Đối với vấn đề phủ sóng Internet, Bộ trưởng cho biết, còn có độ vênh giữa các vùng thành phố với nông thôn về vấn đề này.

Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã thực hiện phủ sóng, có nguồn lực để đầu tư phủ sóng vào những vùng lõm sóng. Về cơ chế thông thoáng, trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ ban hành Nghị định để có hướng dẫn cụ thể. Về điện thoại di động, Bộ đang xây dựng chương trình, huy động từ Quỹ viễn thông công ích, ngân sách từ chương trình "Sóng và máy tính cho em" để có đủ máy điện thoại hỗ trợ bà con sử dụng.

Về vấn đề trạm phát sóng không đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã nhận thức về việc này. “Điều quan trọng nhất là cần có công cụ đo đơn giản để người dân, sở ban ngành địa phương cũng có thể đo được. Chúng ta đã xây dựng và phát triển được công cụ đo như vậy. Bộ đã giao trách nhiệm cho các Sở TT&TT trong việc đánh giá chất lượng mạng lưới ở địa phương mình. Khi chất lượng không đạt yêu cầu theo các quy định thì yêu cầu các nhà mạng khắc phục”.

Bộ trưởng cũng cho biết, hàng quý, Bộ TT&TT tiến hành tổng hợp toàn bộ số liệu đo được của các nhà mạng theo từng địa phương để công bố công khai, để người dân tự do lựa chọn, gia tăng tính cạnh tranh giữa các nhà mạng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Dự báo 6 xu hướng AI trong năm 2025
    Năm 2025, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ chuyển mình từ một công cụ hỗ trợ thành một phần không thể thiếu trong mọi mặt của công việc và cuộc sống. Trên phạm vi toàn cầu, AI sẽ mang đến các giải pháp mới cho những thách thức lớn nhất của nhân loại, từ khủng hoảng khí hậu đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.
  • Trò chơi trực tuyến: Chiến lược mới giúp các tòa soạn thu hút độc giả và tăng doanh thu
    Ngày càng có nhiều tổ chức truyền thông tại châu Âu đầu tư vào nền tảng trò chơi trực tuyến để thu hút độc giả, tăng lượng đăng ký, và thúc đẩy doanh thu. Đây được xem là một chiến lược tiềm năng mang lại hiệu quả lớn trong bối cảnh ngành truyền thông đang cạnh tranh gay gắt để duy trì doanh thu.
  • "Dòng chảy tiến hóa" mở ra góc nhìn mới về sự phát triển của nhân loại
    “Dòng chảy tiến hóa: Cách các ý tưởng mới khởi phát trong tiến trình lịch sử loài người” là một tác phẩm mới của nhà khoa học, doanh nhân kiêm nhà báo Matt Ridley.
  • Vivo khởi động Pro-Fest
    Sự kiện trải nghiệm V40 5G đánh dấu việc vivo ra mắt sản phẩm đầu tiên của V series hợp tác cùng ZEISS tại Việt Nam, dành cho cộng đồng yêu công nghệ và “dân chuyên” trong lĩnh vực nhiếp ảnh, thời trang.
  • 4 mục tiêu cốt lõi của Trung tâm IOC Cà Mau trong xây dựng chính quyền số
    Cà Mau xác định Trung tâm IOC phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện tại cũng như định hướng phát triển chung của tỉnh. Trung tâm IOC có ý nghĩa quan trọng đặc biệt để triển khai các dịch vụ, tiện ích về chuyển đổi số, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chậm nhất đến tháng 6/2025, bao phủ tất cả những vùng lõm sóng di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO