Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chính sách của Bộ TT&TT khi ban hành phải có chương trình hành động kèm theo
Từ kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, các đơn vị thuộc Bộ quán triệt nghiêm túc nguyên tắc khi ban hành các chính sách của Bộ TT&TT phải có chương trình hành động kèm theo.
Phải có phương án phục hồi nhanh nhất khi bị tấn công mạng
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II năm 2024 trực tuyến với các Sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách về CNTT các bộ, ngành tổ chức ngày 13/6/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua đã có 4 vụ tấn công mạng thành công và đây đều là các cuộc tấn công vào những DN có đầu tư đáng kể cho an toàn, an ninh mạng.
Theo Bộ trưởng, tấn công mạng thành công có nghĩa là hệ thống thông tin (HTTT) sụp đổ và không hoạt động, trong đó khá nhiều hệ thống phải mất hàng chục ngày để khôi phục. “Đây là một cảnh báo lớn cho toàn bộ các HTTT của các bộ, ngành và địa phương. Các DN còn có nguồn lực đầu tư cho CNTT, an toàn, an ninh mạng cũng như nguồn lực nội bộ để bảo vệ. Trong khi đó, các HTTT các bộ ngành, địa phương được chi nguồn lực ít hơn mà bị tấn công chắc chắn sụp đổ”.
Bộ trưởng cũng cho biết ngày 11/6, Bộ trưởng đã trực tiếp chủ trì cuộc họp với Cục An toàn thông tin (ATTT), một số DN an toàn, an ninh mạng chủ chốt cung cấp dịch vụ ATTT. Tại cuộc họp, đã có nhiều định hướng, cách tiếp cận mới để nâng cao khả năng chống chịu của các hệ thống và Bộ sẽ có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, DN, trong đó nêu rõ hệ thống bị tấn công, bị sụp đổ phải chú trọng phương án hồi phục nhanh, có nghĩa là dữ liệu không bị mất, không bị mã hoá.
Theo đó, phải có phương án dự phòng (backup) và sẵn sàng phương án phục hồi nhanh khi xảy ra khả năng bị mã hoá dữ liệu. Hiện nay, đã có DN công nghệ cung cấp giải pháp hồi phục nhanh chỉ trong 1 ngày.
Bộ trưởng cho rằng bộ, ngành, địa phương phải hết sức chú ý đến phương án phục hồi để tránh khi bị tấn công sẽ bị dừng hoạt động của bộ, ngành địa phương.
Bộ trưởng cũng cho rằng 4 cuộc tấn công là cảnh báo lớn để các bộ ngành, địa phương phải quan tâm giống như vụ tấn công Vietnam Airlines (VNA) trước đây đã làm thay đổi nhận thức của các bộ ngành, địa phương, các cấp về an toàn, an ninh mạng. Cục ATTT rà soát lại HTTT các bộ ngành, hướng dẫn các địa phương bảo vệ dữ liệu và hồi phục nhanh.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý hiện nay công việc của các Sở TT&TT, các đơn vị rất nhiều và cách tốt nhất là trong quá trình triển khai công việc hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng có khó khăn nên trao đổi ngay với các đơn vị thuộc Bộ, không phải đợi đến giao ban quý của Bộ với các địa phương.
“Bất cứ việc gì cũng nên làm đến nơi, đứt điểm xong để còn chuyển việc khác. Để làm được thì phải hiểu rõ việc của mình. Chưa nắm cách làm thì trình bày rõ và các cơ quan của Bộ TT&TT phải trả lời thấu đáo, tránh chung chung”.
Bộ trưởng cũng cho biết, mỗi lần địa phương, cơ quan liên quan có ý kiến gửi Bộ TT&TT là một lần cơ hội cho Bộ hoàn thiện tốt hơn. Ngay tại Hội nghị, từ kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị thuộc Bộ quán triệt nghiêm túc nguyên tắc khi ban hành các văn bản, chính sách của Bộ TT&TT phải kèm theo chương trình hành động, đồng thời Bộ trưởng lưu ý các đơn vị khi ra hướng dẫn mới không đè hướng dẫn cũ…
Trong bối cảnh các Sở TT&TT ít người nhiều việc, Bộ trưởng lưu ý xác định các công việc cụ thể của đơn vị là gì và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mạnh mẽ cũng như có thể mời nhiều bên vào tham gia cùng thực hiện nhiệm vụ với mình.
Khẩn trương phủ vùng lõm sóng trên toàn quốc
Đối với lĩnh vực viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng lưu ý hiện nay ở nhiều địa phương, quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động đã hết hiệu lực từ năm 2020, gây khó khăn cho quá trình cấp phép, xây dựng hạ tầng viễn thông. Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông mới và có hiệu lực từ 1/7/2024.
Theo đó, các Sở TT&TT căn cứ theo hướng dẫn về trình tự thủ tục cho việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, thành phần hồ sơ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan để tiến hành lập quy hoạch sớm, tạo thuận lợi cho việc cấp phép xây dựng công trình viễn thông trong thời gian tới.
Đối với việc phủ vùng lõm sóng, ngày 11/6, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo khẩn trương có kế hoạch hành động để phủ vùng lõm sóng trên toàn quốc. Cục Viễn thông trong 1-2 tuần tới xây dựng dự thảo kế hoạch và tham khảo ý kiến các Sở TT&TT và trình Bộ trưởng ban hành.
Về nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT bắt đầu công bố chất lượng dịch vụ bắt đầu từ tháng 5. Cho đến tháng 4/2024, tốc độ tải dữ liệu đường xuống 4G ở nhiều địa phương đang mức dưới 40 Megabit/s. Một số địa phương có tốc độ tải xuống thấp dưới 40 Megabit/s như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng và cá biệt có một số địa phương thấp dưới 25 Megabit/s là không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số như quy hoạch phát triển Ngành được phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng cho biết, càng nhiều mẫu đo thì việc đo tốc độ càng chính xác hơn, theo đó, đề nghị các Sở TT&TT tham mưu cho UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở ban ngành, các cơ quan báo chí, địa phương vận động công chức, viên chức, đoàn thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng, DN viễn thông triển khai ứng dụng đo iSpeed.
Về tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đã cấp phép cho các DN trúng thầu đấu giá 2 băng tần 5G và sắp tới là tiến hành đấu giá khối băng tần C3 và băng tần 700MHz. Các Sở TT&TT sẽ phối hợp, hỗ trợ DN phát triển các điểm phát sóng tại địa phương để sớm đưa 5G đến người dân. Các DN viễn thông phải đảm bảo vùng phủ theo cam kết cấp phép.
Hiện nay, Bộ TT&TT đã ban hành 2 thông tư về quy hoạch lại các băng tần 900MHz và 1800MHz cho dịch vụ thông tin di động. Theo đó, đến hết ngày 15/9/2024 sẽ ngừng cung cấp dịch vụ thuê bao điện thoại 2G only và đến tháng 9/2026 sẽ ngừng hoàn toàn mạng 2G trừ tại hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK.
Về việc này, Thứ trưởng đề nghị các Sở TT&TT phối hợp chặt chẽ với các DN để đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi thuê bao 2G để hạn chế tác động. Việc tuyên truyền rất quan trọng, do vậy, Cục Viễn thông và các cơ quan truyền thông của Bộ có chuyên đề tuyên truyền hàng tuần, hàng tháng từ giờ đến tháng 9 để người dân biết và cùng DN chuẩn bị.
Liên quan đến Internet, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng ch biết Bộ TT&TT đã ký chương trình phổ cập tên miền và các dịch vụ số với hai chính sách đột phá là miễn phí 2 năm tên miền cho tất cả các DN nhỏ và vừa và DN thành lập dưới 1 năm và miễn phí tên miền trong 2 năm cho người dân trong độ tuổi từ 18 - 23.
“Nếu mỗi người dân có 1 tên miền và đi theo đó là các dịch vụ và thiết lập các trang thông tin điện tử cá nhân phục vụ cho các hộ kinh doanh trực tuyến thì rất tốt cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế số. Các Sở TT&TT phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) triển khai chương trình này”, Thứ trưởng đề nghị.
Liên quan đến viễn thông công ích (VTCI), Thứ trưởng đề nghị Sở TT&TT phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của các địa phương xác minh, xác nhận thông tin về hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ dịch vụ VTCI sớm theo thời hạn hướng dẫn của Bộ TT&TT, khi Chính phủ ban hành Nghị định về VTCI thì có thể triển khai luôn. Quỹ VTCI và Cục Viễn thông khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 7/2024.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý các Sở TT&TT, các đơn vị chuyên trách CNTT các bộ ngành về Công điện số 33 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm ATTT mạng. Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết bảo đảm ATTT theo nguyên tắc phục hồi nhanh nhất khi sự cố xảy ra.
Bộ TT&TT cũng sẽ có văn bản gửi người đứng đầu các bộ ngành, địa phương về đánh giá đo lường cung cấp dịch vụ công. Một số bộ ngành tích cực đo nhưng một số địa phương vẫn chưa kết nối toàn diện.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm lưu ý các địa phương về Hội nghị quán triệt về Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở (TTCS). Đây là văn bản pháp lý đầu tiên về TTCS, địa phương cần tham gia đầy đủ, cùng phối hợp tổ chức thành công, trao đổi cách làm mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng làm việc với Sở TT&TT Thừa Thiên - Huế tìm hiểu mô hình cung cấp thông tin báo chí tại trung tâm thông minh của tỉnh để các địa phương có thể tham khảo.
Trong bối cảnh công việc ngày càng nhiều cán bộ của các Sở TT&TT ít, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị các Sở TT&TT quan tâm đến bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ. Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT đã xây dựng hệ thống học trực tuyến với các khoá học ngắn hạn và cấp chứng chỉ trực tuyến, theo đó các cán bộ của các sở ban ngành tại địa phương cũng có thể tham gia học tập về chuyển đổi số./.