Ngày 13/11/2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Diễn đàn “Báo chí và công nghệ”. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Diễn đàn thu hút 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, marketing, quảng cáo, các chuyên gia trên cả nước với nhiều đề tài, tham luận chuyên sâu về xu hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đây cũng là hoạt động đầu tiên khởi đầu cho Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024”.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh: “Đây sẽ là Dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực để có thể đóng góp cho sự phát triển của Báo chí, và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội”.
Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí nhiều nhất, công nghệ số có thể tạo lên Big Bang ở lĩnh vực lĩnh vực báo chí truyền thông.
Nhưng hiện nay, báo chí đang là người đi sau về công nghệ. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn, hoặc đã bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu.
Bộ trưởng cho rằng: Thời đại kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột. Vì vậy phải đổi mới công nghệ với giải pháp nào? Và quan trọng nữa là với Ai? Ai sẽ dẫn đầu công cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở. Có thể những người làm báo chúng ta nghĩ rằng công nghệ mới thì phức tạp, nhưng không nghĩ rằng, công nghệ sẽ giúp cho việc làm nghề của chúng ta đơn giản hơn. Chuyển đổi số báo chí cũng cần có những công ty công nghệ đi bên cạnh hỗ trợ. Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh.
Không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud mà còn có thể phát triển các nền tảng (Platforms), các ứng dụng cho báo chí, nhất là các nền tảng dùng chung cho báo chí. Một số công ty đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Công nghệ CMC, Cty Yeah1. Viettel và CMC sẽ có đội ngũ chuyên biệt phát triển hạ tầng và ứng dụng cho báo chí.
Các doanh nghiệp viễn thông vừa qua đã có sự hỗ trợ rất thiết thực với báo chí, về kết nối và hosting cho báo chí điện tử. Có thể giá trị chưa lớn, nhưng đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT Việt Nam chung tay hỗ trợ báo chí nước nhà.
“Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác”, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.
Nhiều tòa soạn ứng dụng công nghệ mới
Cũng tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết: Nhiều toà soạn ở Việt Nam đã rất nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động của mình và phát hành đến độc giả như khai thác dữ liệu lớn, sử dụng AI để gợi ý bài viết riêng biệt theo sở thích, thói quen của từng độc giả (Zing, VnExpress, Chuyên trang Thế giới trẻ của Báo Bưu điện Việt Nam), chatbot (Vietnamplus); hay báo nói tự động (Dân Trí, Tổ quốc, ICTNews).
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc
Hiện nay, theo nhận định của ông Phúc, một số loại hình công nghệ truyền thông được dự báo sẽ rất phát triển trong tương lai gần là: AI, phóng viên robot, trợ lý riêng kích hoạt bằng giọng nói, chatbot, IoT, tìm kiếm bằng hình ảnh và thực tế ảo mà các cơ quan báo chí có thể nghiên cứu và cân nhắc trong việc ứng dụng theo tình hình thực tế.
Ngoài ra, các nền tảng công nghệ vượt trội hiện nay giúp báo chí có thể thêm bản app và phát triển thêm nguồn thu, quản trị người dùng, tăng lưu lượng báo như Appnews Vietnam theo chủ trương của Bộ TTTT và được triển khai bởi công ty Yeah1.
Hay Tập đoàn công nghệ CMC cam kết đồng hành chuyển đổi số cùng báo chí như: tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các báo; tư vấn dịch vụ phân tích dữ liệu AI phục vụ quy trình nghiệp vụ báo chí; hỗ trợ các báo trong việc lưu trữ, hosting tại CMC Data Center hoặc trên CMC Cloud với chi phí tối ưu nhất và sử dụng, trao đổi quảng cáo của báo; hỗ trợ các báo trong kết nối Internet băng rộng và dịch vụ mạng phân phối nội dung với chi phí tối ưu; cung cấp giải pháp hỗ trợ báo điện tử trong quản lý tin, tuỳ biến nội dung cho từng người đọc, phát hiện tin giả và chống giá tin bài, phát hiện tin bị cóp nhặt…
Toàn cảnh Diễn đàn
Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” giữa Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ TTTT) và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk.
Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TTTT, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
Đối tượng tham gia hưởng lợi từ chương trình này sẽ là tất cả các loại hình báo chí đang hoạt động ở Việt Nam như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam.