Diễn đàn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Trong chuyển đổi số, nếu tỉnh Bình Phước thay đổi cách tiếp cận thì việc khó thành việc dễ

Hoàng Linh 26/11/2024 23:10

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, tỉnh Bình Phước cần đặt mục tiêu cao, đi đầu về chuyển đổi số, theo đó, sẽ tạo ra nhiều ứng dụng số, công cụ số mới. Thay đổi cách tiếp cận thì việc khó thành việc dễ.

Chiều ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh và đoàn công tác của tỉnh Bình Phước về công tác chuyển đổi số (CĐS).

toan-canh-buoi-lam-viec-26112024.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh uỷ Tôn Ngọc Hạnh chủ trì buổi làm việc.

CĐS tỉnh Bình Phước đã có nhiều bước phát triển vượt bậc

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, các nền tảng, công nghệ số cơ bản được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên địa bàn tỉnh và dần trở thành “thói quen” đối với mỗi tổ chức và cá nhân; hạ tầng, nhân lực và 3 trụ cột của CĐS là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đều có bước chuyển rõ nét.

Người dân tỉnh Bình Phước đã quen dần và sử dụng nhiều hơn những tiện ích từ CĐS. Cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh cũng đã được nâng cao nhận thức, chuyên môn, mạnh dạn sử dụng những công nghệ hiện đại phục vụ công tác.

Tỉnh Bình Phước nhận Giải thưởng CĐS Việt Nam (VDA) năm 2023 ở hạng mục "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc", với giải pháp công nghệ số đạt giải là "Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước” và nhận Giải thưởng ASOCIO 2024 do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương trao cho hạng mục chính quyền số xuất sắc.

Các lĩnh vực quản lý nhà nước về TT&TT của tỉnh đã phát triển, trong đó có nhiều hoạt động phát triển vượt bậc, như: xây dựng chính quyền điện tử, CĐS, thông tin tuyên truyền...

Tỉnh đã quan tâm phân bổ nguồn vốn cho ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS (từ năm 2019 - 2024 đã bố trí 844 tỷ đồng), nhờ vậy đã tạo sự đột phá về ứng dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hiện đại hóa hoạt động hành chính, xây dựng địa phương thông minh, CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt...

Đặt mục tiêu cao trở thành điểm sáng về CĐS

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Tôn Ngọc Hạnh cho biết trong giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh phấn đấu đạt mức độ CĐS theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

bi-thu-ton-ngoc-hanh.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh: Mong Bộ TT&TT đồng hành, hỗ trợ tỉnh Bình Phước CĐS.

Cụ thể, một số chỉ tiêu dự kiến, gồm:

Về kinh tế số, đến năm 2030, kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP của tỉnh. 80% doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và kinh doanh.

Về chính quyền số, hoàn thành số hóa 100% dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước; 100% dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 4, với ít nhất 90% hồ sơ được xử lý trực tuyến.

Về hạ tầng số, đảm bảo 100% khu dân cư có kết nối Internet băng thông rộng, triển khai mạng 5G tại tất cả các trung tâm huyện và khu công nghiệp.

Về nhân lực số, đào tạo kỹ năng số cơ bản cho ít nhất 70% dân số trong độ tuổi lao động. Hình thành lực lượng chuyên gia và cán bộ CNTT tại mỗi sở, ngành, đơn vị.

Tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, trong đó, có phương án phát triển hạ tầng TT&TT.

Theo đó, tỉnh đề nghị Bộ TT&TT tư vấn, định hướng, hướng dẫn thêm về cách thức triển khai phương án phát triển về hạ tầng TT&TT, hạ tầng số, triển khai CĐS của tỉnh trong thời gian tới để đảm bảo phù hợp Quy hoạch tỉnh.

Trước những đề nghị của Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi, chia sẻ và gợi mở các vấn đề tỉnh Bình Phước tham vấn Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tỉnh Bình Phước cần đặt mục tiêu phát triển cao trong giai đoạn 2025 - 2030, có thể là 13%. “Đặt mục tiêu cao thì làm dễ. Mục tiêu thấp làm khó bởi đặt mục tiêu cao thì phải tìm cách tiếp cận, cách làm mới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, Tổng Bí thư Tô Lâm, trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây, đã đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

bt-nguyen-manh-hung-26112024.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bình Phước đang tìm hướng phát triển cho giai đoạn mới thì hãy chọn CĐS để phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi trong kỷ nguyên vươn mình thì cần có nội dung hành động bứt phá. Các quốc gia hoá rồng, hoá hổ đều phải đặt mục tiêu cao, hai con số trở lên.

Theo Bộ trưởng, khi đặt mục tiêu cao cũng sẽ xuất hiện nhiều nhân tài. Khi đặt mục tiêu phát triển cao thì cũng phân giã mục tiêu cho cho huyện, xã các cơ quan đơn vị trong tỉnh.

Tỉnh Bình Phước cũng cần đặt mục tiêu cao, đi đầu về CĐS, theo đó, sẽ tạo ra nhiều ứng dụng số, công cụ số mới. Thay đổi cách tiếp cận thì việc khó thành việc dễ.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu CĐS là con đường phát triển Việt Nam, là phương thức phát triển mới và dùng CĐS để đưa Việt Nam trở thành một nước XHCN phát triển vào năm 2045. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã phát biểu CĐS là lựa chọn chiến lược, ưu tiên nên việc đưa nội dung CĐS vào nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước là cần thiết.

Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành Nghị quyết về CĐS. CĐS sẽ là một công tác Đảng, là công tác thường xuyên, hàng tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi, Bình Phước đang tìm hướng phát triển cho giai đoạn mới thì hãy chọn CĐS để phát triển.

CĐS thì đặt mục tiêu cao bởi CĐS không tốn kém nhưng giải quyết được nhiều vấn đề lớn như: Chênh lệch giàu nghèo, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, ngân sách ít, thiếu giáo viên giỏi, giao thông… Tỉnh có thể kêu gọi DN công nghệ số đến tỉnh đầu tư và làm CĐS.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tỉnh Bình Phước cần đặt mục tiêu cao, trở thành điểm sáng của cả nước về CĐS. Theo đó, sẽ thu hút các DN công nghệ đến với tỉnh.

Tỉnh Bình Phước xem xét về việc thu hút DN đầu tư một trung tâm dữ liệu tại tỉnh và xem xét những hỗ trợ cho DN.

Về CĐS nông nghiệp, tỉnh Bình Phước có thể đề nghị VNPT hợp tác bởi DN công nghệ này có hệ sinh thái nông nghiệp phong phú.

Tỉnh có thể xem xét tăng chi ngân sách hơn 1%, có thể tới 2% cho công tác CĐS và giá trị của đầu tư cho CĐS sẽ là vô cùng lớn.

Cũng theo trao đổi của Bộ trưởng, CĐS không phải quá ràng buộc về công nghệ. Công nghệ số hiện nay có thể giúp giải quyết rất nhiều việc.

Quan trọng là tỉnh Bình Phước đặt ra vấn đề và các DN công nghệ số Việt Nam có thể hỗ trợ, giải bài toán. Nhiều DN công nghệ số lớn của Việt Nam đã đi ra toàn cầu để làm CĐS nên việc hỗ trợ địa phương CĐS trở nên dễ dàng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Bình Phước CĐS và tư vấn cho tỉnh các DN số đồng hành, hỗ trợ tỉnh CĐS. Tỉnh Bình Phước cần quyết tâm lọt vào top 5 tỉnh CĐS để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trước các trao đổi của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về công tác CĐS cho tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Tôn Ngọc Hạnh cho biết buổi làm việc là thiết thực, gợi mở cho tỉnh nhiều vấn đề rõ hơn để tỉnh tự tin và có nguồn năng lượng tích cực để phát triển. Tỉnh đã có một số thí điểm về CĐS và mong muốn có những cán bộ biệt phái về tỉnh hỗ trợ tỉnh làm CĐS.

Bí thư Tôn Ngọc Hạnh trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, tư vấn tâm huyết của lãnh đạo Bộ TT&TT, các bộ phận chuyên môn đồng hành cùng với tỉnh phát triển, CĐS của tỉnh trong thời gian qua./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Trong chuyển đổi số, nếu tỉnh Bình Phước thay đổi cách tiếp cận thì việc khó thành việc dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO