Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Buổi làm việc được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu huyện, TP và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho rằng, một trong những nội dung được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, xác định là động lực thúc đẩy phát triển trong thời gian tới là chuyển đổi số (CĐS). Tỉnh Bắc Giang mong muốn đoàn công tác của Bộ TT&TT chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng và cung cấp giải pháp cho những vấn đề quan trọng liên quan đến CĐS. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp, người dân về CĐS.
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trình bày một số vấn đề về CĐS đối với tỉnh Bắc Giang. Đồng thời khẳng định đây là tất yếu khách quan, là quá trình không thể đảo ngược, cần thực hiện ngay nếu không muốn bị tụt hậu. Thứ trưởng nêu nhận thức chung về CĐS, mô hình cho tỉnh, trong đó chú trọng đề cập đến CĐS nhìn từ góc độ chính quyền, doanh nghiệp, người dân, lợi ích to lớn của CĐS…
Bộ TT&TT đưa ra 12 khuyến nghị và 8 bài toán tỉnh cần tập trung quan tâm thực hiện. Các giải pháp quan trọng phải tập trung là đầu tư hạ tầng, mạng chuyên dùng, triển khai điện toán đám mây, ứng dụng dùng chung kết nối với sử dụng dữ liệu quốc gia, chia sẻ nền tảng dữ liệu của tỉnh...
Các huyện, TP và các xã, phường, thị trấn cần sử dụng nền tảng chung với tỉnh, triển khai các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân; giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tế.
Trước mắt, tỉnh có thể thực hiện CĐS trong lĩnh vực giáo dục, y tế, sản xuất, cung cấp và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, điển hình là ngay trong vụ vải thiều năm 2021; xây dựng chính quyền điện tử; phòng, chống dịch bệnh… Liên quan đến những nội dung về CĐS và khó khăn, hạn chế, trực tiếp Bộ trưởng và các thành viên Đoàn công tác đã giải đáp, làm rõ cũng như đưa ra giải pháp cụ thể.
Các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc tập trung xác định lộ trình vận động người dân sử dụng điện thoại thông minh, điều kiện cần thiết để thực hiện CĐS; cung cấp địa chỉ số, đường truyền dung lượng cao cho khách hàng…
Thí điểm CĐS trong giáo dục THCS ở hai huyện theo hình thức giảng viên số. Qua đó học sinh có thể được học từ những bài giảng chất lượng của các thầy, cô giáo uy tín trên cả nước với sự hỗ trợ của hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thầy, cô giáo hiện có chỉ đóng vai trò trợ giảng. Trong lĩnh vực y tế, CĐS giúp người bệnh kết nối với những chuyên gia, bác sĩ hàng đầu về chăm sóc sức khỏe, tư vấn phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chữa bệnh.
Để sớm triển khai thực hiện, Bộ TT&TT và UBND tỉnh đã ký kết hợp tác chương trình phối hợp hành động CĐS với 9 nội dung, nhiệm vụ, gồm: Tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách của tỉnh; triển khai bộ công cụ phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; kết nối và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển thương mại điện tử trên địa bàn; thúc đẩy ứng dụng giáo dục từ xa tại các vùng khó khăn; hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai mô hình CĐS cấp xã; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS tỉnh Bắc Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở nhiều nội dung liên quan đến CĐS tỉnh Bắc Giang có thể áp dụng. Trước hết là từ nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu các cấp. Người đứng đầu các cấp phải là người dẫn dắt trong CĐS. Bộ TT&TT đề nghị tỉnh lựa chọn các mô hình cụ thể để hỗ trợ triển khai ứng dụng CĐS. Nếu Bắc Giang đi đầu về ứng dụng công nghệ, sử dụng các nền tảng số mới thì sẽ là địa phương nắm lợi thế, các công nghệ được hoàn thiện ngay tại Bắc Giang. Lãnh đạo tỉnh cần đặt ra mục tiêu, bài toán để các doanh nghiệp công nghệ giải quyết, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, để CĐS thành công cần có sự tham gia của nười dân, chính quyền, nhà chuyên gia và doanh nghiệp. Quá trình CĐS còn lâu dài nên vấn đề công nghệ, dữ liệu mở và mở dữ liệu có yếu tố quyết định bảo đảm tính liên thông, tương thích và phát triển trong tương lai. Bộ TT&TT sẵn sàng giúp Bắc Giang trong việc lựa chọn nền tảng số, ứng dụng hiệu quả, chi phí hợp lý, đơn vị cung cấp uy tín. Bắc Giang cũng nên dành nguồn lực thích hợp đầu tư cho CĐS.
“Bắt đầu từ những dự án thiết thực, lĩnh vực cụ thể mang lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đặt người dân vào trung tâm phục vụ. Bắc Giang không cần quá lo lắng mà chỉ nên chú ý sử dụng các nền tảng công nghệ số thay vì các phần mềm công nghệ thông tin như trước đây. Bộ TT&TT sẽ có trách nhiệm giúp đỡ để Bắc Giang sẽ là tỉnh đi đầu trong toàn quốc về CĐS”- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh về CĐS và cho rằng, qua buổi làm việc đã giúp đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có cái nhìn đầy đủ, sâu sắc, toàn diện, lộ trình rõ ràng hơn. Bộ trưởng Bộ TT&TT và đoàn công tác đã nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết CĐS và phương pháp, cách làm, đặt ra kỳ vọng đối với Bắc Giang.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, CĐS, kinh tế số và xã hội số.
Để tránh nguy cơ tụt hậu bằng CĐS, ngay sau buổi làm việc này, Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về CĐS trên cơ sở đó lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt. Huy động lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp vào công cuộc CĐS; không coi việc CĐS chỉ là nhiệm vụ chuyên môn của một số ngành, đơn vị mà đây là trách nhiệm của các cấp, ngành, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.
UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động, trong đó xác định rõ những vấn đề cần tập trung triển khai thực hiện. Khắc phục hạn chế về tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức. Chương trình sẽ chỉ ra những việc cần giải quyết, cơ quan, đơn vị nào thực hiện, trách nhiệm đến đâu.
Đồng chí Dương Văn Thái đề nghị các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về công tác này và quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng. Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan bố trí đầu mối để làm việc với Bộ TT&TT cũng như các cục, vụ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông triển khai cụ thể những nội dung đã thống nhất.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp thu các nội dung Bộ trưởng và đoàn công tác nêu ra và chỉ đạo thực hiện, phấn đấu để Bắc Giang nằm trong địa phương tốp đầu cả nước về CĐS.