Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, nền tảng số là hệ thống thông tin trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.
"Nền tảng số được coi là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủphê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó giải pháp đột phá là phát triển các nền tảng số quốc gia Việt nam. Ngày 30/11/2021, tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban đã giao Bộ TT&TT chủ trì, các bộ, ngành phối hợp, có chương trình hành động thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp công nghệ số chủ chốt của Việt Nam nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ lõi để phát triển nền tảng số quốc gia.
Trên cơ sở đó, tại Diễn đàn DN công nghệ số lần thứ ba năm nay, các DN công nghệ số sẽ nhận trách nhiệm phát triển các nền tảng CĐS quốc gia. Bộ TT&TT đã công bố đợt một gồm 35 nền tảng số được chia thành 6 nhóm. Đầu tiên là nền tảng hạ tầng số bao gồm: Nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp (EGC); Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC); Nền tảng địa chỉ số; Nền tảng bản đồ số.
Tiếp theo là nhóm nền tàng công nghệ số cốt lõi gồm: Nền tảng trí tuệ nhân tạo; Nền tảng thiết bị IoT; Nền tảng giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); Nền tảng trợ lý ảo; Nền tảng trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).
Nhóm thứ 3 là các nền tảng chính phủ số: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng định danh người dân; Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân
Nhóm thứ 4 là các nền tảng chuyển đổi số cho lĩnh vực y tế - giáo dục - văn hóa – xã hội: Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới phục vụ Chính phủ; Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới phục vụ cộng đồng; Nền tảng dạy học trực tuyến; Nền tảng học trực tuyến mở (MOOC); Nền tảng Đại học số; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khoẻ điện tử; Nền tảng quản lý trạm y tế; Nền tảng phát thanh số (trực tuyến); Nền tảng truyền hình số; Nền tảng bảo tàng số; Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; Nền tảng mạng xã hội thế hệ mới.
Nhóm nền tảng thứ 5 liên quan đến tài chính - ngân hàng - kinh doanh: Nền tảng hóa đơn điện tử; Nền tảng quản trị tổng thể; Nền tảng kế toán dịch vụ.
Cuối cùng là những nhóm nền tảng nông nghiệp - giao thông - kho vận - công thương: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng; Nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trong số 35 nền tảng có những nền tảng số đã cung cấp dịch vụ, nhưng chưa chiếm được thị phần đáng kể, có những nền tảng số đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển, chuẩn bị triển khai. Nhưng thời hạn chung, một mốc thời gian chung để công bố, ra mắt, phổ biến sử dụng nền tảng số quốc gia là 30/6/2021.
Trong tháng 12/2021, Bộ TT&TT sẽ ban hành Chương trình hành động thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia, có mục tiêu, chỉ số đánh giá đo lường theo từng tháng, có kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy cụ thể.
"Bộ TT&TT sẽ tiếp tục định kỳ cập nhật, bổ sung, điều chỉnh danh sách nền tảng số quốc gia và tiếp tục công bố trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kết luận./.