Bộ TT&TT mở chiến dịch hỗ trợ các DN công nghệ số kinh doanh tại nước ngoài
Nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023, ngày 16/1, Bộ TT&TT đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam. Đây là buổi gặp mặt các DN công nghệ số lần đầu tiên và sẽ được tổ chức thường niên.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng đã gặp mặt 18 DN công nghệ số tiêu biểu.
DN công nghệ số phát triển gắn với sứ mệnh quốc gia
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi lời bày cảm ơn chân thành đến các DN công nghệ số Việt Nam năm 2022 đã tạo ra bước phát triển có tính bước ngoặt, nhất là Make in Viet Nam và đi ra nước ngoài.
Bộ trưởng nhấn mạnh “Có được ngành TT&TT, ngành công nghiệp công nghệ số như ngày hôm nay là nhờ có các DN công nghệ số”.
Bộ trưởng cho biết cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà chủ yếu là các công nghệ số thế hệ mới là cơ hội, là lịch sử trao cho sứ mệnh để các DN công nghệ số đi tiên phong, dùng công nghệ số để làm cho Việt Nam hóa rồng hóa hổ, thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đặt ra.
Theo Bộ trưởng, DN kinh doanh thì phải có lợi nhuận để tồn tại, phát triển nhưng sau lợi nhuận sẽ phải là một sứ mệnh giải quyết một bài toán, một nỗi đau của đất nước, của nhân loại để đất nước cường thịnh, để nhân loại hạnh phúc hơn. Và cũng vì giải bài toán lớn, nỗi đau lớn mà doanh thu, lợi nhuận cũng lớn hơn. Bởi vậy các DN xuất sắc, DN lớn tự nhận lấy sứ mệnh quốc gia, làm thành sứ mệnh của mình để dẫn dắt DN đi xa hơn nữa, gắn mình với quốc gia hơn nữa. Quốc gia, dân tộc trường tồn, DN mà gắn mình với quốc gia cũng vì vậy mà trường tồn.
DN mà lớn thì nhiều người sẽ nhìn thấy. Bởi vậy DN muốn to ra nữa một cách bền vững thì chỉ còn một cách duy nhất là thượng tôn pháp luật.
Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp hiện đại
Về tương lai của Ngành, Bộ trưởng cho biết đầu tiên là nhận thức về công nghệ số. CNTT là ngành công nghiệp về xử lý thông tin, là cái có ngữ nghĩa. Cái có ngữ nghĩa thì không nhiều và xử lý nó cũng không sinh ra nhiều ý nghĩa mới. Công nghệ số là ngành công nghiệp xử lý về dữ liệu số, bao gồm chủ yếu là những cái không có ngữ nghĩa. Cái không có ngữ nghĩa thì vô hạn, nó lớn hơn hàng triệu lần so với thông tin. Cứ 2 ngày thì dữ liệu sinh ra tương đương với thông tin của 2000 năm trước đó.
Lần đầu tiên, theo Bộ trưởng, công nghệ đã có thể số hoá được hầu hết thế giới thực, tạo ra vô hạn dữ liệu số và có khả năng truyền đưa, lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn. “Công nghệ số xử lý được cái không ngữ nghĩa để sinh ra tri thức mới, giá trị mới và vì thế tạo ra sự phát triển. Xử lý được dữ liệu số vô hạn và chưa có nghĩa để sinh ra giá trị mới thì giá trị mới cũng vì vậy mà vô hạn. Và đây thực sự là sự phát triển mới của nhân loại”.
Nghị quyết Trung ương VI khoá XIII của Đảng ta tháng 10/2022 đã chính thức coi chuyển đổi số (CĐS) là phương thức phát triển mới, có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước. Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp hiện đại. Hiện đại hoá Việt Nam chính là CĐS xã hội.
Công nghệ số nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thâm nhập vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và mọi việc. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá là khi máy móc thay lao động chân tay, và với cuộc cách mạng công nghiệp lần tứ 4 với công nghệ chủ yếu là công nghệ số thì máy móc bắt đầu thay lao động trí óc, giúp cho mọi tổ chức thông minh hơn và đây được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp hoá.
10 năm tới, Bộ trưởng nhận định là những chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ CNTT sang công nghệ số, từ ứng dụng CNTT sang CĐS, từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công lắp ráp sang Make in Viet Nam, từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính, từ báo chí sang truyền thông số.
“Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản. Nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản và đổi mới số trở thành động lực cơ bản cho sự phát triển”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ TT&TT cầm nhịp để năm dữ liệu số tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng cho biết năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số, là bảo vệ dữ liệu cá nhân, là công bố và xây dựng các CSDL cấp bộ, ngành, địa phương và mở dữ liệu để kết nối, chia sẻ, là an toàn dữ liệu, là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia, là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
“Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp để năm dữ liệu số để tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu, tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, là sự khác biệt là căn bản của CĐS”.
Bộ trưởng cũng cho biết năm 2023 sẽ thực hiện các chiến lược đã được ban hành của Bộ TT&TT. Bộ TT&TT sẽ ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược. Từ trước đến nay chúng ta thường yếu việc này, không hướng dẫn, không đo lường và vì vậy gọi là chiến lược “ngăn kéo”.
Năm 2023 sẽ là năm Bộ TT&TT tập trung vào các kết quả thực chất, thiết thực. Cụ thể, về viễn thông là giải quyết triệt để SIM rác, thương mại hoá 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn. Về CĐS, sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự giải quyết trực tuyến, nâng tỷ lệ tài khoản sử dụng các nền tảng số Make in Viet Nam. Về công nghiệp công nghệ số sẽ tập trung vào sản xuất thiết bị viễn thông, thiết kế chip, nền tảng số. Về báo chí, xuất bản và truyền thông là tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, là giải quyết các vấn đề tư nhân hoá báo chí, báo hoá tạp chí và trang tin và mạng xã hội.
Mở chiến dịch hỗ trợ các DN công nghệ số
Năm 2023, sau 3 năm COVID-19, các hoạt động quốc tế bị cầm chừng, Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch để hỗ trợ các DN công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc sẽ đi ra nước ngoài, mang tri thức công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. “Nhà nước mở đường người đi trước kéo người đi sau để thế giới biết đến Việt Nam vì không chỉ Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi người ta đến”.
Bộ trưởng nhận định: "Đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường, thịnh vượng chính là khát vọng về công nghệ. Báo chí, xuất bản, truyền thông là khát vọng hoá rồng, hoá hổ thấm vào từng người Việt Nam. Công nghệ số, nhân tài số, CĐS tạo nên chiếc cánh công nghệ Việt Nam".
Bộ trưởng cũng nhắn nhủ: “DN công nghệ số Việt Nam đã thành danh hãy thượng tôn pháp luật, hãy nhận sứ mệnh giúp Việt Nam hoá rồng, hoá hổ trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia, gìn giữ non sông và làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của DN Việt Nam, trong đó đặc biệt là các DN công nghệ số Việt Nam”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “DN Việt Nam không chỉ phục vụ kinh tế - xã hội mà còn làm ra vũ khí bảo vệ Việt Nam. Năm mới nhận thức mới, tạo ra năng lực mới, nghĩ ra không gian mới, nghĩ ra nguồn lực mới, làm việc tạo ra kết quả thiết thực vì thế mà thấy hạnh phúc, gia đình nhỏ, gia đình to đầm ấm”.
Cùng nhau hợp tác cùng nhau phát triển
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã lắng nghe tất cả các ý kiến của 18 DN công nghệ số gồm Viettel, VNPT, FPT, CMC, Be Group, MobiFone, Bưu điện Việt Nam, Giao hàng Tiết kiệm, VCCorp, MISA, Sao Bắc Đẩu, Công ty CP thông minh MK, NTQ Solution, Thanh toán Việt Nam, SAVIS, Bkav, Công ty CP Giải pháp, VMO Holdings đã trao đổi nhiều ý kiến và đề xuất đối với Bộ TT&TT, trong đó nhiều ý kiến trao đổi về hỗ trợ DN đi kinh doanh ở nước ngoài.
Ông Hoàng Thái Sơn, Tổng Giám đốc Cổ phần NTQ Solution cho biết hiện nay DN muốn đi ra nước ngoài, mở mang dịch vụ thì phải nâng cao năng lực và cung cấp dịch vụ đặc sắc. Công ty đã thành lập chi nhánh tại Nhật Bản, tại Hàn Quốc năm 2019, Hồng Kông năm 2020 và sắp tới muốn mở chi nhánh tại Đức, Mỹ.
Theo đó, công ty muốn nhận được hỗ trợ về thông tin thiết thực của các nước sở tại. Hiện NTQ Solution cũng như nhiều DN đang còn loay hoay nên còn rời rạc. Bên cạnh đó là các thủ tục xin visa, cử người đi làm tại nước ngoài và mong nhận được sự hỗ trợ để đi toàn cầu dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cho biết muốn Bộ TT&TT chủ trì dự án giáo trình và thí điểm đào tạo AI từ bậc học phổ thông và dương ngọn cờ Make in Viet Nam. “Để làm được Make in Viet Nam phải quyết tâm và đây phải là chiến lược hàng đầu. FPT có khoảng 200 sản phẩm Make in Viet Nam. FPT vừa làm sản phẩm ở trong nước và mang ra nước ngoài và cũng muốn làm sản phẩm Make in Viet Nam ở nước ngoài và mang về Việt Nam.
FPT sẽ đi đầu về Make in Viet Nam và mong muốn Bộ TT&TT động viên các tổ chức, đơn vị trong nước sử dụng Make in Viet Nam, thúc đẩy ngoại giao số với sự tham gia của nhiều DN công ngệ số.
DN công ngệ số muốn vươn lên phải có tướng tài, có năng lực, khát khao xâm lấn, mở mang bờ cõi; vũ khí đặc thù của Việt Nam tập trung AI, robotics, dữ liệu thì sẽ vượt qua các nước; có DN dẫn dắt (Bộ chọn 10 DN đứng đầu, 10 DN đứng sau)…
Bên cạnh đó, các DN công nghệ số Việt Nam cũng nêu những khó khăn và đề xuất như có chính sách hợp tác giữa DN công nghệ số và cơ sở giáo dục giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ, thu hút nhân lực giỏi từ nước ngoài, có hỗ trợ về chính sách như có thể thành lập Hội đồng chính sách, các DN công nghệ số hợp tác để cũng ra nước ngoài…/.