Bộ TT&TT phát động ủng hộ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Lãnh đạo Bộ TT&TT và Ban Thường vụ Công đoàn TT&TT Việt Nam đã trao số tiền hỗ trợ 500 triệu đồng cho Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam để ủng hộ, giúp đỡ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Hôm nay, 12/9/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long, Chủ tịch Công đoàn ngành TT&TT, Thứ trưởng Phan Tâm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, Ban chấp hành Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ và toàn thể công chức, viên chức thuộc Bộ TT&TT.
Tại Lễ phát động, đại diện Công đoàn ngành TT&TT kêu gọi các cơ quan, đơn vị, DN, các tổ chức, tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) ngành TT&TT tại 9 điểm cầu với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, cùng chung tay, quyên góp ủng hộ ít nhất 1 ngày lương, thu nhập của mình để sẻ chia khó khăn, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào trong lúc hoạn nạn, khó khăn.
Số tiền vận động, quyên góp của cơ quan, đơn vị, DN và cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, NLĐ ngành TT&TT sẽ được chuyển trực tiếp đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong thời gian sớm nhất, thiết thực cùng các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương và đồng bào cả nước hỗ trợ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc, cũng như hỗ trợ những cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, NLĐ ngành TT&TT bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống.
Tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Phạm Quang Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam cho biết ngày 7/9/2024, cơn bão số 3 (còn gọi là siêu bão Yagi) đã đi vào vịnh Bắc Bộ. Đây là một trong những cơn bão lớn nhất trong hàng chục năm qua đổ bộ vào Việt Nam. Siêu bão đã gây gió mạnh, mưa lớn các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ và trung du, miền núi phía Bắc.
Đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc đã phải hứng chịu thiệt hại to lớn cả về người và tài sản, hoa màu trong cơn bão số 3 với sức gió mạnh chưa từng thấy, kèm theo áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn, sạt lở đất. Và tình hình mưa lũ tiếp tục còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, thống kê thiệt hại tính đến 22 giờ ngày 11/9/2024 có 326 người chết, mất tích.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm hơn 100.000 nhà ở bị hư hỏng; hơn 40.000 nhà bị ngập. Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái , hư hỏng; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường. Thiệt hại về tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu, hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cùng số lượng vật nuôi bị thiệt hại rất lớn, hiện chưa thể thống kê hết.
Tiếp đó là các trận mưa kéo dài kéo theo các trận lở đất, nước lũ trên các sông dâng cao gây ngập úng trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố. Đời sống sinh hoạt của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại , dịch vụ bị đình trệ. Thời gian khắc phục hậu quả sẽ còn kéo dài.
Hạ tầng viễn thông, NLĐ ngành TT&TT bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Đối với ngành TT&TT, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn ngành TT&TT Phạm Quang Hưởng cho biết bão số 3 đã gây chậm trễ hoạt động chuyển phát và thiệt hại vật chất, nhà xưởng như: tốc mái, thấm dột, hỏng nhà, gãy đổ cột thu phát sóng. Mạng viễn thông bị mất liên lạc tại 15 tỉnh/thành phố với 6.285 trạm thu phát sóng di động.
Cùng với đó, nhiều gia đình cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, NLĐ ngành TT&TT cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó phải nhắc tới vụ sạt lở đất tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 10/9 tại hộ gia đình của anh Sa Văn Ánh, nhân viên VNPT Yên Bái, khiến 4 người tử vong tại chỗ. Do mưa lớn nhiều ngày đã khiến quả đồi sau nhà anh Ánh bị sạt lở, làm cả gia đình, gồm vợ chồng anh Ánh cùng hai cháu nhỏ, một cháu 5 tuổi và một cháu mới chỉ hơn 2 tháng tuổi thiệt mạng thương tâm.
Chủ động ứng phó với bão số 3, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn ngành TT&TT cho biết Bộ TT&TT đã có sự chỉ đạo kịp thời công tác thông tin tuyên truyền thường xuyên, liên tục, kịp thời; triển khai công tác chuẩn bị, các biện pháp ứng phó toàn diện, đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, phương tiện, đảm bảo thông tin liên lạc (TTLL), phục vụ công tác chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân.
Mặc dù đã có sự phòng bị, chuẩn bị kỹ càng, ông Phạm Quang Hưởng cho biết ngành TT&TT vẫn không tránh khỏi những thiệt hại nặng nề khi bão lũ càn quét, đặc biệt là cơ sở hạ tầng viễn thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên diện rộng.
Đã khôi phục là 4.012 trạm phát sóng bị mất liên lạc
Tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, lực lượng cán bộ, nhân viên, NLĐ ngành TT&TT được huy động tối đa, túc trực 24/7 trên mạng trái để xử lý sự cố, phục hồi sớm nhất có thể. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, các cơ quan, đơn vị, DN đã xây dựng các phương án để chủ động ứng phó, huy động và động viên, khuyến khích, người lao động thu xếp việc gia đình, tham gia ứng cứu, đảm bảo TTLL với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, thực hiện làm ngày, làm đêm, sớm đưa các hoạt động của người dân trở lại bình thường.
Sau khi bão tan, các đơn vị đã khẩn trương triển khai lực lượng đến các khu vực bị sự cố để xử lý khắc phục thiệt hại, khôi phục TTLL. Ngay trong ngày 08/9, đã khôi phục được 1.411/6.285 trạm phát sóng bị mất liên lạc, hàn nối các tuyến cáp quang bị đứt. Tính đến 15h00 ngày 11/9, các DN tiếp tục khôi phục các trạm phát sóng bị mất liên lạc, nâng tổng số trạm được khôi phục là 4.012 trạm.
Các trạm còn lại chưa khôi phục được do địa hình bị chia cắt hoặc chưa có nguồn điện. Tuy nhiên, do các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục bị ảnh hưởng của mưa lũ sau bão, nên số trạm bị mất liên lạc sẽ tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó, các DN bưu chính đã bố trí nhân lực, phương tiện đảm bảo vận chuyển hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân vùng bão lũ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã triển khai Chương trình chung tay cùng đồng bào cả nước hỗ trợ các địa bàn bị thiên tai, bão lũ , tổ chức chuyển phát miễn phí hàng hoá cứu trợ từ các tỉnh, thành phố đến các địa phương bị bão lũ.
Cùng với đẩy mạnh các biện pháp ứng phó, đảm bảo TTLL thông suốt, phục vụ người dân và chính quyền, các DN bưu chính, viễn thông còn triển khai thêm các phương án hỗ trợ người dân một cách thiết thực, kịp thời. Điển hình như miễn phí cuộc gọi, miễn phí Internet, tổ chức hàng trăm điểm sạc điện thoại miễn phí hỗ trợ người dân vùng bão lũ.
Bên cạnh tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ đảm bảo TTLL, ông Phạm Quang Hưởng cho biết phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, chủ động khắc phục các hậu quả do cơn bão gây ra đối với đơn vị, đối với ngành TT&TT, với truyền thống nghĩa tình, tinh thần tương thân tương ái, ngày 10/9/2024, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Bộ TT&TT và Ban Thường vụ Công đoàn TT&TT Việt Nam đã trao số tiền hỗ trợ 500 trăm triệu đồng tại Lễ phát động ủng hộ, giúp đỡ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3./.