Diễn đàn

Bộ TT&TT phổ biến công cụ RIA cho cán bộ xây dựng văn bản pháp luật

Hoàng Linh 21:41 29/10/2024

RIA là công cụ hỗ trợ để “lượng hóa” được những tác động đối với các đối tượng bị điều chỉnh, từ đó hạn chế những quy định kém hiệu quả, giảm tác động xấu đến kinh tế xã hội nói chung cũng như quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.

Ngày 29/10/2024, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức tọa đàm về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật. Tham dự có các cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ TT&TT.

Sự cần thiết đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết các cán bộ tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đều nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật.

ba-nguyen-minh-hang.jpg
Bà Nguyễn Minh Hằng: Để một văn bản QPPL có tính khả thi cần đánh giá tác động.

Để một văn bản QPPL được ban hành có tính khả thi, bà Nguyễn Minh Hằng cho rằng cần có đánh giá tác động, những bất cập, việc lựa chọn các giải pháp để triển khai, hiệu quả của giải pháp… đối với các đối tượng được điều chỉnh bởi văn bản.

Toạ đàm về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật là một hoạt động thường niên và cần thiết được Bộ TT&TT tổ chức cho các cán bộ đã, đang và sẽ trực tiếp xây dựng các văn bản QPPL.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho biết một đánh giá tác động cần đến một quá trình lâu dài và ở Việt Nam có một số khó khăn như về nguồn lực. Theo đó, để nâng cao chất lượng đánh giá tác động của văn bản QPPL thì việc nhận thức phải được nâng cao và đội ngũ thực hiện đánh giá tác động cần có tâm, tầm, nỗ lực để xây dựng được chính sách trong một văn bản QPPL. "Chính sách mà không tốt thì cả văn bản đó có tốt thì vẫn không hiệu quả".

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chủ trì xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Tần số Vô tuyến điện (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) 2023 và đang xây dựng Luật Công nghệ số, Luật Bưu chính (sửa đổi(, Luật Báo chí (sửa đổi) theo đó việc trao đổi đánh giá tác động xây dựng các văn bản là cần thiết.

RIA: công cụ đánh giá tác động của văn bản hiệu quả

Bà Võ Thị Phương Lan, chuyên gia đánh giá tác động, Công ty tư vấn Vriens & Partners cho biết buổi toạ đàm giúp các cán bộ xây dựng văn bản QPPL có thêm phương pháp phân tích để phục vụ công tác góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhờ vào việc hiểu về: Công cụ đánh giá tác động chính sách (RIA): Khái niệm và 4 bước phân tích; cách tính toán “được” và “mất” của một đề xuất chính sách; phương pháp tư duy phản biện chính sách qua RIA (phát hiện giả định sai); cách đặt câu hỏi logic trong thảo luận để thống nhất ý kiến khác nhau; cách tìm ra giải pháp chính sách tốt nhất.

ba-lan-phuong.jpg
Bà Võ Thị Lan Phương: RIA là một công cụ giúp cho Nhà nước tìm ra giải pháp chính sách nhưng quan trọng là biết trước được hậu quả phức tạp của giải pháp đó.

Cũng theo bà Võ Thị Lan Phương, RIA là một công cụ giúp cho Nhà nước tìm ra giải pháp chính sách nhưng quan trọng là biết trước được hậu quả phức tạp của giải pháp đó như tác động tích cực, tiêu cực đối với tất cả các đối tượng bị tác động bởi văn bản.

Bản chất của RIA là 1 công cụ giúp những người xây dựng các văn bản QPPL đi đến giải pháp chính sách, chứ không phải có văn bản rồi mới đi đánh giá tác động. “RIA giúp cho các nhà làm luật đưa ra giải pháp. Sau khi có giải pháp rồi thì mới bắt tay vào viết dự thảo các văn bản, theo đó, việc xây dựng văn bản QPPL thuận lợi hơn rất là nhiều".

ban-chat-ria.png

Nếu triển khai RIA trước khi xây dựng văn bản QPPL thì việc bảo vệ việc xây dựng văn bản rất là dễ vì có thể trả lời được các câu hỏi tại sao làm như thế và tự tin về giải pháp chính sách của mình xây dựng.

“Sau khi triển khai RIA thì cũng có thể kết luận không cần ban hành chính sách nữa nên không nhất thiết có dự thảo văn bản QPPL rồi mới đi triển khai RIA mà phải làm ngược lại”, bà Võ Thị Lan Phương nhấn mạnh.

tap-huan-ria.jpg
tap-huan-ria-2.jpg
trinh-bay-ket-qua.jpg
Các cán bộ của Bộ TT&TT thực hành công cụ RIA.

Bà Võ Thị Lan Phương khẳng định RIA giúp dự đoán tương lai khi Chính phủ cần biết hậu quả của những hành động của mình trước khi quyết định. Đã có quá nhiều thất bại về thể chế, ví dụ như khủng hoảng tài chính, thị trường chứng khoán. Cùng với đó, nền kinh tế cạnh tranh hơn đòi hỏi chi phí thể chế thấp hơn, tủi ro thể chế thấp hơn. Chính sách cần sự phối hợp tốt hơn giữ môi trường, năng lượng, thương mại, nông nghiệp, phòng chống dịch và an toàn thực phẩm...

RIA đã phổ biến tại Hoa Kỳ từ năm 1978, tại Úc là vào năm 1985, 12 nước OECD từ năm 1990, 68 quốc gia từ năm 2022. Tại Đông Nam Á, RIA đã được triển khai tại Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan. Các nước thu nhập cao sử dụng RIA nhiều hơn các nước thu nhập trung bình và thấp.

xu-huong-su-dung-ria.png
Xu hướng sử dụng RIA.

Theo nghiên cứu của USAID, đối với Việt Nam, việc thực hiện một RIA đầy đủ ước tính sẽ làm phát sinh chi phí khoảng 500USD cho một văn bản QPPL, nhưng sẽ tiết kiệm được cho khối tư nhân gấp 100.000 lần số tiền nhờ một hệ thống thể chế ít gánh nặng và hiệu quả hơn. Như vậy, một đồng bỏ ra cho RIA, doanh nghiệp và hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT phổ biến công cụ RIA cho cán bộ xây dựng văn bản pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO