Một số lưu ý về hợp đồng điện tử theo Luật Giao dịch điện tử 2023
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) 2023 quy định các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền để quy định các hợp đồng điện tử phù hợp theo lĩnh vực và ngành nghề.
Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử từ ngày 1/7/2024
Căn cứ Điều 35 Luật Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) 2023, việc giao kết hợp đồng điện tử (HĐĐT) từ ngày 1/7/2024 được quy định như sau: Giao kết HĐĐT là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết HĐĐT; Đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết HĐĐT được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trong khi đó, căn cứ Điều 36 của Luật GDĐT, nguyên tắc giao kết và thực hiện HĐĐT được quy định:
- Các bên có quyền thỏa thuận sử dụng thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử một phần hoặc toàn bộ trong giao kết và thực hiện HĐĐT.
- Khi giao kết và thực hiện HĐĐT, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến HĐĐT đó.
- Việc giao kết và thực hiện HĐĐT phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phụ trách phòng Thẩm tra chính sách, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT cho biết Luật GD&ĐT năm 2005 chỉ quy định rất chung về giá trị pháp lý của HĐĐT nên chưa khuyến khích được các HĐĐT khi triển khai trong thời gian qua. Chính vì thế, Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 đã bổ sung thêm hình thức mới là hợp đồng được ký kết thông qua các hệ thống thông tin tự động.
Cụ thể, người dân đi trên các tuyến giao thông đường bộ phải trả phí qua các hệ thống thanh toán giao thông đường bộ như ETC, MTC… chính là thực hiện giao kết HĐĐT.
Các Bộ, ngành theo thẩm quyền ban hành quy định các HĐĐT phù hợp theo lĩnh vực và ngành nghề
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hà, Luật GD&ĐT năm 2005 chưa quy định cụ thể cho các Bộ ngành được ban hành theo thẩm quyền về HĐĐT trong từng ngành, lĩnh vực.
Qua quá trình khảo sát, NEAC nhận thấy việc sử dụng hợp đồng lao động điện tử lớn và nhiều doanh nghiệp (DN) muốn sử dụng HĐĐT để đảm bảo không phải lưu trữ nhiều giấy tờ. Đồng thời, hiện nay khả năng liên thông của các hệ thống các cơ quan nhà nước (CQNN) diễn ra suôn sẻ nên các DN chỉ cần ký HĐĐT là đã có thể để tự động liên thông đến hệ thống của cơ quan bảo hiểm hay hệ thống của ngành lao động mà không phải mất nhiều thời gian, công sức cho việc báo cáo.
Theo đó, Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 đã cho phép các bộ, ngành theo thẩm quyền được ban hành quy định về HĐĐT phù hợp theo lĩnh vực và ngành nghề của mình. Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 cũng quy định các nguyên tắc tối thiểu của HĐĐT đó chính là các bên có được quyền thỏa thuận sử dụng thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử một phần hoặc toàn bộ trong quá trình giao kết HĐĐT.
Có thể lấy ví dụ bên A và bên B muốn giao kết nhưng bên A chỉ muốn giao kết bằng hợp đồng bản giấy mà bên B muốn giao kết bằng HĐĐT thì bên B sẽ thực hiện việc ký số trên HĐĐT và chuyển đổi từ tài liệu thông điệp dữ liệu sang bản giấy để thực hiện cho bên A ký và như vậy chỉ thực hiện giao kết một phần nhưng đảm bảo giá trị pháp lý của HĐĐT khi thực hiện quá trình diễn ra.
Mặt khác, khi giao kết thực hiện hợp đồng giữa các bên thì có quyền thoả thuận, yêu cầu về các kỹ thuật, điều kiện đảm bảo tính nguyên vẹn như là bảo mật liên quan đến HĐĐT đó.
Bên cạnh đó, việc giao kết và thực hiện HĐĐT phải tuân thủ theo quy định của Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 cũng như các luật khác về hợp đồng hay các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể, Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 không quy định về nội dung thể thức mà nội dung thể thức của hợp đồng sẽ theo pháp luật chuyên ngành.
Ông Nguyễn Văn Hà lấy ví dụ, đối với một giao dịch bất động sản bắt buộc phải thực hiện qua công chứng thì việc giao kết của hợp đồng ngoài tuân thủ Luật GDĐT (sửa đổi) 2023 còn phải tuân thủ Luật giao dịch bất động sản là phải được thực hiện qua công chứng.
Thời gian sắp tới khi thực hiện qua công chứng điện tử thì hợp đồng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử khi Luật công chứng điện tử được thông qua./.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong GDĐT từ ngày 1/7/2024
Căn cứ Điều 6 Luật GDĐT 2023, trong GDĐT từ ngày 1/7/2024 cần lưu ý các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Lợi dụng GDĐT xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ GDĐT;
Cùng với đó, các hành vi bị cấm khác, gồm: Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản GDĐT, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; Cản trở việc lựa chọn thực hiện GDĐT; Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật./.