Bước đầu chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở

03/11/2022 13:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong các phương thức truyền thông đại chúng hiện nay của Việt Nam, hệ thống thông tin cơ sở có những đặc điểm đặc thù về phạm vi đối tượng tác động cũng như những hiệu quả nhất định nhờ vào lợi thế tiếp cận gần dân.

Nhiều địa phương đang bước đầu tiến hành chuyển đổi số (CĐS) bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) vào các đài truyền thanh cơ sở, bảng tin điện tử công cộng có kết nối Internet toàn quốc. Từ đây, yêu cầu đối với hệ thống quản lý hoạt động của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và bảng tin điện tử công cộng kết nối Internet trong toàn quốc được đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thông tin cơ sở.

Hiện nay, Việt Nam có 03 phương thức truyền thông chủ yếu: truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng phát thanh, truyền hình; truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng báo chí; truyền thông qua hệ thống thông tin cơ sở.

Về thông tin tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở [1], cả nước hiện có 9.690 đài truyền thanh/10.599 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 91,4%. Còn 918 xã, phường, thị trấn chưa có đài, chiếm 8,6%; tập trung chủ yếu là các xã khu vực miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tỉnh Kiên Giang và các phường của thành phố Hồ Chí Minh. Cả nước hiện có 666 cơ sở truyền thanh cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đạt tỷ lệ 94,45%; so với năm 2018 không thay đổi về tỷ lệ do có 38 quận, thành phố thuộc tỉnh không tổ chức hệ thống truyền thanh cấp huyện.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện CĐS trong quá trình hoạt động, lĩnh vực thông tin cơ sở nước ta đã có nhiều khởi sắc.

Hiện trạng ứng dụng CNTT-VT vào truyền thông cơ sở

Đài Truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cấp xã

Đài truyền thanh cơ sở hằng ngày phát 02 buổi (sáng, chiều) vào khung giờ nhất định, với thời lượng từ 01 đến 1,5h/buổi, tác động trực tiếp đến hàng chục triệu người nghe, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Hiện nay, các đài truyền thanh cơ sở Việt Nam đang sử dụng các phương thức truyền thanh: truyền thanh hữu tuyến, vô tuyến và truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Trong 10.599 xã, phường, thị trấn cả nước, hiện có 655 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, đạt tỷ lệ 6%. Quy định về đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT được xác định tại Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). 

Bước đầu chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở - Ảnh 1.

Hình 1: Tỷ lệ đài phát thanh xã, phường, thị trấn ứng dụng CNTT-VT.

So với hai loại hình truyền thanh hữu tuyến và vô tuyến, truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội có thể kể đến như: Không cần hệ thống đường dây, lắp đặt cụm thu ở bất cứ điểm nào trong phạm vi phủ sóng viễn thông; Tổng số cụm loa cho một đài không giới hạn; Không cần cột ăng ten, máy phát sóng; Không bị can nhiễu, ảnh hưởng đến việc tiếp sóng đài truyền thanh huyện, đài phát thanh, truyền hình tỉnh và Đài tiếng nói Việt Nam; Dễ vận hành, kinh phí đầu tư thấp; Quản lý được nội dung phát thanh mọi chỗ mọi nơi.

Tuy nhiên, một yếu tố phải tính đến đó là chi phí thuê bao hàng tháng dành cho thiết bị. Trong điều kiện nguồn kinh phí có giới hạn dành cho đài truyền thanh cơ sở ở nhiều địa phương hiện nay, đây là một vấn đề cần xem xét.

Bước đầu chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở - Ảnh 2.

Hình 2: Sơ đồ truyền thanh ứng dụng CNTT-VT . (Nguồn: Cục Thông tin cơ sở - Bộ TT&TT)

Ngoài ra, hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT hiện nay chưa được quản lý tập trung. Cơ quan quản lý chưa quản lý được hoạt động của đài cũng như là nội dung thông tin đã phát; muốn biết được hoạt động thì phải xuống tận nơi, việc ứng dụng CNTT trong quản lý vẫn còn hạn chế. 

Đến nay, có 47/63 tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển và nâng cao hoạt động hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025, trong đó phấn đấu đến năm 2025 thực hiện 100% các xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. 

Bước đầu chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở - Ảnh 3.

Hình 3: Loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. (Nguồn: Cục Thông tin cơ sở - Bộ TT&TT)

Thực trạng hoạt động của bảng tin điện tử công cộng kết nối Internet

Qua khảo sát 39 tỉnh/thành có 381 bảng tin điện tử công cộng (ĐTCC) được kết nối Internet đặt các khu vực trung tâm, quảng trường, vườn hoa... trong đô thị, trên các tuyến đường chính ở các khu trung tâm của huyện, xã đang được sử dụng hiệu quả cho công tác tuyên truyền đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bảng tin điện tử cấp xã được chính quyền địa phương cấp xã quản lý, vận hành, đặt tại Trụ sở UBND xã hoặc đặt tại các vị trí công cộng dễ thấy, dễ tìm hiểu. 

Về kết nối: Nhiều bảng tin điện tử hiện nay vẫn còn hoạt động độc lập, riêng lẻ, chưa được kết nối với nhau, thiếu tính nhất quán về hình thức, về mặt nội dung dẫn đến trùng lặp thông tin, chưa phát huy hiệu quả của việc truyền đạt thông tin.

Về sản xuất chương trình, nội dung: tin bài phục vụ đăng tải trên Bảng tin điện tử vẫn còn thực hiện theo phương thức thủ công, chất lượng không cao, không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ hiện nay.

Về tính hai chiều của thông tin: Thông tin chưa đảm bảo được tính hai chiều, chưa có sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tổ chức trên địa bàn, đặc biệt là việc tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân.

Về đo lường hiệu quả truyền thông [2]: Chưa có tính năng đo đếm hiệu quả thông tin, chưa kiểm soát được chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở.

Là một bộ phận trong thiết chế thông tin cơ sở, bảng tin điện tử công cộng hiện nay được một số địa phương sử dụng nhằm tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những sự kiện lớn trong nước, địa phương liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương; các quy định của chính quyền địa phương và các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương; các hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền; các thông tin thiết yếu đối với đời sống hàng ngày của người dân.

Đánh giá chung về thực trạng hoạt động đài truyền thanh cấp xã và bảng tin ĐTCC kết nối Internet

a) Đối với hoạt động đài truyền thông cấp xã

Ưu điểm hàng đầu của truyền thanh cơ sở nằm là độ phủ sóng lớn, có đối tượng người nghe đài là đông đảo các tầng lớp nhân dân ở cơ sở. Đài truyền thanh cơ sở đi sâu từng thôn xóm, đến từng nhà, lại được phát ra bằng tiếng nói của phát thanh viên là người địa phương vốn am hiểu rõ đặc thù gắn với địa bàn với những đặc thù riêng về văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương. Nhờ đó, có thể truyền tải các thông điệp chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lan tỏa tinh thần dân tộc đến từng người dân, qua đó nâng cao trình độ nhận thức và ý thức chính trị của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, những hạn chế nhất định do tính chất phát thanh có tính “cưỡng bức” phát thanh theo lịch chương trình, âm lượng phụ thuộc vào khoảng cách bạn nghe đài và vị trí đặt loa phát cùng với việc phải bỏ ra chi phí thuê bao hàng tháng và chi phí bảo dưỡng hệ thống loa cũng là các vấn đề mà truyền thanh cơ sở cần phải tính đến.

b) Đối với bảng tin điện tử

Hiện nay, bảng tin điện tử vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục. Trong đó, khó khăn về công nghệ như tính thiếu kết nối của các bảng tin điện tử, đặc biệt là những khó khăn do hạn chế về trình độ năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm phụ trách bảng tin hiện nay là vấn đề cần sớm giải quyết.

Mặt khác, vẫn chưa có tính năng đo đếm hiệu quả thông tin, chưa kiểm soát được chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; thông tin chưa đảm bảo tính hai chiều, chưa có sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tổ chức trên địa bàn, nhất là chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân.

Đề xuất yêu cầu đối với bước đầu chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở

Nhu cầu quản lý và chia sẻ dữ liệu của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và bảng tin điện tử công cộng kết nối Internet

Qua kết quả khảo sát tại 63 Sở TT&TT trên toàn quốc năm 2022 của nhóm tác giả, với 39/63 mẫu phiếu khảo sát được phản hồi cho thấy kết quả như sau:

- 100% các Sở TT&TT có nhu cầu ứng dụng CNTT trong quản lý thông tin với hệ thống đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và bảng tin ĐTCC có kết nối Internet trên địa bàn đang quản lý.

- 100% các Sở TT&TT có nhu cầu trao đổi dữ liệu với đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT- VT, bảng tin ĐTCC có kết nối Internet trên địa bàn Sở đang quản lý và hệ thống thông tin nguồn Trung ương.

- Số lượng bảng tin của 39 tỉnh/thành được khảo sát hiện nay là 510. Trong đó, 381 bảng tin ĐT được kết nối Internet và 129 bảng tin ĐTCC chưa được kết nối Internet. 

Bước đầu chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở - Ảnh 4.

Hình 4: Tỷ lệ bảng tin điện tử công cộng có kết nối Internet toàn quốc.

Về số lượng đài truyền thanh cả nước, hiện nay cả nước có 9.690 đài [3]. Trong đó, số đài truyền thanh xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT là 655 đài (tỷ lệ 6,76%) [4]. 

Bước đầu chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở - Ảnh 5.

Hình 5: Số lượng đài truyền thanh xã, phường, thị trấn ứng dụng CNTT-VT

Khảo sát đánh giá về khó khăn và thuận lợi trong quá trình thực hiện Thông tư 39/2020/TT- BTTTT về quy định quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và văn bản số 1273/BTTTT-TTCS ngày 27/4/2021 hướng dẫn về chức năng, tính năng kỹ thuật của hệ thống thông tin nguồn Trung ương, hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh và kết nối với hệ thống thông tin (Phiên bản 1.0) tại các Sở TT&TT đang triển khai phần mềm kết nối Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT, Bảng tin điện tử công cộng kết nối Internet cho thấy tồn tại nhiều vấn đề cần có phương án giải quyết.

Về tình hình thực tế thực hiện ứng dụng CNTT-VT vào đài xã, phường, thị trấn và bảng tin ĐTCC có kết nối Internet toàn quốc, có thể nêu một số vấn đề nổi bật như sau:

Thuận lợi:

Về mặt chính quyền: Bộ TT&TT kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó có thể kể đến sự hỗ trợ tích cực của Cục Thông tin cơ sở.

Về mặt nhận thức: Cán bộ, công chức, viên chức đều nhận thức được sự cần thiết của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hành chính nhà nước.

Về kinh phí hoạt động: Một số địa phương tự bố trí kinh phí trang bị đài truyền thanh xã ứng dụng CNTT-VT, tuy nhiên chưa quản lý tập trung qua hệ thống thông tin nguồn.

Về hạ tầng thiết bị: Nhờ nội dung hướng dẫn rõ ràng, chi tiết, thuận lợi trong việc kiểm tra, rà soát các tính năng phần mềm của các đơn vị cung cấp sản phẩm trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Từ đó có sự chủ động cho các đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT để kịp thời thực hiện nội dung để tuyên truyền các nhiệm vụ của địa phương đến người dân.

Về nội dung thông tin: Dữ liệu được quản lý tập trung; việc tổng hợp số liệu báo cáo nhanh, chuẩn xác. Từ đó giúp nâng cao tính chủ động trong nội dung tuyên truyền; chủ động trong thiết bị tuyên truyền và đa dạng hóa các phương thức tiếp cận của người dân.

Về ưu điểm của xây dựng hệ thống thông tin nguồn: Hệ thống thông tin nguồn giúp cung cấp thông tin, thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Khó khăn:

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trong quá trình triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong thông tin cơ sở, cụ thể đối với đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT và bảng tin ĐTCC có kết nối Internet toàn quốc.

Về chính quyền: Một vài địa phương hiện nay vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc chuyển đổi, quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT. Các địa phương có vị trí địa lý nhiều đồi núi, vùng trũng nhiều dẫn đến chất lượng sóng chưa ổn định.

Về cơ chế chính sách: Hiện nay, Thông tư 39/2020/TT-BTTTT về quy định quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều xã đã đầu tư đài ứng dụng CNTT-VT gặp khó khăn trong khi hệ thống đài phát thanh của cấp tỉnh, cấp huyện phát FM không đồng bộ, khó tiếp phát. Việc quản lý đối với các loại màn hình Led, bảng quảng cáo ngoài trời hiện vẫn thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa và các địa phương do vậy Sở TT&TT khó nắm bắt đầy đủ các số liệu để quản lý, báo cáo.

Về kinh phí hoạt động: địa phương còn thiếu kinh phí cho hoạt động quản lý và vận hành các đài truyền thanh có ứng dụng CNTT-VT và bảng tin điện tử có kết nối Internet. Việc thiếu cơ chế chính sách thu hút nhân tài có trình độ và kỹ năng CNTT trong công tác tham mưu, đề xuất giải pháp ứng dụng và phát triển CNTT hiện là một rào cản lớn. 

Về nhân lực: Các địa phương hiện chưa có cán bộ chuyên trách cho quản lý đài truyền thanh có ứng dựng CNTT-VT và bảng tin ĐTCC có kết nối Internet toàn quốc. Nhân lực địa phương chưa đáp ứng về trình độ công nghệ thông tin dẫn tới việc sử dụng hệ thống còn nhiều hạn chế.

Về hạ tầng thiết bị: Hiện nay chi phí đầu tư còn cao, chưa có sự đồng bộ về công nghệ trong toàn hệ thống dẫn đến các nhà cung cấp phần mềm, thiết bị với công nghệ khác nhau, khó khăn trong việc chia sẻ kết nối dữ liệu. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn thông tin của các hệ thống cần đặt ra đối với hệ thống thông tin cơ sở nói chung và các nhà đài cũng như việc quản lý bảng tin điện tử nói chung.

Đề xuất kiến nghị để thúc đẩy CĐS công tác truyền thông cơ sở

Trên cơ sở hiện trạng ứng dụng CNTT-VT vào truyền thông cơ sở và kết quả khảo sát nhu cầu của địa phương, để tạo thuận lợi cho triển khai CĐS đài truyền thanh và bảng tin điện tử công cộng trong công tác thông tin cơ sở, nhóm tác giả kiến nghị với Chính phủ, Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan như sau:

i) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn cho công tác truyền thông cơ sở Bộ TT&TT cần nghiên cứu, ban hành và sửa đổi bổ sung các văn bản quy định hoạt động thông tin cơ sở. Trong đó:

- Xây dựng và ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn chuyển đổi hệ thống phát thanh của cấp tỉnh, cấp huyện từ FM sang ứng dụng CNTT-VT; Có hướng dẫn cụ thể về hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, phương thức triển khai xây dựng, kết nối.

- Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 52/2016/QĐ- TTg để hoạt động thông tin cơ sở thành Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở và truyền thông cấp huyện cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước hiện nay.

ii) Xây dựng cơ chế tài chính cho hỗ trợ công tác truyền thông cơ sở

- Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương chưa tự chủ về ngân sách; hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách chi hàng năm cho đầu tư xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tình, triển khai phần mềm kết nối Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và xây dựng Bảng tin điện tử công cộng kết nối Internet tại địa phương.

- Bộ TT&TT nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở tại địa phương, trong đó có Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg là văn bản pháp lý duy nhất điều chỉnh hoạt động thông tin cơ sở. 

iii) Đầu tư hạ tầng

Cần xây dựng hệ thống thông tin nguồn Trung ương, chia sẻ cho các tỉnh sử dụng để đồng bộ, thống nhất. Cấp miễn phí phần mềm để Đài cấp xã, cấp huyện sử dụng, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước, đáp ứng yêu cầu cơ sở. Các phần mềm cho Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và Hệ thống thông tin nguồn cần phải đơn giản, hướng đến người sử dụng chưa có trình độ về CNTT-VT có thể dễ dàng sử dụng thao tác.

iv) Phát triển nguồn nhân lực

Cần thường xuyên đào tạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ở địa phương, trong đó cả cán bộ ở đài truyền thanh cơ sở cũng như bồi dưỡng nâng cao việc quản lý nghiệp vụ, phục vụ công tác điều hành.

Kết luận

Hạ tầng thông tin cơ sở đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa nơi cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin. Có thể nói, mức độ phổ biến của thông tin đến đông đảo người dân phụ thuộc rất lớn vào khả năng của hạ tầng thông tin cơ sở. Vì thế, nhiệm vụ chuyển đổi số đang đặt ra đối với hạ tầng thông tin cơ sở nhiều cơ hội và thách thức mới.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong quản lý hệ thống các đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và bảng tin ĐTCC có kết nối Internet trong toàn quốc hiện nay, cần có các nghiên cứu nhằm xây dựng các yêu cầu đối với hệ thống quản lý hoạt động của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT và bảng tin ĐTCC có kết nối Internet trong toàn quốc. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài.

[1], [2], [3]. Số liệu báo cáo của Cục Thông tin cơ sở - Bộ TT&TT

[2] Tham khảo Báo cáo chuyên đề nghiên cứu kinh nghiệm thế giới quý III năm 2022: “Đo lường hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách của Ủy ban châu Âu (EC) và Anh quốc” - Viện Chiến lược TT&TT. Tháng 10/2022.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo chuyên đề nghiên cứu kinh nghiệm thế giới quý III năm 2022: “Đo lường hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách của Ủy ban châu Âu (EC) và Anh quốc” - Viện Chiến lược TTTT. Tháng 10/2022.

2. Kết quả khảo sát thực trạng Nhu cầu quản lý và chia sẻ dữ liệu của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông và bảng tin điện tử công cộng kết nối Internet - Nhóm thực hiện đề tài cấp Bộ - Bộ TTTT năm 2022: “Nghiên cứu đề xuất yêu cầu đối với hệ thống quản lý hoạt động của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và bảng tin điện tử công cộng kết nối Internet trong toàn quốc” – Mã số: ĐT.52/22

3. Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.

4. Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT.

5. Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về quy định quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-VT.

6. Văn bản số 1273/BTTTT-TTCS ngày 27/4/2021 của Bộ TT&TT hướng dẫn về chức năng, tính năng kỹ thuật của thống thông tin nguồn Trung ương, hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh và kết nối với hệ thống thông tin (Phiên bản 1.0).

7. Các báo cáo cập nhật về tình hình hoạt động trong lĩnh vực Báo chí, Thông tin cơ sở do Cục Báo chí và Cục Thông tin cơ sở – Bộ TTTT cung cấp.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bước đầu chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO