Bưu chính phải có khát vọng vượt viễn thông

Lan Phương| 27/11/2018 11:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng cho phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) trong 3 năm tới, đặc biệt năm 2019 là năm nền tảng để phát triển.

Ngày 26/11/2018, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN). Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TTTT, VNPost trên cả nước qua cầu truyền hình.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Bưu chính đang đứng trước cơ hội lớn. Khi xã hội, người dân càng lên mạng, trực tuyến (online) và sử dụng thương mại điện tử ngày càng nhiều thì càng gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến tận nhà. Thời cơ của Bưu điện đã đến. Bưu điện phải đến với khách hàng và trở thành người bạn của khách hàng, có thể nói chuyện, tin nhau, nhờ nhau thực hiện một việc nào đó.

Bưu chính phải nhận thấy, phải “túm” được thời cơ, vận hội này của mình bởi thời cơ không đến nhiều, không thường xuyên, không quay lại. Nắm bắt cơ hội không chỉ là trách nhiệm đối với 46.000 lao động mà đây là trách nhiệm với tương lai. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc là những người đi đầu nắm bắt cơ hội, phải hy sinh, lăn xả, tìm đường mà đi.

Thời cơ đến mà vẫn túc tắc tăng trưởng 20% - 25% thì không được. Bưu chính đang có những thuận lợi nhất định nhưng mức độ đổi mới, sáng tạo cần phải cố gắng hơn nữa. Ngành mình đã có 10 chữ “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”, chủ yếu “vận” vào Bưu chính, trong đó 8 chữ liên quan đến văn hóa - con người. Chữ “sáng tạo” có liên quan đến công nghệ nhưng sáng tạo trong Bưu chính nhiều hơn vì hiện nay Bưu chính có nhiều dịch vụ.

Theo phân tích của Bộ trưởng, tất cả những chỗ khó khăn nhất là chỗ sáng tạo nhất. Càng khó khăn bao nhiêu thì càng phải ứng dụng CNTT tốt nhất. Càng đi sau bao nhiêu thì càng phải đi đầu bấy nhiêu. Bưu chính bây giờ phải là công ty sáng tạo nhất, sử dụng công nghệ nhiều nhất, phải là công ty chuyển đổi số, CNTT nhiều nhất và phải là công ty đi nhanh nhất.

VNPost nằm trong Bộ TTTT phải phát huy thế mạnh ứng dụng CNTT. Bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đưa công nghệ vào như thế nào. Công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số là những định hướng mà lãnh đạo VNPost lúc nào cũng phải ghi nhớ và đưa vào mọi hoạt động của công ty. VNPost phải dành một phần doanh thu nhất định để đầu tư cho CNTT.

ICT không chỉ giúp làm đổi mới các hoạt động truyền thống mà còn tạo ra các lĩnh vực mới. VNPost phải thành lập một bộ phận chuyên biệt để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động của VNPost. Mặc dù nhiều người, dịch vụ là chính nhưng chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của VNPost. VNPost sẽ triệt để ứng dụng CNTT từ năm 2019. Chỉ có như vậy, VNPost mới sáng tạo, phát triển nhiều dịch vụ mới. Không đa dịch vụ, VNPost không bao giờ giàu có được, không bao giờ tận dụng hết được lợi thế của mình. VNPost chỉ đa dạng được dịch vụ khi số hóa vì nó giúp đưa ra các dịch vụ mới rất nhanh”.

Bưu điện có số lao động lớn, theo Bộ trưởng, đây là tài sản, lợi thế của VNPost. “Hãy coi con người là sức mạnh của bưu chính. Quản trị con người là khó khăn nhất nhưng là cơ hội để VNPost trở thành công ty quản trị tốt nhất. Chỉ có công ty có nhiều người mới có nhu cầu quản trị nhân sự lớn và vì thế phải giỏi về quản trị nhân sự. VNPost cần đặt mục tiêu quản trị con người là số 1. Đây là trọng tâm trong mọi giai đoạn phát triển của mình. Làm được việc này, VNPost sẽ thực sự là công ty xuất sắc nhất”.

Bưu chính phải thay đổi trong tư duy. Trên thế giới có nhiều công ty bưu chính lớn, toàn cầu, BĐVN đừng bao giờ nghĩ là mình công ty bù lỗ, công ích, phải nghĩ mình là doanh nghiệp (DN) có lãi, là tập đoàn khổng lồ, vĩ đại, phải vượt Viễn thông. Giờ Viễn thông tăng trưởng khoảng 1%. Bưu chính làm “khéo” thì tăng trưởng có thể đạt 35%, duy trì tốc độ 7 năm nữa, Bưu chính sẽ vượt Viễn thông. “Bưu chính phải vượt Viễn thông, phải trở thành tập đoàn vĩ đại. Phải có khát vọng như vậy”.

Tiếp theo, Bộ trưởng cho rằng một DN lớn phải lấy văn hóa làm gốc, vì văn hóa tạo ra nền tảng. Văn hóa phải xuyên suốt, được dùng hàng ngày, ánh xạ trong mọi công việc và cần được đưa vào chính sách. VNPost cũng cần có cơ chế động lực (performance base), lấy kết quả kinh doanh, sản phẩm để làm căn cứ trả lương cho người lao động. Đây là động lực quan trọng nếu làm tốt. Hai việc này phải làm trước và liên tục làm.

Cụ thể hơn mục tiêu trong hai năm tới, Bộ trưởng yêu cầu VNPost phải phác thảo đường hướng đến năm 2020 rõ nét hơn. Bưu điện là công ty hạ tầng rộng khắp, nên phải đa dạng hóa dịch vụ để công ty hiệu quả hơn. Phân phối sẽ là nghề chính.

Toàn cảnh buổi làm việc

Về câu chuyện cạnh tranh của BĐVN, Bộ trưởng phân tích, so sánh các lợi thế giữa công ty nhỏ kinh doanh chuyển phát bưu chính với công ty lớn VNPost. Nếu VNPost chỉ nhìn thấy bất lợi thì sẽ bất lợi. Nhưng nếu nhìn khác đi, VNPost sẽ thấy những lợi thế mà không ai có được như việc VNPost phải vất vả phổ cập dịch vụ nhưng sẽ mang lại lợi thế có mạng lưới phủ rộng nhất mà vùng phủ dịch vụ luôn là một lợi thế cạnh tranh. Đừng bao giờ coi dịch vụ công ích, thiết yếu là gánh nặng. Đây là dịch vụ để tạo thương hiệu, tạo mối quan hệ với khách hàng. Nếu làm tốt, Chính phủ tin Bưu chính. Trong tâm trí của khách hàng, thường công ty lớn là mang lại sự bảo đảm, yên tâm, chuyên nghiệp, tin cậy. Trên cơ sở đó, công ty nhà nước như VNPost có thể nêu cao tính làm chủ, có thể khơi dậy tinh thần dân tộc, tinh thần phụng sự tổ quốc.

Từ dịch vụ công ích, Bộ trưởng yêu cầu VNPost phải đặt mục tiêu xa hơn. Không bao giờ dừng lại ở dịch vụ cơ bản, dịch vụ truyền thống của DN. Nếu VNPost cung cấp nhiều dịch vụ khác nữa trên tập khách hàng của mình thì doanh thu của VNPost tăng lên nhiều lần. VNPost phải đầu tư vào hạ tầng logistics, thương mại điện tử, đây sẽ là tương lai của VNPost. Từ đó, VNPost không chỉ là DN tỷ đô mà sẽ vươn tới DN chục tỷ đô.

Để đạt được như vậy, theo Bộ trưởng, VNPost nên thuê tư vấn để rà soát lại toàn bộ các quy trình, quy định để bỏ đi những chồng chéo, thừa, cản trở để tạo ra một VNPost mới. Thuê tư vấn phải thuê cho 1 giai đoạn chứ không phải 1 lần. Việc đầu tiên là hình thành chiến lược, có ý tưởng rồi, chỉ cần sắp xếp lại. Tư vấn giỏi giúp sắp xếp một cách hệ thống, tạo nên bức tranh, niềm tin quốc tế nhưng tư tưởng của công ty bao giờ cũng phải xuất phát từ công ty.

Từ đó, VNPost cần sổ sung, sử dụng phong phú hơn các công cụ quản trị, chính sách, quy định. VNPost phải chú ý 7 công cụ sau để tác động vào quản trị, chính sách: Quy chuẩn (sử dụng các chuẩn mực sẽ tạo ra một công ty hợp nhất); Các chính sách khuyến khích tập trung vào các ưu tiên của công ty, khuyến khích vào đâu sẽ thúc đẩy phát triển ở đó. Dùng chính sách khuyến khích để tác động vào những chỗ dang cần; Tạo cơ chế chia sẻ thông tin giữa các phòng ban thay vì tạo ra phòng ban, chi nhánh; Chia sẻ, sử dụng những kinh nghiệm tốt nhất của 63 Bưu điện tỉnh/thành để học tập, kể cả học tập của các công ty ngoài ngành; Tổ chức các chương trình đào tạo, ngoài việc chuyên môn, nghiệp vụ, phải chú trọng thay đổi nhận thức để khai sáng, tăng cường làm việc nhóm, tạo thói quen thảo luận; Tạo các chuẩn mực về hành vi, chuẩn mực và đạo đức trong công ty tạo nên nền tảng văn hóa của DN; Tạo nên niềm tin của tổ chức, của cán bộ công nhân viên  và người lãnh đạo. Khi chúng ta có niềm tin thì đỡ quy trình, quy chế.

Bộ trưởng nhấn mạnh, VNPost đã có mọi cái, từ con người, hệ thống… nhưng quan trọng là cần thay đổi cách nhìn nhận, cách làm. “Tôi có niềm tin mãnh liệt là bưu chính đến thời. Trong 5 năm nữa, VNPost hãy tận dụng cơ hội để thành công. Bộ lúc nào cũng sát cánh. Bộ trưởng chúc toàn thể cán bộ CNV của VNPost sức khỏe, niềm vui trong công việc hàng ngày và có niềm tin mãnh liệt vào Ban lãnh đạo để 5 năm nữa mọi người ngả mũ kính chào”.

Trước đó, Tổng giám đốc VNPost Chu Quang Hào đã báo cáo một số tình hình sản xuất kinh doanh của VNPost. Hiện, Tổng Công ty có 46.000 lao động, mạng lưới phục vụ gồm 13.221 điểm phục vụ đến cấp xã, 8.000 điểm giao dịch online, ứng dụng CNTT để quản lý khai thác dịch vụ. Doanh thu tổng công ty 10 năm (từ 2008 - 2017) tăng gấp hơn 2 lần, tăng trưởng bình quân của giai đoạn là 22%/năm; giai đoạn 2014-2017, tăng 36%. Luôn hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do Bộ TTTT giao, thực hiện tốt việc giảm dần mức trợ cấp bưu chính sau 5 năm và tiến tới kinh doanh có lãi vào năm 2014. Bưu điện đã cung cấp dịch vụ hành chính công, trong đó tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công tại 4.000 điểm cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, sản lượng chuyển phát trong lĩnh vực hành chính công năm 2017 là 9,9 triệu hồ sơ, 2018 dự kiến 10,5 triệu hồ sơ. Độ an toàn đạt tỷ lệ 100%.

VNPost định hướng hoàn thành mục tiêu chiến lược về lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận, đảm bảo duy trì hoạt động mạng bưu chính công cộng theo quy chuẩn quốc gia về bưu chính công ích; đẩy nhanh phát triển hạ tầng mạng lưới, triển khai các dịch vụ hành chính công, đổi mới mô hình hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã; tiếp tục đổi mới căn bản về tổ chức sản xuất, xây dựng và từng bước triển khai chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 1.

Cuối cùng, Chủ tịch HĐTV VNPost Phạm Anh Tuấn hứa với Bộ trưởng rằng mục tiêu phát triển đến năm 2020 của VNPost đạt 35%. Từ năm 2019, VNPost sẽ phát triển tập trung 4 trụ cột: Bưu chính chuyển phát – Phân phối - Truyền thông - Tài chính Bưu chính.

Chủ tịch HĐTV Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh VNPost sẽ tập trung chuyển đổi số, hiện VNPost đang hình thành để án và đang tư vấn. VNPost đang chuyển hướng từ chuyển phát sang Phân phối để tạo ra đột phá. Xác định năm 2019 là năm nền tảng cho phát triển vào năm 2020 để Bưu chinh vươn tới từng thôn, bản.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu chính phải có khát vọng vượt viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO