Bưu điện đảm đương hiệu quả một số nhiệm vụ hành chính công của các tỉnh/thành phố

Hoàng Linh| 15/07/2022 08:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được ban hành ngày 27/3/2021, doanh nghiệp (DN) bưu chính công ích (BCCI) sẽ tham gia vào việc hướng dẫn người dân thực hiện TTHC, tiếp nhận hồ sơ, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC.

Bưu điện tham gia hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả TTHC

Trong Quyết định số 468/QĐ-TTg có nội dung đáng chú ý, tại Bộ phận một cửa sẽ gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả với quá trình tiếp nhận xử lý TTHC; mở rộng việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính. Đặc biệt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa, đẩy mạnh cải cách TTHC, tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như đem lại sự thuận tiện và các lợi ích thiết thực cho người dân, các địa phương được phép chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công cho DN BCCI thực hiện.

Trong 5 bước giải quyết TTHC là hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giải quyết TTHC và trả kết quả giải quyết TTHC, DN BCCI - Bưu điện Việt Nam (BĐVN) có thể tham gia tại 4 khâu (hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả).

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, việc gắn số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC sẽ góp phần hình thành dữ liệu sống, sạch, chính xác, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi tại bộ phận một cửa, cơ quan Nhà nước (CQNN), tiến tới thực hiện công dân số, DN số, kinh tế số, xã hội số.

"Cơ chế đã có, Chính phủ đã cho phép các địa phương được chuyển giao một số công việc cho DN BCCI qua hình thức đấu thầu. Trước đây Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ cho phép DN BCCI tham gia vào tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC. Đến nay Quyết định 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được nâng cao hơn, công việc, trách nhiệm của nhân viên bưu điện sẽ thực hiện như công chức tại bộ phận một cửa", ông Phan khẳng định.

Trước một số ý kiến băn khoăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng của DN BCCI khi triển khai Quyết định 468 phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết, BĐVN là DN Nhà nước được giao quản lý mạng BCCI, có mạng lưới giao dịch đến tận cấp xã, có nguồn nhân lực lớn, cần cù, trách nhiệm. BĐVN hiện đang được Chính phủ và Bộ TT&TT giao xây dựng các nền tảng số mang tính hạ tầng trong chuyển đổi số (CĐS). Việc tiếp nhận hồ sơ, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC là một phần quan trọng trong số hóa dữ liệu, minh bạch thông tin phục vụ cơ sở dữ liệu của cơ quan hành chính Nhà nước và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC.

Nhân lực đóng vai trò quyết định trong việc triển khai Quyết định 468. Tổng Giám đốc Chu Quang Hào Nhấn mạnh nhân lực tham gia vào các dịch vụ hành chính công hiện nay đều tốt nghiệp đại học trở lên, có năng lực chuyên môn, có lý lịch trong sạch, rõ ràng; có tác phong, thái độ giao tiếp cởi mở, thân thiện, đúng chuẩn mực; có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao. Căn cứ vào số lượng hồ sơ phát sinh tại từng bộ phận một cửa, BĐVN sẽ bố trí số lượng nhân viên tham gia vào dịch vụ hành chính công hợp lý nhất trên cơ sở tinh gọn, hiệu quả, 1 nhân viên đảm nhận một số lĩnh vực nhưng không quá tải, đảm bảo người dân không phải chờ đợi lâu để thực nộp hồ sơ hành chính.

Ông Chu Quang Hào cũng chia sẻ "BĐVN đã phối hợp với Học viện hành chính Quốc gia, Đại học Nội vụ để tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản lý, nhân viên thực hiện trực tiếp các công việc tại Bộ phận một cửa. Tại các tỉnh đã triển khai, sau khi được đào tạo, tập huấn, các nhân viên bưu điện đều thực hiện tốt các công việc được giao. Bên cạnh đó, BĐVN đã tổ chức khang trang cơ sở vật chất tại 100% bưu điện cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo có thể bố trí Bộ phận một cửa hoạt động tại đây. Hơn 2.000 bưu điện - văn hóa xã cũng được nâng cấp lên mô hình hoạt động cấp thứ 4, đều có thể đảm nhiệm các dịch vụ hành chính công. Con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới".

Tinh gọn bộ máy hành chính, tiết kiệm chi phí

Với những lợi ích lớn mang lại trực tiếp cho cơ quan hành chính nhà nước, cho người dân, DN và xã hội, thời gian qua một số địa phương đã tổ chức thí điểm triển khai việc chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho bưu điện như: Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum…

Năm 2018, Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên trên cả nước thí điểm giao bưu điện tỉnh hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.

Tại cấp tỉnh, Trung tâm Kiểm soát TTHC và phục vụ hành chính công đã chuyển giao cho bưu điện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả 11 lĩnh vực. 11/12 Bộ phận một cửa cấp huyện chuyển giao nhiệm vụ cho Bưu điện, trong đó có 4 huyện nhân viên bưu điện đảm nhận hoàn toàn việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC, 9 đơn vị đặt Bộ phận một cửa tại bưu điện. Bên cạnh đó, 41/143 Bộ phận một cửa cấp xã cũng chuyển giao nhiệm vụ hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ trả kết quả và hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 qua bưu điện.

Đại diện Sở TT&TT tỉnh Đồng Tháp khẳng định, "CQNN không chỉ giảm chi đầu tư cơ sở vật chất, chi thường xuyên mà Bộ phận Một cửa cũng giảm tải được khối lượng công việc. Các tổ chức, công dân cũng được phục vụ tốt hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại".

Đánh giá hiệu quả của việc triển khai thí điểm tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Kon Tum, đại diện Văn phòng UBND tỉnh cho biết, năm 2021 nhân viên Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận 30.535 hồ sơ. Trung bình một nhân viên Bưu điện tiếp nhận 4.000 hồ sơ/năm.

Bưu điện đảm đương hiệu quả một số nhiệm vụ hành chính công của các tỉnh/thành phố - Ảnh 1.

"Trước đây phải có 22 nhân sự thì nay chỉ cần 13 nhân sự đảm nhiệm việc tiếp nhận hồ sơ mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và thời gian thực hiện. Nhân viên Bưu điện đều được đào tạo, tiếp cận và ứng dụng CNTT nhanh nên đã hỗ trợ tích cực các tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản dịch vụ công để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Với sự tham gia của Bưu điện, chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính Nhà nước tại tỉnh đã được nâng cao hơn trước", đại diện Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum chia sẻ.

Đồng tình với những đánh giá về mặt lợi ích của việc giao DN BCCI thực hiện một số nhiệm vụ hành chính công, ông Ngô Quang Phát, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội Vụ khẳng định nhiều năm qua BĐVN đã đảm nhiệm việc điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước với chất lượng rất cao.

Ông Phát khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn yên tâm về nguồn nhân lực của Bưu điện. Trước khi tổ chức điều tra, chúng tôi đều tổ chức tập huấn, sau đó nhân viên Bưu điện đều nắm bắt rất nhanh và triển khai rất hiệu quả".

Xây dựng đề án triển khai tại 63 tỉnh, thành phố

Theo ông Ngô Hải Phan, lợi ích và sự cần thiết của việc giao DN BCCI thực hiện tiếp nhận số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC đã khá rõ ràng, đã được chứng minh bằng kết quả cụ thể của các địa phương đang triển khai thí điểm. Giờ đây với Quyết định 468/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, các địa phương sẽ không thực hiện thí điểm mà từng bước triển khai trên cơ sở đánh giá hiện trạng của từng đơn vị. Đây là việc mới, nên việc thay đổi thói quen không thể thực hiện ngay trong thời gian này.

"Chúng ta làm đến đâu phải tốt đến đấy để mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người dân, DN, cơ quan hành chính Nhà nước và xã hội. Văn phòng UBND các tỉnh được giao phụ trách lĩnh vực cải cách TTHC, Sở TT&TT được giao thực hiện nhiệm vụ về phát triển Chính phủ điện tử. Trên cơ sở chủ trương của Chính phủ đã cho phép, các cơ quan, địa phương phải phối hợp để tạo ra nhu cầu thực tại, Bưu điện sẽ là DN cung cấp dịch vụ, đáp ứng tốt các yêu cầu trong triển khai các dịch vụ công tại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại", ông Phan nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn lưu ý, hiện nay Chính phủ đang hướng tới việc tinh gọn bộ máy hành chính để công chức viên chức tập trung làm các việc lớn, những phần việc có thể xã hội hóa thì các địa phương nên giao cho DN đảm nhiệm.

Để triển khai hiệu quả Quyết định 468/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án mẫu, trong đó xác định rõ ràng những lợi ích tổng thể cho người dân, DN, CQNN và xã hội. Trong đó, công việc mà Bưu điện có thể thực hiện từ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả giải quyết TTHC./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu điện đảm đương hiệu quả một số nhiệm vụ hành chính công của các tỉnh/thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO