Bưu điện phối hợp điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính
Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định quyết tâm cao triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Năm thứ 8, Bưu điện Việt Nam phối hợp thực hiện điều tra xã hội học
Ngày 12/01/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 20/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024 (Kế hoạch).
Thực hiện Quyết định số 20/QĐ-BNV, ngày 29/10/2024, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) tổ chức tập huấn cho đội ngũ tham gia khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024.
Tại Hội nghị tập huấn, Bộ Nội vụ đã triển khai các nội dung công việc khảo sát, bao gồm: yêu cầu về kết quả và chất lượng khảo sát; tiến độ thời gian thực hiện; vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan; nhiệm vụ và yêu cầu đối với điều tra viên trong triển khai phát, thu phiếu khảo sát. Theo đó, năm 2024 số lượng phiếu khảo sát tại các địa phương đã giảm so với năm 2023; đồng thời để phù hợp với thực tiễn tại các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều trong cơn bão Yagi sẽ không thực hiện khảo sát mà chọn địa bàn khác thay thế.
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, đánh giá: việc khảo sát, đo lường cảm nhận của người dân và các tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước mang ý nghĩa chính trị lớn. Kết quả khảo sát hàng năm có ý nghĩa góp phần nhất định trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như các cơ quan hành chính, chính quyền địa phương. BĐVN đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai khảo sát từ những năm trước đây. Đối với đội ngũ nhân viên bưu điện được giao nhiệm vụ làm điều tra viên, về cơ bản cũng đã có kinh nghiệm, thực hiện đầy đủ các quy định, tinh thần trách nhiệm cao, thái độ ứng xử đúng mực, thân thiện với người dân khi thực hiện khảo sát.
“Công cuộc khảo sát năm nay sẽ có nhiều thuận lợi do tập huấn sớm, triển khai sớm, có nhiều thời gian hơn, đối tượng tập huấn ngoài các Bưu điện tỉnh, thành phố có thêm các Bưu điện huyện. Do vậy, khi triển khai sẽ đồng bộ và tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Việc tuân thủ đúng quy trình, làm đúng kịch bản, nghiêm túc, tỉ mỉ để đảm bảo, tính trung thực, khách quan, chất lượng và hạn chế tối đa sai lệch trong thông tin là điều vô cùng quan trọng”, Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đặc biệt lưu ý.
Trao đổi về công tác triển khai khảo sát, ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết: Đây cũng là năm thứ 8 Bộ Nội vụ và BĐVN phối hợp thực hiện điều tra xã hội học, đo lường sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của các Cơ quan hành chính Nhà nước.
Với phương châm minh bạch, chất lượng, trung thực, chính xác, Lãnh đạo Tổng công ty BĐVN yêu cầu các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm triển khai nghiêm túc, đảm bảo thực hiện đúng quy định về điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ cũng như hướng dẫn quán triệt của Tổng công ty, cam kết tuyệt đối không tự ý điền phiếu điều tra, không để các đối tượng khác tác động và phiếu điều tra hoặc có thái độ phục vụ không chuẩn mực trong quá trình phát - thu phiếu.
“BĐVN xác định đây là nhiệm vụ chính trị nên toàn mạng lưới sẽ vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất. Với kinh nghiệm qua các năm triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của Cơ quan hành chính Nhà nước, BĐVN cam kết sẽ bố trí đủ lực lượng điều tra viên giàu kinh nghiệm, thông thạo chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo triển khai các hoạt động phát phiếu, lấy ý kiến, thu phiếu đạt chất lượng, số lượng cao nhất trong thời gian quy định”, ông Chu Quang Hào khẳng định.
Cũng trong buổi tập huấn, đại diện một số Sở Nội vụ, Bưu điện các tỉnh, thành phố đã tham gia ý kiến về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: địa bàn được lựa chọn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, không biết chữ hoặc điều tra viên không biết tiếng dân tộc; thời gian phát và thu phiếu ngắn; địa bàn mặc định được chọn khảo sát là nơi đặt trụ sở UBND tỉnh, thành phố và không có sự thay đổi qua các năm,…
Theo BĐVN, đơn vị sẽ tập trung đào tạo, tập huấn, hướng dẫn đội ngũ điều tra viên để hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc khảo sát, kết cấu, nội dung của bảng khảo sát để giải thích rõ ràng, cho người dân hiểu và đồng ý thực hiện khảo sát, nhất là người dân vùng sâu, xa vì người dân tại các khu vực này họ hay có tâm lý e ngại. BĐVN có mạng lưới phủ rộng đến cấp xã nên việc thực hiện khảo sát không gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở ghi nhận những ý kiến góp ý từ các địa phương, Bộ Nội vụ sẽ xem xét và thống nhất phương án thực hiện để việc khảo sát hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 bảo đảm chất lượng, đúng theo kế hoạch.
Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân
Theo kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi cả nước (SIPAS 2023), người dân quan tâm đến các chính sách ở mức khá cao, nằm trong khoảng từ 76,06% - 81,19%, trong đó, chính sách điện sinh hoạt và chính sách trật tự, an toàn xã hội là hai chính sách được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng có một số người dân không quan tâm đến các chính sách được đánh giá, chiếm tỷ lệ từ 1,73% - 4,42% số người được khảo sát.
Kênh thông tin mà người dân sử dụng nhiều nhất để tiếp cận thông tin chính sách là qua đài, tivi, báo chí, với tỷ lệ người dân được khảo sát sử dụng kênh này là 48,16%, tiếp đến và chênh lệch không đáng kể là qua hội, họp, sinh hoạt, thông báo tại khu dân cư, với 47,55%.
Tỷ lệ người dân sử dụng kênh thông tin để tiếp cận chính sách ở 63 tỉnh, thành phố có sự chênh lệch rất lớn, với mức chênh lệch từ khoảng 62,91% - 80,65%, trong đó kênh thông tin loa phát thanh xã, phường có sự chênh lệch lớn nhất.
Mức độ người dân sẵn sàng tham gia góp ý chính sách chưa cao. Trong số người dân được khảo sát trong cả nước, 42,78% sẵn sàng tham gia góp ý chính sách nhưng chỉ có 5,95% sẵn sàng góp ý chính sách theo hình thức trực tuyến Internet.
Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 90,00% cho rằng không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.
Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 90,00% cho rằng không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.
Người dân được khảo sát trong cả nước hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung ở mức 82,49%, tăng so với năm 2022 (79,72%). Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,14% - 90,47%. Năm tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Lào Cai; năm tỉnh thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Long An.
Mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung là 82,90%, tăng so với năm 2022 (80,43%). Trong đó, đối với tiếp cận dịch vụ là 83,00%; thủ tục hành chính là 83,02%; công chức là 83,12%; kết quả dịch vụ là 83,03%; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân là 82,27%.
Bộ Nội vụ cũng cho biết, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%), ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%. Năm tỉnh, thành phố cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng; năm tỉnh thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam.
Năm 2023, BĐVN đã tổ chức phát 40.230 phiếu khảo sát tại 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc. Tổng số phiếu thu về hợp lệ được đưa vào tổng hợp, phân tích, xây dựng chỉ số là 39.765 phiếu, đạt 98,84%./.