Cà Mau đạt hiệu quả cao trong công tác cải cách TTHC
Tỷ lệ số hóa, cấp kết quả giải quyết điện tử của Cà Mau tăng gần gấp 2 lần, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn đã thông tin tại cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau về công tác kiểm soát TTHC và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/6.
Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác cải cách TTHC, bảo đảm thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết Cà Mau với những kết quả tích cực về cải cách TTHC, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh năm 2022 tăng 16 bậc; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công tăng 04 bậc; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh tăng 18 bậc so với năm 2021...
“Thời gian qua, công tác kiểm soát, cải cách TTHC trên địa bàn có nhiều chuyển biến rõ rệt, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đầu năm 2023, công tác này của tỉnh tiếp tục có những sự cải thiện nổi bật như: Tỷ lệ số hóa, cấp kết quả giải quyết điện tử tăng gần gấp 2 lần, dịch vụ công trực tuyến tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022... Kết quả này góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước”, Bổ trưởng nhấn mạnh.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh đẩy mạnh hơn nữa cải cách, kiểm soát quy định TTHC; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó quan tâm, tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp DVCTT theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện TTHC.
Đồng thời, tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, và tháo gỡ các "điểm nghẽn" triển khai Đề án 06 về thể chế, hạ tầng CNTT, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực.
Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, DN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, không phát sinh thêm TTHC…
Cải cách TTHC là trọng tâm nhằm phục vụ người dân, DN
Theo UBND tỉnh Cà Mau, công tác cải cách TTHC được xác định là trọng tâm để phục vụ người dân, DN ngày một tốt hơn, nhiều giải pháp, sáng kiến đã phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện như tiếp nhận thủ tục "phi địa giới hành chính"; tiếp nhận hồ sơ tại nhà... Đặc biệt, UBND tỉnh Cà Mau đã cụ thể hóa bằng hành động qua việc tổ chức: "Chiến dịch cao điểm 69 ngày, đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến - DVCTT" (từ ngày 1/3 - 9/5/2023) với mục tiêu triển khai đồng bộ, quyết liệt và kỳ vọng đạt được mục tiêu quan trọng trong hành chính số.
Kết quả chiến dịch 69 ngày của tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả tương đối tích cực, chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân tiếp tục được cải thiện (tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn của các đơn vị trung bình đạt trên 99%).
Đặc biệt, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ đầu năm 2023 đến nay đạt 78,26% (tăng 66,15% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong công tác kiểm soát, cải cách quy định TTHC, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã cắt giảm từ 20% đến 80% thời gian giải quyết đối với 392 TTHC. Tính đến hiện nay, toàn tỉnh có 1.499/2.008 (chiếm 74,6%) TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định.
Về công bố công khai TTHC, từ năm 2021 đến tháng 5/2023 tỉnh đã công bố 162 Quyết định công bố TTHC. Số TTHC đang thực hiện tại các cấp là 1.986 thủ tục. Việc Công bố, công khai TTHC đã có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2022. Từ việc năm 2022 chỉ đạt 7,8/18 điểm, tỷ lệ TTHC công bố đúng hạn trung bình năm 2022 mới đạt 27,9% thì đến 5 tháng đầu năm 2023 tăng đạt 17,3/18 điểm, tỷ lệ công bố TTHC đúng hạn trung bình lên đến 80%.
UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết, đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN thông qua việc triển khai Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, Bộ phận Một cửa được tổ chức tại 09/09 đơn vị cấp huyện và 101/101 đơn vị cấp xã. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh được triển khai thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp.
Tỷ lệ hài lòng của người dân, DN đối với việc tiếp nhận, giải quyết TTHC: tăng từ năm 2021 là 81,76% đến 5 tháng đầu năm 2023 là 91,59%.
Việc đồng bộ công khai, minh bạch tiến trình, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC giúp theo dõi, giám sát của tỉnh Cà Mau đã có sự cải thiện từ năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 67% hồ sơ đến 5 tháng đầu năm 2023 đạt 91%./.