Các bộ, ngành, địa phương tạo bước đột phá, lan tỏa, thúc đẩy CĐS toàn quốc

Hoàng Linh| 30/11/2021 21:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiều 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự phiên họp tại đầu cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS Vũ Đức Đam; các thành viên Ủy ban; lãnh đạo Ban Chỉ đạo CĐS/xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) của Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, CĐS vừa là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước.

Thủ tướng nhận định, CĐS ở nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, nội dung về CĐS đã được đưa vào các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng cho biết công tác CĐS vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Xếp hạng về CPĐT còn thấp; môi trường pháp lý chưa theo kịp mục tiêu CĐS, Chính phủ số còn chưa hoàn thiện; nhận thức về tầm quan trọng của CĐS chưa đủ sâu; chưa biến nhận thức thành quyết tâm chính trị, hành động cụ thể; việc triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành còn chậm tiến độ; công tác đào tạo, phát triển nhân lực nhiều nơi chưa được chú trọng.

Thủ tướng nêu rõ một số bộ, ngành địa phương còn chưa coi trọng về CĐS. Nếu có sự quan tâm của người đứng đầu thì mọi khó khăn được giải quyết. Người đứng đầu không chỉ đạo sát sao thì hiệu quả thấp, nhận thức và hành động còn khoảng cách, mục tiêu chưa đạt được.

Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về CĐS và các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi, thúc đẩy CĐS; xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm ứng dụng giải pháp, công nghệ mới một cách sáng tạo, phù hợp.

Về Chính phủ số, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, xã hội; đẩy mạnh triển khai các hệ thống CSDL quốc gia, chuyên ngành; thúc đẩy chia sẻ, kết nối giữa các hệ thống; đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy CĐS trong nội khối hành chính các cấp; ứng dụng CNTT vào mọi mặt hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành.

Các bộ, ngành, địa phương cần sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án CĐS quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Nhanh chóng CĐS tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực hoàn thiện CSDL; đầu tư, quan tâm, thúc đẩy triển khai chương trình phát triển công dân số; tích cực hợp tác giữa các địa phương tránh tình trạng cục bộ, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Về kế hoạch CĐS quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy CĐS toàn quốc trong giai đoạn mới.

Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022. Theo đó, kế hoạch phải có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, hoạt động thực chất, hiệu quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường vai trò của Tổ công tác giúp việc Ủy ban; đồng thời bảo đảm nguyên tắc Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ trực tiếp giao các bộ, ngành triển khai ngay các công việc cụ thể như: Xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị định liên quan CĐS; về định danh và xác thực điện tử về bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy chế quản lý, vận hành, khai thác CSDL quốc gia về dân cư; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong CĐS quốc gia; thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số; đẩy mạnh CĐS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy phát triển kinh tế số; thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và CĐS, Chính phủ số; xây dựng CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; thúc đẩy ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải có đầu tư thích đáng, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển CĐS. Phải lấy quan điểm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển CĐS.

Thủ tướng nhấn mạnh phải "nâng cao nhận thức về CĐS, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó, không giàn trải để mang lại hiệu quả, tăng cường công tác giám sát kiểm tra. Các cấp chính quyền vào cuộc để thúc đẩy CĐS".

Các bộ, ngành, địa phương tạo bước đột phá, lan tỏa, thúc đẩy CĐS toàn quốc - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: TH)

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo CĐS do người đứng đầu làm trưởng ban; ưu tiên, bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 theo Kế hoạch được Ủy ban Quốc gia phê duyệt.

Các địa phương có chính sách thúc đẩy hình thành mạng lưới hỗ trợ triển khai CĐS đến cấp cơ sở, huy động sự tham gia của xã hội, gồm các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh: CĐS tác động đến tất cả cơ quan, địa phương nên tất cả cơ quan, địa phương phải bắt tay làm, thực hiện, liên thông từ trung ương đến cơ sở. CĐS có tác động ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, động lực để CĐS. Mọi người dân phải tham gia vào quá trình CĐS để trở thành động lực phát triển CĐS.

Hành trang để bước vào giai đoạn CĐS mới

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban cho biết ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030. Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng đến chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Uỷ ban Quốc gia về CPĐT thành Uỷ ban quốc gia về CĐS. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Uỷ ban đã cho thấy sự quan tâm, sự cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ với công cuộc CĐS ở nước ta.

Cũng theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 là cú huých mạnh mẽ cho CĐS. Họp, học trực tuyến và ứng dụng công nghệ số đã diễn ra rất nhanh trên phạm vi toàn quốc, động chạm cùng một lúc đến hàng chục, hàng trăm triệu người dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết cách làm vẫn như thời CNTT đã nảy sinh các vấn đề về kết nối, liên thông giữa các bộ, ngành, các địa phương. Công nghệ thì nơi dùng, nơi không, lúc dùng lúc không, dữ liệu thì không được cập nhật, thiếu chính xác.

"Nhiều vấn đề đã lộ ra và chúng ta đã nhanh chóng khắc phục. Nhiều bài học đã được rút ra sẽ là hành trang quan trọng để chúng ta bước vào giai đoạn CĐS mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông tin thêm về nỗ lực CĐS của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết với những nỗ lực trong việc việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia, Chỉ số xếp hạng "Sự trỗi dậy số" của các quốc gia năm 2021 (Digital Riser Report 2021) do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu thực hiện, đánh giá trong 3 năm (2018 - 2020) của 137 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng nhất về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.

Các bộ, ngành, địa phương tạo bước đột phá, lan tỏa, thúc đẩy CĐS toàn quốc - Ảnh 2.

Các đầu cầu tham gia phiên họp (Ảnh: TH)

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về kế hoạch CĐS những năm tới. Theo đó, Ủy ban đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 thực hiện khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong năm 2022, 18 nhiệm vụ CĐS được dự kiến triển khai gồm: (1) phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; (2) phổ cập danh tính số toàn dân; (3) phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; (4) phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; (5) phổ cập dạy học trực tuyến; (6) phổ cập CĐS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; (7) phổ cập hóa đơn điện tử; (8) phổ biến nâng cao nhận thức về CĐS; (9) phổ biến kỹ năng số; (10) thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; (11) thúc đẩy thương mại điện tử; (12) quy hoạch đô thị thông minh; (13) phát triển hệ thống thông tin báo cáo; (14) cơ chế đặc thù cho Quỹ phát triển khoa học công nghệ; (15) phát triển nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; (16) phát triển CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; (17) điều phối phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu; (18) điều phối phát triển, sử dụng các nền tảng số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các bộ, ngành, địa phương tạo bước đột phá, lan tỏa, thúc đẩy CĐS toàn quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO