Các công ty công nghệ và trách nhiệm đảm bảo an toàn trực tuyến

Ngọc Diệp| 16/11/2022 10:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Không gian mạng cũng luôn tiềm ẩn những nguy hiểm và rủi ro rình rập bất cứ lúc nào. Trên con đường đó, việc tự bảo vệ của người lớn trước những rủi ro trên mạng còn khó khăn thì với trẻ em, khó khăn này lớn hơn nhiều.

Ngày 9/11, Singapore đã thông qua một đạo luật mới, trong đó yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hay YouTube... áp dụng các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn người dùng truy cập nội dung có hại.

Luật mới cũng trao quyền cho Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA) yêu cầu các nền tảng này gỡ bỏ những nội dung "cực kỳ tồi tệ" như ủng hộ khủng bố, cổ súy tự tử và tự làm hại bản thân, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và những nội dung có nguy cơ phá hoại hòa hợp sắc tộc và tôn giáo.

Các công ty truyền thông xã hội có thể chịu mức phạt tới 715.000 USD nếu không tuân thủ luật trên. Ngoài tiền phạt, IMDA cũng có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn quyền truy cập của người dùng ở Singapore.

Cùng với đó, Dự luật An toàn trực tuyến của Anh và các phán quyết pháp lý khác gần đây đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc đảm bảo an toàn trực tuyến, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và trẻ em.

Các công ty công nghệ đã và đang nhanh chóng hành động để giảm thiểu các tác hại trực tuyến. Cụ thể, trong tuần trước, Instagram đã thông báo rằng người dùng ở Anh và Liên minh Châu Âu (EU) có thể sử dụng công cụ xác minh độ tuổi mới trên nền tảng này như một phần của bản cập nhật an toàn hơn nhằm bảo vệ trẻ em. Công cụ này được cung cấp bởi Yoti, một công ty chuyên xác minh độ tuổi trực tuyến và được công bố lần đầu tiên vào tháng 6/2022 như một biện pháp để giúp xác minh độ tuổi người dùng dễ dàng hơn.

Các công ty công nghệ và trách nhiệm đảm bảo an toàn trực tuyến - Ảnh 1.

Các phán quyết pháp lý gần đây đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc đảm bảo an toàn trực tuyến, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và trẻ em

Trước đó, khi đăng ký Instagram người dùng phải chia sẻ dữ liệu ngày sinh của họ để Meta có thể hiển thị nội dung phù hợp với lứa tuổi, nhưng việc này gặp rất nhiều khó khăn do nhiều người dùng trẻ tuổi không có hình thức nhận dạng nào được chấp nhận. Công nghệ quét khuôn mặt của Yoti đã mang đến cho Instagram một giải pháp mới. 

Theo công bố hồi triển khai thử nghiệm vào tháng 6/2022, nếu ai đó cố gắng chỉnh sửa ngày sinh của họ trên Instagram từ độ tuổi dưới 18 đến 18 trở lên, họ sẽ được yêu cầu xác minh tuổi của mình bằng một trong ba tùy chọn: tải lên ID của họ, quay video selfie hoặc nhờ bạn bè chung xác minh tuổi của họ. Nếu người dùng chọn phương pháp quay video selfie, Instagram sẽ chuyển video đến Yoti. Yoti sẽ quét các đặc điểm khuôn mặt của người dùng trong video để xác nhận tuổi của họ bằng AI. Tuy nhiên, hiện nay, tùy chọn nhờ bạn bè chung xác minh tuổi đã bị xóa "để thực hiện một số cải tiến".

Xác minh độ tuổi - thách thức phức tạp trong toàn ngành

Yoti là một công ty xác minh danh tính có trụ sở tại London, Vương quốc Anh. Yoti được xác minh bởi Chương trình chứng nhận kiểm tra độ tuổi và là nhà cung cấp xác minh độ tuổi hàng đầu cho một số ngành trên thế giới bao gồm truyền thông xã hội, trò chơi và thương mại điện tử giới hạn độ tuổi. Nó cũng làm việc với các tổ chức chuyên gia và chính phủ về thanh niên và quyền riêng tư để đảm bảo dữ liệu từ các lần quét khuôn mặt được an toàn.

Theo Tara Hopkins, Giám đốc chính sách công của Instagram, mục đích của việc triển khai công cụ này là để đảm bảo mọi người có thể trải nghiệm Instagram phù hợp với độ tuổi của họ. "Tìm hiểu tuổi của ai đó trực tuyến là một thách thức phức tạp trong toàn ngành", Tara Hopkins cho biết.

Giờ đây, với công cụ xác minh độ tuổi từ Yoti, người dùng có thể lựa chọn chia sẻ ảnh hộ chiếu, giấy phép lái xe hoặc thẻ căn cước quốc gia đã được xác minh, nếu không, họ có thể quét khuôn mặt và sử dụng hệ thống Yoti để xác minh tuổi của mình. Nó sẽ không cho phép họ thay đổi ngày sinh của mình thành trên 18 tuổi nếu việc xác minh độ tuổi không thành công.

Biện pháp này được đưa ra khi các cơ quan quản lý đang thắt chặt những quy định về cách các công ty truyền thông xã hội có thể tương tác với trẻ em nhằm cung cấp các dịch vụ trực tuyến tốt hơn và phù hợp với độ tuổi của người dùng.

Giải pháp từ Yoti

Với công nghệ quét khuôn mặt, video không được lưu trữ hoặc chia sẻ với cả Yoti và Instagram mà được xóa sau khi họ xác minh tuổi của người dùng. Thuật toán của Yoti chỉ xác minh tuổi của người dùng chứ không thể tìm ra danh tính của họ. Một mã thông báo được tạo ra sẽ được gửi lại cho Instagram để xác nhận hoặc từ chối độ tuổi mà người dùng đã xác nhận, sau đó Instagram sẽ đưa ra quyết định dựa trên mã đó.

Julie Dawson, giám đốc quản lý và chính sách của Yoti, nói với Tech Monitor vào tháng 6/2022 rằng công nghệ của công ty chỉ phân tích các yếu tố riêng lẻ trên khuôn mặt để ước tính tuổi. "Khi một khuôn mặt mới xuất hiện, hệ thống thực hiện phân tích tới mức pixel của khuôn mặt đó và sau đó đưa ra một con số - ước tính tuổi với một giá trị tin cậy. Sau khi hoàn thành ước tính, Yoti và Instagram sẽ xóa video selfie và ảnh được chụp", Julie Dawson giải thích .

Dawson cho biết thêm rằng công nghệ của Yoti đang được các siêu thị sử dụng để xác minh độ tuổi, thậm chí là cả cảnh sát để phân loại các hình ảnh lạm dụng trẻ em tiềm ẩn.

Quyết định triển khai công cụ xác minh độ tuổi của Instagram được đưa ra khi các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang thắt chặt những quy tắc về cách các nền tảng mạng xã hội tương tác với trẻ em. Năm ngoái, mã thiết kế phù hợp với lứa tuổi có hiệu lực tại Vương Quốc Anh, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thông tin - bao gồm cả các nền tảng truyền thông xã hội - đảm bảo nội dung phù hợp với lứa tuổi của người dùng, do đó bắt buộc họ phải xác minh độ tuổi.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây vẫn miễn cưỡng xác minh độ tuổi người dùng, theo Charles Radclyffe, Giám đốc điều hành của EthicsGrade, tổ chức đánh giá các công ty về trách nhiệm kỹ thuật số.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, từ năm 2021, Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, đã hạn chế thời gian truy cập với người dưới 14 tuổi, cho phép họ sử dụng 40 phút mỗi ngày, trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối./.

Tài liệu tham khảo

[1]. https://techmonitor.ai

[2]. https://www.straitstimes.com

Bài liên quan
  • Cẩn trọng khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội
    Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều chủ tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, thậm chí có nhiều trường hợp đăng tải thông tin không chính xác về chủ trương, quy định pháp luật của Nhà nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các công ty công nghệ và trách nhiệm đảm bảo an toàn trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO