Trong giai đoạn hiện nay, CĐS là xu thế tất yếu diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Báo chí, PT-TH cũng không nằm ngoài xu thế đó, thậm chí còn đi đầu trong công cuộc CĐS này bởi đây là phương tiện thông tin truyền thông chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, cung cấp thông tin, tri thức, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Xác định rõ tầm quan trọng của CĐS, các đài phát thanh - truyền hình (PT-TH) trên cả nước đã và đang tiếp cận, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tiến tới thực hiện đồng bộ hơn CĐS.
Các đài PT-TH đã tổ chức sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trên tất cả các nền tảng số. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, truyền dẫn thế hệ mới 5G và trên nền tảng IP, trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất. Điều này cho phép quy trình kiểm duyệt, quản lý, lưu trữ chương trình rút ngắn thời gian sản xuất và tiết kiệm chi phí.
Ông Nguyễn Văn Toán, Giám đốc Đài PT-TH Bắc Ninh cho biết: những năm qua, Đài PT-TH Bắc Ninh đã từng bước tiếp cận và đầu tư, ứng dụng công nghệ số hóa vào tất cả các khâu của quy trình sản xuất, phát sóng. Trong đó, hệ thống thiết bị kỹ thuật PT-TH được đầu tư khá đồng bộ và hiện đại, có thể thực hiện việc dịch chuyển theo hướng số hóa của Đài.
"Thông qua việc ứng dụng các công nghệ số không chỉ tự động hóa quy trình truyền thống mà còn cho phép hình thành quy trình mới trong sáng tạo sản phẩm và dịch vụ báo chí, PT-TH mới để đáp ứng nhu cầu công chúng, tăng tính tương tác giữa Đài với công chúng và với các cơ quan hoạch định, điều hành chính sách. CĐS còn mở ra điều kiện tập hợp, thống nhất các nguồn lực vào một mạng lưới trung tâm hỗ trợ hoạt động của Đài. Các nguồn lực được số hóa đồng bộ, được kết nối liên thông cho phép tối ưu hóa quy trình, phát huy hiệu quả cao nhất trong hoạt động sáng tạo và cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho nhu cầu công chúng. Đây chính là cơ sở phát triển bền vững đối với mỗi đơn vị báo chí, PT-TH trong giai đoạn tiếp theo", ông Nguyễn Văn Toán chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Vũ Anh, Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên cũng nhấn mạnh rằng: "Mỗi cán bộ viên chức đều phải có khả năng tự học hỏi trau dồi để nâng cao trình độ của mình, đặc biệt với việc khai thác sử dụng các ứng dụng để thực hiện công tác chuyển đổi số, không chỉ trong thực hiện nội dung mà còn phải thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, quy trình sản xuất, quy trình quản lý nhân sự và các nội dụng liên quan đến hạ tầng để phục vụ cho việc đưa nội dung lên các nền tảng xã hội".
Ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh lại nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong các đơn vị. Ông nói rằng: "Trong công tác CĐS, vai trò của người đứng đầu đơn vị rất quan trọng trong việc truyền sự nhiệt huyết của mình trong CĐS, nó có sự lan tỏa đến các cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị trong việc thực hiện công việc này".
Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, trước đó là Phó Cục trưởng Cục PT-TH và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) khẳng định: CĐS là giải pháp duy nhất cho sự phát triển bền vững của ngành PT-TH. Cục PT-TH và Thông tin Điện tử đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hướng dẫn về CĐS ngành PT&TH; phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ cung cấp nền tảng và các đơn vị truyền thông để có được những giải pháp công nghệ ứng dụng vào CĐS của các đơn vị trong ngành PT-TH.
Nhiều Đài PT-TH đã có quá trình ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của mình từ nhiều năm trở lại đây, như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và rất nhiều Đài PT-TH địa phương như Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài PT-TH Vĩnh Long, Nghệ An, Hải Phòng… CĐS là một bước tiến vượt trội so với ứng dụng công nghệ số, làm thay đổi các quy trình, hoạt động của Đài theo hướng tạo ra giá trị nhiều hơn. CĐS sẽ giúp các Đài có thể làm được nhiều hoạt động trước đây các Đài không thể làm được hoặc nếu làm bằng cách truyền thống thì sẽ không khả thi do tốn kém rất nhiều chi phí về tài chính, con người… Nhờ CĐS hiệu quả hoạt động của Đài sẽ tăng lên, ông Nguyễn Thành Chung cho biết.
Có thể khẳng định, CĐS sẽ giúp việc sắp xếp, tổ chức bộ máy và phương pháp quản lý phù hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Đài PT-TH. Và cũng chính là giải pháp duy nhất cho sự phát triển bền vững của ngành PT-TH trong thời gian tới./.