Các dịch vụ tự sửa chữa - Lời giải cho bài toán rác thải điện tử

Ngọc Diệp| 14/01/2022 09:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các thế hệ điện thoại, máy tính bảng hoặc tivi công nghệ cao liên tục ra đời, việc tân trang lại các thiết bị đã hỏng và lỗi thời có vẻ không thực tế. Nhưng đối với nhiều quốc gia, đó là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị quản lý rác điện tử.

Có bao nhiêu chiếc điện thoại di động cũ trong ngăn kéo trong nhà bạn?

Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc tích trữ hoặc vứt bỏ các sản phẩm điện tử cũ thay vì sửa chữa chúng. Điều đó khiến cho lượng rác thải điện tử ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của cơ quan Giám sát chất thải điện tử toàn cầu của Liên Hợp Quốc, thế giới đã thải ra gần 54 triệu tấn rác điện tử vào năm 2019. Tuy nhiên, chỉ chưa đến 10 triệu tấn được tái chế. Rác điện tử bao gồm mọi thứ, từ điện thoại di động, máy tính, dàn âm thanh và bóng đèn cho đến các thiết bị gia dụng lớn như ti-vi, tủ lạnh, máy giặt và điều hòa không khí... Đáng ngạc nhiên là theo Liên Hợp Quốc, tổng khối lượng rác này nặng "hơn tất cả các máy bay thương mại từng được sản xuất".

Cơ quan này dự đoán sẽ có gần 75 triệu tấn thiết bị điện tử sẽ bị loại bỏ trên toàn thế giới vào năm 2030. Điều đáng lo ngại đó là nhiều sản phẩm điện tử bị loại bỏ có thể được tái sử dụng, giúp giảm nhu cầu sản xuất nhiều hơn, đồng thời chất thải điện tử có xu hướng chứa các hóa chất độc hại có thể rò rỉ ra môi trường.

Các dịch vụ tự sửa chữa - Lời giải cho bài toán rác thải điện tử - Ảnh 1.

Quản lý chất thải điện tử đã trở thành một thách thức lớn mà nhiều nước phải đối mặt, đặc biệt là ở châu Phi do thiếu nhận thức, thiếu luật pháp về môi trường và nguồn tài chính hạn chế. Hiện tại, rác điện tử ở châu Phi chủ yếu được xử lý thông qua các bãi thải, đốt và chôn lấp lộ thiên. Nhưng với kim loại nặng và các chất độc hại khác có trong thiết bị điện tử, những phương pháp này có thể gây ra tác động nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường.

Tài nguyên từ rác thải điện tử

Theo một nghiên cứu của Viện Oeko ở Đức, một chiếc tivi được sử dụng trong 13 năm thay vì sử dụng 6 chiếc giúp cắt giảm được khoảng 660 kg khí nhà kính. Sử dụng điện thoại thông minh trong 7 năm thay vì 2,5 năm giúp tiết kiệm khoảng 100 kg khí nhà kính.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Hội đồng Doanh nghiệp thế giới về Phát triển bền vững, thay đổi cách chúng ta tiêu dùng là trọng tâm của giải pháp. Một tầm nhìn tuần hoàn cho lĩnh vực chất thải điện tử sẽ thúc đẩy việc loại bỏ chất thải và có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Theo Giám đốc điều hành của Enviroserve, một cơ sở tái chế chất thải điện tử hiện đại tại Rwanda, nhà máy này có thể xử lý tới hơn 10.000 tấn rác điện tử mỗi năm. Bắt đầu đi vào vận hành đầu năm 2019, đến nay Enviroserve đã sửa chữa và tân trang hàng nghìn máy tính đem tặng hoặc bán cho các trường học, xử lý hơn 4.000 tấn rác điện tử và tạo ra khoảng 600 việc làm. Đồng thời, cũng giảm thiểu được 2.000 tấn carbon, tương đương với lượng khí thải từ tất cả các thiết bị mà cơ sở tái chế. Như vậy, có thể thấy rác điện tử thường bị xem là một vấn đề lớn, nhưng cũng là một nguồn tài nguyên dồi dào.

Ông Okechukwu Daniel Ogbonnaya, đại diện của Rwanda tại Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, một tổ chức liên chính phủ về phát triển kinh tế bền vững, cho biết: "Rác thải ngày nay không chỉ gia tăng về số lượng mà còn gia tăng sự phức tạp và thành phần. Trong một thiết bị điện tử có vàng, bạc, bạch kim... và những kim loại này có thể được thu hồi, mang lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và thậm chí cho cả các thành phố trong việc tạo ra doanh thu. Rwanda là một trong những thành viên tiên phong của chúng tôi đã thực hiện rất tốt khi chuyển đổi sang con đường tăng trưởng xanh".

Khuyến khích sửa chữa giúp giảm lượng rác thải điện tử được chôn lấp

Hiện nay, để thúc đẩy tái chế và xử lý rác điện tử, chính phủ các nước còn đưa ra nhiều ưu đãi và các quy định mới nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.

Tiền thưởng sửa chữa

Các dịch vụ tự sửa chữa - Lời giải cho bài toán rác thải điện tử - Ảnh 2.

Một rào cản đối với việc sửa chữa là chi phí khá lớn so với việc mua một sản phẩm mới. Năm 2021, Áo và bang Thuringia của Đức đã đưa ra khoản tiền thưởng sửa chữa một cách công khai để hoàn trả cho người tiêu dùng một phần chi phí của họ khi sửa chữa các thiết bị điện tử.

Với mức thưởng lên tới đến 100 euro/người nếu bạn có một thiết bị điện bị lỗi được sửa chữa thay vì chọn loại bỏ, Thuringia đã công bố chương trình này vào tháng 6/2021, tuy nhiên đến tháng 10/201 ngân sách cho chương trình đã hết do sự phổ biến của nó.

"Những người bảo trì tốt các thiết bị bị lỗi của họ sẽ được khen thưởng", Bộ trưởng Bộ Môi trường của Thuringia Anja Siegesmund cho biết.

Các quán cà phê sửa chữa

Các quán cà phê sửa chữa đang mọc lên trên toàn thế giới, chúng được thiết kế để khuyến khích người tiêu dùng mang các sản phẩm điện tử bị hỏng của họ đến. Được vận hành bởi các tình nguyện viên, các quán cà phê này cung cấp dịch vụ giúp sửa chữa và bảo trì các thiết bị bị hỏng hoặc lỗi miễn phí.

Với hàng nghìn quán cà phê trên toàn thế giới, chúng đặc biệt phổ biến ở Bỉ, nơi có gần 2.000 quán. Các quán cà phê cũng có thể hỗ trợ sửa đổi chẳng hạn như cải thiện dáng vẻ bên ngoài của thiết bị.

Sửa đổi luật

Một số quốc gia đang nỗ lực đưa ra các luật khuyến khích người tiêu dùng sửa chữa và tái sử dụng.

Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một số sáng kiến, bao gồm Chỉ thị WEEE (Chỉ thị về chất thải của thiết bị điện và điện tử), Chỉ thị về sản phẩm liên quan đến năng lượng (ErP) và Chỉ thị về thiết kế sinh thái nhằm giảm mức tiêu thụ tài nguyên và tác động đến môi trường.

Năm 2020, Pháp đã thông qua Đạo luật chống lãng phí đối với nền kinh tế tuần hoàn (AGEC - Anti-Waste for a Circular Economy Act). Kể từ tháng 1/2021, một số doanh nghiệp Pháp phải công bố điểm về khả năng sửa chữa theo thang điểm 10, trong đó 10 được coi là có thể sửa chữa được nhất. Luật áp dụng cho điện thoại thông minh, máy tính xách tay, tivi, máy giặt và máy cắt cỏ. Chỉ số khả năng sửa chữa hiển thị điểm số với các màu sắc khác nhau để giúp người tiêu dùng dễ dàng ghi nhận sản phẩm có điểm tốt (xanh lá cây) hay điểm kém (đỏ).

Trong khi đó, các công ty công nghệ cũng đang bắt đầu nghiên cứu khả năng sửa chữa trong quá trình thiết kế của họ khi người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm các sản phẩm sẽ bền vững và tồn tại lâu hơn.

Vào tháng 11/2021, Apple đã công bố chương trình "tự sửa chữa" cho dòng iPhone 12 và iPhone 13 series tại Mỹ. Theo chương trình, Apple sẽ cung cấp hơn 200 linh kiện khác nhau đi kèm hướng dẫn cụ thể trong quá trình tự sửa chữa. Giai đoạn đầu của chương trình sẽ tập trung vào các đơn vị cần bảo trì nhiều hơn, chẳng hạn như màn hình iPhone, pin và máy ảnh, và các sửa chữa bổ sung sẽ có vào cuối năm sau.

Jeff Williams, Giám đốc điều hành của Apple, cho biết: "Việc cung cấp khả năng tiếp cận nhiều hơn với các bộ phận chính hãng của Apple mang đến cho khách hàng của chúng tôi nhiều lựa chọn hơn khi họ cần sửa chữa. Trong ba năm qua, Apple đã tăng gần gấp đôi số lượng trung tâm dịch vụ của mình với quyền truy cập vào các bộ phận, công cụ và sách hướng dẫn chính gốc từ Apple và hiện chúng tôi cung cấp một tùy chọn cho bất kỳ ai muốn tự sửa chữa".

Dự kiến dịch vụ này sẽ được mở rộng sang các bộ phận dành cho máy Mac của Apple có chip M1 vào năm tới và sẽ có mặt ở Mỹ trước tiên, sau đó là các quốc gia khác trong năm 2022. /.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các dịch vụ tự sửa chữa - Lời giải cho bài toán rác thải điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO