Chỉ 17% rác thải điện tử được tái chế
Công nghệ được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong tiến trình phát triển của kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, công nghệ ngày càng tiến bộ, thời gian nghiên cứu, phát minh ngày càng được rút ngắn lại đang khiến vòng đời của các sản phẩm công nghệ, từ điện thoại di động, máy tính cho tới các thiết bị gia dụng đang trở nên ngắn hơn.
Theo số liệu công bố của Liên Hợp Quốc tại báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020", trong năm 2019, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Dự báo lượng rác thải điện tử phát sinh hàng năm có thể lên tới 74,7 triệu tấn vào năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.
Trong 53,6 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra trên thế giới trong năm 2019, chỉ có 17% rác thải được tái chế. Hầu hết lượng rác thải điện tử này sẽ nằm trong các bãi chôn lấp hoặc bị đốt, gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra rác thải điện tử nhiều nhất với khoảng 24,9 triệu tấn nhưng tỉ lệ tái chế chỉ đạt 12%; châu Âu tạo ra 12 triệu tấn rác thải điện tử nhưng có tỉ lệ tái chế cao nhất với mức 42%.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết với khối lượng sản xuất và tiêu hủy thiết bị điện/điện tử ngày càng tăng, thế giới đang phải đối mặt với điều mà một diễn đàn quốc tế gần đây gọi là "sóng thần rác thải điện tử" đang gia tăng đều đặn, gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người.
Theo người đứng đầu WHO, cũng như thế giới đã huy động để bảo vệ biển và hệ sinh thái khỏi ô nhiễm bởi nhựa và vi nhựa, chúng ta phải hành động để ngăn chặn mối đe dọa ngày càng tăng của rác thải điện tử.
Những rác điện tử nhìn bề ngoài thì hoàn toàn thấy vô hại nhưng những chất cấu tạo nên nó mới thực sự độc hại. Những loại rác này thường được tạo bởi những kim loại nặng, những hợp chất hóa học dễ xâm nhập vào đất và nước. Do đó, việc thu gom và tái chế hợp lý các thiết bị điện và điện tử phế thải là điều cần thiết để bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải gây hại cho khí hậu.
Vanessa Grey, người đứng đầu bộ phận Môi trường và Viễn thông khẩn cấp của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), cho biết: "Các mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại không bền vững và có tính bất ổn định do phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế". Chính vì vậy, giống như đối với nhiều chuỗi cung ứng khác, mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận tối ưu để giải quyết vấn nạn rác thải điện tử.
Các giải pháp số giúp tuần hoàn hóa chuỗi giá trị điện tử
Các chính sách và quy định về rác thải điện tử đang thu hút sự quan tâm và đạt được động lực trên khắp thế giới, với việc ngày càng có nhiều quốc gia công nhận việc tham vấn các bên liên quan và trách nhiệm của người sản xuất là những nguyên tắc chính. Tất cả đều nhằm nâng cao tính kết nối, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình để đảm bảo quản lý rác thải điện tử hiệu quả, công bằng và khả thi về mặt kinh tế.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao ý thức về rác thải điện tử đã bắt đầu được quan tâm, đặc biệt là sau khi có Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày ngày 09/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Điển hình là hoạt động tích cực của Chương trình Việt Nam tái chế (chuyên về thu hồi và xử lý, tái chế rác thải điện tử miễn phí do các nhà sản xuất thiết bị điện tử khởi xướng). Tất cả các thiết bị điện tử đã qua sử dụng được thu hồi thông qua Chương trình sẽ được xử lý an toàn nhằm đạt được tỷ lệ thu hồi tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo một quy trình xử lý rác thải điện tử chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn theo các quy định của Luật Môi trường.
Các tổ chức trách nhiệm của nhà sản xuất PRO (chủ thể điều phối chính, chịu trách nhiệm vận hành hệ thống hoạch định nguồn lực DN trong khuôn khổ pháp lý) có thể giúp quản lý và giám sát các dòng rác thải điện tử. Họ thu thập thông tin và có thể báo cáo lại cho các cơ quan quản lý nhằm luôn duy trì khả năng hiển thị về chuỗi hành trình đối với rác thải điện tử.
Mặt khác, việc quản lý rác thải điện tử cũng đòi hỏi tốc độ, độ chính xác và khả năng truy cập mà chỉ một hệ thống số mới có thể đáp ứng. "Hệ thống như vậy cũng mở ra một cánh cửa để thúc đẩy tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình trên toàn bộ chuỗi giá trị", Pranshu Singhal, người sáng lập Karo Sambhav - hay" Make Possible "- một PRO Ấn Độ cho biết.
Nhiều lớp quy trình kho vận, quản trị và phê duyệt tạo thành một hệ thống quản lý chất thải điện tử hiệu quả. Nhưng các phần cứng và phần mềm mới nhất có thể kết hợp mọi khía cạnh lại với nhau trên một thiết bị di động duy nhất. Các công nghệ và phương pháp như điện toán đám mây, quét/nhận dạng, xác thực tự động và công nghệ xác minh tài liệu giúp các nhà quản lý rác thải điện tử thu thập dữ liệu và ghi lại các hoạt động trên toàn bộ chuỗi giá trị, cải thiện khả năng hiển thị của chuỗi hành trình sản phẩm và kiểm soát các hệ thống quản lý tích hợp.
Ngoài ra, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới sẽ giúp các DN sản xuất phát triển sản phẩm theo hướng dễ nâng cấp, dễ sửa chữa và dễ tháo rời để tái chế cũng như tìm ra giải pháp cung cấp ứng sản phẩm phù hợp. Một phương án đang được nhiều DN lựa chọn là cung ứng dịch vụ cho thuê thiết bị điện tử thay vì bán sản phẩm. Qua đó, tỷ lệ thu hồi lại sản phẩm sau khi sử dụng sẽ được tăng cao.
Thu hút sự tham gia của người tiêu dùng
Ngày 14/10 hàng năm đã được Hiệp hội Quốc tế về xử lý và tái chế rác thải điện tử (WEEE Forum) chọn làm ngày Quốc tế về rác thải điện tử nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý đúng cách loại rác thải này.
Báo cáo "Giải pháp số cho chuỗi giá trị tuần hoàn" năm 2021 của ITU và WEEE Forum đã nhấn mạnh khả năng ứng dụng và phạm vi của công nghệ số để thúc đẩy tính tuần hoàn trong chuỗi giá trị điện tử. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của người tiêu dùng. Bằng cách chọn các phương thức mà rác thải điện tử của họ được thu gom, người tiêu dùng có thể đóng một vai trò tích cực trong việc cải thiện chuỗi giá trị tuần hoàn này.
Bài báo cho biết, các công nghệ số có thể giúp giảm bớt các rào cản, khuyến khích sự tham gia của người tiêu dùng, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng và hành vi người dùng về rác thải điện tử. Một ví dụ điển hình là các ứng dụng thu gom rác thải điện tử như ứng dụng E-tadweer của Ai Cập hướng tới người tiêu dùng bằng cách cung cấp phiếu giảm giá số khi trao đổi đồ điện tử cũ./.