Các hệ sinh thái vùng bờ biển của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng

PV| 07/12/2022 15:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một quốc gia ven biển với đường bờ biển trải dài trên 3.260km, tài nguyên vùng bờ biển có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta. Hiện nay, những thay đổi dưới tác động của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường được xem là những nguyên nhân chính khiến các hệ sinh thái vùng bờ đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Vùng biển Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam rộng trên 1 triệu km2. Trên cơ sở về điều kiện tự nhiên, môi trường biển và giới sinh vật biển, vùng biển Việt Nam có khoảng 20 kiểu hệ sinh thái biển. Các hệ sinh thái biển điển hình ở đới ven bờ như bãi triều, rừng ngập mặn cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh biển, tùng, áng, rạn san hô, thảm cỏ biển… Ngoài ra, còn các hệ sinh thái vùng nước quanh các đảo ven bờ, đảo xa bờ, đặc biệt vùng nước và vùng đáy biển sâu (vùng biển quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

Tuy chưa có tài liệu chính thống phân loại hệ sinh thái biển nhưng các nhà khoa học cũng xác định vùng biển nước ta có khoảng 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, phân bố trên 1 triệu km2, với 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển... Tuy nhiên, hiện nay, những thay đổi dưới tác động của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường được xem là những nguyên nhân chính khiến các hệ sinh thái vùng bờ đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Nguy cơ từ biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Theo dự báo của Ngân hàng Thế gới, nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì đời sống của 10,8% dân số Việt Nam sống tập trung tại các vùng châu thổ sẽ bị ảnh hưởng. Nếu mực nước dâng 5m thì khoảng 16% diện tích đất ven bờ và các hệ sinh thái ở đây bị ngập lụt, khoảng 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc dân bị đe dọa.

Theo báo cáo của Cơ quan quốc tế về biến đổi khí hậu, biến đổi và biến thiên khí hậu gây ảnh hưởng đến thủy sản, nghề cá và cộng đồng ngư dân. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng và thay đổi lượng mưa làm cho hệ sinh thái, sản lượng đánh bắt cá, cơ sở hạ tầng và sinh kế nghề cá dễ bị tổn thương. Tại Việt Nam, mối quan ngại nổi lên là các dị thường lượng mưa và tăng nhiệt độ do sự ấm lên toàn cầu, đặc biệt là bão và lũ lụt sau mỗi chu kỳ 3-4 năm, tác động của chúng tới các hệ sinh thái (rừng ngập mặn, dải ven bờ, châu thổ), các loài cá phổ biến, nghề cá và sinh kế.

Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là khu vực rừng ngập mặn ở Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Nam Định. Đa dạng sinh học vùng bờ và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái vùng bờ quan trọng bị suy thoái và thu hẹp diện tích. Các quần đàn có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông-biển ở vùng cửa sông ven bờ do mất đến 60% các nơi cư trú tự nhiên quan trọng.

Các hệ sinh thái vùng bờ biển của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng  - Ảnh 1.

Diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trong do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác chặt phá rừng diễn ra một cách khá phổ biến.

Ô nhiễm môi trường

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và ý tế ở vùng ven biển Việt Nam tăng mạnh qua các năm, ngày càng gây ô nhiễm trên diện rộng tại các vùng cửa sông, ven biển. Mỗi ngày có hàng ngàn tấn chất thải rắn được xả ra biển, đặc biệt là tại các vùng ven bờ. Không chỉ rác thải từ các hoạt động công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy, nuôi trồng thủy sản, từ các khu công nghiệp ven biển, mà rác thải sinh hoạt trên các đảo co dân cư cũng là vấn đề đáng phải lưu ý.

Theo tính toán sơ bộ, lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh, thành phố ven biển mỗi năm lên tới 14,03 triệu tấn. Bình quân 1 ha nuôi tôm xả ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng nghìn m3 nước thải/năm. Với tổng diện tích trên 600.000 ha nuôi tôm, hàng năm xả ra gần 3 triệu tấn chất thải rắn. Riêng chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại các dải ven biển sơ bộ tính toán vào 2,42 triệu tấn/năm, chiếm tới 50% lượng chất thải rắn công nghiệp trên toàn quốc.

Ô nhiễm dầu đã làm giảm sức chống đỡ, tính linh hoạt và khả năng khôi phục của các hệ sinh thái từ tác động của các tai biến. Dầu tràn chứa độc tố làm tổn thương hệ sinh thái, có thể gây suy vong hệ sinh thái. Dầu chứa nhiều thành phần khác nhau, khiến môi trường bị ô nhiễm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1989 đến nay, cả nước có hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn hàng hải, đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu.

Ngoài ra, ở vùng biển Việt Nam có 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí. Bên cạnh thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó có 20-30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý.

Khai thác quá mức tài nguyên ven bờ

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế nhận xét trong 50 năm lại đây, Việt Nam đã bị mất khoảng 80% diện tích rừng ngập mặn. Phong trào nuôi tôm, các dự án phát triển khu công nghiệp và đô thị là một trong những nguyên nhân nổi trội dẫn đến phá rừng ngập mặn.

Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng, sau 60 năm (1943-2003), rừng ngập mặn của Việt Nam đã mất gần 4/5 diện tích. Diện tích rừng ngập mặn bị mất do các hoạt động sản xuất trong giai đoạn 1985-2000 ước khoảng 15.000ha/năm. Do suy thoái nên năng suất nuôi tôm quảng canh trong rừng ngập mặn giảm sút nghiêm trọng, từ 200kg/ha/vụ năm 1980 đến nay chỉ còn 80kg/ha/vụ; 1ha rừng ngập mặn trước kia có thể khai thác được 800kg thủy sản, nhưng hiện chỉ thu được 1/20 so với trước.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rạn san hô ở nhiều vùng của Việt Nam đang xấu đi do tác động của cả tự nhiên và nhân tạo, trong đó chủ yếu là hoạt động khai thác san hô, đánh bắt hải sản quá mức, du lịch, san lấp, nạo vét… ở những vùng biển có rạn san hô. Các tác nhân này còn làm giảm khả năng thích ứng, chống chịu của san hô với các tác động do biến đổi khí hậu như gia tăng nhiệt độ nước biển, axit hóa đại dương. Nạn phá rừng cũng làm xói mòn đất, nước mang đất ra biển và tạo thành trầm tích bao phủ lên các rạn san hô.

Diện tích rạn san hô bị mất đi chủ yếu là do quá trình san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và dân sinh tại các vùng ven bờ và ven đảo. Việc san lấp không chỉ làm mất diện tích rạn san hô mà còn đưa lượng trầm tích ra biển, gây lắng đọng trên bề mặt rạn làm san hô bị chết, gây suy thoái các vùng rạn khác. Viện Tài nguyên Thế giới đã cảnh báo khoảng 80% rạn san hô ở vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao.

Ở vùng biển ven bờ Việt Nam, người ta đã xác định được 16 loài cỏ biển thuộc 4 họ, 9 chi. Đó là cỏ Xoan, cỏ Vích, cỏ Lá dừa, cỏ Kiệu, cỏ Hẹ, cỏ Năn biển, cỏ Đốt tre, cỏ Lươn, và cỏ Kim… Diện tích các thảm cỏ biển rất dễ thay đổi do tác động của các yếu tố tự nhiên hoặc nhân tác. Hiện nay, nước ta còn khoảng gần 4.000 ha, nghĩa là đã mất đến 60% diện tích so với thời kỳ 1996 - 1997.

Diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển nói chung cũng bị mất khoảng 60-70% để nhường chỗ cho các hoạt động của con người. Khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau, trên 100 loài được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các hệ sinh thái vùng bờ biển của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO