Châu Âu nỗ lực hình thành chứng chỉ vắc-xin số
Thụy Điển vừa thông báo nước này bắt đầu phát triển chứng chỉ vắc-xin số, để sử dụng cho việc đi lại và có thể cho nhiều mục đích khác nữa, sau một động thái tương tự của Đan Mạch một ngày trước đó.
Hai quốc gia Bắc Âu cho biết giấy chứng nhận vắc-xin virus corona sẽ được thiết kế để cho phép các công dân đi du lịch nước ngoài, nhưng cũng có thể được sử dụng để kiểm tra xem ai đó đã được tiêm phòng nếu họ đang tham dự một sự kiện nào đó như thể thao hoặc sự kiện văn hóa.
Bộ trưởng phát triển kỹ thuật số của Thụy Điển, Anders Ygeman, cho biết: "Với chứng chỉ vắc-xin số, sẽ nhanh chóng và dễ dàng chứng minh việc tiêm chủng đã hoàn tất".
Chính phủ Thụy Điển cho biết nước này hy vọng sẽ có cơ sở hạ tầng để cấp chứng chỉ vắc-xin số vào tháng 6.
Trước đó 1 ngày, Đan Mạch đã công bố chương trình của nước này đó là ban đầu nước này sẽ xuất bản trực tuyến một sổ đăng ký có thể được truy cập để kiểm tra tình trạng tiêm chủng của một người nào đó, dự kiến vào cuối tháng 2, đồng thời phát triển một giải pháp kỹ thuật dài hạn.
Mặc dù Đan Mạch cho biết sẽ xem xét "hộ chiếu corona" có thể được sử dụng cho nhiều mục đích ngoài việc đi lại hay không - bởi vì còn chờ nghiên cứu thêm về việc liệu những người được tiêm chủng vẫn có thể truyền virus hay không - mục đích của hộ chiếu là đưa "Đan Mạch mở cửa trở lại dần dần và phù hợp".
"Điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là có thể khởi động lại xã hội Đan Mạch, các công ty có thể hoạt động trở lại", quyền Bộ trưởng Tài chính, Morten Bødskov, cho biết trong một tuyên bố.
Cả hai nước cũng Bắc Âu cũng cho biết sẽ nỗ lực để làm cho các chứng chỉ quốc gia tương thích với các chứng chỉ quốc tế đang được thảo luận ở Tổ chức Y tế Thế giới và ở cấp độ EU.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra ý tưởng về chứng chỉ số vắc-xin nhưng mới đây vào tháng 1 tổ chức này phản đối việc được sử dụng như một yêu cầu cho việc đi lại.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, vào tháng 1 đã ủng hộ ý tưởng sử dụng chứng chỉ để xác định những người đã được tiêm chủng.
Christian Wigand, phát ngôn viên của Ủy ban, ngày 4/2, nhắc lại với các phóng viên rằng vấn đề này đã được "thảo luận tại cuộc họp cuối cùng của Hội đồng châu Âu với sự tham gia các nguyên thủ quốc gia, chính phủ và kết luận rằng công việc về một dạng bằng chứng tiêu chuẩn hóa, có thể tương tác cho các mục đích y tế nên được tiếp tục".
Sự "bắt tay" của các công ty y sinh
Trước đó, hồi tháng 1, truyền thông đưa tin một "hộ chiếu" tiêm chủng kỹ thuật số chứng minh mọi người đã được tiêm vaccine chống lại Covid-19 đang được phát triển bởi một nhóm các công ty, tổ chức công nghệ và y tế theo sáng kiến Chứng nhận tiêm chủng (Vaccination Credential Initiative - VCI) - một liên minh bao gồm Microsoft, Oracle, Cigna, Salesforce và Mayo Clinic - muốn thiết lập các tiêu chuẩn để xác minh xem ai đó đã được tiêm vắc-xin hay chưa để ngăn chặn người khai man là họ đã được tiêm chủng.
Sáng kiến này xuất phát từ việc các chính phủ và một loạt các doanh nghiệp, bao gồm cả các hãng hàng không, sẽ yêu cầu bằng chứng chứng minh việc mọi người đã được tiêm chủng.
Theo VCI, hệ thống hồ sơ tiêm chủng hiện tại không hỗ trợ thuận tiện cho việc truy cập, kiểm soát và chia sẻ các hồ sơ tiêm chủng đã được kiểm chứng. Liên minh muốn trao quyền cho các cá nhân để có được bản sao số về thông tin đã được tiêm chủng của mình được lưu trữ trong một ví điện tử được họ lựa chọn. Những người không có điện thoại thông minh có thể nhận được giấy in mã QR chứa thông tin xác thực W3C.
Bằng cách hợp tác với các công ty y sinh như Epic và Cerner ở Mỹ, hệ thống mới theo sáng kiến sẽ có thể lấy thông tin y tế điện tử để tạo chứng chỉ số.
Liên minh đang nỗ lực của mình dựa trên công việc đã được thực hiện bởi một thành viên của mình, The Commons Project Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ đã phát triển CommonPass, một chứng chỉ số được quốc tế chấp nhận để chứng minh rằng khách du lịch đã âm tính với Covid-19. Chứng chỉ hiện đang được sử dụng bởi cả ba liên minh hàng không lớn.
Giám đốc điều hành Paul Meyer của Tổ chức Dự án Commons: "Mục tiêu của sáng kiến chứng nhận tiêm chủng là trao quyền cho các cá nhân có quyền truy cập số vào hồ sơ tiêm chủng của họ để họ có thể sử dụng các công cụ như CommonPass để trở lại du lịch, làm việc, trường học và cuộc sống một cách an toàn, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của họ".
"Các tiêu chuẩn mở và khả năng tương tác là trọng tâm trong các nỗ lực của VCI và chúng tôi mong muốn hỗ trợ WHO cũng như các bên liên quan toàn cầu khác trong việc triển khai và mở rộng các tiêu chuẩn toàn cầu mở về khả năng tương tác dữ liệu y tế".