Các quốc gia ASEAN nỗ lực phục hồi kinh tế

MP| 08/08/2020 07:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch Covid-19 không chỉ là cuộc khủng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với tất cả mọi mặt đời sống xã hội cũng như sự phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Trong những tháng qua, các nước thành viên ASEAN đã có những biện pháp của riêng từng nước để kiểm soát đại dịch COVID-19 cũng như ứng phó với các tác động kinh tế của dịch bệnh gây ra.

Tăng trưởng kinh tế khu vực ảm đạm

Sự bùng nổ bất ngờ của đại dịch COVID-19 đã gây ra những hệ lụy hết sức nặng nề và đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với các nền kinh tế.

Một trong những hệ lụy đó chính là sự đóng băng của các ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, hàng không và khách sạn. Đây là những ngành bị ảnh hưởng tức thời và trực tiếp bởi đại dịch khi các nước đồng loạt thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa đi lại trong nước… Không dừng lại ở đó, các chuỗi cung ứng và sản xuất đã, đang và sẽ bị gián đoạn do sức ảnh hưởng lớn của dịch bệnh gây ra.

Các quốc gia ASEAN nỗ lực phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Các chuỗi cung ứng và sản xuất trong khu vực đã, đang và sẽ bị gián đoạn do sức ảnh hưởng lớn của dịch bệnh gây ra. (Ảnh: G.Nam)

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19 khiến triển vọng kinh tế khu vực và toàn cầu trở nên không chắc chắn, với tốc độ tăng trưởng và phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến trước đó.

Số liệu của ADB đã chỉ ra rằng, tăng trưởng ASEAN trước đại dịch được dự kiến sẽ đạt 4,7% trong năm 2020. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm tăng trưởng kinh tế trong khu vực ASEAN bị chững lại, giảm khoảng 3,7% so với mức tăng trưởng dự kiến và chỉ đạt mức tăng trưởng 1% trong năm 2020 và có thể còn kém hơn, một số nước trong ASEAN thậm chí có thể gánh chịu mức tăng trưởng âm.

Theo đó, Báo cáo của ADB công bố mới đây đã dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn 1% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 4,7% vào năm 2021.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia được cho là giảm từ 5% năm 2019 xuống còn 2,5% trong năm nay; tăng trưởng của kinh tế Việt Nam giảm từ 7% năm 2019 xuống còn 4,8% trong năm 2020. Trong khi đó, kinh tế Singapore sẽ chỉ đạt 0,2%, đáng chú ý nền kinh tế Thái Lan sẽ ghi nhận tăng trưởng âm 4,8%.

Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất khu vực

Khảo sát của Bloomberg cho thấy, tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng dương trong năm nay.

Theo đó, các chuyên gia của Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm nay. Về triển vọng năm 2021, nhóm chuyên gia Bloomberg nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất ASEAN với mức tăng GDP 8,1%. Đứng sau là Philippines với 7,5%, Malaysia 5,7%, Indonesia 5%, Singapore 4,8% và cuối cùng là Thái Lan 4%.

Trước đó, HSBC cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 3% từ mức 1,6% tại dự báo trước đó và giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2021 từ mức 9,1% xuống còn 8,5%.

Các quốc gia ASEAN nỗ lực phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Theo dự báo, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất khu vực trong năm nay. (Ảnh: BGT)

Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế sáng giá nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế học ASEAN Edward Teather, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Cơ quan nghiên cứu kinh tế đa quốc gia UBS.

Cụ thể, doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp đều đã tăng trong tháng 6/2020 - đây là điểm tích cực hơn so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam còn có ưu thế tiếp tục chiếm lĩnh thị phần toàn cầu về xuất khẩu trong tương lai, trở thành điểm đến lý tưởng cho các công ty đa quốc gia, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Các biện pháp phục hồi cần cân bằng mục tiêu kép

Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) trực tuyến về ứng phó với đại dịch COVID-19 hồi tháng 4, ASEAN đã tái khẳng định các cam kết nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô và thanh khoản, đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, duy trì sản xuất và phân phối, nhất là các vật tư thiết yếu như vật tư y tế, thực phẩm và nông sản, giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và cá nhân dễ bị tổn thương, các ngành bị ảnh hưởng, cũng như các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Hiện nay, việc thông quan hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực đang gặp nhiều cản trở do các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, cắt giảm đường bay, và đặc biệt là quyết định hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực và y tế chiến lược ở nhiều quốc gia. Do đó, quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN về bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với nhu yếu phẩm, là rất quan trọng.

Mới đây, tại Đối thoại cấp cao trực tuyến với chủ đề "Phục hồi sau đại dịch: hướng tới một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ hơn", Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam và Chủ tịch Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE) đã chia sẻ quan điểm về cách tiếp cận, cho rằng, tiến trình phục hồi kinh tế nên được thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất, du lịch, giao thông vận tải…, phù hợp với thực tiễn, có tính bao trùm và dành sự quan tâm nhiều hơn cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các biện pháp phục hồi cần phù hợp với các giai đoạn ngắn hạn - trung hạn - dài hạn, cũng như phải cân bằng được mục tiêu kép "vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa khôi phục nhanh các hoạt động kinh tế".

Trong vai trò là Chủ tịch nhóm Công tác ACCWG-PHE, Thứ trưởng kêu gọi sự tham gia, đóng góp của khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác của ASEAN trong quá trình xây dựng, soạn thảo kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN, trước mắt là chuẩn bị dự thảo Khung kế hoạch phục hồi.

Kế hoạch phục hồi tổng thể sẽ là một văn kiện mở, được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh bởi các cơ quan chuyên ngành của ASEAN để phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, song sẽ luôn hướng tới việc lấy người dân là trung tâm, đảm bảo an ninh, an toàn của người dân, cũng như quan tâm tới các nhóm yếu thế trong xã hội.

Bên cạnh đó, từ nhiều góc nhìn khác nhau, tại Đối thoại các diễn giả đã đưa ra gợi ý tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực như y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ số và các ứng dụng mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Các quốc gia ASEAN nỗ lực phục hồi kinh tế - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra, ASEAN cần thể hiện vai trò tiên phong kích thích nền kinh tế toàn cầu bằng việc nhanh chóng đẩy lùi các áp đặt và hạn chế thương mại do đại dịch và sớm đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Thực tế 3 năm gần đây cho thấy, những trở ngại về thuế quan có thể làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc sớm kết thúc các cuộc đàm phán RCEP đã giúp vực dậy niềm tin kinh doanh và kích thích tăng trưởng. Đây cũng là một động lực cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh của đại dịch.

Đặc biệt, quan trọng hơn cả, các nhà lãnh đạo ASEAN cần đưa ra một kế hoạch kích thích tài khóa đồng bộ với quy mô lớn hơn gói kích thích đã được khối này công bố. Theo các chuyên gia kinh tế, các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ nên được thiết kế linh hoạt để chống chọi với suy thoái kinh tế kéo dài trên quy mô toàn cầu và giữ vững mạng lưới sản xuất của ASEAN. Các biện pháp kích thích kinh tế cũng sẽ là một cơ hội để đầu tư vào quá trình chuyển đổi kinh tế và đổi mới công nghệ cần thiết nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho khu vực.

Các kế hoạch đầu tư và thương mại nhằm vực dậy nền kinh tế đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm đạt được các cam kết toàn cầu vào năm 2030. Do đó, tiến trình phục hồi sau dịch bệnh của ASEAN cần được xem xét một cách tổng thể, tránh không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chung mà ASEAN và khu vực đã và đang thực hiện thời gian qua.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia ASEAN nỗ lực phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO