Đại dịch COVID-19 như một “cơn bão” quét qua toàn bộ các ngành công nghiệp, gây ra không ít thách thức, thay đổi và cả những cơ hội phát triển. Để vượt qua khó khăn vì dịch bệnh, sự hợp tác, bắt tay với các DN lớn của các startup Hàn Quốc đang được cho là một bước đột phá mới.
Theo trang Seoulz, các startup Hàn Quốc đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi các khoản đầu tư. Về phía mình, các nhà đầu tư đang lùi lại một bước trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của chính phủ đối với các startup lại dường như không đủ.
Chính vì vậy, việc đảm bảo động cơ tăng trưởng và kết hợp ứng dụng các công nghệ mới nổi trở thành chiến lược cần thiết giúp các DN và startup. Tại Hàn Quốc, Electronic Times và Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) đang cùng đề xuất các biện pháp hợp tác giữa các DN lớn và các startup; đồng thời đưa ra những chính sách tạo hệ sinh thái đổi mới mở.
“Cái bắt tay giữa các DN lớn và các startup không phải là một sự lựa chọn mà là bắt buộc”, đại diện KITA cho biết.
Sáng kiến đổi mới mở: startup bắt tay DN lớn
Năm ngoái, Beiersdorf của Đức, hãng sở hữu nhiều thương hiệu mỹ phẩm như Nivea và La Prairie, đã mua 25% cổ phần của LYCL, một trong những startup làm đẹp đang phát triển nhanh nhất tại Hàn Quốc. Điều này khiến Beiersdorf trở thành cổ đông lớn thứ hai. Beiersdorf đã chọn 2 trong số 10 công ty mà KITA đề xuất, và LYCL là một trong số đó.
Beiersdorf đã tổ chức các hoạt động ươm tạo chuyên sâu như tư vấn và tìm kiếm khách hàng. Ngay cả sau khi đầu tư, công ty Đức đã cung cấp một gian hàng riêng cho LYCL tại “INTO Beauty Expo”, triển lãm tổ chức ở New York. Mối hợp tác tiếp tục với các cuộc họp kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, nhà phân phối mỹ phẩm ở Mỹ. Bằng cách hợp tác với các startup ở Hàn Quốc, Beiersdorf đã có thể thâm nhập thị trường làm đẹp Hàn Quốc nhanh hơn nhiều so với khi họ chưa làm.
Tương tự Beiersdorf, nhiều DN lớn trên toàn cầu đang áp dụng sáng kiến đổi mới mở bằng cách hợp tác với các startup. Đó không phải là một lựa chọn, mà là một chiến lược tất yếu để giới thiệu các công nghệ hứa hẹn, thành lập các mô hình kinh doanh mới, thu hút các tài năng xuất sắc và thu thập thông tin thị trường, trong số những lợi ích hợp tác khác. Do đó, nhiều công ty toàn cầu đang theo bước chân của Beiersdorf và tìm cách hợp tác với các startup ở Hàn Quốc trong ngành của họ.
Chang Byung-gyu, nhà sáng lập của startup Hàn Quốc Krafton, cho biết các startup của Hàn Quốc đang ngày càng mở rộng kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Nhưng theo ông, để các công ty non trẻ thành công trên trường quốc tế, chính phủ và thị trường vốn cần phải làm việc cùng nhau để đại tu một khuôn khổ pháp lý và quy định tập trung vào các chaebol - những tập đoàn gia đình trị nổi tiếng của Hàn Quốc.
Mới đây hồi giữa tháng 8/2021, startup Krafton của Chang Byung-gyu, đã huy động được 3,8 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử 14 năm của nhà phát triển trò chơi Hàn Quốc. Nó cũng cho thấy các startup của Hàn Quốc đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế trị giá 1,6 nghìn tỷ USD của đất nước, bằng cách thúc đẩy tăng trưởng cả trong và ngoài nước.
Theo Chang Byung-gyu, một trong những xu hướng vĩ mô gần đây là nhiều công ty đang bắt đầu vượt ra ngoài Hàn Quốc để thách thức thị trường toàn cầu. Naver và Nexon bắt đầu ở thị trường nội địa, nhưng Naver đã thành công ở Nhật Bản với Line Corp., và Nexon đạt được thành công ở Trung Quốc với trò chơi trực tuyến. Krafton cũng trở nên thành công trên toàn cầu với PUBG: Battlegrounds.
Học hỏi kinh nghiệm các mô hình nước ngoài
Theo KITA, trong số 36 DN lớn xuất sắc của châu Âu tham gia sáng kiến đổi mới sáng tạo mở của châu Âu do Tổ chức Startup Europe Partnership (SEP) lựa chọn, 45% đang tìm hiểm trên 50 startup mỗi năm.
Thật vậy, các DN lớn đang tích cực theo đuổi hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), đầu tư vào các công ty mạo hiểm như một chiến lược. Trong số đó, 78% thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm DN (CVC). Trong số các CVC, khoảng 86% đang quản lý các quỹ trị giá 50 triệu euro trở lên. Các công ty không chỉ tích cực đầu tư thông qua các CVC mà còn sử dụng các chiến lược đổi mới mở khác nhau như ươm tạo, tăng tốc, tìm kiếm công nghệ và M&A. Trong số các DN lớn xuất sắc hợp tác với các startup, 97% có các nhóm làm việc riêng về đổi mới sáng tạo.
KITA đã thu thập và phân tích các trường hợp đổi mới ở Châu Âu và Mỹ thông qua sáng kiến đổi mới mở giữa các DN toàn cầu lớn và các statup. Sau đó, họ "hướng dẫn và tạo ra một hệ sinh thái đổi mới mở" cho chính phủ Hàn Quốc và các DN lớn. Do các DN lớn và trung bình, cũng như các DN nhỏ và vừa, đều nhấn mạnh nhu cầu đổi mới, điều này sẽ giúp họ thiết lập một định hướng rõ ràng cũng như chính phủ và các DN lớn sẽ hỗ trợ một cách có hệ thống những nỗ lực đó.
“Do đại dịch COVID-19, không chỉ các DN lớn mà cả các DN cấp trung bình và DN nhỏ và vừa cũng đang thúc đẩy hợp tác với các startup ở Hàn Quốc”, một quan chức của KITA cho biết. “Điều quan trọng là phải học hỏi những trường hợp nước ngoài đi trước, hợp tác với các "startup và áp dụng chúng vào hệ sinh thái đổi mới của Hàn Quốc”.
Cascade Funding - Chương trình R&D của EU
Cascade Funding là một dự án hỗ trợ được giới thiệu theo Horizon 2020, chương trình R&D của EU. Chương trình này yêu cầu các DN lớn được các dự án R&D của chính phủ lựa chọn phải công khai chấp nhận đơn đăng ký của các startup hoặc DN vừa và nhỏ (SME), để chuyển giao dịch vụ thuê ngoài. Các nhiệm vụ được lựa chọn là những nhiệm vụ đòi hỏi sự nhanh nhạy của các startup, chẳng hạn như chuyển đổi số hoặc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo KITA, mô hình này đáng học hỏi. Ngoài ra, mô hình đề cao năm triết lý cơ bản về: tính minh bạch; tương xứng; cấm phân biệt đối xử; điều chỉnh trước xung đột lợi ích; và trách nhiệm giám sát nghiêm túc.
“Nếu chính phủ thiết kế các dự án hỗ trợ của mình bằng cách trao quyền tùy ý cho các DN lớn và chuẩn bị các biện pháp khuyến khích họ tham gia đầy đủ vào các dự án, sự đổi mới cởi mở hơn sẽ diễn ra giữa các DN lớn và các startup”, một quan chức KITA cho biết.
Các chính sách hỗ trợ startup về thuế, tài chính
Theo KITA, Chính phủ Hàn Quốc cũng có thể xem xét ra các biện pháp cho phép khu vực tư nhân thử nghiệm những mô hình, công nghệ mới. Chính phủ có thể cung cấp các ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, có thể cung cấp thêm điểm tăng trưởng đôi bên cùng có lợi như lợi ích cho các DN lớn có chung cơ sở sản xuất hoặc cơ hội thử nghiệm với các startup.
Ngoài ra, KITA có kế hoạch riêng, bổ sung các chương trình đổi mới mở giữa các DN lớn và các startup ngoài các đề xuất nói trên. Các dự án này bao gồm Fortune 500 Connect, các thử nghiệm ở nước ngoài cho các startup, Nền tảng Innobranch và các dự án khác để hỗ trợ mở rộng quy mô toàn cầu.
“Chúng tôi đang theo đuổi việc hợp tác kinh doanh giữa 9 DN lớn trên toàn cầu, bao gồm L'Oreal và Bayer, và 30 DN nhỏ và vừa. Hơn nữa, chúng tôi có kế hoạch tích cực khuyến khích các startup và các DN lớn tìm kiếm sự phát triển sáng tạo, kết hợp họ với nhau”, một quan chức KITA cho biết.
Thách thức khi startup hợp tác với DN lớn
Đại dịch COVID-19 vừa là một cuộc khủng hoảng vừa là cơ hội cho các startup và các DN lớn. Do đó, họ nên hợp tác để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới mở và biến khủng hoảng thành cơ hội.
Mô hình bắt tay, hợp tác giữa các startup và các DN toàn cầu đã trở thành xu hướng lớn ở Hàn Quốc, tạo điều kiện cho các startup bắt đầu hoặc phát triển kinh doanh bằng cách nhắm mục tiêu thị trường toàn cầu. Ví dụ, startup Nearthlab chuyên về sử dụng máy bay không người lái để quản lý và sửa chữa các tuabin gió. Công ty đã ký nhiều hợp đồng với các công ty toàn cầu sản xuất và dịch vụ máy phát điện từ năng lượng gió, và startup này đang phát triển với thị trường toàn cầu ngay từ đầu.
Tuy nhiên, không dễ để các công ty Hàn Quốc mở rộng ra toàn cầu. Thiếu kinh nghiệm trong hợp tác toàn cầu là một trong những lý do chính. Mỹ có nhiều kinh nghiệm, nhưng các công ty Hàn Quốc thường không có nguồn nhân lực, hệ thống hoặc văn hóa như vậy để hợp tác khi thâm nhập thị trường nước ngoài.
Một thách thức khác là Hàn Quốc vẫn có một hệ thống xã hội tập trung vào các chaebol. Thị trường vốn và hệ thống pháp luật của Hàn Quốc tập trung vào các chaebol. Các startup và công ty công nghệ đang vươn ra toàn cầu và hệ thống luật pháp hiện phải thay đổi. Đây là một vấn đề mà chính phủ và thị trường vốn nên cùng giải quyết. Khắc phục những điểm này sẽ dẫn đến sự phát triển lớn hơn.
The Electronic Times và KITA đã tổ chức một buổi toạ đàm “Triển vọng và Biện pháp đối phó cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sau đại dịch”. Tọa đàm đã phân tích các cơ hội hợp tác giữa các DN lớn và các startup về đổi mới mở sau khi COVID-19 bùng phát. Đại diện các quỹ đầu tư mạo hiểm, các startup và các DN lớn đã tham dự, mổ xẻ những vấn đề như khác biệt về văn hóa giữa DN lớn và startup, hay nghiêm trọng hơn là nhiều DN lớn ở Hàn Quốc thường đặt ra những câu hỏi có thể dẫn đến việc chiếm đoạt công nghệ của các startup hơn là hợp tác với họ.
“Các DN lớn của Hàn Quốc và nước ngoài đôi khi không coi các startup là đối tác bình đẳng để hợp tác, mà là các thực thể thấp hơn”, CEO Shin Seungsik của BluePrintLab nói.
Vì vậy, các DN lớn đang tiến hành mở rộng lĩnh vực để hợp tác. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách văn hóa với các startup ở Hàn Quốc bằng cách cung cấp cho họ không gian ươm tạo.
Việc thành lập các công ty con bên ngoài và bắt tay với các công ty liên doanh tạo ra các động cơ thúc đẩy đổi mới. Ngoài ra, những động cơ này rất quan trọng đối với các startup ở Hàn Quốc để mở rộng ra thị trường toàn cầu như châu Âu.
Báo cáo của các quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm Liên minh Châu Âu (EU), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và tổ chức Nesta của Vương quốc Anh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét trước các nhiệm vụ và rủi ro phát sinh trong quá trình hợp tác giữa các DN lớn và các startup. Điều này cần được tiến hành nghiêm túc, chứ không nên chỉ nhấn mạnh vào những lợi ích trước mắt để thực sự hiện thực hóa đổi mới mở.
Chẳng hạn, khi một startup phát triển một giải pháp chuyên biệt cho môi trường của một DN lớn, nguy cơ giải pháp đó sẽ khác xa so với các tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Nếu dự án hợp tác với một DN lớn không thành công, startup có thể bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng. Mặt khác, ở phía DN lớn, đó là bài toán về sự khác biệt chiến lược DN lớn và startup. Những xung đột văn hóa cũng có thể nảy sinh với các startup vì quy trình làm việc khác nhau.
Giám đốc điều hành Lim Jung-wook của TBT nhấn mạnh các DN lớn cần tiếp tục tổ chức các cuộc gặp gỡ với các startup tại Hàn Quốc. Điều này cuối cùng có thể mang lại sự hợp tác giữa hai bên và dẫn đến sự đổi mới cởi mở./.