Các tỉnh miền núi Tây Bắc tăng cường phòng chống thiên tai, vận hành an toàn các hồ đập, thủy điện trong mùa mưa lũ 2021

PV| 22/09/2021 14:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Các hồ thủy điện, thủy lợi đóng vai trò rất lớn trong việc điều hòa dòng chảy, chống hạn, cắt giảm lũ, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Trung. Tính đến hết năm 2020, cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào vận hành khai thác. Do vậy công tác phòng chống thiên tai (PCTT) đặt ra yêu cầu là phải đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn cho công trình, cho hạ du, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân đồng thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho phát điện, phục vụ sản xuất và sinh hoạt, ổn định phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Hòa Bình: Sát sao kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đập, hồ chứa trong mùa mưa bão

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Hòa Bình, mùa mưa năm nay có khả năng kết thúc muộn, trong 2 tháng 9 - 10, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%. Trên các sông, suối sẽ xuất hiện lũ, đỉnh lũ các sông nhỏ và vừa ở mức báo động 2 đến báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra trên toàn tỉnh.

Mưa nhiều sẽ khiến lượng nước ở các hồ chứa thủy lợi tăng cao, trong khi đó còn nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, nếu để xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại khó lường. Do vậy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hòa Bình đặc biệt coi trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND các huyện, thành phố chủ động trong việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi để kịp thời gia cố, có biện pháp ứng phó khi xảy ra tình huống.

Các tỉnh miền núi Tây Bắc tăng cường phòng chống thiên tai, vận hành an toàn các hồ đập, thủy điện trong mùa mưa lũ 2021 - Ảnh 1.

Hồ Thủy điện Hòa Bình là một trong những công trình quan trọng của tỉnh. (Ảnh: PV)

Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có trên 540 hồ chứa thủy lợi các loại. Trong đó, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 203 hồ chứa lớn và vừa; số lượng hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các HTX, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác. Theo đánh giá của các huyện, thành phố và Công ty Khai thác công trình thủy lợi thì phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2021. Tuy vậy, vẫn còn một số hồ chứa đang thi công, sửa chữa nhưng chậm tiến độ; có những công trình bị hư hỏng, xuống cấp cần được tiếp tục sửa chữa, nâng cấp. 

Sở NN&PTNT cho biết, qua rà soát, hiện có trên 210 hồ bị hư hỏng, xuống cấp, chiếm xấp xỉ 39% tổng số hồ chứa toàn tỉnh. Song, do điều kiện khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư nên chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp. Đáng kể là các hồ do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý như: Sam Tạng, xã Thành Sơn (Mai Châu) mái đập, cống, tràn chưa được gia cố mất an toàn trong mùa mưa bão; không có đường quản lý vận hành; hệ thống kênh mương chưa được đầu tư. Hồ Rộc Cọ, xã An Bình (Lạc Thủy) tràn xả lũ bị hư hỏng nặng, tường bên, ngưỡng tràn thủng nhiều lỗ lớn, khi mực nước dâng cao, nước chảy mạnh qua các lỗ thủng gây thất thoát nước và mất an toàn công trình. Hồ Ngọc Lương II, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) phần thân đập có đoạn xung yếu chiều dài khoảng 50m, toàn tuyến đập lát bằng đá khan sụt lún, xô lệch, mùa mưa bão có nguy cơ vỡ thân đập; phần đường tràn hiện xói lở chân, sụt lún; tuyến đê lái lũ sau tràn hư hỏng nặng. Hồ Cang, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) lòng hồ bị bồi lắng, ngưỡng tràn xây đá đã xuống cấp; kênh thoát lũ sau tràn hẹp tại vị trí cống qua đường vào đập, hạ lưu cống bị xói lở mạnh; tuyến đường dân sinh ở chân đập chưa được kiên cố, dẫn đến lún sụt khi có xe tải trọng lớn đi vào gây mất an toàn đập.... Ngoài ra, một số huyện còn nhiều hồ chứa hư hỏng cần được sửa chữa, nâng cấp, như: Huyện Tân Lạc có 18 hồ; Yên Thủy 11 hồ; Lạc Sơn 14 hồ...

Để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa bão, UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các địa phương, các đơn vị quản lý hồ chứa cần báo cáo hiện trạng an toàn đập; xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp nhằm chủ động trong công tác đối phó với tình huống mưa bão, sự cố... Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi; xây dựng phương án tích nước hợp lý hoặc hạn chế tích nước đối với các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du.

Đối với các hồ chứa đang tích đầy nước, khi có dự báo về mưa lũ, lũ sau bão sẽ diễn ra trên lưu vực có khả năng vượt quá mức thiết kế, đe dọa trực tiếp sự an toàn của công trình thì đơn vị quản lý công trình phải chủ động xả bớt nước ở mức độ hợp lý  tăng thêm dung tích cắt lũ của hồ.  

Sơn La: Chủ động phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa thủy lợi phòng, chống, ứng phó thiên tai

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 106 hồ chứa, 132 đập dâng các loại. Qua kiểm tra đánh giá, các đập, hồ chứa cơ bản đều đảm bảo an toàn, sẵn sàng tích nước trong mùa mưa. Tuy nhiên, phần lớn các công trình được đầu tư từ lâu, một số hồ chứa đã bị hư hỏng xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng dẫn đến dung tích trữ nước bị hạn chế, không đảm bảo như thiết kế. Vì vậy, trong mùa mưa lũ cần phải tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ và chỉ tích đủ nước hồ vào tháng cuối mùa mưa.

Các tỉnh miền núi Tây Bắc tăng cường phòng chống thiên tai, vận hành an toàn các hồ đập, thủy điện trong mùa mưa lũ 2021 - Ảnh 2.

Tỉnh Sơn La luôn chú trọng xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa, thủy lợi nhằm phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Ngay từ đầu năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị vật tư, nhân lực và phương án phòng chống thiên tai. Trong đó, chú trọng xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa, thủy lợi nhằm phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Triển khai duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên sông, suối, hồ đập, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tính mạng, tài sản của nhân dân.

Ông Cao Viết Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sơn La, cho biết: Với phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả", ngay từ đầu năm, đơn vị đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện các hạng mục hư hỏng, xuống cấp từ đó kịp thời tổ chức sửa chữa khắc phục đảm bảo an toàn cho các công trình.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn ngân sách tỉnh, đến nay Sơn La đã đầu tư nâng cấp sửa chữa 20 đập, hồ chứa nước cấp bách, xung yếu, như hồ Lái Bay, Noong Chạy, Nong La (Thuận Châu); hồ Xa Căn, Huổi Nhả - Khơ Mú, Nà Bó, bản Củ 1, bản Củ 2, bản Ỏ, Xum Lo, hồ bản Giàn, hồ Sài Lương (Mai Sơn); hồ bản Lụa, Noong Đúc (Thành phố)... Đến thời điểm này, các hồ được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đã bàn giao, đưa vào sử dụng và phát huy được hiệu quả, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu dùng nước khác.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng còn tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật Thủy lợi, các văn bản hướng dẫn đến người dân về việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và không lấn chiếm hành lang, bảo vệ công trình, không tự ý thay đổi kết cấu của kênh mương thủy lợi; vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản làm ách tắc dòng chảy, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất và hạn chế đến việc tiêu thoát nước. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn hồ chứa cho đội ngũ cán bộ, tổ chức và cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Ông Lò Đức Hương, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại huyện Mai Sơn, thông tin: Trên địa bàn huyện có 22 hồ chứa, 47 đập xây, 13 đập rọ thép. Để đảm bảo an toàn các công trình trong mùa mưa bão, đơn vị đã phân công cán bộ phụ trách các hồ, đập thủy lợi, thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình trước. Phối hợp với các tổ thủy lợi các bản tổ chức vận hành thử toàn bộ các cửa van điều tiết nước, cống lấy nước đầu mối phát hiện những thiết bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa thay thế đảm bảo công trình vận hành tốt không bị gián đoạn khi có mưa bão. Đơn vị quản lý cũng chú trọng cập nhật, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của từng hồ, đập nhằm sẵn sàng xử lý, ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Yên Bái: Giám sát chặt chẽ các hồ chứa, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ

Là tỉnh miền núi, đầu nguồn của chi lưu sông Hồng, sông Chảy, sông Ðà, thuận lợi cho việc tích nước làm hồ thủy lợi và làm thủy điện vừa và nhỏ. Hiện, tỉnh Yên Bái có 186 công trình hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, nhiều hồ có diện tích mặt nước lớn như: Hồ Từ Hiếu, Ðầm Hậu, Chóp Dù…, bảo đảm tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất lúa 2 vụ.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, những năm qua, việc duy tu bảo dưỡng các hồ chứa chưa được chú trọng trong bối cảnh lượng mưa lớn tập trung vào một vùng, dẫn đến tình trạng một số thân đập hồ đắp bằng đất bị vỡ, gây thiệt hại về tài sản. Ðặc biệt, hồ Thái Lão, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ có diện tích mặt nước hơn 2,6 ha, đã bị vỡ đến hai lần. Năm 2020, tỉnh Yên Bái quyết định đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây mới hồ thủy lợi Thái Lão, bảo đảm an toàn cho khu dân cư phía sau hồ mỗi khi mùa mưa bão đến.

Các tỉnh miền núi Tây Bắc tăng cường phòng chống thiên tai, vận hành an toàn các hồ đập, thủy điện trong mùa mưa lũ 2021 - Ảnh 3.

Hồ đập được tỉnh Yên Bái đầu tư nâng cấp, sửa chữa bảo đảm an toàn cho khu dân cư phía sau hồ mỗi khi mùa mưa bão đến.

Cùng với đó, các hồ chứa lớn như: Ðầm Hậu, Từ Hiếu được các đơn vị lập phương án phòng, chống lũ lụt hạ du riêng. Với hồ nhỏ hơn các đơn vị lập phương án nằm trong phương án chung phòng, chống thiên tai được cấp trên phê duyệt. Giai đoạn 2019 – 2030, nhằm bảo đảm an toàn cho 133 hồ có nguy cơ cao, tỉnh Yên Bái đã lập kế hoạch chi hơn 22 tỷ đồng phục vụ nâng cao năng lực an toàn hồ, đập chứa nước an toàn.

Những năm trước đây, Đập Khe Chinh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên được xem là một trong những đập yếu nhất trên địa bàn huyện. Mỗi khi mùa mưa bão đến, đơn vị quản lý phải thường xuyên gia cố đập đất, đặc biệt phải xả tràn dưới mực nước dâng 4 mét do hồ chứa không thể tích đầy nước, nguy cơ vỡ đập cao.

Năm 2020, từ nguồn vốn sửa chữa và nâng cao an toàn đập của tỉnh, đập Khe Chinh đã được đầu tư trên 19 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các hạng mục đập chính, tràn xả lũ, đường quản lý vận hành lên đập… Nhờ đó, mùa mưa bão năm nay, người dân sinh sống gần đập đã yên tâm hơn. Đồng thời, người dân nơi đây cũng nâng cao nhận thức, trách nhiệm với nhiều hoạt động chung tay bảo vệ an toàn hồ, đập.

Ông Trần Công Bằng - xã An Thịnh, huyện Văn Yên cho biết: Trước hết khi bờ đập đã được kiên cố, người dân chúng tôi nhắc nhở nhau không nên làm gì ảnh hưởng đến hồ đập, nguồn nước ở các khe suối. Vận động bà con nhân dân trồng thêm cây ở đầu nguồn nhằm đảm bảo giữ được nguồn nước cho hồ chứa, để phục vụ tưới tiêu cho cho đồng ruộng của bà con.

Ngoài ra, từ nguồn vốn "Sửa chữa và nâng cao an toàn đập" tỉnh Yên Bái, thời gian qua, huyện Văn Yên đã có 8 công trình đập, hồ chứa được sửa chữa nâng cấp với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng.

Để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, đơn vị quản lý, vận hành đã tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền bảo vệ an toàn đập, hồ tại các địa phương. Các cán bộ thủy nông thường xuyên theo dõi sát tình hình thời tiết, định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, trực 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hư hỏng, sự cố ngay từ thời điểm đầu tiên.

Đơn vị quản lý cũng thường xuyên kiểm tra thông qua phân tích, đánh giá đo đạc, quan trắc đập và trực quan hiện trường. Chủ động phòng, chống mưa bão theo phương châm "4 tại chỗ", kiểm tra phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình để xử lý kịp thời…. 

Với sự đầu tư của tỉnh trong việc sửa chữa, nâng cao an toàn đập cùng với sự giám sát chặt chẽ của đơn vị quản lý vận hành. Mùa mưa bão năm 2021, các hệ thống đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang vận hành hoạt động hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tài sản, tính mạng của người dân.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh miền núi Tây Bắc tăng cường phòng chống thiên tai, vận hành an toàn các hồ đập, thủy điện trong mùa mưa lũ 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO