An toàn thông tin

Cách nuôi dưỡng văn hóa cải tiến an ninh mạng

Hạnh Tâm 11:13 17/07/2023

Tuân thủ quy định và cải thiện an ninh mạng là những trụ cột riêng biệt đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Đạt được sự tuân thủ chưa phải là “pháo đài” bất khả xâm phạm chống lại các mối đe dọa. Điều  này mới chỉ tạo ra một lớp phòng thủ cơ bản.

Vậy làm thế nào các tổ chức có thể chuyển từ tư duy phản ứng sang văn hóa chủ động cải tiến không gian mạng liên tục? Đây là câu hỏi trọng tâm giúp tăng khả năng phục hồi không gian mạng. Đặc biệt, đối với những người định hướng cho sự phát triển thì việc hiểu sâu hơn về các phương pháp bảo mật bền vững và theo thời gian thực là điều tối quan trọng.

a1.png

Tuân thủ không đồng nghĩa với bảo mật

Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất về an ninh mạng là cho rằng tuân thủ đồng nghĩa với bảo mật toàn diện.

Tuy nhiên, bạn nên coi việc tuân thủ bảo mật như một cuộc “diễn tập” về an toàn: nó xác nhận rằng bạn có kế hoạch sơ tán nhưng nó không ngăn được đám cháy. Các quy định như "quy tắc bảo vệ" của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và các tiêu chuẩn của uỷ ban tiêu chuẩn bảo mật (PCI) giúp tăng cường bảo mật thông tin nhưng mới chỉ ở mức sàn chứ chưa phải mức trần mà các nhóm an ninh mạng cần hướng tới.

Hơn nữa, sự phức tạp ngày càng tăng về an ninh mạng khiến cách tiếp cận dựa trên sự tuân thủ ngày càng trở nên không được đảm bảo. Các tổ chức có thể sử dụng hết nguồn lực để thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc hàng quý. Sau khi quá trình kiểm tra được hoàn thành và không phát hiện có gì bất thường thì tâm lý chủ quan thường xuất hiện dẫn đến các lỗ hổng mới không được giám sát cho đến khi cuộc kiểm tra định kỳ tiếp theo bắt đầu. Phương pháp này dẫn đến các lỗ hổng bảo mật có thể nhanh chóng bị khai thác.

Tuy nhiên, muốn thay đổi những quy trình đầy thiếu sót đã trở thành thói quen phải phụ thuộc vào các giám đốc an toàn thông tin (CISO). Vượt ra khỏi lối tư duy này đòi hỏi phải nuôi dưỡng một nền văn hóa ưu tiên việc liên tục cải tiến các biện pháp bảo vệ và thực hành an ninh mạng, thay vì chỉ vượt qua các đợt kiểm tra định kỳ. Sự thay đổi này sẽ tạo nền tảng cho một trạng thái bảo mật mạnh mẽ và thích ứng.

Vì vậy, câu hỏi quan trọng là: Làm thế nào các tổ chức có thể bắt đầu xây dựng một nền văn hóa hiệu quả về cải tiến không gian mạng liên tục? Tất cả bắt đầu bằng việc nhấn mạnh các hoạt động bảo mật theo thời gian thực.

Bảo mật theo thời gian thực và định kỳ

Sự tác động lẫn nhau giữa các thực tiễn bảo mật định kỳ và thời gian thực là mấu chốt để quản lý hiệu quả lỗ hổng. Vì mỗi cách thức đều có giá trị riêng nên một chiến lược phòng thủ mạng mạnh mẽ cần phải kết hợp cả hai hoạt động này thành một cách tiếp cận thống nhất.

Các thực tiễn bảo mật thời gian thực là rất cần thiết trong một thế giới mà các mối đe dọa xuất hiện và phát triển trong nháy mắt. Ví dụ, phát hiện điểm cuối và phát hiện lỗ hổng phải là các quá trình cùng diễn ra để kịp thời có cảnh báo về các mối đe dọa khi chúng xuất hiện.

Một sai sót trong các hoạt động thời gian thực có thể gây ra thảm họa. Các cuộc tấn công ransomware gần đây đã chứng minh rằng các lỗ hổng bảo mật có thể bị khai thác chỉ trong vài giờ và thậm chí là ít hơn. Một hệ thống bảo mật thời gian thực sẽ rất hiệu quả và cần thiết trong phát hiện và khắc phục các lỗ hổng trước khi chúng bị khai thác.

Mặt khác, các hoạt động bảo mật định kỳ như kiểm tra sự xâm nhập sẽ kiểm tra tính ổn định và tính mạnh mẽ của hệ thống (stress-test), đồng thời phát hiện ra các lỗ hổng tiềm ẩn. Tuy nhiên, kiểm tra xâm nhập (pen test) không phải là công cụ hàng ngày: chúng giống với đánh giá hiệu suất hơn. Nhưng hoạt động giám sát bảo mật liên tục sẽ cảnh báo bạn về vấn đề này ngay từ đầu.

Một số CISO chủ yếu dựa vào kiểm thử xâm nhập, coi đó là thuốc chữa bách bệnh cho các vấn đề an ninh mạng của họ. Mặc dù việc kiểm tra xâm nhập rất có giá trị, nhưng chúng không được thiết kế để cung cấp dữ liệu thời gian thực về các mối đe dọa mà tổ chức phải đối mặt hàng ngày.

Hơn nữa, tạo sự cân bằng là yếu tố quan trọng. CISO phải quản lý kết hợp các hoạt động theo thời gian thực như giám sát lưu lượng mạng, tìm kiếm mối đe dọa và phát hiện lỗ hổng với các hoạt động định kỳ, chẳng hạn như pen test, đánh giá rủi ro và kiểm tra.

Cách tiếp cận này đảm bảo phạm vi bao phủ toàn diện, tận dụng điểm mạnh của từng phương pháp để tạo ra một hệ thống phòng thủ liên hoàn, kiên cường chống lại các mối đe dọa trên mạng. Mục tiêu là tạo ra một hệ thống bảo mật không chỉ vượt qua các cuộc kiểm thử mà còn hữu ích khi đối mặt với các mối đe dọa trong thế giới thực.

Tính cấp thiết của quản lý lỗ hổng thời gian thực

Để xây dựng văn hóa cải tiến không gian mạng, các doanh nghiệp phải thúc đẩy chiến lược quản lý lỗ hổng hiệu quả dựa trên việc không ngừng đánh giá mức độ các mối đe dọa tiềm ẩn và chủ động thực hiện các bước giảm thiểu. Quá trình này đòi hỏi sự kết hợp phức tạp giữa thu thập dữ liệu, thông tin tình báo về mối đe dọa, đánh giá rủi ro và phản ứng nhanh.

Chiến lược quản lý lỗ hổng thời gian thực mạnh mẽ dựa trên cơ sở giám sát phù hợp. Điều này liên quan đến việc tận dụng các hệ thống thông tin bảo mật và quản lý sự kiện (SIEM) cũng như các nền tảng phát hiện và phản hồi điểm cuối (EDR) để thu thập và phân tích dữ liệu. Những công cụ này được thiết kế để xác định các mẫu hoặc hành vi bất thường, chỉ ra sự cố bảo mật tiềm ẩn. Chúng cung cấp nền tảng cho việc phản ứng, cho phép các tổ chức phản ứng nhanh chóng khi phát hiện thấy mối đe dọa.

Hỗ trợ cho các hệ thống này là việc sử dụng các nguồn cung cấp dữ liệu tình báo về mối đe dọa và những khai thác mới nhất đã biết. Việc tích hợp thông tin tình báo về mối đe dọa với các công cụ SIEM và EDR giúp nâng cao hiệu quả của, cho phép phát hiện các mối đe dọa nhanh hơn và chính xác hơn.

Khi phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn, các tổ chức cần tiến hành đánh giá rủi ro để ưu tiên phản ứng của mình. Các công cụ như hệ thống chấm điểm lỗ hổng phổ biến (CVSS) cung cấp một phương pháp chuẩn hóa để đánh giá mức độ nghiêm trọng của lỗ hổng. Điều này cho phép các tổ chức tập trung nỗ lực vào việc xử lý các lỗ hổng có rủi ro cao, giảm mức độ rủi ro không gian mạng tổng thể.

Ngoài CVSS, các tổ chức phải đảm bảo rằng họ có sẵn các quy trình phản hồi nhanh và khắc phục các lỗ hổng được phát hiện. Điều này liên quan đến các hệ thống quản lý và triển khai để cập nhật bản vá hoặc các nhóm ứng phó sự cố nhằm quản lý các mối đe dọa phức tạp hơn.

Để thành công trong văn hóa cải tiến không gian mạng liên tục đòi hỏi sự đầu tư vào các năng lực kỹ thuật tiên tiến này. Nó đòi hỏi phải vượt ra khỏi lối tư duy truyền thống, tập trung vào tuân thủ và thúc đẩy cách tiếp cận chủ động, đặt việc phát hiện và ứng phó với mối đe dọa theo thời gian thực làm trọng tâm trong chiến lược mạng của mỗi tổ chức./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cách nuôi dưỡng văn hóa cải tiến an ninh mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO