Ngành an ninh mạng của Israel và hàm ý cho Việt Nam
Chỉ trong vòng 30 năm, ngành an toàn, an ninh mạng (gọi tắt là ANM) của Israel đã phát triển từ con số không thành một ngành nổi tiếng thế giới.
Tóm tắt
- Tổng quan về ngành an toàn, an ninh mạng (gọi tắt là ANM) của Israel: Israel có hơn 800 công ty ANM; thị trường ANM Israel dự kiến sẽ đạt quy mô 29,8 tỷ USD vào năm 2025; Sản phẩm và dịch vụ ANM đứng hàng đầu thế giới; 2021, xuất khẩu của Israel đạt 11 tỷ USD (tăng gần gấp đôi so với 2020)
- Ngành ANM của Israel đã trải qua 5 giai đoạn phát triển: (i) Nảy mầm (những năm 1980); (ii) Khởi nghiệp (những năm 1990); (iii) Điều chỉnh (những năm 2000-2010); (iv) Phát triển (những năm 2010 - 2019); (v) Tăng trưởng (từ năm 2019 đến nay)
- Hệ sinh thái ngành ANM Israel bao gồm: chính sách của chính phủ; Kinh nghiệm quân sự; Nguồn nhân lực
ANM chất lượng cao; Thúc đẩy nguồn vốn đầu tư; Hỗ trợ của bên thứ ba
- Kiến nghị: Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Israel để xây dựng chiến lược phát triển ngành ANM, trong đó nên tập trung vào 4 chính sách chính sau: (i)Tăng cường quy hoạch, định hướng chiến lược để hình thành hệ sinh thái ANM; (ii) Tăng cường bảo đảm chính sách phát triển cho ngành ANM trong nước; (iii) Khuyến khích phong trào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; (iv) Thúc đẩy hợp tác, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế.
Israel không chỉ nuôi dưỡng hàng loạt công ty ANM hàng đầu như Checkpoint, Cyberbit mà còn thành lập các khu công nghiệp nổi tiếng như “Công viên khoa học Tel Aviv”, “Công viên khoa học Beer Sheva”. Đâu là “bí quyết” phát triển ngành ANM của Israel? Bài viết sẽ phân tích tổng quan để gợi ý cho phát triển ngành ANM trong nước.
Tổng quan về ngành ANM của Israel
Vài năm gần đây, trong bối cảnh thế giới xảy ra các sự kiện lớn như dịch COVID-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine, cạnh tranh công nghệ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, v.v.. tuy nhiên ngành ANM của Israel vẫn phát triển, cho thấy sức mạnh của một “quốc gia khởi nghiệp” về ANM.
Đổi mới lĩnh vực ANM: Tính đến thời điểm hiện tại, Israel có hơn 800 công ty ANM, trong đó có 459 công ty mới thành lập. Con số này tăng gấp đôi trong vòng 10 năm cho thấy sức sống của ngành ANM Israel. Số “kỳ lân” ANM của Israel chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới. Năm 2021, 11 “kỳ lân” ANM mới được ra đời ở Israel, chiếm 33% tổng số thế giới, tức là cứ ba “kỳ lân” ANM trên thế giới thì có một đến từ Israel. Hơn nữa, những gã khổng lồ về ANM của Israel như Checkpoint, CyberArk, Cybereason đang vững chắc trong vị trí dẫn đầu về ANM toàn cầu.
Bùng nổ đầu tư cho ANM: Vốn đầu tư mạo hiểm là chỉ tiêu trực tiếp nhất phản ánh thực trạng phát triển công nghiệp. Dân số Israel chỉ chiếm 0,1% dân số thế giới nhưng nước này đã tạo ra thị phần ANM chỉ đứng sau Mỹ trong nhiều năm. Trong bối cảnh đầu tư vào ngành ANM toàn cầu nói chung còn chậm, nhưng thị trường ANM Israel vẫn sôi động, dự kiến sẽ đạt quy mô 29,8 tỷ USD vào năm 2025. Điều này phản ánh niềm tin ổn định của đầu tư toàn cầu vào thị trường ANM Israel.
Năm 2021, ngành ANM của Israel đã huy động được 8,84 tỷ USD vốn đầu tư toàn cầu, cao hơn gấp ba lần so với mức 2,75 tỷ USD vào năm 2020; 40% đầu tư tư nhân toàn cầu chảy vào Israel. Bốn công ty ANM của Israel, bao gồm cả Sentinel One, chào sàn thành công vào năm 2021. Sentinel One đã huy động được 1,2 tỷ USD với mức định giá khổng lồ 9 tỷ USD trong đợt IPO vào tháng 6 năm 2021 trên Sở giao dịch chứng khoán New York, được đánh giá là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất của một công ty ANM.
Nhiều công ty và vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường ANM của Israel thông qua việc mua bán và sáp nhập (M&A). Dữ liệu cho thấy vào năm 2021, có 40 công ty trong và ngoài nước đã hoàn tất M&A với các công ty của Israel với tổng trị giá 3,5 tỷ USD. Trong số đó, có việc mua lại Forescout trị giá 1,6 tỷ USD của Crosspoint Capital Partners và công ty ANM Hoa Kỳ Akamai Technologies mua lại Guardicore trị giá 700 triệu USD.
Sản phẩm và dịch vụ ANM đứng hàng đầu thế giới: Các sản phẩm và dịch vụ ANM của Israel rất toàn diện, liên quan đến toàn bộ quá trình phòng ngừa, phát hiện và ứng phó các vấn đề ANM, được chào bán rộng rãi trong và ngoài nước. Theo Viện Xuất khẩu Israel, xuất khẩu của Israel đã tăng gần gấp đôi từ 6,9 tỷ USD vào năm 2020 lên 11 tỷ USD vào năm 2021. Các sản phẩm và dịch vụ ANM của Israel chiếm 10% thị phần toàn cầu và trở thành một nền kinh tế mũi nhọn của Israel.
Israel có 459 công ty ANM đang hoạt động trải rộng trên 10 phân khúc ANM, cung cấp nhiều giải pháp khác nhau, được các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới tin dùng, bao gồm: ANM (15%); thiết bị kết nối (15%); bảo vệ dữ liệu, mã hóa và quyền riêng tư (15%); bảo mật hoạt động và quy trình kinh doanh (13%); chống gian lận, xác thực (12%); bảo mật ứng dụng và trang web (9%); quản trị, rủi ro và tuân thủ (GRC) và quản lý lỗ hổng (8%); bảo mật cơ sở hạ tầng và đám mây (6%); bảo mật thiết bị đầu cuối (5%); bảo mật di động (3%).
Các dịch vụ ANM nổi tiếng của Israel được biết đến như: quản lý rủi ro và các lỗ hổng, bảo mật IoT, ngăn chặn tấn công APT, bảo mật SCADA, bảo mật email, bảo vệ thiết bị đầu cuối, ứng phó sự cố ANM,... Ngoài các lĩnh vực bảo mật truyền thống, các công ty khởi nghiệp của Israel luôn đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm tiên tiến, tập trung vào những lĩnh vực mới và công nghệ mới như : IoT, chuỗi khối, tiền điện tử, bảo mật dựa trên đám mây và công nghệ mới SDP (Software Defined Perimeter),... Trong đó, bảo mật IoT, bảo mật đám mây và quản lý rủi ro nhà cung cấp (VRM: Vendor risk management) là những lĩnh vực mới nổi được các công ty Israel tập trung đầu tư nhiều nhất.
Lịch sử phát triển ngành ANM của Israel
Ngành ANM của Israel bắt nguồn từ sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng và sự phát triển trong nghiên cứu khoa học.
Giai đoạn nảy mầm (giai đoạn những năm 1980): Israel, một quốc gia có lãnh thổ nhỏ, thiếu tài nguyên, bị các nước Hồi giáo bao vây, khủng bố liên miên và trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Cạnh tranh địa chính trị, xung đột tôn giáo đã khiến các cơ sở quân sự, dân sự của nước này thường xuyên là đối tượng của các cuộc tấn mạng. Nhận thức được xu hướng này, Israel đã coi trọng ANM, tập trung phát triển công nghiệp ANM, đồng thời nâng ANM lên tầm chiến lược quốc gia.
Sau khi thành lập (1948), Israel đã theo đuổi việc phát triển sản xuất công nghiệp quân sự hiện đại. Lệnh cấm vận vũ khí của Pháp đối với Israel sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 (cuộc chiến giữa Israel và liên minh các nước Ai Cập, Jordan và Syria) là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển thiết bị quân sự của Israel. Kể từ đó, Israel coi việc xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng độc lập là ưu tiên sống còn. Việc tập trung vào R&D khoa học & công nghệ quốc phòng được tập trung đầu tư, vũ khí mạng được xem là một nhánh quan trọng của R&D quốc phòng. Cuối những năm 1980, Israel tái tổ chức ngành công nghiệp quốc phòng, một lượng lớn nhân viên bị sa thải đã gia nhập vào thị trường dân sự. Công nghệ quốc phòng bắt đầu tràn sang lĩnh vực dân sự, đặt cơ sở về nguồn nhân lực và tri thức cho sự phát triển của ngành ANM của Israel.
Về nghiên cứu khoa học, năm 1969, Israel đã thành lập Văn phòng của Nhà khoa học hàng đầu (OCS: Office of the Chief Scientist) nhằm thúc đẩy R&D của các doanh nghiệp tư nhân. Năm 1984, Israel thông qua “Luật khuyến khích R&D công nghiệp” (Israel’s Encouragement of Research and Development Law) nhằm cải cách tiền bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích các công ty Israel đầu tư vào các dự án R&D. Được kích thích bởi chính sách này, cuối những năm 1980, ngành công nghiệp phần mềm của Israel đã phát triển nhanh chóng, gián tiếp kích hoạt làn sóng khởi nghiệp đầu tiên ở Israel, giá trị sản phẩm tăng từ dưới 1 triệu USD năm 1980 lên 350 triệu USD năm 1990; thể hiện sự quan tâm đối với phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực dân sự.
Sự xuất hiện của các mối đe dọa ANM cũng đẩy nhanh tốc độ đầu tư của Israel vào lĩnh vực ANM. Tháng 10 năm 1987, một sinh viên Israel đã phát hiện ra một loại virus có thể xóa dữ liệu máy tính theo ý muốn. Giải pháp xung quanh virus máy tính này đã trực tiếp thúc đẩy sự ra đời của các công ty ANM sơ khai của Israel. Cuối những năm 1980, Israel đã thành lập một số công ty phát triển phần mềm diệt virus và bảo mật thông tin, ngành ANM sơ khai đã xuất hiện.
Giai đoạn khởi nghiệp (những năm 1990): Đầu những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã, một số lượng lớn các kỹ sư gốc Do Thái cao cấp đã quay về Israel. Để giải quyết vấn đề việc làm của số người này, chính phủ Israel đã khởi động chương trình vườn ươm công nghệ vào năm 1991, hàng năm đầu tư khoảng 30 triệu USD cho R&D công nghệ, từ đó đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ cao Israel.
Để hấp thụ vốn nước ngoài hơn nữa, chính phủ Israel tích cực phát triển vốn mạo hiểm. Năm 1985, Athena, công ty quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên được thành lập, bắt đầu quá trình đầu tư vốn mạo hiểm vào Israel. Sáng kiến Yozma do chính phủ Israel đưa ra vào năm 1993 đã cung cấp các ưu đãi về thuế cho vốn mạo hiểm nước ngoài ở Israel, điều này đã khuyến khích nhiều vốn xã hội, đặc biệt là các tổ chức tài chính nước ngoài nổi tiếng, tham gia vào thị trường vốn mạo hiểm của Israel. Được thúc đẩy bởi sáng kiến Yozma, tổng số quỹ đầu tư mạo hiểm ở Israel đã tăng 60 lần trong 10 năm, vốn bên ngoài đã chảy mạnh vào ngành công nghiệp công nghệ cao của Israel.
Trong bối cảnh đó, công ty ANM Checkpoint được thành lập vào năm 1993, huy động được số vốn chào bán lần đầu ra công chúng khổng lồ là 67 triệu USD chỉ trong ba năm. Checkpoint cũng đã nuôi dưỡng một thế hệ các nhà đầu tư, nhà sáng lập và giám đốc điều hành, hoạt động như một vườn ươm cho sự phát triển của ngành ANM Israel.
Giai đoạn điều chỉnh (những năm 2000-2010):
Sự cố “911” xảy ra năm 2001 và sự xuất hiện của những mã độc như Slammer khiến Israel nhận thức được rằng Internet có sức tàn phá bất đối xứng. Tháng 12/2002, chính phủ Israel thông qua Nghị quyết Đặc biệt B/84 mang tên “Trách nhiệm bảo vệ Hệ thống máy tính của Nhà nước Israel”, công bố thành lập Cơ quan An ninh thông tin quốc gia (NISA) trực thuộc Tổng cục An ninh quốc gia Israel (Shin Bet), chịu trách nhiệm giám sát và tư vấn về cơ sở hạ tầng quan trọng về an ninh thông tin. Nghị quyết B/84 là tài liệu chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia đầu tiên trên thế giới, Cơ quan An ninh Thông tin quốc gia Israel cũng là cơ quan chuyên trách về không gian mạng đầu tiên trên thế giới. Nghị quyết này trở thành điểm khởi đầu cho việc xây dựng hệ thống ANM quốc gia của Israel.
Các cuộc tấn công mạng liên tiếp ở Estonia năm 2007 và Gruzia năm 2008 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với chính phủ Israel và việc phát triển ngành ANM trở thành ưu tiên quốc gia. Sự sụp đổ của bong bóng chứng khoán công nghệ toàn cầu bắt đầu từ năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động mạnh đến ngành đầu tư mạo hiểm của Israel, ngành công nghiệp ANM Israel bước vào giai đoạn điều chỉnh, các công ty an ninh mạng tăng chậm hơn (chỉ khoảng 40 công ty ANM ra đời như PaloAlto Networks, Imperva).
Giai đoạn phát triển (những năm 2010 - 2019):
Sự cố mã độc Stuxnet năm 2010 đã bình thường hóa các cuộc tấn công mạng cấp nhà nước giữa Israel và Iran. Trong bối cảnh đó, Israel thực hiện chính sách “ANM là trên hết” và phát triển mạnh mẽ ngành ANM để tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia. Nghị quyết “Nâng cao năng lực không gian mạng quốc gia” (số 3611) do chính phủ Israel ban hành năm 2011, quy định Cục không gian mạng quốc gia Israel (INCB - Israel National Cyber Bureau) cần “đầu tư nguồn lực” cho lĩnh vực công nghệ mạng; liên tiếp ban hành một số chính sách khuyến khích như: Chương trình KIDMA (trong tiếng Do Thái là viết tắt của “Thúc đẩy R&D không gian mạng”) năm 2013 và KIDMA 2.0 năm 2016, Chương trình thúc đẩy ngành công nghiệp ANM trong ba năm (2018) đã đầu tư tài chính của chính phủ nhằm thúc đẩy ngành ANM phát triển.
Vụ mã độc Stuxnet cũng khiến các nhà đầu tư toàn cầu nhận thức được sức mạnh mạng hàng đầu của Israel, do đó dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào Israel nhiều hơn, trực tiếp thúc đẩy ngành ANM nước này. Từ năm 2010 đến năm 2019, hơn 300 công ty ANM mới được thành lập; vốn tư nhân được huy động bởi ngành ANM tăng 2300%; các vụ mua lại công ty đạt tổng cộng 10 tỷ USD, chiếm 15% tổng số vụ mua lại công nghệ cao ở Israel; xuất khẩu lĩnh vực ANM tăng 600% trong thập kỷ này, đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2019.
Giai đoạn tăng trưởng (từ năm 2019 đến nay): Dịch COVID-19 đã thúc đẩy làm việc trực tuyến, nhu cầu về ANM tăng cao, ngành ANM Israel bước vào làn sóng phát triển mới. Sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt trong thị trường ANM đã thúc đẩy các công ty Israel bước vào giai đoạn chuyển đổi và điều chỉnh, tung ra các sản phẩm và dịch vụ bảo mật mới. Ví dụ: Checkpoint coi công nghệ trí tuệ nhân tạo là công cụ chính trong cuộc chiến chống lại các kiểu tấn công mới; Radware đang phát triển các sáng kiến để tăng cường bảo mật đám mây...
Sự cố phần mềm gián điệp NSO Pegasus bị phanh phui (tháng 7/2021) đã tác động nhất định đến sự phát triển của ngành ANM Israel. Israel vốn luôn áp dụng quy định xuất khẩu vũ khí quân sự đối với xuất khẩu công nghệ ANM (các nhà sản xuất phải được Bộ Quốc phòng Israel cấp giấy phép xuất khẩu mới được bán công cụ tấn công mạng ra nước ngoài).
Sau sự cố phần mềm gián điệp Pegasus, cuối năm 2021, chính phủ Israel đã tiến hành đánh giá chính sách xuất khẩu ANM, ban hành hướng dẫn xuất khẩu công nghệ nghiêm ngặt, giảm đáng kể danh sách các quốc gia đủ điều kiện mua công nghệ của Israel, do đó đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ ANM của nước này.
Hệ sinh thái ngành ANM Israel
Ngành công nghiệp ANM của Israel không chỉ dựa vào “bàn tay vô hình” của thị trường, mà quan trọng hơn là được hưởng lợi từ mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ, quân đội, ngành công nghiệp và giới học thuật.
Các chính sách của chính phủ: Chính phủ Israel đã ban hành một loạt chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành ANM. Một là kích thích mạnh mẽ R&D: Chính phủ Israel đã sử dụng các công cụ chính sách như luật pháp, trợ cấp và thuế để thúc đẩy toàn bộ vòng đời sản phẩm công nghệ ANM; chính phủ chịu phần lớn chi phí R&D, giúp giảm đáng kể gánh nặng cho các công ty khởi nghiệp.
Hai là kích thích nhu cầu: Chính phủ Israel quy định các cơ quan chính phủ dành 8% ngân sách cho ANM, khiến nhu cầu ANM của chính phủ chiếm hơn một nửa thị phần. Ba là thực hiện marketing chính phủ: Tổng cục Không gian mạng quốc gia Israel (INCD - Israel National Cyber Directorate), Cục quản lý đổi mới, Bộ Kinh tế & Công nghiệp và các đại sứ quán trên khắp thế giới là những “người tiếp thị” quan trọng nhất cho các sản phẩm ANM của Israel; trong đó INCD đóng vai trò là “cửa ngõ tiếp cận khách hàng quốc tế của ngành ANM”, vận hành một số nền tảng số để chia sẻ kiến thức và quảng bá sản phẩm (như Nền tảng chia sẻ thông tin về mối đe dọa mạng Cybernet, Nền tảng dịch vụ bảo mật mạng cho đại dịch COVID-19 Marketplace); ký thỏa thuận hợp tác ANM với hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế, đứng thứ hai trên thế giới.
Kinh nghiệm quân sự: Quân đội Israel cung cấp một lượng lớn nhân tài, công nghệ và kinh nghiệm quân sự, đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển chất lượng cao của ngành ANM Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông qua hàng loạt chương trình tuyển chọn nhân tài như Atuda (dự bị học thuật), Talpiot (chương trình đào tạo ưu tú dành cho những tân binh có khả năng học tập xuất sắc trong các ngành khoa học), Magshimim (chương trình đào tạo ANM ở trường trung học), Gvahim (hướng dẫn kỹ năng cần thiết để tham gia vào thị trường việc làm), đã nuôi dưỡng các tài năng toàn diện về ANM.
Nhiều năm qua, các nhân viên nghỉ hưu của Đơn vị 8.200 thuộc IDF đã thành lập hơn 1.000 công ty công nghệ cao như Checkpoint, Palo Alto, CyberArk. Quân đội Israel đã phát triển kỹ năng quân sự và định hình đạo đức làm việc cho các nhân tài ANM. Sự tham gia rộng rãi của quân đội khiến các sản phẩm ANM của Israel có các đặc trưng lưỡng dụng quân sự - dân sự mạnh mẽ. Tận dụng danh tiếng của Israel về công nghệ bảo mật, các nhà tiếp thị thường nhấn mạnh “đã được quân đội Israel thử nghiệm thực chiến” như một bí quyết bán hàng và đảm bảo chất lượng.
Nguồn nhân lực ANM chất lượng cao: Nguồn nhân tài dồi dào trở thành cơ sở cho phát triển ngành ANM của Israel và là nguồn thu hút vốn đầu tư quốc tế. Chính phủ Israel dành nhiều đầu tư cho giáo dục nhân tài ANM. Thông qua một khoản đầu tư tài chính lớn, Israel định hướng giáo dục ANM từ giai đoạn tiểu học, đưa ANM vào kỳ thi tuyển sinh cấp 3, phổ cập chuyên ngành ANM trong các trường cao đẳng, đại học và thành lập các trung tâm nghiên cứu ANM. Israel cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực ANM.
Bên cạnh đó, Isreal có sự bổ sung liên tục từ những người nhập cư có chuyên môn từ nước ngoài. Sự “trở về” của các tài năng kỹ thuật Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đã trở thành nguồn lực quan trọng của Israel, trong số đó có các tài năng kỹ thuật từ các nước thuộc Liên Xô cũ. Theo dữ liệu từ Bộ Nhập cư Israel, trong 10 năm kể từ năm 1989, tổng cộng 1 triệu người nhập cư từ Liên Xô cũ đã “quay về” Israel. Hiện tại, “làn sóng Aliya” của người Do Thái toàn cầu “trở lại” Israel vẫn đang tiếp tục củng cố nền tảng nhân tài công nghệ cao của Israel và liên tục bổ sung “dòng máu mới” cho ngành ANM của nước này.
Ngoài ra, các công ty nổi tiếng thế giới như Cisco, EMC, Google, Microsoft, IBM, Oracle, Deutsche Telekom, Lockheed Martin ... đã tuyển dụng một số lượng lớn nhân tài trong nước, sau đó đào tạo thực tiễn và các kiến thức mang tầm quốc tế cho các tài năng ANM ở Israel.
Thúc đẩy nguồn vốn đầu tư: Người Israel rất nhạy bén trong vấn đề kinh doanh, không ngừng thu hút vốn toàn cầu để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư mạo hiểm là nguồn vốn chính cho các công ty công nghệ của Israel. Trong mười năm qua, tổng đầu tư mạo hiểm hàng năm vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Israel gấp 4 lần tổng ngân sách đổi mới do chính phủ hỗ trợ, trong đó vốn mạo hiểm nước ngoài chiếm 85% và Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh, Canada là là nguồn vốn chính của Israel.
Israel kiểm soát tương đối lỏng lẻo đối với thị trường vốn, do đó có thể dễ dàng thu hút công ty đa quốc gia thành lập công ty ở Israel. Hiện có hơn 30 công ty đa quốc gia như AT&T, Dell, Intel, Oracle, IBM đã thành lập các trung tâm R&D liên quan đến ANM tại Israel. Thị trường nội địa của Israel tương đối nhỏ, do đó nước này có xu hướng phát triển ra thị trường nước ngoài. Trong những năm gần đây, tổng giá trị xuất khẩu ANM của Israel vào khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, vượt qua giá trị xuất khẩu thiết bị quân sự truyền thống.
Hỗ trợ của bên thứ ba: Giới học thuật, hiệp hội ngành và các vườn ươm công nghệ là những hỗ trợ quan trọng cho phát triển ngành ANM. Thông qua hợp tác nghiên cứu, giới học thuật của Israel đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa ngành công nghiệp Israel và phần còn lại của thế giới. Năm 1996, Israel tham gia Chương trình Nghiên cứu và Đổi mới của EU (EU’s Research and Innovation Programme) với tư cách là thành viên duy nhất không thuộc châu Âu, tạo điều kiện cho các nhà khoa học Israel thường xuyên tham gia vào “Chương trình khung thứ bảy” (FP7 - Seventh Framework Programme), “Horizon 2020” và “Horizon” của châu Âu. Israel đã nhận được 1,06 triệu USD tài trợ theo FP7 chỉ riêng từ năm 2007 đến 2013 và 597 triệu USD tài trợ khác từ năm 2014 đến 2017 theo chương trình Horizon 2020.
Các hiệp hội ngành có nhiều đóng góp cho phát triển ngành ANM Israel. Ví dụ, Viện Hợp tác Quốc tế và Xuất khẩu Israel ( IEICI - Israel Export and International Cooperation Institute) đại diện cho hơn 250 công ty ANM Israel, hàng năm tiếp đoàn của các tổ chức chính phủ và công ty từ nhiều quốc gia khác, với mục đích tối đa hóa hợp tác kinh doanh với thị trường nước ngoài. Quỹ Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Israel - Hoa Kỳ (BIRD - Israel - U.S. Binational Industrial Research and Development) chủ yếu gây quỹ cho các dự án mới của các công ty hợp tác giữa Mỹ và Israel, đã cải thiện đáng kể uy tín của các công ty công nghệ cao Israel tại Mỹ và củng cố mối quan hệ giữa Israel và ngành công nghiệp Mỹ.
Hơn nữa, Israel có một lượng lớn các chương trình vườn ươm để giúp các công ty khởi nghiệp thâm nhập thị trường. Chẳng hạn như Công ty đối tác liên doanh Jerusalem (JVP) giúp các công ty đang phát triển chuyên về ANM, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Công ty đầu tư mạo hiểm Israel OurCrowd cung cấp dịch vụ huy động vốn cho các công ty ANM mới thành lập bằng cách mời các nhà đầu tư có uy tín.
Phân tích trường hợp CyberSpark
CyberSpark là một trung tâm đổi mới đồng sáng lập bởi Cơ quan Không gian mạng Quốc gia Israel, Chính quyền Thành phố Beersheba, Đại học Ben Gurion và các công ty ANM hàng đầu. Là khu sinh thái công nghiệp ANM do chính phủ Israel đầu tư, CyberSpark được xây dựng trên sa mạc Negev cằn cỗi nhưng đã thiết lập được một hệ thống chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh.
Cùng xây dựng và cùng chia sẻ: CyberSpark tạo ra mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi giữa chính phủ, quân đội, giới học thuật và các công ty công nghệ. Ở cấp chính phủ, chính phủ Israel cung cấp khoảng 20 triệu shekel (hơn 6 triệu USD) tài trợ mỗi năm và cung cấp các khoản giảm thuế lương cho nhân viên trong tối đa 7 năm cho mỗi công ty công nghệ cao thành lập.
Về quân đội, Lực lượng Phòng vệ Israel đã chuyển toàn bộ 25.000 binh sĩ từ Đơn vị 8.200 và các cơ quan tình báo, kỹ thuật khác đến Beersheba, những người lính đã nghỉ hưu có thể trực tiếp chuyển sang khu công nghiệp để khởi nghiệp. Về mặt học thuật, Đại học Ben-Gurion nằm liền kề với khu công nghiệp, cung cấp những tài năng chất lượng cao cho khu công nghiệp, đồng thời giúp thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ ANM cho nhân viên.
Về các công ty công nghệ, CyberSpark đã thu hút một số lượng lớn các công ty vừa và nhỏ và các công ty đa quốc gia, chẳng hạn như Deutsche Telekom, PayPal, Oracle, Lockheed Martin, EMC, IBM và những gã khổng lồ khác thành lập các trung tâm R&D ANM trong công viên.
Cùng tham gia đổi mới: CyberSpark cung cấp cơ sở hạ tầng dùng chung hoàn chỉnh, các đối tác khác tham gia chia sẻ, bao gồm: cùng Đại học Ben-Gurion thành lập trung tâm nghiên cứu chung; cùng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia (CERT-IL) xây dựng trung tâm phân tích; thành lập một trung tâm đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, một trung tâm đổi mới sáng tạo và một vườn ươm để hỗ trợ phát triển các dự án mới. CyberSpark cũng cung cấp các khóa học, câu lạc bộ và các hoạt động cộng đồng để các bên cùng trao đổi ý tưởng, chuyên môn, nhu cầu tiêu dùng và cơ hội hợp tác.
Trình diễn thí điểm: Sau khi hoàn thành, CyberSpark đã thu hút nhiều dự án hợp tác R&D, đặc biệt một số ngành trọng điểm đã thành lập phòng thí nghiệm trong công viên để giới thiệu, kiểm tra các kịch bản ANM. Chẳng hạn như Bộ Năng lượng Israel thành lập phòng thí nghiệm để thử nghiệm các hệ thống điều khiển công nghiệp; do Bộ Giao thông Israel thành lập nền tảng đổi mới mạng lưới giao thông vận tải. Một số bệnh viện cũng thành lập các dự án trong công viên để kiểm tra sự an toàn của thiết bị y tế. CyberSpark cho phép tất cả mọi ý tưởng sáng tạo; thậm chí đã thành lập dự án Globslmepic, tập hợp 17 công viên sinh thái trên khắp thế giới để tăng cường giao tiếp giữa các công viên sinh thái.
Bàn luận
Gần đây, lĩnh vực bảo mật, ANM trong nước đã được quan tâm đầu tư và đã có những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, so với ngành ANM ở các nước phát triển trên thế giới, chúng ta vẫn còn một khoảng cách nhất định. Các sản phẩm và dịch vụ ANM trong nước còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng chưa ngang tầm quốc tế.
Việc phát triển ngành công nghiệp ANM Việt Nam hiện nay, hướng tới tự chủ trong lĩnh vực này, là một yêu cầu cấp thiết, quan trọng đặt ra trong bối cảnh các mối đe dọa ANM ngày càng tinh vi, cạnh tranh trong không gian mạng ngày càng quyết liệt. Về vấn đề này, Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của Israel để xây dựng chiến lược phát triển ngành ANM phù hợp với tình hình đất nước, trong đó nên tập trung vào 4 chính sách chính sau:
- Tăng cường quy hoạch, định hướng chiến lược để hình thành hệ sinh thái ANM;
- Tăng cường bảo đảm chính sách phát triển cho ngành ANM trong nước;
- Khuyến khích phong trào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo;
- Thúc đẩy hợp tác, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế.
Tài liệu tham khảo
1. “Nghiên cứu về ngành ANM của Israel”, Tạp chí An ninh thông tin Trung Quốc, Kỳ 2 năm 2023.
2. “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh, an toàn thông tin của
Israel", Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022.
3. Năng lực không gian mạng của Israel, Tạp chí điện tử An
toàn thông tin tháng 2/2022.
4. Phân tích hệ thống không gian mạng của Israel, Tạp chí điện
tử An toàn thông tin tháng 1/2023.
5. https://www.mondaq.com/corpora...
of-israels-rd-law-and-funding-by-the-office-of-the-chief-
scientist
6. https://www.yozma.com/
7. https://www.reuters.com/articl...
idUSKBN1L00VE
8. https://www.eeas.europa.eu/nod...
9. https://www.birdf.com/
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2023)