Cán bộ lao động trẻ với văn hóa doanh nghiệp VNPT

03/11/2015 20:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực tế chứng minh rằng, văn hóa DN tồn tại và tiềm ẩn trong DN như một nguồn năng lượng nội sinh, một hệ giá trị bền vững và để khơi dậy sức mạnh đó, cần có cả một quá trình, một môi trường và sự tác động phù hợp.

Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp (DN), văn hóa kinh doanh đối với sự phát triển bền vững của DN. Tuy nhiên, việc kiến tạo và lan tỏa được các giá trị văn hóa DN đến được với người lao động, để người lao động thấm, ngấm và hành động theo các chuẩn mực giá trị văn hóa riêng của DN vẩn luôn là một thách thức lớn. Thực tế chứng minh rằng, văn hóa DN tồn tại và tiềm ẩn trong DN như một nguồn năng lượng nội sinh, một hệ giá trị bền vững và để khơi dậy sức mạnh đó, cần có cả một quá trình, một môi trường và sự tác động phù hợp.

VĂN HÓA DOANH NGHIỆP - NGUỒN NĂNG LƯỢNG NỘI SINH

Văn hóa DN là tổng hòa các nhân tố văn hóa được doanh nghiệp chọn lọc, kiến tạo và biểu hiện trong mọi mặt hoạt động của đời sống DN. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về vốn, công nghệ, nhân lực, tài sản... mà còn cạnh tranh và chiến thắng bằng văn hóa DN. Chính vì thế, văn hóa DN không đơn thuần chỉ là các hoạt động phong trào bề nổi mà còn là nền tảng phát triển bền vững của DN, với sức lan tỏa mạnh mẽ.

Văn hóa DN gồm nhiều yếu tố hợp thành: Triết lí kinh doanh, tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi, các tập tục, lễ nghi, cách thức quản trị, điều hành, giáo dục, đào tạo thậm chí cả các truyền thuyết, giai thoại... tất cả những yếu tố đó tạo ra một phong cách/phong thái, dấu ấn, bản sắc riêng cho DN. Bản sắc văn hóa đó không chỉ là “bộ gen“ mà còn là tấm căn cước để nhận diện, phân biệt DN này với DN khác. Thực tiễn chứng minh, văn hóa DN là một nguồn năng lượng nội sinh và có vị trí vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi DN. Đó chính là nguồn cảm hứng để liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng nguồn lực riêng lẻ.

ĐI TÌM DẤU ẤN, BẢN SẮC VÀ SỰ KHÁC BIỆT

Công nghệ thông tin - viễn thông luôn được xem là một lĩnh vực năng động, sáng tạo, đổi mới không ngừng. Sự thay đổi như vũ bão của các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ trên thế giới; sự du nhập ồ ạt của các sản phẩm, dịch vụ hiện đại; quá trình hợp tác và giao thương quốc tế là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa DN, văn hóa kinh doanh, văn hóa quản tri của các DN ICT - một nền văn hóa động, đổi mới không ngừng. Chính vì thế, văn hóa DN Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam vừa phải kế thừa phát huy các giá trị truyền thống, dân tộc, vừa phải tiếp biến các giá trị văn hóa, quản trị của ngành, lĩnh vực ICT (khác với đặc thù ngành giao thông, xây dựng, tài chính, ngân hàng, nông lâm nghiệp...), đồng thời cũng cần định hình cho mình một dấu ấn, bản sắc riêng, khác biệt với các DN ICT khác.

Trong khi đó, văn hóa DN của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) là nói đến văn hóa đổi mới, sáng tạo không ngừng, một nền văn hóa năng động, có tính kỷ luật cao, giàu giá trị nhân văn; làm việc quên mình và đến cùng; đồng cam cộng khổ, gần gũi đoàn kết với triết lí hành động: "Vietel là nhà sáng tạo với một trái tim nhân từ". Với Tập đoàn FPT, giá trị cốt lõi nhất của văn hóa được sắp xếp lại một cách có hệ thống, mạch lạc, tường minh, được gọi là "gene" của công ty, được tóm tắt trong 5 chữ: Sâu - Sáng - Tuyệt - Thông - Phong: Triết lí hoạt động, kinh doanh Sâu sắc, chủ yếu coi hiền tài là cốt lõi của mọi thành công; Lãnh đạo Sáng suốt, đổi mới, mạnh mẽ ở mọi cấp; Chất lượng sản phẩm, dịch vụ Tuyệt hảo, thõa mãn khách hàng ngoài sự mong đợi của họ; Thông tin Thông suốt, đáp ứng mọi mục tiêu và hỗ trợ tác nghiệp có hiệu quả; Cuộc sống tinh thần và hoạt động của công ty Phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu về văn nghệ, thể thao tốt nhất cho cán bộ công nhân viên...

Đối với việc nghiên cứu, xây dựng Văn hóa DN Tập đoàn VNPT, cần thiết phải được nghiên cứu trong bối cảnh của thời đại, đặc thù của ngành/ lĩnh vực và trên hết đặt bên cạnh các đối thủ cạnh tranh thì mới biết chúng ta là ai, chúng ta đang ở đâu, chúng ta cần phải làm gì, đâu là sự khác biệt, đâu là sự tiếp biến và đâu là những giá trị cần học hỏi.

Những điều trăn trở...

Thực tế, thời gian vừa qua, Lãnh đạo Tập đoàn VNPT rất quan tâm đến vấn đề xây dựng Văn hóa DN. Từ cấp độ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên đều đã xây dựng được hệ thống các giá trị văn hóa DN từ triết lí kinh doanh, tầm nhìn, sứ mệnh đến các nội quy ứng xử nội bộ cũng như với đối tác, khách hàng. Tuy nhiên, chuyển tải được các giá trị văn hóa cốt lõi đến được với người lao động, đặc biệt, để người lao động hiểu được, ngấm được và hành động theo chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp VNPT là một thách thức lớn. Từ góc độ một cán bộ lao động trẻ, người viết mạnh dạn chia sẻ một số ý kiến trên quan điểm cá nhân như sau:

1.Cần kiến tạo và lan truyền được giá trị, bản Sắc văn hóa DN VNPT. Đây là giá trị cốt lõi, là 1 sự khác biệt, phân biệt VNPT với các đơn vị khác. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, đặc biệt - . trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ Tập đoàn khi được Chính phủ phê duyệt sẽ có những giá trị cũ mất đi, có những giá trị mới được hình thành. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa DN VNPT với sức mạnh từ truyền thống vẫn tồn tại và đấy chính là nền tảng, điểm tựa, là3 lực đẩy giúp VNPT vượt qua giai đoạn đầy khó khăn.

2.Cần phải cụ thể hóa các giá trị văn hóa DN đến người lao động với các hình thức phong phú như ban hành quy tắc ứng xử, sổ tay văn hóa, quy định nghiệp vụ chuyên môn về quy trình, trách nhiệm, thái độ ứng xử trong công việc.... Tuy nhiên, ngoài những nội quy, quy phạm mang tính chất "đóng khung'' cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố tinh thần -giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Sức mạnh văn hóa doanh nghiệp nằm ở yếu tố "mở', là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, là bầu nhiệt huyết sôi trào, khích lệ người lao động không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo, làm việc gấp ba, gấp năm, cống hiến hết mình cho đơn vị. Nhận thức xây dựng văn hóa không chỉ là các hoạt động phong trào và của các tổ chức chính trị xã hội hay "ban văn hóa" của Tập đoàn. Văn hóa DN phải được lan tỏa trong từng hơi thở, tiếng nói, nụ cười của đời sống DN, thành các hoạt động mang tính tự giác, tự thân đối với mỗi cá nhân thì mới hy vọng xây dựng thành công văn hóa DN.

3.Có một thực tế là, ý thức được vai trò quan trọng của văn hóa DN, nhiều đơn vị dành một nguồn kinh phí rất lớn, đầu tư công sức, nhân lực, thậm chí thuê các đơn vị tư vấn bên ngoài với một nguồn kinh phí khổng lồ để xây dựng, kiến tạo văn hóa DN. Tuy nhiên, kết quả thường là không thành công vì không phổ biến được các giá trị văn hóa hoặc có ban hành văn bản văn hóa nhưng không duy trì được. Chính vì thế, muốn xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp phải biến yếu tố "tĩnh" thành yếu tố "động', phải coi trọng hành động thực tế hơn là lí thuyết, giáo điều. Cần đẩy mạnh, khuyến khích và đa dạng hóa các hình thức triển khai văn hóa doanh nghiệp trong đơn vị bằng các hoạt động phong trào, sự kiện, tổ chức các lớp học, tập huấn, hội thảo, giao lưu; tổ chức các cuộc thi, giải thưởng bằng hình thức sân khấu hóa, lồng ghép trong các chương trình sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, các hoạt động về nguồn, gặp mặt các nhân chứng lịch sử... Và thêm một điểm mấu chốt trong việc triển khai thành công văn hóa DN chính là vai trò của lực lượng đoàn viên, thanh niên, cán bộ lao động trẻ. Xuất phát từ những người lãnh đạo nhưng văn hóa DN phải được lan toả đến người lao động, đặc biệt là người trẻ bởi lẽ, khi người ta trẻ, người ta luôn sẵn sàng xung kích, tình nguyện, tiên phong trong công việc; khi người ta trẻ, người ta giàu ước mơ, hoài bão, khát khao cống hiến, kiến tạo và lan tỏa những giá trị bền vững, tốt đẹp, nhân văn. Hãy đặt niềm tin yêu vào những người trẻ...


Phan Hoài Nam

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ lao động trẻ với văn hóa doanh nghiệp VNPT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO