Cần có các giải pháp đột phá để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Minh Tiến| 26/08/2022 11:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, đột phá, trước hết là triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch, đánh giá việc thực hiện và đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ…

Ngành du lịch đã đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng sau đại dịch

Theo Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch (VH-TT&DL), sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 đến nay, ngành du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đã đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt), 733.000 lượt du khách quốc tế. Tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp (DN) lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại, với 2.563 DN lữ hành quốc tế, 1.060 DN lữ hành nội địa.

Sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài. Việc làm mới, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch được đẩy mạnh. Hoạt động liên kết phát huy hiệu quả nhất là kết nối giữa các trung tâm du lịch (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…) với các điểm đến lân cận.

Đây là cơ hội để phát triển du lịch bền vững mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường.

Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL cho biết, ngành du lịch cũng đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng. Tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam chưa thuận lợi bằng những quốc gia khác. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp, quảng bá du lịch quốc tế đang ở mức độ rất hạn chế.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, rất cần tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế liên quan đến các quy định xuất nhập cảnh, quá cảnh, lưu trú để thuận lợi hơn cho du khách quốc tế; lập văn phòng đại diện du lịch ở một số thị trường trọng điểm; cơ chế liên kết phát triển du lịch giữa các ngành, các địa phương trong vùng; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để du lịch phục hồi bền vững sau dịch bệnh COVID-19, bên cạnh du lịch nội địa cần có các biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng khách quốc tế nhằm tiếp tục giữ và nâng chất lượng dịch vụ du lịch, đủ khả năng cạnh tranh với các nước khác. Ông Vũ Thế Bình đề xuất thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của các hiệp hội, nòng cốt là các DN du lịch lớn, tại một số thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ của Đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…

Về vấn đề cấp thị thực nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, hiện Bộ Công an đã cấp thị thực điện tử cho công dân của khoảng 80 quốc gia, miễn thị thực cho 25 quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điểm cốt yếu là tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực điện tử cho du khách như rút ngắn thời gian, gia hạn thời gian lưu trú… Hơn nữa, trước tình hình thiếu nhân lực cho các cơ sở dịch vụ, lưu trú du lịch, thời gian tới cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, nhất là tại các cơ sở lưu trú 2 sao, 3 sao, về kỹ năng mềm, thái độ phục vụ, ngôn ngữ giao tiếp, chú ý ứng dụng mạnh mẽ công nghệ.

Về vấn đề cơ cấu tính giá điện cho dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch, tại cuộc họp bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch, đánh giá việc thực hiện và đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết 08-NQ/TW), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng trước khi quyết định điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; đồng thời, Bộ VH-TT&DL, các hiệp hội, DN du lịch phải chủ động nghiên cứu, đề xuất rất cụ thể về chính sách ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VH-TT&DL rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của các hộ kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ đó kiến nghị hỗ trợ phù hợp; chủ động phối hợp, hỗ trợ các nhóm DN du lịch nòng cốt hình thành các tuyến du lịch trọng điểm liên kết giữa các địa phương; khởi động lại hoạt động số hoá di sản với sự tham gia của DN du lịch để phục vụ các sản phẩm du lịch mới.

Cần có các giải pháp đột phá để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước, 733.000 lượt du khách quốc tế.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã trao đổi một số điểm được các đại biểu Quốc hội nêu lên trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử.

Theo Phó Thủ tướng, để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có một số giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên, nhiều giải pháp đã được xác định nhưng quá trình thực hiện còn chậm, chưa quán triệt đầy đủ tinh thần "du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Phó Thủ tướng nêu một số ví dụ cụ thể như việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch nhưng phải mất 5 năm, 1 tháng Bộ Tài chính mới ban hành được thông tư hướng dẫn. Hay việc đẩy mạnh cải tiến, thực hiện cấp thị thực (visa) điện tử, miễn visa thì cũng còn có ý kiến khác nhau. Giá điện đang được tính trên nguyên tắc ưu tiên cho sản xuất công nghiệp nên giá điện sản xuất thấp hơn giá điện cho dịch vụ, nhưng đến nay dù chúng ta xác định ưu tiên phát triển dịch vụ thì vẫn chưa có phương án cụ thể cho du lịch và các ngành dịch vụ.

"Nếu đã xác định du lịch đúng là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Du lịch cần sự phối hợp của các bộ, ngành, nhất là sự hưởng ứng, tham gia trực tiếp của người dân để cải thiện môi trường du lịch, để xoá những nỗi sợ của du khách nước ngoài, du khách trong nước…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng phải có sự đầu tư ban đầu từ ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế huy động nguồn lực từ DN, xã hội.

Phó Thủ tướng chia sẻ phản ánh của nhiều đại biểu Quốc hội về tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, nhất là di tích lịch sử cách mạng. Mặc dù Bộ VH-TT&DL đã rất nỗ lực, có nhiều chương trình làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, tuy nhiên, nhu cầu vốn tu bổ, sửa sang các di tích lịch sử, trong đó có di tích lịch sử cách mạng, luôn luôn trong tình trạng thiếu và rất thiếu. Các quy trình, thủ tục rất phức tạp.

"Thậm chí, có quy định rồi nhưng nếu cơ quan quản lý, chính quyền địa phương không cẩn thận, sát sao thì sau khi trùng tu, di tích có thể to hơn, hoành tráng hơn nhưng không còn là di tích. Ngược lại, nếu quy trình, thủ tục thông thoáng hơn, có kinh phí tu sửa sớm hơn thì không mất di tích", Phó Thủ tướng lưu ý.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần có các giải pháp đột phá để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO