Cần có “nhạc trưởng” dẫn dắt để chuyển đổi số thành công

Hà Thanh| 01/02/2022 11:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khẳng định về chuyển đổi số là con đường tất yếu của Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi xin lưu ý phải đào tạo trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp, không đào tạo đồng loạt hoặc chung chung như giai đoạn trước đây. Cần có những lớp đào tạo cấp tốc, chuyên sâu, lớp chuyển đổi số kỹ thuật cao cấp.

PV: Chuyển đổi số được xem là bước ngoặt lịch sử mà cuộc Cách mạng 4.0 mang lại để Việt Nam bứt phá phát triển. Nhưng Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay bỏ lỡ, như đã xảy ra ở các cuộc Cách mạng công nghiệp lần trước, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Chuyển đổi số là thay đổi cả một phương thức kinh doanh, chuyển đổi từ dữ liệu, nhân sự, tài sản, vật tư, thông tin... sang số hóa toàn bộ. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tiếp tục tập hợp trên data dữ liệu của mình để sử dụng vào mục sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phục vụ thị trường nội địa hoặc liên doanh, liên kết.

Chính phủ cũng đã đề ra, đó là có một bước đi cho kinh tế số, chính phủ số, doanh nghiệp số, xã hội số trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm tới. Nếu chúng ta không tận dụng được thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, như vậy sẽ rất “lãng phí”. Tuy nhiên, chuyển đổi số có 2 vấn đề.

Thứ nhất, với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năng lực, trình độ, nhân lực, cơ sở hạ tầng phần cứng về hạ tầng số, IT... còn rất khó khăn cùng với kinh phí ít ỏi. DNNVV phải có bước đi riêng, chúng ta cần chọn lĩnh vực số nào cần thiết nhất cho doanh nghiệp thì tiến hành dần để sau đó nhân rộng.

Thứ hai, với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có thể làm nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn ở tất cả các lĩnh vực. Từ nhân sự, quản trị doanh nghiệp cho đến trao đổi dữ liệu, xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết...

Như vậy, mỗi loại doanh nghiệp cần có những bước đi khác nhau. Và chuyển đổi số không chờ đợi bất kỳ một doanh nghiệp nào, nếu để mất cơ hội thì sẽ bị tụt hậu về năng suất lao động, thông tin thị trường, dữ liệu số, khách hàng mua và khách hàng bán...

Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy năng suất lao động của doanh nghiệp cao lên, giá thành hạ xuống, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tốt hơn. Do đó, nhận thức được chuyển đổi số là một chuyện, còn hành động với chuyển đổi số lại là vấn đề khác. Chính phủ đã có chương trình rất cụ thể cho từng bước đi trong chuyển đổi số.

Về phía doanh nghiệp cũng phải xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số cho mình một cách khoa học, chắc chắn tùy theo loại hình doanh nghiệp nhỏ hay lớn trong giai đoạn tới. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong chuyển đổi số, như phát triển công nghệ thông tin, hạ tầng có rất nhiều tiến bộ, có nhiều tập đoàn lớn có năng lực và thế mạnh tài chính, nhân lực, như: FPT, Viettel, Vingroup, Vinamilk, Hòa Phát...

Với các doanh nghiệp nhỏ tuy có những khó khăn hơn nhưng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ bắt nhịp được với chuyển đổi số của khu vực, chúng ta phấn đấu đứng top đầu ASEAN về chuyển đổi số thì sẽ là một bước tiến rất tốt. Nếu chuyển đổi số được 70% cũng sẽ đem lại một bước tiến mới trong năng suất lao động, xây dựng thương hiệu, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới đây.

PV: Theo ông, Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ chuyển đổi số của khu vực và thế giới?

Ông Vũ Vinh Phú: Đối với khu vực châu Á và ASEAN, Việt Nam đang đứng ở mức độ trung bình khá. Chúng ta đòi hỏi một bước cao hơn nữa thì phải có sự đầu tư về nhân lực, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, R&D, kết nối... Vừa qua Chính phủ kêu gọi phải kết nối, không để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” về dữ liệu thông tin, trừ thông tin mật. Đây là điều rất thuận lợi cho chuyển đổi số, nhưng cũng cần có thêm những chính sách để phát triển số, đặc biệt là cho DNNVV, vì các doanh nghiệp này hiện còn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số.

Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ có một bước tiến xa, nhưng nếu kỳ vọng đứng đầu khu vực và nằm trong top đầu châu Á thì cũng cần phải có thêm thời gian mới có thể tiến kịp. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải làm ngay, khi làm sẽ “vỡ ra”, nhận biết được thêm rất nhiều điều trong vấn đề này. Điều không thể thiếu là nhận thức về sự cần thiết trong chuyển đổi số, không thể dừng lại vì nếu dừng lại là tụt hậu.

PV: Trong các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, theo ông, lĩnh vực nào đang dẫn đầu về chuyển đổi số và lĩnh vực nào đang chậm chân nhất?

Ông Vũ Vinh Phú: Chuyển đổi số đi đầu tại những lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo thiết bị điện tử, công nghiệp xây dựng. Trong hệ thống thương mại cũng đã ứng dụng chuyển đổi số nhưng chỉ ở giai đoạn đầu, như mảng bán lẻ, bán buôn.

Hiện nay chuyển đổi số không đồng đều, nhưng đó là điều tất yếu. Cho nên chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp theo kịp trong giai đoạn 5 năm tới là hết sức quan trọng. Những doanh nghiệp nào đã thành công chuyển đổi số thì cần chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các doanh nghiệp đi sau. Thực tế, sự liên kết hỗ trợ nhau của các doanh nghiệp Việt Nam còn đang yếu, thiếu những “nhạc trưởng” chỉ huy trong việc trao đổi số, phát triển kinh tế số tại giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

PV: Với những cơ chế, chính sách hiện có, Chính phủ cần làm thêm gì để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Thứ nhất, Quốc hội và Chính phủ cần có sự phân công, phối hợp để đưa ra những chính sách về chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp hợp pháp, hợp hiến. Các chính sách, cơ chế chặt chẽ nhưng thông thoáng, cởi mở dễ tiến hành trong chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đặc biệt là thủ tục hành chính, trao đổi dữ liệu, liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp với nhau.

Thứ hai, có thể dùng ngân sách để hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp, không phải hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ thông qua xây dựng hạ tầng cứng, giảm lãi vay ngân hàng khi doanh nghiệp mua thiết bị máy móc phục vụ chuyển đổi số, giảm thuế phí...

Thứ ba, chuyển đổi số đòi hỏi nhà nước nước phải có “nhạc trưởng” tập hợp lại các doanh nghiệp, như hệ thống doanh nghiệp cùng hàng triệu doanh nghiệp từng bước đi lên theo kế hoạch trước mắt và lâu dài trong chuyển đổi số. Tiến độ đặt ra phải thật cụ thể để có đích phấn đấu trong từng giai đoạn. Đơn cử, đến năm 2025 chuyển đổi số sẽ đạt được ở mức độ nào trong kế hoạch đã đề ra, thay cho việc hô hào chung chung sẽ dẫn đến hiệu quả chuyển đổi số không cao.

Thứ tư, vấn đề chuyển đổi số, kỹ thuật số, thương mại điện tử rất phức tạp, cho nên hành lang luật pháp phải rõ ràng, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương phải nghiêm minh, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, mạnh dạn chuyển đổi số. Nhưng cũng cần xử lý nghiêm những vi phạm như phá hoại mạng, cản trở chuyển đổi số quốc gia, doanh nghiệp trong quá trình phát triển.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số là quá trình rất tốn kém, cần đầu tư nhiều tiền bạc, do đó sẽ tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp, tổ chức muốn tham gia. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Vinh Phú: Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tỷ USD như Hàn Quốc, Nhật Bản... do đó rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, đặc biệt là cho các DNNVV để các doanh nghiệp cùng bám sát nhau đi lên trong chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Chúng ta không bao cấp, nhưng hỗ trợ trong phạm vi Việt Nam ký cam kết FTA với các nước mà có quyền làm được thì cần tiến hành triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp. Quan trọng là phải hỗ trợ đúng địa chỉ, hỗ trợ có hiệu quả, không bị phân tán hoặc sai địa chỉ, vì nếu hỗ trợ sai địa chỉ sẽ gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực, tài chính của nhà nước, và việc chuyển đổi số bị chậm lại.

PV: Để chuyển đổi số thành công thì nhân lực luôn là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng từ trước đến nay đây luôn là bài toán mà Việt Nam chưa thể giải nổi. Vậy theo ông, để có nhân sự chất lượng cao phục vụ cho quá trình chuyển đổi số thì chúng ta cần phải làm gì?

Ông Vũ Vinh Phú: Con người là nhân tố quyết định, máy móc chỉ là một chuyện. Hiện nay chúng ta cũng đã “manh nha” có một số khu công nghệ cao, các trường đại học đã mở khoa đào tạo về công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Rõ ràng, câu chuyên nhân lực cho chuyển đổi số cần phải đặt ra sớm để cung cấp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tôi xin lưu ý phải đào tạo trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp, không đào tạo đồng loạt hoặc chung chung như giai đoạn trước đây. Cần có những lớp đào tạo cấp tốc, chuyên sâu, lớp chuyển đổi số kỹ thuật cao cấp.

Vấn đề này thuộc trách nhiệm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, trên nữa là Chính phủ. Các bộ, ngành cần có sự phối hợp để tập trung nguồn nhân lực cho chuyển đổi số thành công. Máy móc hiện đại nhưng không có bàn tay, khối óc của con người, không có kỹ năng điều khiển thành thạo, có tâm, có đức thì việc chuyển đối số cũng mất hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số quốc gia của chúng ta.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng AI hẹp
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) đã vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi. Trong quý 2 này, Bộ TT&TT sẽ đưa ra một số ứng dụng mẫu để các cơ quan nhà nước có thể áp dụng rộng rãi.
  • Alibaba sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam
    Trong thời gian chờ xây dựng, tập đoàn công nghệ Trung Quốc thuê không gian máy chủ từ các công ty viễn thông của Việt Nam.
  • CMC hợp tác cùng NVIDIA đưa TP. HCM trở thành trung tâm AI của cả nước
    Mới đây, tại Tổ hợp không gian sáng tạo CMC TP.HCM CCS, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính đã có cuộc gặp với lãnh đạo của Tập đoàn NVIDIA nhằm tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện của hai doanh nghiệp (DN).
  • Bình Thuận đề nghị hỗ trợ chuyển đổi số tại Mũi Né
    Lĩnh vực du lịch là một thế mạnh của tỉnh Bình Thuận và được xác định là một trong các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, CĐS trong lĩnh vực du lịch của Bình Thuận bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng nhất định.
  • Triển vọng khởi nghiệp tại Đông Nam Á: tạo ra các công ty có khả năng mở rộng và bền vững
    Trong năm 2024, các startup Đông Nam Á được cho là sẽ đa dạng hóa việc thu hút đầu tư thông qua huy động vốn từ cộng đồng và đầu tư xuyên biên giới. Mục tiêu sẽ là tạo ra các công ty có khả năng mở rộng và bền vững.
  • Giải pháp nào cho tổ chức, DN trước tấn công ransomware gia tăng?
    Ngoài việc lên kế hoạch cho các giải pháp phát hiện và phòng chống, các tổ chức và doanh nghiệp (DN) cần lên kế hoạch và giải pháp khôi phục lại dữ liệu trong tình huống tội phạm mạng tấn công và vượt qua tất cả các hàng rào bảo mật và phá hủy hoàn toàn hệ thống.
  • Bia Trúc Bạch kiệt tác chinh phục đỉnh cao
    Khám phá một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa. Hoa Bia Saaz quý tộc vùng Zatec một kinh nghiệm bậc thầy tạo ra hương vị tinh túy bậc nhất đẳng cấp vượt thời gian, trải nghiệm đỉnh cao hoàn mỹ. Bia Trúc Bạch kiệt tác chinh phục đỉnh cao
  • Lan tỏa kinh nghiệm, mô hình CĐS cho các cơ quan báo chí
    Trong quý I-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới.
  • Tam Đảo - điểm đến cho một không gian âm nhạc riêng
    Từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Đông Dương” - Tam Đảo luôn khiến những kẻ lãng du nao lòng bởi không gian bảng lảng sương mù lẩn khuất giữa những kiến trúc biệt thự tráng lệ. Và còn gì quyến rũ hơn, khi giữa không gian ấy lại được đắm mình trong những giai điệu trữ tình, ngọt ngào sâu lắng.
  • Hiệu quả thiết thực từ mô hình tiếp công dân trực tuyến
    Với sự phát triển của công nghệ truyền thông, họp trực tuyến, xét xử trực tuyến, tiếp công dân trực tuyến cũng đã được một số địa phương áp dụng. Việc tiếp công dân trực tuyến phần nào mang lại hiệu quả thiết thực so với tiếp công dân trực tiếp.
Cần có “nhạc trưởng” dẫn dắt để chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO