Cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tiền điện tử

02/11/2021 15:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam do vậy việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Nghị định 80/2016/NĐ-CP bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự). Số liệu thống kê từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC) - Bộ Công an, cho biết: Tại Việt Nam, người sử dụng tiền ảo ngày càng phát triển, được giao dịch công khai, ước có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia với số tiền giao dịch hằng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. 

Nhận diện một số hành vi và thủ đoạn lừa đảo tiền ảo tại Việt Nam

Theo Bộ Công an, sau một năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng về Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (25/5/2020 -25/5/2021). Số vụ lừa đảo trên đã tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 với việc đã phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, gần một nửa là lừa qua không gian mạng. Bộ Công an phân tích, do tác động của giãn cách xã hội, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng tăng và diễn biến phức tạp với hơn 2.500 vụ bị phát hiện trong đó có 144 vụ góp vốn kinh doanh đa cấp, tiền ảo... Đáng lưu ý là việc tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những vụ lừa đảo qua mạng lại còn thấp, chỉ đạt 30%. Tài sản bị chiếm đoạt lớn song quy trình, thủ tục về phong tỏa tài khoản mất nhiều thời gian. Việc truy vết theo dòng tiền bị chiếm đoạt kéo dài, nhất là khi tiền bị chuyển ra nước ngoài. Một số ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chậm hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xác minh các tin báo.

Theo các quy định pháp luật hiện hành, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật hiện hành. Nhà đầu tư tiền ảo đối mặt rủi ro mất giá trị rất cao so với khi sử dụng tiền tệ truyền thống được chính phủ hỗ trợ, thậm chí có nguy cơ mất trắng khi bong bóng tiền ảo có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.

Theo cơ quan chức năng, lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng chủ yếu là đầu tư tài chính hoặc ICO các đồng “tiền ảo”. 

Các đối tượng và nhà đầu tư trao đổi, liên hệ với nhau thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo...) và huy động thu lợi bằng tiền ảo thay vì đồng tiền Việt Nam (VNĐ) như trước đây. Theo số liệu của cơ quan chức năng, ước tính có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch “tiền ảo” với số tiền giao dịch hằng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. Chỉ riêng trên sàn giao dịch tiền ảo Remitano, khối lượng giao dịch hằng ngày giữa tiền ảo và tiền VNĐ vào khoảng từ 70-100 tỷ đồng, thời kỳ cao điểm có thể lên tới 300 - 400 tỷ đồng/ngày. Còn theo trang web “www.coin.dance”, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.615 tỷ đồng/tuần... Các sàn tiền ảo lớn đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex...

Một số mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay như: Đầu tư ngoại hối, ủy thác đầu tư tài chính; chào bán cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp; ICO các đồng tiền ảo; Mô hình giao dịch nhị phân. Tình hình vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với nhiều phương thức thủ đoạn mới. Theo đó các hành vi và thủ đoạn lừa đảo phổ biến là:

- Sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để tạo lòng tin cho nhà đầu tư tham gia như tổ chức các sự kiện hoành tráng, các diễn giả tham gia là những người giàu có, doanh nhân nổi tiếng, các nhân vật có địa vị trong xã hội (các cán bộ từng đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước...); các diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng.

- Tạo ra nguồn thu nhập thụ động lớn suốt đời với chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhà đầu tư chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại là có thể kiếm được hàng trăm triệu một tháng mà không phải làm gì nên đã thu hút được hàng triệu người tham gia.

- Sử dụng không gian mạng để quảng cáo, quảng bá sản phẩm trên các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội có nhiều thành viên tham gia nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

- Đưa ra một số giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc các giấy chứng nhận của nước ngoài để tạo niềm tin cho nhà đầu tư về tính hợp pháp của dự án đầu tư.

- Có sự cấu kết giữa các đối tượng người nước ngoài và Việt Nam trong tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để gây dựng lòng tin, đánh vào tâm lý sính ngoại của người tham gia để thu hút tiền nộp vào. Vòng đời của một sản phẩm các đối tượng lập ra rất ngắn (khoảng vài tháng) đến khi lôi kéo được số người tham gia lớn với số tiền lớn hoặc khi mất khả năng thanh toán, chi trả cho nhà đầu tư các đối tượng đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Trong vụ việc đồng tiền ảo IFan và Pincoin lừa đảo 15.000 tỷ đồng của 32.000 người chơi thì iFan và Pincoin đều là dự án huy động tiền ảo do một nhóm 7 người Việt Nam tạo ra nhưng được “gắn mác” dự án đến từ Singapore, Ấn Độ nhằm đạt được 2 mục đích là tạo uy tín với các nhà đầu tư và qua mặt cơ quan chức năng. Theo thống kê từ trang web “similarweb”, hơn 90% lượng truy cập vào hệ

thống này đến từ Việt Nam. IFan được Công ty Modern Teach quảng bá là ứng dụng công nghệ blockchain cho việc thanh toán và phân phối nội dung giải trí. Để thanh toán được qua công nghệ blockchain, những người thành lập dự án này đặt ra đồng tiền ảo có tên gọi là iFan, Pincoin và bắt đầu kêu gọi người tham gia. Modern Tech kêu gọi người tham gia mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin với cam kết: Nhà đầu tư phải mua lượng token tối thiểu là 1.000 USD sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Hấp dẫn hơn, nếu bất cứ ai lôi kéo được thêm người vào hệ thống, sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Xét lại thì bản chất của mô hình đầu tư này chính là kinh doanh “đa cấp” theo kiểu kim tự tháp (mô hình PONZI).

Cách thức mà những sàn Forex, tiền ảo này sử dụng là lợi dụng sự biến động giá và tính pháp lý của tiền ảo được một số nước công nhận để “lập lờ đánh lận con đen” hòng móc túi nhà đầu tư. Khi liên tiếp đánh sập 3 đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch forex, tiền ảo, Công an tỉnh Thanh Hóa đã vạch ra những chiêu trò mà các đối tượng lừa đảo sử dụng. Theo đó, các sàn giao dịch ngoại hối F5trader.com và Tradenew.io..., sử dụng công nghệ ghép nối siêu kỹ thuật số và thuật toán ma trận ghép nối thông minh của các cặp tiền ảo. Các đối tượng quản lý sàn này quảng cáo có thể tạo ra 3% lợi nhuận chỉ trong 1 giây. Thậm chí, các đối tượng này còn cam kết trả lãi khủng 30%/tháng, tương đương 360%/năm, cứ đầu tư là chắc thắng. Ngoài hứa hẹn lãi khủng, các sàn giao dịch này còn đưa ra chế độ hoa hồng cao, nếu người tham gia mời chào được người tham gia mới, lên đến 5 - 10% theo mô hình kim tự tháp. 

Vì vậy, các sàn nhanh chóng đã kêu gọi được hàng nghìn người trên địa bàn 11 tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Riêng tại Thanh Hóa đã có hơn 1.000 người. Tuy nhiên sau khi bị bắt, các đối tượng cầm đầu đã khai nhận, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo. Các đối tượng đã thuê lập trình ra các website, thực hiện các kỹ thuật đồ họa để điều khiển cho các chỉ số trên website thay đổi giống như sàn forex thật. Để làm cho người tham gia tin tưởng vào các sàn tiền ảo, forex tự xưng gắn mác quốc tế này, các đối tượng đã thiết kế website giao diện bằng tiếng Anh và đăng lên các giấy chứng nhận cấp phép giả của nước ngoài. 

Số tiền ảo như Bitcoin, ETH, USDT trên các sàn này đều do các đối tượng tự tạo ra, chỉ có giá trị giao dịch nội bộ, không thể giao dịch ở các sàn khác. Tương tự, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” có sử dụng tiền ảo để giao dịch đã bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái..., song vẫn có nhiều công ty, cá nhân âm thầm hoạt động chui.

Kinh nghiệm quốc tế về quản lý tiền ảo (cryptocurrency)

Năm 2013, Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính Hoa Kỳ (The Financial Crimes Enforcement Network- FinCEN) - Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã định nghĩa “tiền ảo là một phương tiện trao đổi hoạt động giống như một tiền tệ trong một số môi trường , nhưng không có tất cả các thuộc tính của tiền tệ thực”. Đặc biệt, tiền ảo không có tư cách đấu thầu hợp pháp ở bất kỳ khu vực tài phán nào.

Năm 2018, Chỉ thị (EU) 2018/843 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu có hiệu lực xác định thuật ngữ “tiền ảo” có nghĩa là “một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ được thành lập hợp pháp và không có tư cách pháp lý của tiền tệ hoặc tiền, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử”. 

Cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tiền điện tử - Ảnh 1.

Bảng 1: So sánh Tiền điện tử (Digital currency) và Tiền ảo/tiền mã hoá (Cryptocurrency) (Nguồn: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)

Cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tiền điện tử - Ảnh 2.

Bảng 2: So sánh Mã thông báo không thể thay thế (non-fungible tokens-NFT), Tiền điện tử (Cryptocurrency) và Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC) (Nguồn: Luqman Haqim, “ So sánh sự khác nhau giữa NFT, Tiền ảo và Tiền KTS”. Money Smart)

Vương quốc Anh

Mặc dù nước Anh chưa có luật trực tiếp quản lý hoạt động giao dịch tiền điện tử, việc cung cấp các dịch vụ như giao dịch các sản phẩm phái sinh của tài sản này vẫn cần được cấp phép. Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) đang tăng cường giám sát hoạt động giao dịch tiền điện tử, vốn đang trở nên phổ biến ở nước Anh cùng nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Kể từ tháng 1/2021, FCA đã yêu cầu tất cả các công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền điện tử phải đăng ký và cho thấy họ tuân thủ các quy tắc chống rửa tiền. Tuy nhiên vào đầu tháng 6/2021, mới chỉ có 5 công ty đáp ứng và phần lớn vẫn chưa tuân thủ yêu cầu trên của FCA. 

Thông báo ngày 25/6/2021, FCA đã yêu cầu Binance - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới - không tiến hành bất kỳ hoạt động nào tại nước này và đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng về nền tảng này. FCA cho biết pháp nhân chịu quản lý duy nhất của Binance tại Vương quốc Anh là Binance Markets Ltd không được thực hiện bất kỳ hoạt động tài chính cụ thể nào nếu không có sự đồng ý trước bằng văn bản của FCA. Tuy nhiên, công dân Anh vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ của Binance ở những khu vực pháp lý khác. Quyết định của FCA có hiệu lực ngay lập tức. Binance cũng phải bảo mật và lưu giữ tất cả các hồ sơ liên quan đến khách hàng tại Vương quốc Anh trước ngày 2/7/2021 và thông báo cho FCA theo thời hạn này. Cơ quan quản lý không giải thích lý do cho động thái trên.

Hoa Kỳ

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đề xuất cần xác minh danh tính người dùng (KYC) đối với các tài khoản tiền điện tử chuyển từ một sàn giao dịch tập trung sang các ví cá nhân. Theo đó, người dùng của các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung muốn chuyển số tiền của họ vào ví cá nhân hoặc của người khác, sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân chi tiết đối với các giao dịch lớn hơn 3.000 USD. Trong khi đó, các sàn giao dịch sẽ được yêu cầu báo cáo cá nhân hoặc tổ chức của các giao dịch lớn hơn 10.000 USD. Động thái này giúp đưa tiền điện tử đến gần hơn với hệ thống ngân hàng truyền thống, giúp mang lại sự an toàn cho các tổ chức đầu tư. 

Tuy nhiên, việc này có nguy cơ làm mất dần đi sức hút ẩn danh mà bấy lâu nay giới công nghệ vẫn tuyên truyền về nền tảng blockchain. Trong một thông cáo báo chí, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết quy tắc xác thực danh tính sẽ đóng lại các “lỗ hổng” xung quanh những báo cáo về giao dịch tiền ảo. Cụ thể, Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính toàn cầu (FinCEN) đánh giá rằng, có những yêu cầu quan trọng về an ninh quốc gia đòi hỏi một quy trình hiệu quả để đề xuất và thực hiện quy tắc này. Đồng thời FinCEN cũng chỉ ra việc các nhà chức trách Mỹ đã phát hiện ra nhiều kẻ xấu đang lợi dụng các lỗ hổng tài chính nhằm phục vụ các hoạt động tài trợ khủng bố quốc tế, mua bán vũ khí, rửa tiền xuyên quốc gia, cũng như mua bán các chất bị kiểm soát, hàng giả, phần mềm độc hại và các công cụ tấn công máy tính khác.

Liên minh châu Âu (EU)

Ngày 24/9/2020, Ủy ban châu Âu (EC) công bố các kế hoạch nhằm kiểm soát tiền điện tử, theo đó đề xuất những quy tắc có thể hạn chế sự phát triển của tiền số Libra và các dự án tương tự. Các kế hoạch trên bao gồm cả bộ quy tắc về tài sản tiền điện tử. Nếu được thông qua, những đề xuất này có thể giúp trấn an các nhà đầu tư cũng như giúp dễ dàng phát triển các hoạt động này ở quy mô rộng lớn hơn. Theo kế hoạch, những loại tiền số có giá trị nhất như Libra sẽ phải nằm dưới sự giám sát của Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA). EC cho biết cũng đang xem xét giám sát chặt chẽ hơn các hệ thống thanh toán trên khắp châu Âu. Dự kiến, đề xuất này sẽ được thảo luận tại Nghị viện châu Âu và các nước thành viên, và có thể mất vài tháng hoặc vài năm trước khi được thông qua thành luật. Các đồng tiền điện tử đã trở nên phổ biến trong giới đầu tư kể từ sau sự xuất hiện của Bitcoin, song nhà chức trách, các ngân hàng và công chúng vẫn lo ngại tính bảo mật và độ tin cậy của nó.

Ngày 20/7/2021 các nhà hoạch định chính sách của EU đề xuất những nỗ lực mới nhất nhằm thắt chặt quy định của lĩnh vực tiền điện tử sẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc đầy đủ của việc chuyển giao tài sản tiền điện tử, chẳng hạn như bitcoin, và sẽ cho phép ngăn chặn và phát hiện việc sử dụng chúng để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố theo đó các công ty chuyển bitcoin hoặc các loại tiền điện tử khác phải thu thập thông tin chi tiết về người gửi và người nhận để giúp các nhà chức trách truy quét tiền bẩn được gọi là quy tắc du lịch cho các giao dịch tiền điện tử để làm cho chúng có thể theo dõi được (vốn đã được áp dụng cho chuyển khoản ngân hàng). Một công ty xử lý mật mã cho khách hàng phải bao gồm tên, địa chỉ, ngày sinh, số tài khoản của khách hàng và tên của người sẽ nhận được mật mã. Nhà cung cấp dịch vụ của người nhận cũng phải kiểm tra xem có thiếu thông tin cần thiết nào không. Việc cung cấp ví tiền điện tử ẩn danh cũng sẽ bị cấm, giống như các tài khoản ngân hàng ẩn danh đã bị cấm theo các quy tắc chống rửa tiền của Liên minh châu Âu. Ủy ban châu Âu cho biết những đề xuất này được thiết kế để tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc giải quyết những mối đe dọa này và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong khi không tạo ra gánh nặng quy định quá mức cho ngành. Những đề xuất này cũng sẽ giúp ngành tài sản tiền điện tử của EU phát triển, vì nó sẽ được hưởng lợi từ khung pháp lý được cập nhật, hài hòa trên toàn EU. Các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu có tiếng nói cuối cùng về các đề xuất, có nghĩa là có thể mất hai năm để chúng trở thành luật.

Những đề xuất cho Việt Nam

Từ thực tế hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về tiền ảo và nó không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho an ninh tiền tệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội. Việt Nam cũng chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào; nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo không được pháp luật bảo hộ. Một số giải pháp cụ thể là:

Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và hoàn thiện khung pháp lý quản lý với tiền ảo, sàn giao dịch Forex, sàn giao dịch nhị phân BO...Tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo chưa được pháp luật quy định. Cần tập trung một số giải pháp như:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo các nhà đầu tư không bị lừa đảo, lôi kéo vào các hoạt động trá hình như: cho vay nặng lãi, kinh doanh đa cấp, nghe tư vấn của những người không có trình độ chuyên môn, không có bằng cấp, chứng chỉ. Người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo.

- Các trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư để môi giới, kinh doanh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi có đầy đủ chứng cứ thì cơ quan tố tụng (Công an, Viện kiểm sát và Toà án sẽ tiến hành xử lý theo quy định và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tiền điện tử - Ảnh 3.

Cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tiền điện tử - Ảnh 4.

Bảng 3: Quy định về quản lý tiền điện tử một số nước trên thế giới Nước Tính pháp lý Trao đổi tiền điện tử Quy định về trao đổi tiền điện tử Các quy định về tiền điện tử

Thứ ba, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số. Thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với phổ cập kiến thức và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tiền kỹ thuật số và thanh toán không dùng tiền mặt: tạo điều kiện cho các tổ chức có đủ uy tín, quy mô (có thể gồm cả các Fintech, Bigtech, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực kinh tế tư nhân) được phép cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng tiền kỹ thuật số, mobile money, ví điện tử trong các giao dịch thanh toán.

Tài liệu tham khảo:

1. Websites: Bộ Tài chính www.mof.gov.vn; Bộ Công An www.mop.gov.vn; Bộ TT&TT www. mic.gov.vn; Bộ Công Thương www.moit.gov.vn;

2. Luqman Haqim, "NFT vs cryptocurrency vs digital currency: What's the difference?". Money Smart. Chi tiết https://www.asiaone.com/money/nft-vs-cryptocurrency-vs-digital- currency-whats-difference

3. Crypto Regulations https://complyadvantage.com/knowledgebase/crypto-regulations/

4. Đặc san Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam năm 2020. Báo Đầu tư.

5. Báo/tạp chí: Đầu tư, Đầu tư chứng khoán, Lao động, Tuổi trẻ, Công an nhân dân, Tài chính, Ngân hàng.

6. Văn bản pháp luật: Quyết định số 1255/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền điện tử; Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền điện tử khác; Chỉ thị số 02-CT/NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền điện tử.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 - tháng 10/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tiền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO