Cần làm gì để cải thiện thứ hạng chính phủ điện tử?

Tuấn Trần| 12/11/2021 14:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Mục tiêu "Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử (CPĐT) (EGDI)" được nêu trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Trong chuỗi sự kiện thuộc "Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0" (Industry 4.0 Summit 2021), đã diễn ra hội thảo chuyên đề 6 với chủ đề "Xây dựng CPĐT tiến tới chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT đồng tổ chức vào ngày 11/11/2021.

Với mục đích nhằm đẩy mạnh triển khai thực Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi và làm rõ các nội dung về đẩy mạnh phát triển chính phủ số để hướng tới mục tiêu Việt Nam có chỉ số phát triển CPĐT, chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: "Kết quả của Hội thảo chuyên đề góp phần tích cực vào việc triển khai nghiên cứu phục vụ xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách CNH-HĐH đến năm 2030, tầm nhìn 2045" trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII vào tháng 10/2022 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện".

Hội thảo chuyên đề 6 đã diễn ra với 5 bài tham luận, bao gồm các nội dung về phát triển kinh tế số - con đường dẫn tới tương lai của Việt Nam; Vấn đề về tận dụng nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong các ngành dịch vụ; Số hóa nền thương mại nội địa bằng thế mạnh thương mại điện tử; Nền tảng số hay CĐS - động lực mới của ngành bất động sản; Dịch vụ nội dung số và cuộc cạnh tranh xuyên biên giới trên sân nhà. 

Cần làm gì để cải thiện thứ hạng quốc tế Chính phủ Điện tử? - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng EGDI của Việt Nam trong 4 lần công bố gần nhất. Nguồn: Hội Truyền thông số Việt nam.

Theo Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), EGDI của Việt Nam trong năm 2020 đã có cải thiện vượt bậc ở chỉ số hạ tầng viễn thông - TII (tăng 31 bậc), cải thiện ở chỉ số nhân lực - HCI (tăng 3 bậc). Nhưng đáng lưu ý là Việt Nam đã tụt hạng đáng kể ở chỉ số dịch vụ trực tuyến - OSI (giảm 22 bậc). Dù trong 4 lần liên tiếp xếp hạng, EGDI của Việt Nam đều có những cải thiện liện tục, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ xếp thứ 86 trên/193 quốc gia được đánh giá, và xếp thứ 6 tại Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, và Philippines. 

Trong khi đó, theo chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), mục tiêu "Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ Điện tử (EGDI)". Đây là thách thức lớn vì EGDI không chỉ bao gồm các chỉ số ICT (công nghệ thông tin - viễn thông), mà còn bao gồm cả các yếu tố về phát triển con người. Vậy trong những năm tiếp theo Việt Nam cần làm gì để tiếp tục cải thiện thứ hạng EGDI? 

Cải thiện dịch vụ trực tuyến

Theo ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký VDCA: "Việt Nam cần phải lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được nhiều người dân quan tâm, mức độ truy cập tiềm năng nhiều. LHQ có thống kê, các dịch vụ được người dân truy cập nhiều ở hầu hết các quốc gia là các dịch vụ về: khai sinh, khai tử, kết hôn, thuế, giấy phép lái xe, giấy phép kinh doanh, môi trường, căn cước công dân, thị thực (visa), bảo hiểm xã hội, thanh toán điện, nước, gas, nộp phạt vi phạm hành chính...". 

Đồng thời cũng cần tính đến đặc thù kinh tế xã hội của từng địa phương, và trọng tâm là các làng nghệ. Như vậy, Việt Nam cần phải đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến như: đăng ký kinh doanh, đăng ký sản phẩm mới, đăng ký khuyến mãi v.v... Cần nhắm tới việc trung cung cấp các dịch vụ mà người dân ở một khu vực nào đó quan tâm nhất. 

Vẫn theo ông Vũ Kiêm Văn: "Cần phân loại các DVCTT hướng tới từng đối tượng người dân khác nhau như: người trẻ, phụ nữ/đàn ông, người khuyết tật, người cao tuổi, người nhập cư, các dịch vụ công đặc biệt theo diễn biến xã hội (như dịch bệnh COVID-19 chẳng hạn)... việc phân loại này giúp các cơ quan nhà nước (CQNN) có thể xây dựng được các DVCTT phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp từ giao diện, tính năng, cách sử dụng... chứ không phải người trẻ tuổi thì được sử dụng giao diện giống với người cao tuổi... Lúc đó việc sử dụng của người dân mới đạt được mức độ tối ưu nhất".  

Các DVCTT cũng cần phải đảm bảo tính dễ sử dụng, tính liên tục và ổn định, vì không phải người dân nào cũng quá thông thạo về CNTT. Phải làm các dịch vụ mà cả những người không am hiểu về CNTT cũng có thể sử dụng được, và sử dụng trên bất cứ kênh nào, qua máy tính hoặc điện thoại di động. Để làm được những việc này, cần phải tăng cường phương thức thuê dịch vụ CNTT. Vì đây là quá trình doanh nghiệp (DN) liên tục đi cùng CQNN để thực hiện, khi có thay đổi, cần cải tiến, cập nhật... sẽ có doanh nghiệp sẵn sàng ở đó để thực hiện. 

Tiếp theo cần phải phát triển ứng dụng trên các nền tảng số (digital platform) có khả năng tuỳ biến và mở rộng nhanh, trong thời gian chỉ 1 - 2 ngày. Cung cấp dịch vụ đa kênh (PC/Mobile/API,...). Thực hiện các quy định về dịch vụ, coi người dân là khách hàng cần được chăm sóc.

Các cơ quan nhà nước cũng cần nâng cao mức độ chia sẻ thông tin tới người dân, đặc biệt là các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất như pháp luật, việc làm, bảo trợ xã hội, môi trường, y tế, giáo dục... Cung cấp thông tin trên Cổng DVCQG và các Cổng thông tin của quốc gia, Cổng thông tin của các bộ, các tỉnh, CQNN các cấp, và cung cấp trên môi trường đa kênh. 

Xây dựng mô hình "data-centric O2O digital government" 

"Data-centric O2O digital government" - "Chính phủ số vận hành dựa trên dữ liệu". Theo báo cáo của LHQ, xu thế từ năm 2020, CPĐT đã chuyển sang xu hướng là Chính phủ số. Vì vậy, báo cáo năm 2020 của LHQ có chủ đề là "Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững".   

Những đặc điểm hướng tới chính phủ số chính là việc lấy dữ liệu làm trung tâm. Quyết định dựa trên dữ liệu; mở dữ liệu; và dữ liệu là nguồn lực chủ chốt, là tài sản chiến lược của CQNN. Vì thế việc xây dựng mô hình Chính phủ số dựa trên dữ liệu là đặc biệt quan trọng. "Việt Nam cần mạnh dạn thiết lập các vị trí, vai trò nhân sự như là giám đốc thông tin (Chief Information Officer) của Chính phủ, hay giám đốc dữ liệu (Chief Data Officer) của Chính phủ bên cạnh các các chức năng hành chính hiện nay về quản lý CNTT nói chung", ông Vũ Kiêm Văn cho biết ý kiến.

Ngoài ra việc mở dữ liệu cũng quan trọng, bởi vì dữ liệu càng được sử dụng nhiều thì càng có giá trị. Chính vì vậy, việc mở dữ liệu để người dân, DN và các tổ chức kết nối, khai thác là quan trọng, để phát huy được hết tiềm năng dữ liệu mà Chính phủ đã thu thập được trong quá trình vận hành.    

Cần làm gì để cải thiện thứ hạng quốc tế Chính phủ Điện tử? - Ảnh 2.

Mô hình "data-centric O2O digital government". Nguồn: (VDCA).

Trạng thái bình thường số mới

Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, ngoài việc tác động chung đến văn hoá - kinh tế - xã hội của toàn thế giới, đối với EGDI, đại dịch COVID-19 cũng đã có tác động mạnh đến chỉ số phát triển nhân lực - HCI. Vì do đại dịch nên nhiều người dân không được tiếp cận với giáo dục, việc làm... Khi đại dịch xảy ra thì cũng đã cho thấy vai trò quan trọng của Chính phủ số. Ngay trong hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ vẫn có thể cũng cấp được các DVCTT, sự lãnh đạo của Chính phủ, tạo sự gắn kết xã hội, tăng cường sự hợp tác quốc tế. Và vai trò của chính phủ số vẫn sẽ tiếp tục trong và sau dịch bệnh.

Vì vậy, LHQ cho rằng, con đường phía trước có một khai niệm mới là "New digital normal" - "Trạng thái bình thường số mới" để đáp ứng các thách thức toàn cầu và theo đuổi sự phát triển bền vững.

Vấn đề đặt ra với chính phủ số Việt Nam, cần xây dựng chiến lược ngắn - trung - dài hạn để phát triển chính phủ số trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngắn hạn là phát triển các nền tảng công nghệ, chia sẻ thông tin kịp thời, thúc đẩy sự tham gia điện tử của người dân trong khi đại dịch diễn ra. 

Trung hạn là cung cấp các dịch vụ đào tạo từ xa, tăng cường đầu tư cho các địa phương và các tổ chức để triển khai các hoạt động công nghệ, hướng dẫn người dân tham gia vào những hoạt động trên môi trường số nhiều hơn. 

Dài hạn là đầu tư mạnh vào những công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, chuỗi khối, máy bay không người lái v.v... Đầu tư vào cơ sở hạ tầng ICT để nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế, và phát triển các công cụ tham gia cho nhóm công dân dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt là người di cư, người dân tộc thiểu số, người tàn tật... Đặc biệt cũng cần quan tâm đến việc bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình tham gia Chính phủ số. Và chính phủ số cũng cần phải đánh giá lại tất cả các chính sách đã thực hiện trong giai đoạn đại dịch vừa qua để xem xét các vấn đề cần phát huy và cả những vấn đề còn bất cập để cải thiện trong thời gian tới.

Bộ chỉ số CPĐT của Liên hiệp quốc (EGDI) được tính toán dựa trên:

3 chỉ số chính

Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI): Đánh giá dựa trên 5 tiêu chí (tính hiệu lực, tính tin cậy, tính mở, tính bao trùm, trách nhiệm giải trình) trực tiếp từ Cổng thông tin quốc gia, các Cổng thông tin cung cấp dịch vụ điện tử cũng như website của các Bộ quản lý lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phát triển kinh tế, lao động và việc làm, bảo vệ môi trường, an ninh - trật tự.

Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) gồm: (1) Số người dùng Internet trên 100 người; (2) Số thuê bao băng rộng cố định trên 100 người; (3) Số thuê bao băng rộng di động (3G/4G) trên 100 người; (4) Số thuê bao điện thoại cố định trên 100 người; (5) Số thuê bao điện thoại di động trên 100 người.

Chỉ số Phát triển nhân lực (HCI) gồm: (1) Tỷ lệ người lớn biết đọc biết viết; (2) Tỷ lệ đăng ký nhập học chung; (3) Số năm học kỳ vọng; (4) Số năm học trung bình.

3 chỉ số phụ

Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index - EPI ): Đánh giá sự tương tác điện tử giữa chính phủ và người dân. Năm 2020, Chỉ số EPI của Việt Nam có vị trí xếp hạng là 70/193, tăng 2 bậc so với năm 2018.

• Chỉ số Dịch vụ trực tuyến địa phương (Local Online Service Index - LOSI): Đánh giá sự phát triển dịch vụ trực tuyến của một số thành phố được chọn lựa trên thế giới. Năm 2020 chỉ đánh giá 86 thành phố. Việt Nam có TP. HCM được lựa chọn khảo sát, đánh giá, xếp hạng 42/86 thành phố được đánh giá và được xếp ở mức Chỉ số LOSI trung bình.

• Chỉ số Dữ liệu chính phủ mở (Open Government Data Index - OGDI): Năm 2020 là năm đầu tiên LHQ đánh giá Chỉ số Dữ liệu chính phủ mở (OGDI). Chỉ số OGDI của Việt Nam năm 2020 được xếp vào nhóm Chỉ số OGDI trung bình của thế giới, xếp hạng 97/193./.


Bài liên quan
  • Truyền thông để người dân đồng hành với chính phủ điện tử
    Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014- 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86 trong 193 quốc gia thành viên LHQ và vị trí thứ 6 ở Đông Nam Á (sau các quốc gia Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia).
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần làm gì để cải thiện thứ hạng chính phủ điện tử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO